Giáo hội Công giáo

và vấn đề di dân trên thế giới

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Giáo hội Công giáo và vấn đề di dân trên thế giới.

Vatican (Zenit 20/11/2003) - Phiên họp khoáng đại lần thứ V của Hội Ðồng Tòa Thánh đặc trách Mục Vụ Di Dân và Du Lịch đã được khai mạc hôm thứ Ba (18/11/2003) và kết thúc vào thứ Bảy (22/11/2003). Cuộc họp khoáng đại này được tổ chức mỗi 5 năm một lần. Trong phiên họp khoáng đại lần này dưới quyền chủ tọa của Ðức Hồng Y Stephen Fumio Hamao, chủ tịch Hội Ðồng, có khoảng 300 tham dự viên gồm các Hồng Y, Giám Mục, tu sĩ và giáo dân cũng như các chuyên gia về săn sóc mục vụ cho người di dân và tị nạn. Các vị Hồng Y thuyết trình viên tại phiên họp là Ðức Hồng Y Paul Poupard, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về Văn Hóa, Ðức Hồng Y Walter Kasper, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về Ðại Kết, Ðức Hồng Y Geraldo Majella Agnelo của Brazil, Ðức Hồng Y Jean Louis Tauran, ngoại trưởng sắp mãn nhiệm của Tòa Thánh, Ðức Hồng Y Godfried Danneels, Tổng Giám Mục Brussels bên Bỉ; và Ðức Hồng Y Theodore McCarrick, Tổng Giám Mục Washington-Hoa Kỳ. Ðại diện từ Liên Hiệp Quốc, giáo hội Anh Giáo, Liên Hiệp Tin Lành Luther Thế Giới, Hội Ðồng Ðại Kết Của Giáo Hội cũng có mặt trong phiên họp khoáng đại lần này.

Trong bài diễn văn khai mạc phiên họp, Ðức Hồng Y Fumio Hamao, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh đặc trách Mục Vụ Di Dân và Du Lịch, ghi nhận rằng di dân không phải là một hiện tượng mới lạ.

Thống kê cho thấy:

- Hoa Kỳ đứng đầu danh sách 15 quốc gia với số lượng người di dân đông nhất là 35 triệu người.

- Kế đến là Nga với 13 triệu 300 ngàn,

- Ðức (7 triệu 300 ngàn), Ukraine (gần 7 triệu),

- Pháp (6 triệu 300 ngàn),

- Ấn Ðộ (6 triệu 300 ngàn),

- Canada (5 triệu 800 ngàn).

- Các quốc gia kế tiếp trong danh sách là Ả Rập Saudi, Australia, Pakistan, Anh Quốc, Kazakhstan, Ivory Coast, Iran và Israel.

Người di dân cũng có thể là những người phải rời bỏ quê hương của họ đến một quốc gia khác vì lý do việc làm, hay du lịch. Hội Ðồng Tòa Thánh Ðặc Trách Mục Vụ cho Người Di Dân và Du Lịch chú trọng đến thành phần di dân vì lý do chiến tranh, bách hại tôn giáo hay do nạn đói.

Theo cha F. Michael Blume, phó tổng thư ký của Hội Ðồng, thì trại tị nạn không phải là những nơi lý tưởng. Nhưng người tị nạn sống trong trại không bị lẻ loi vì có những nhóm mục vụ và ngay cả người từ các giáo xứ luôn ở bên cạnh họ. Ðó thường khi là linh mục, nữ tu, giáo dân hay giáo lý viên, những người luôn sẵn sàng lắng nghe những kinh nghiệm đau thương của người tị nạn trong quá khứ, hỗ trợ tinh thần và săn sóc mục vụ qua Lời Chúa và ban các bí tích. Qua sự tiếp xúc với người tị nạn, các nhân viên săn sóc mục vụ cũng không tránh khỏi liên can tới chuyện chánh trị trong vấn đề di dân. Cha Michael Blume bày tỏ cảm nghĩ như sau: "Nhiều lúc giáo hội địa phương lên tiếng để bảo vệ người tị nạn, để nhân phẩm của họ được tôn trọng. Các hoạt động mục vụ này đặt giáo hội trước những câu hỏi cả về mặt nhân đạo và chính trị.

Chính trị trong vấn đề di dân là một đề tài phức tạp, bắt đầu từ câu hỏi: "Người di dân là ai? Trả lời cho câu hỏi này, giáo sư Stefano Zamagni, giám đốc Ủy Ban Di Dân Công Giáo Quốc Tế (ICMC) trụ sở tại Geneve, đã nói như sau: "Một trong những vấn đề phức tạp nhất của thời đại chúng ta liên quan tới chính sách tị nạn là ở chỗ những thành phần này bị coi là những người di dân kinh tế lợi dụng chính sách di dân của các chính phủ. Thực là điều sai lầm nếu so sánh đói kém với bất an. Chạy trốn nạn đói không giống như chạy trốn bách hại. Những người xin tị nạn có thể là học sinh, nhà ngoại giao và doanh gia. Họ sẵn sàng trả một số tiền lớn để nhận được qui chế tị nạn và biết rõ mình muốn đến định cư ở quốc gia nào. Tình trạng này dẫn đến việc một số quốc gia Tây Phương, nơi đa số người tị nạn muốn đến định cư, phải ban hành các biện pháp giới hạn về di dân, đưa đến những thay đổi trong tiêu chuẩn bảo vệ cho người tị nạn; và đồng thời cũng tạo cơ hội làm tiền cho những thành phần chuyên đưa người di dân bất hợp pháp. Lập luận từ các nước Tây Phương là: nếu đa số những người di dân không phải thực sự là người tị nạn mà là di dân vì lý do kinh tế, thì nên hủy bỏ những luật lệ cho người tị nạn bởi vì chúng không còn hiệu quả cho mục đích của những luật lệ đó... Qui ước Geneva về người tị nạn không nêu rõ thủ tục phải theo khi cứu xét qui chế tị nạn. Mỗi quốc gia có chính sách tị nạn riêng sao cho phù hợp với cơ cấu luật pháp và quản trị của quốc gia đó. Ðiều này giải thích tại sao vẫn còn tình trạng hỗn loạn trong vấn đề di dân và tị nạn ngày nay".

Trong khi các chính phủ tiếp tục tranh luận làm thế nào để giải quyết những áp lực xã hội ngay tại quốc gia của họ, Giáo hội Công giáo đang làm những gì có thể để giúp cho những người di dân và tị nạn. Tuy nhiên giáo hội cần sự hỗ trợ, cả về mặt tinh thần và tài chánh. Một trong các thuyết trình viên tại phiên họp về Mục Vụ cho người Di Dân và Tị Nạn, Ðức Hồng Y Theodore McCarrick, Tổng Giám Mục Washington, đã bày tỏ ý nghĩ cuối bài diễn văn của ngài rằng, có lẽ đã tới lúc nên xin ÐTC công bố một tông thư về người di dân. Ý tưởng này của Ðức Hồng Y McCarrick đã được nhiều tham dự viên hưởng ứng. Một đại diện từ Âu Châu đã nói như sau: "Tôi hoan nghênh Ðức Hồng Y McCarrick qua ý tưởng nên có một tông thư từ ÐTC về người di dân. Ðiều này chứng tỏ ngài hiểu rõ vấn đề này quan trọng như thế nào".

 

(Việt Hùng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page