Những phản ứng sau việc
ÐTC Gioan Phaolô II chỉ trích
Israel xây tường chia cách
lãnh thổ Do Thái và Palestine
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Những
phản ứng sau việc ÐTC Gioan Phaolô II chỉ trích Israel xây tường
chia cách lãnh thổ Do Thái và Palestine.
(Radio
Veritas Asia 17/11/2003) - Quí thính giả, các bạn thân mến. Trong
buổi đọc kinh Truyền Tin vào trưa Chúa Nhật (16/11/2003), ÐTC Gioan
Phaolô II lần đầu tiên đã chỉ trích việc Israel dựng lên các
bức tường an ninh, chia cách lãnh thổ Palestine và Israel. ÐTC
tuyên bố như sau: "Thánh Ðịa không cần những bức tường,
nhưng cần những chiếc cầu. Tôi lên án tất cả những vụ
bạo động xảy ra gần đây tại Thánh Ðịa. Ðồng thời, tôi
cũng xin nhấn mạnh là rất tiếc, tiến trình hòa bình tại đây
xem ra đã bị đình trệ. Việc xây các bức tường chia cách
người dân Palestine và Israel có thể được coi là một cản
trở mới trên con đường dẫn tới sự chung sống hòa bình
giữa hai dân tộc".
Theo
chính phủ Israel, mục đích của bức tường này là để ngăn
ngừa các tay khủng bố Palestine xâm nhập vào lãnh thổ Israel.
Theo kế hoạch của Israel thì bức tường này sẽ dài khoảng
350 cây số. Tùy theo địa hình, có những nơi sẽ là hàng rào
kẽm gai, có những nơi là tường xi măng. Ngày 21 tháng 10
năm 2003, Hội đồng khoáng đại Liên Hiệp Quốc đã thông qua
một nghị quyết, gọi quyết định
xây bức tường chia cách lãnh thổ Israel và Palestine là đi
ngược lại với luật pháp quốc tế. Nghị quyết này ra lệnh
cho Israel phải ngưng công trình xây bức tường này trên lãnh
thổ Palestine. Phía Palestine thì cho rằng bức tường này là một
toan tính để chiếm đất của người Palestine vì vị trí của bức
tường không theo đúng biên giới đã có sẵn và được
quốc tế công nhận, trước ngày xảy ra cuộc chiến chớp nhoáng
vào năm 1967.
Theo
sau lời phê bình của ÐTC, các nhà lãnh đạo công giáo tại
Thánh Ðịa đã giải thích tại sao Ðức Gioan Phaolô II đề cập
đến những rào cản do chính phủ Israel dựng lên. Theo Ðức Tổng
Giám Mục Pietro Sambi, sứ thần Tòa Thánh tại Jerusalem, thì bức
tường đang được Israel dựng lên chia cách trường học khỏi
các em học sinh, chia cách bệnh nhân khỏi những trung tâm y tế,
chia cách các công nhân khỏi nơi làm việc của họ; và chia
cách các thân nhân trong gia đình. Ðức Tổng Giám Mục Sambi
đã nói qua đài phát thanh Vatican như sau: "Một bức tường
chưa bao giờø trở thành biểu tượng của hòa bình... Tôi đã
thông báo cho chính quyền Israel biết là bức tường nhắm mục
tiêu chia cách lãnh thổ Israel và Palestine, thì cũng chia đôi
các tu viện, các dòng tu, nhà thờ; và nghĩa trang". Về phần
mình, linh mục Giovanni Battistelli, thuộc dòng Phanxicô, vị quản
thủ Thánh Ðịa đã nói qua đài phát thanh Vatican như sau: "Ðiều
mà chúng ta cần là tình yêu có sức hiệp nhất, chứ không
phải những phương tiện để chia cách, vì chúng chỉ mang lại
oán hận, thù ghét, và bất công".
Lời
phê bình của ÐTC Gioan Phaolô II về bức tường do Israel dựng
lên, đã gặp sự phản đối mạnh mẽ từ phía chính phủ nước
này, cũng như từ ông Elie Wiesel, một văn sĩ người Do Thái
sống sót từ trại tập trung Auschwitz và từng đoạt giải thưởng
Nobel.
Thứ
Hai 17/11/2003 là ngày thủ tướng Ariel Sharon của Israel bắt đầu
chuyến viếng thăm 3 ngày tại Ý. Một viên chức cao cấp tháp
tùng thủ tướng Sharon, xin dấu tên, đã nói là Israel hoàn
toàn bác bỏ lời phê bình của Ðức Gioan Phaolô II liên quan
tới bức tường an ninh của Israel. Viên chức này cho biết
Israel không có ý định tạo sự rạn nứt trong quan hệ với
Ðức Gioan Phaolô II, nhưng cũng không muốn ngưng công trình xây
bức tường, mà Israel cho là bức tường bảo vệ Israel khỏi
sự xâm nhập của các phần tử khủng bố Palestine, khi mà
trong một tuần lễ có tới hơn 40 vụ "báo động bom" tại
Israel. Viên chức này phát biểu như sau: "Xem ra Ðức Giáo Hoàng
cũng xuôi theo bầu khí chống Do Thái tại Âu Châu hiện nay,
trong đó người ta phải lên án Israel, khi người ta muốn lên
án chủ nghĩa khủng bố".
Trong
cuộc phỏng vấn với một nhật báo "Người Ðưa Tin Chiều"
vào hôm thứ Hai (17/11/2003), ông Elie Wiesel đã cáo buộc Ðức
Gioan Phaolô II can dự vào chuyện chính trị, và theo ông, có lẽ
sẽ tốt hơn nếu ÐTC công bố một tuyên ngôn lên án khủng
bố và hành vi sát hại những người vô tội, mà không pha
lẫn nhận xét chính trị; và trên hết là không nên so sánh
một hành động tự vệ của người Israel. Ông Wiesel bày tỏ
cảm nghĩ như sau: "Tôi
thực sự mong đợi một điều gì khác từ nhà lãnh đạo của
một trong những tôn giáo lớn nhất trên thế giới. Chính trị
hóa khủng bố như thế là sai lầm. Kẻ chủ mưu vụ tấn công
vào đền thờ Do Thái Giáo tại thủ đô Istanbul, không giết
người bởi vì bức tường kia, nhưng bởi vì họ ghét người
Do Thái. Ðức Giáo Hoàng phải hiểu được điều này và lên
án nó".
Ông
Elie Wiesel cho biết ông ủng hộ quyết định của chính phủ Israel
dựng bức tường để ngăn không cho các tay khủng bố
Palestine xâm nhập vào lãnh thổ Israel. Ông nói tiếp như sau:
"Ðiều khác biệt giữa bức tường này với khủng bố là
sự chia cách bởi bức tường không làm cho ai bị chết, nhưng
hơn thế nó còn cứu được nhiều sinh mạng. Trong những năm
gần đây, Ðức Giáo Hoàng đã hoạt động liên lỉ chống lại
óc bài Do Thái dưới bất cứ hình thức nào. Và chính bởi
vì vậy, một nhân vật ở vị thế của ngài, biết rõ tầm
quan trọng từ lời phát biểu của ngài, thì cần phải cẩn
thận hơn và lên án khủng bố cách cụ thể.
Ðó
là vài phản ứng đối với việc ÐTC Gioan Phaolô II phê bình
Israel xây lên Bức Tường phân chia ranh giới giữa Israel và
Palestine.
Hẹn gặp lại quý vị và các bạn.
(Việt Hùng)