Những Nhận Ðịnh của
Ðức Hồng Y Jaime Ortega Alamino
về Triều Giáo Hoàng của Ðức Gioan Phaolô II
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Những
Nhận Ðịnh của Ðức Hồng Y Jaime Ortega Alamino về Triều Giáo
Hoàng của Ðức Gioan Phaolô II.
(Radio
Veritas Asia - 26/11/2003) - Bản Tin của Hãng Thông Tấn Công Giáo
ZENIT, số phát hành ngày 24 tháng 11 năm 2003, đã phổ biến bài
phỏng vấn Ðức Hồng Y Jaime Ortega
Alamino, Tổng Giám Mục La HAVANA, thủ đô Cuba, về Triều Giáo
Hoàng của Ðức Gioan Phaolô II. Cuộc
phỏng vấn do Ðài Phát Thanh và Truyền Hình Tây Ban Nha thực
hiện. Mục thời sự hôm nay kính mời quý vị và các bạn
theo dõi phần thứ I của bài
phỏng vần nầy. Phần còn lại sẽ được gởi đến quý vị
trong mục Thời Sự ngày thứ
Năm 27 tháng 11 năm 2003.
Câu
Hỏi 1: Xin Ðức Hồng Y vui lòng
cho biết nhận định chung về Triều Giáo Hoàng của Ðức Gioan
Phaolô Ðệ Nhị?
Ðáp: Thật
không thể nào nói trong vòng vài phút về triều giáo hoàng
hết sức đặc biệt của Ðức Gioan Phaolô Ðệ Nhị. Ngài là
vị giáo hoàng được biết đến nhiều nhất trong lịch sử,
được nhiều người nhìn thấy nhất; Ngài đã đi khắp
nơi trên thế giới, với hơn 100 chuyến viếng thăm quốc tế;
Tất cả các sứ điệp, thông điệp, bài giảng, bài diễn văn
của ngài góp chung lại, có thể
in thành hàng chục tập sách; Ðức Gioan Phaolô Ðệ Nhị là vị giáo hoàng có tư tưởng sâu
xa, có tâm hồn vĩ đại; Ngài là con người của cầu nguyện,
vừa đồng thời dấn thân hoạt động không mệt mõi, vượt
qua những trở ngại của bệnh tật, của sự đau đớn thể xác
và của sự buồn phiền mà ngài phải mang lấy như
vị cha chung của tất cả mọi người nam nữ của thời đại
hôm nay đang phải chịu ảnh hưởng của nhiều sự dữ.
Lịch sử sẽ ghi nhớ Ðức
Gioan Phaolô Ðệ Nhị như là một "nhà tranh đấu", như một
chứng nhân trung kiên và can đãm của Chúa Giêsu Kitô, vào
thời điểm thế giới trở thành mồi ngon cho những ý thức hệ sai lầm.
Tình trạng lộn xộn nầy phát sinh trước hết từ cảm thức
thấy mình bị thiệt thòi và từ sự
ngờ vực kéo dài trong thời kỳ "chiến tranh lạnh",
với hậu quả là thái độ lãnh đạm có tính toán
nơi những thế hệ trẻ.
Ðức
Gioan Phaolô Ðệ Nhị đã không ngừng công bố cho thế giới
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô. Ngài đã không ngừng thách thức
thái độ lãnh đạm trước sự đói khát và thiếu
dinh dưỡng của biết bao người; ngài không ngừng sửa chữa
tác động tàn phá của sự nghèo cùng, nạn hạn hán, bệnh
liệt kháng, nhất là tại Châu Phi.
Ngài
đã không ngừng thức tỉnh lương tâm của những kẻ "có
đủ mọi sự" để họ thực hiện tình liên đới với những
anh chị em không có gì cả, ở khắp nơi trên thế giới. Những
lời nói của các vị giáo hoàng luôn luôn có tầm mức thế
giới; Và Ðức Gioan Phaolô Ðệ
Nhị đã ngỏ lời với một thế giới đang tiến tới tình trạng
toàn cầu hóa, một thế giới được liên lạc với nhau nhờ
các phương tiện kỷ thuật, nhưng lại thiếu vắng mối tương
quan liên đới, nhân bản và sống động.
Triều
Giáo Hoàng của Ðức Gioan Phaolô Ðệ Nhị
thể hiện "cố gắng to lớn"
khuấy động dòng lịch sử, làm cho lịch sử
không còn trong tình trạng ù lì bất động nữa.
Hỏi
2: Xin Ðức Hồng Y cho biết
Ðức Gioan Phaolô Ðệ Nhị đã đóng góp như thế nào cho giáo
huấn xã hội của Giáo Hội?
Ðáp: Trước
hết, chúng ta hãy nhắc đến việc
xuất bản Quyển Từ Ðiển về Giáo Huấn Xã Hội của Ðức
Gioan Phaolô Ðệ Nhị. Không những trong những thông điệp nổi
tiếng của ngài, như thông
điệp "Năm Thứ 100",
hay thông điệp "Mối Quan Tâm
Xã Hội", nhưng còn trong nhiều bài diễn văn, những bài
giảng, những bài thuyết trình của Ðức Gioan Phaolô Ðệ Nhị,
ta luôn gặp thấy những quy chiếu về các khía cạnh khác nhau
của Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội.
Thế
giới đã quen nghe Ðức Gioan
Phaolô Ðệ Nhị nói về con người và về xã hội, nhất là
nói về những quyền lợi của các cá nhân, về sự tự do
và về một nền dân chủ ít hay không có quan tâm nào đến sự phân
phối công bằng các tài
nguyên hay các dịch vụ chăm sóc xã hội cho người dân. Phải,
Ðức Gioan Phaolô Ðệ Nhị nhấn mạnh nhiều
đến việc chia sẽ các tài nguyên của trái đất và việc
cần đạt đến sự công bằng xã hội cho mọi người. Trong
khi đó, trong thực tế, những nhân quyền của các cá nhân bị
truất bỏ và một "Nhà Nước Ðộc Ðoán" đề ra chương trình
xã hội riêng theo ý mình.
Giáo
Huấn xã hội của Giáo Hội có đặc tính hòa hợp; và việc
thực hành giáo huấn nầy có thể được tóm gọn trong những
lời sau đây, trích từ bài giảng của
Ðức Gioan Phaolô Ðệ Nhị tại
Quảng Trường Cách Mạng ở Thủ Ðô Havana của Cuba, ngày 25
tháng Giêng năm 1998 như sau: "Ðối với nhiều chế độ chính
trị và kinh tế, thách thức vĩ đại nhất là tiếp tục giữ
vững khả năng dung hòa sự tự do với sự công bằng xã
hội, dung hòa sự tự do với tình liên đới, sao cho không
một yếu tố nào trong những điều vừa nói --- sự tự
do, sự công bằng xã hội, tình liên đới --- bị đưa xuống
hàng thứ yếu. Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội nhắm đến
việc soi sáng và dung hòa những tương quan giữa những quyền
lợi không thể bị xúc phạm của mỗi một người và những
nhu cầu của xã hội, sao cho con người đạt được những
khát vọng sâu xa nhất và được thể hiện chính mình cách toàn diện.
Hỏi
3: Xin Ðức Hồng Y cho biết về
Vai Trò của Ðức Gioan Phaolô Ðệ Nhị trong những diễn biến lịch
sử của thời Hậu-Chiến Tranh lạnh?
Ðáp: Kết
thúc chiến tranh lạnh, thế giới xem ra như ngừng lại. Và có
những người lên tiếng nói về việc
kết thúc lịch sử.
Nhưng
Ðức Gioan Phaolô Ðệ Nhị đã tăng thêm nghị lực cho thời
kỳ chuyển tiếp vào cuối một
ngàn năm và bắt đầu một ngàn năm mới khác,
nhờ vào sức mạnh của Tin Mừng. Ngài kêu gọi những
người Kitô hãy thực hiện công cuộc Tái Rao Giảng Phúc Âm
cho thế giới và mời gọi mọi dân nước hãy mở rộng cửa
đón nhận Chúa Giêsu Kitô.
Trong
những diễn biến lịch sử của
thời Hậu Chiến Tranh lạnh, tại Ðông Âu, tại Cuba, và tại
những nơi khác nữa trên thế giới, Ðức Gioan Phaolô Ðệ
Nhị đã không ngừng đề nghị việc Ðối Thoại như là con
đường để giải quyết những xung đột, cả khi điều nầy đòi
buộc sự hòa giải và tha thứ. Trước những thách thức to
lớn trên bình diện kinh tế đang ảnh hưởng trên sinh hoạt xã
hội của các dân nước, Ðức Gioan Phaolô Ðệ Nhị khuyến khích
hãy thực hiện tình liên đới với những kẻ yếu thế nhất.
Quý vị và các bạn thân mến, vừa rồi là những nhận định của Ðức Hồng Y Tổng Giám Mục La Havana, thủ đô Cuba, về Triều Giáo Hoàng của Ðức Gioan Phaolô Ðệ Nhị. Bài phỏng vấn nầy còn một phần nữa, chúng tôi sẽ phát trong mục thời sự ngày thứ Năm 27/11/2003. Mong quý vị và các bạn sẽ theo dõi.
(Radio
Veritas Asia 27/11/2003) - Quý vị và các bạn thân mến, trong
bài thời sự ngày thứ Tư 26/11/2003, chúng ta đã theo dõi
phần thứ nhất bài phỏng vấn ÐHY JAIME ORTEGA ALAMINO, Tổng
Giám Mục
La HAVANA, thủ đô CUBA, về 25 năm Triều Giáo Hoàng của
Ðức Gioan Phaolô II, vị giáo hoàng được nhiều người biết
đến, vị giáo hoàng của lời cầu nguyện, của sự dấn thân
phục vụ con người, của tình liên đối với người nghèo.
Ðức Gioan Phaolô II đã mời gọi mọi dân nước hãy mở
rộng mọi cửa đón nhận Chúa Giêsu Kitô.
Hôm
nay (Thứ Năm 27/11/2003), kính mời quý vị và các bạn theo dõi
tiếp phần còn lại bài phỏng vấn nầy, do hãng Truyền Thanh và
Truyền Hình Tây Ban Nha thực hiện, và được hãng tin Zenit phổ
biến hôm thứ Hai, ngày 24 tháng 11 năm 2003.
Câu
hỏi kế tiếp (câu thứ 4) là:
Ðức Hồng Y nhận định như thế nào về chuyến viếng thăm
của ÐTC Gioan Phaolô II tại
CUBA vào năm 1998?
Ðức
Hồng Y JAIME ORTEGA ALAMINO, đã trả lời như sau: Chuyến viếng
thăm của ÐTC tại Cuba vào năm 1998 là một trong những chuyến
viếng thăm được thế giới bàn đến nhiều nhất trước khi
chuyến viếng thăm xảy ra, và sau đó được giới truyền thông
theo dõi đặc biệt. ÐTC cũng đã hết sức mong ước thực
hiện chuyến viếng thăm nầy. Nhiều
người đã chú ý đến khía cạnh chính trị, như là cuộc
gặp gỡ giữa Ðức Gioan Phaolô Ðệ Nhị và Ông Fidel Castro.
Những kẻ khác nữa thì nhìn chuyến viếng thăm như là sự
hiện diện của vị đại diện vĩ đại nhất của những giá trị
Ðức Tin Kitô trong một quốc gia đã từng nằm trong khối cộng
sản.
Nhưng
những người công giáo Cuba, và cả chính Ðức Thánh Cha nữa,
thì nhìn chuyến viếng thăm như là "chuyến viếng thăm mục vụ
rất được mong ước từ lâu", một cuộc gặp gỡ giữa vị
chủ chăn toàn cầu với phần dân chúa sinh sống tại Cuba.
Ðức Gioan Phaolô Ðệ Nhị đến thăm, ngài củng cố các giám
mục trong sứ mạng của họ, gặp gỡ với các gia đình và giới
trẻ, với những bệnh nhân và với thế giới văn hóa; Ngài
để lại tia ánh sáng và niềm hy vọng trong tâm hồn người
công giáo Cuba và trong đất nước chúng tôi nói chung, ngõ
hầu giáo hội nhận lãnh sức hăng say mới và vững bền
trong việc thi hành sứ mạng của mình.
Ðó
là những mong ước của chúng tôi về chuyến viếng thăm; và
những mong ước nầy đã
được thực hiện trọn vẹn; còn những mong ước có tính cách
chính trị là những mong ước không có nền tảng, và không
được thực hiện như vậy.
Hỏi
5: Xin Ðức Hồng Y cho biết
liệu Ðức Gioan Phaolô Ðệ Nhị có để lại những
vấn đề gì cho người kế vị ngài hay không?
Trả Lời:
Mỗi thời đều có những vấn đề riêng; và điều
mà ngày hôm nay cho là vấn đề, thì ngày mai đã bị thay đổi
vì những hoàn cảnh khác. Vị giáo hoàng kế tiếp cũng sẽ
được Thiên Chúa ban cho nhiều ơn, để giải quyết những vấn
đề sẽ gặp phải lúc đó; nhưng
ngay từ bây giờ, chúng ta không thể nói trước những
vấn đề tương lai sẽ như thế nào, bởi vì mỗi một vấn đề
đều tùy thuộc vào thời gian trong đó vấn đề được khai
sinh.
Hỏi
6: Như đã nói, Ðức Gioan
Phaolô II là vị giáo hoàng được nhiều người nhìn thấy nhất.
Ngài đã nới rộng những ranh giới của Giáo Hội cho đến
tận cùng thế giới. Nhưng giáo huấn luân lý của ngài đã
bị chống đối hoặc bị lãng quên trong thế giới Tây Phương.
Thử hỏi có phải Giáo hội Công giáo đã bị người ta xem
như là một giáo hội có tính cách áp đặt trên kẻ khác
trong vấn đề liên quan đến trật tự luân lý, và như
thế, đã trở thành giáo hội của thiểu số, hay không?
Ðáp:
Chúng ta đừng quên rằng giáo huấn luân lý của Ðức
Gioan Phaolô II trước hết là việc phục vụ anh chị em xung quanh
vì tình thương, là cuộc chiến chống lại sự
ích kỷ của một nhóm hay của một cá nhân, và là lời
mời gọi liên lĩ hãy thực hiện tình liên đới. Giáo Huấn
Luân Lý Kitô rất đòi hỏi trong những lãnh vực vừa nói.
Chúng ta đừng rút gọn giáo huấn luân lý chỉ về những khía
cạnh phái tính, về tương quan vợ chồng, không mà thôi.
Thế
giới chúng ta đang sống, không phải là một thế giới hoàn
toàn xấu xa; đúng hơn, đây là một thế giới rất mong manh,
và những con ngưới nam nữ ngày nay đã bị "chìm" trong những
thực tại cảm giác đang vây
lấy họ.
Trước
những giải thích tâm lý và dựa trên con số về điều gì
là đúng và có thể chấp nhận được, thì dường như
người ta đã bị mất đi ý thức về điều gì là đúng
thật. Chúng ta đang đứng trước một con người xem ra như rất
được thông tin cho biết nhiều điều, nhưng lại là một con người
không được huấn luyện đầy đủ.
Người
ta không thể giữ im lặng trước cuộc khủng hoảng hiện nay. Sự
Thật cần phải được nhắc đi nhắc lại, mặc dù xem ra như có
ít người chấp nhận sự thật, và cả chối từ
những đòi buộc của sự thật đó nữa.
Luôn
luôn có ít người chấp nhận trọn vẹn sứ điệp của Chúa
Giêsu và những đòi buộc của sứ điệp đó
trên bình diện xã hội, chính trị, gia đình và đời sống
riêng tư cá nhân. Giáo Hội đã luôn luôn hành động, giống
như thể một người ném viên đá xuống mặt nước, tạo ra
những làn sóng đồng tâm, từ từ lan rộng ra, từ trong
trung tâm lan ra phía ngoài. Những
vòng tròn nhỏ, thì gần với điểm trung tâm, nơi viên đá rơi xuống mặt nước, và như thế
nhận lấy tác động của viên đá nhiều hơn. Ảnh hưởng
tác động của viên đá không dừng lại nơi những vòng tròn
nhỏ bên trong, nhưng lan rộng ra cho đến phía bên ngoài.
Ðức
Gioan Phaolô Ðệ Nhị biết như vậy và ngài đã hành động như
vậy, và Giáo Hội sẽ tiếp tục hành động giống như vậy. Ðây
là cách thức hành động như được Chúa
Giêsu nhắc đến trong các dụ ngôn
của ngài; như dụ ngôn hạt giống nhỏ trổ sinh nhiều hoa
trái, dụ ngôn men làm dậy bột. Sứ điệp của Chúa Giêsu
luôn luôn tác động trên những nhóm nhỏ và có tầm ảnh hưởng
phổ quát.
Hỏi
7: Ðức Gioan Phaolô II đã thay đổi dung mạo của vị Giáo
Hoàng. Vậy thử hỏi vị giáo hoàng kế tiếp Ðức Gioan
Phaolô II sẽ phải có những đức tính như thế nào?
Ðáp: Vị giáo hoàng
tương lai cần có những đức tính
phù hợp với con người linh mục, phù hợp với đường lối
tu đức, phù hợp với phương
thức của vị chủ chăn. Không ai có thể bắt chước giống
y như Ðức Gioan
Phaolô II, và cũng không ai muốn làm như thế.
Triều
giáo hoàng nổi tiếng của Ðức Piô XII xem ra không thể thay
thế được. Và Chân Phước Giáo Hoàng Gioan 23 đã làm cho
triều giáo hoàng của Ngài mang tính cách đơn sơ và đầy thân
tình. Vị giáo hoàng kế vị Ðức Gioan Phaolô II, chắc chắn sẽ
khác với Ðức Gioan Phaolô II;
nhưng tôi xác tín chắc chắn rằng Vị Giáo Hoàng tương lai đó
luôn luôn là người mà Chúa muốn chọn cho một thời kỳ đặc
biệt, trong lịch sử của giáo hội
cũng như trong lịch sử nhân
loại.
Quý vị và các bạn
thân mến,
Vừa rồi là những nhận định
của Ðức Hồng Y Jaime Ortega Alamino, Tổng Giám Mục
La Havana, Cuba về Ðức Gioan Phaolô II và triều giáo hoàng
của ngài.
Hẹn gặp lại quý vị và các bạn.
(Ðặng Thế Dũng)