Lướt qua vài biến cố chính

trong 25 năm triều giáo hoàng

của Ðức Gioan Phaolô II

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Lướt qua vài biến cố chính trong 25 năm triều giáo hoàng của Ðức Gioan Phaolô II.

(Radio Veritas Asia 16/10/2003) - Quí thính giả, các bạn thân mến. Thứ Năm (16/10/2003) là đúng kỷ niệm 25 năm triều Giáo Hoàng của Ðức Gioan Phaolô II. Trong bài thời sự hôm thứ Tư 15/10/2003, chúng tôi đã đề cập đến một vài kỷ lục của Ðức Gioan Phaolô II trong suốt 25 năm qua. Hôm nay mời quí vị theo dõi tiếp những mốc điểm quan trọng của những năm triều giáo hoàng Gioan Phaolô II.

Sau khi bị tay khủng bố người Thổ Nhĩ Kỳ ám sát vào ngày 13 tháng 5 năm 1981, Ðức Gioan Phaolô II phục hồi sức khỏe của ngài và tiếp tục công tác chủ chăn giáo hội hoàn vũ. Tuy là những vết thương trên người của ngài, đặc biệt là viên đạn trúng vào bụng cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho sức khỏe của ngài bị ảnh hưởng cho đến bây giờ.

- Vào cuối tháng 5 sang đầu tháng 6 năm 1982, Ðức Gioan Phaolô II viếng thăm mục vụ Anh Quốc và Argentina. Trong chuyến đi này, ngài đã nỗ lực muốn làm trung gian cho cuộc tranh chấp giữa hai quốc gia này về chủ quyền tại quần đảo Falklands.

- Năm 1983 đánh dấu một vài biến cố quan trọng trong vai trò của ngài dẫn đến sự sụp đổ của chế độ cộng sản tại Ðông Âu.

- Vào ngày 4 tháng 3 năm 1983 này, Ðức Gioan Phaolô II viếng thăm Nicaragua, quốc gia vùng Châu Mỹ La Tinh đang sống dưới quyền cai trị của đảng Sandino, theo khuynh hướng cộng sản.

- Vào ngày 16 tháng 6 năm 1983, ÐTC trở lại viếng thăm quê hương Ba Lan lần thứ 2 mặc dù có lời cảnh cáo từ chính quyền cộng sản Ba Lan giữa lúc quốc gia này đang ở trong tình trạng thiết quân luật.

- Ngày 28 tháng 12 năm 1983, Ðức Gioan Phaolô II viếng thăm kẻ ám sát ngài là anh Ali Agca tại nhà tù ở Roma. Trong dịp này, ngài đã tha thứ cho anh.

- Ngày 12 tháng 6 năm 1984, ÐTC đến viếng thăm Hội Ðồng Các Giáo Hội Ðại Kết tại Genève, Thụy Sĩ. Một tháng sau đó, vào ngày 7 tháng 7 năm 1984, ngài lên án chế độ phân biệt màu da tại Nam Phi.

- Năm 1984 cũng là năm đánh dấu một vài biến chuyển quan trọng về mặt ngoại giao giữa Tòa Thánh và Liên Bang Sô Viết.

- Ngày 19 tháng 2 năm 1985, thủ tướng Do Thái là ông Shimon Perez viếng thăm ÐTC tại Vatican. Ngày 27 tháng 2 cùng năm 1985, ngoại trưởng Liên Xô là ông André Gromyko viếng thăm ÐTC. Cuối năm 1985, vào ngày 17 tháng 11, ÐTC Gioan Phaolô II gửi sứ điệp riêng cho hai nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ và Liên Xô, là tổng thống Ronald Reagan và lãnh tụ Mikhail Gorbachev, nhân cuộc họp thượng đỉnh giữa hai người.

- Năm 1986: Vào ngày 13 tháng 4, cuộc viếng thăm lần đầu tiên của một vị giáo hoàng tại Ðền Thờ Do Thái Giáo. Ðức Gioan Phaolô II bất ngờ đến thăm Ðền Thờ Do Thái chính tại Roma và cùng cầu nguyện với vị  Giáo Trưởng Elio Toaff. Ngày 27 tháng 10 cùng năm 1986, Ðức Gioan Phaolô II tham dự Ngày Thế Giới Cho Hòa Bình đầu tiên do ngài chủ xướng. Khoảng 60 vị đại diện các giáo hội kitô và không kitô đã có mặt trong ngày cầu nguyện này tại Assisi.

- Năm 1987: Ngày 6 tháng 6, tổng thống Ronald Reagan của Hoa Kỳ chính thức viếng thăm Tòa Thánh. Ngày 3 tháng 12, năm 1987 đánh dấu một bước tiến đại kết qua cuộc viếng thăm Tòa Thánh của Ðức Thượng Phụ Ðại Kết thành Constantinopoli. Ngày 30 tháng 12 cùng năm 1987, ÐTC công bố thông điệp "Những Quan Tâm Xã Hội" --- (Sollicitudo Rei Socialis) --- trong đó ngài chỉ trích những ý thức hệ kinh tế và chính trị của cả Tây Phương và Ðông Phương.

- Năm 1989, biến cố quan trọng nhất được cả thế giới chú ý, đó là cuộc viếng thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo Liên Xô, ông Mikhail Gorbachev tại Vatican.

- Năm 1991: Ngày 15 tháng Giêng, ÐTC gửi thư cho hai tổng thống Ronald Reagan của Hoa Kỳ và Tổng thống Saddam Hussein của Iraq kêu gọi tránh cuộc chiến Vùng Vịnh. Ngày 4 tháng 3 năm 1991, ÐTC họp với các vị chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục của các quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cuộc chiến vùng Vịnh. Ngày 15 tháng 8 năm 1991, ÐTC trở lại Ba Lan, đến Czestochowa để chủ tọa Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 6.

- Ngày 12 tháng 7 năm 1992, ÐTC trở lại bệnh viện để được giải phẫu mổ cục bướu lành trong ruột.

- Năm 1993: Trong chuyến viếng thăm thành phố Sicily bên Ý, Ðức Gioan Phaolô II đã lên án các tổ chức tội phạm Mafia. Ngày 6 tháng 8 cùng năm 1993, ÐTC công bố thông điệp "Sự Sáng Ngời của Chân Lý" (Veritatis Splendor). Thông điệp này tái khẳng định những quan điểm truyền thống của giáo hội đối với luân lý và đạo đức. Ngày 4 tháng 9 năm 1993, ÐTC thực hiện cuộc viếng thăm đầu tiên tại các quốc gia thuộc cựu Liên Bang Sô Viết, gồm Lithuania, Latvia và Estonia. Ngày 11 tháng 11 năm 1993, ÐTC té và bị gãy xương vai bên phải. Ngày 30 tháng 12 năm 1993, ÐTC ký hiệp ước về nguyên tắc cơ bản,  điều chỉnh quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Do Thái.

- Ngày 28 tháng 4 năm 1994, ÐTC bị té trong phòng tắm và gãy xương hán. Ngày 8 tháng 9 năm 1994, ÐTC cử hành thánh lễ đặc biệt tại nhà nghỉ mát ở Castelgandolfo cho Bosnia-Hercegovina sau khi Tòa Thánh hủy bỏ chuyến viếng thăm được dự trù tại Sarajevo. Ngày 25 tháng 10 năm 1994, Tòa Thánh bắt đầu liên lạc chính thức và thường xuyên với Tổ Chức Giải Phóng Palestine.

- Năm 1995: Ngày 11 tháng Giêng: Ðức Gioan Phaolô II chủ tọa ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 10 tại Manila, với khoảng 4 triệu người tham dự. Ðây được coi là số đông lớn nhất trong những lần gặp gỡ của ÐTC. Ngày 25 tháng 3 năm 1995, ÐTC công bố thông điệp "Tin Mừng Của Sự Sống" (Evangelium Vitae), dứt khoát bày tỏ lập trường của ngài chống ngừa thai và trợ tử (euthanasia).

- Năm1996, vào ngày 7 tháng 10, Ðức Gioan Phaolô II trải qua cuộc giải phẫu ruột thừa.

- Năm1998: Ngày 22 tháng Giêng, ÐTC viếng thăm Cuba lần đầu tiên và gặp chủ tịch Fidel Castro. Ngày 12 tháng 3 năm 1998, ÐTC ký tài liệu: "Chúng Ta Nhớ: Suy Tư về Cuộc Thảm Sát người Do Thái (We Remember: A Reflection on the Shoah).

- Năm 1999: Từ ngày 5 đến 17 tháng 6, ÐTC thực hiện cuộc viếng thăm kéo dài 13 ngày tại Ba Lan. Ðây là chuyến viếng thăm thứ tư của ngài tại quê hương; và là chuyến viếng thăm mục vụ dài nhất ngoài Italia.

- Năm 2000: Vào ngày 24 tháng 2, ÐTC viếng thăm Ai Cập trong cuộc hành hương năm Thánh 2000, tới những miền đất của Kinh Thánh. Ngày 12 tháng 3 năm 2000, vị chủ chăn giáo hội hoàn vũ đưa ra lời xin lỗi mà chưa có vị tiền nhiệm nào của ngài làm, xin tha thứ cho những lỗi lầm và sai phạm trong suốt 2,000 năm lịch sử của giáo hội. Vào tháng 3 cùng năm 2000, từ ngày 20 đến ngày 26 tháng 3, ÐTC viếng thăm Israel lần đầu tiên, 36 năm sau chuyến viếng thăm của Ðức Phalô VI. Chuyến viếng thăm Israel của Ðức Gioan Phaolô II cũng nằm trong chương trình hành hương Thánh Ðịa, theo dấu chân của Môi Sen và Chúa Giêsu. Trong một nghi thức đầy cảm động tại Ðài Tưởng Niệm Người Do Thái ở Jerusalem và lần khác tại Bức Tường Than Khóc (Wailing Wall), Ðức Gioan Phaolô II đã lập lại lời xin lỗi người Do Thái vì những lỗi lầm của giáo hội.

- Năm 2001: Từ ngày 4 đến ngày 9 tháng 5, ÐTC viếng thăm Hy Lạp và Syria. Tại thủ đô Damascus của Syria, Ðức Gioan Phaolô II trở thành vị giáo hoàng đầu tiên bước chân vào Ðền thờ  của Hồi giáo tại một nước Hồi Giáo. Ngày 23 đến ngày 27 tháng 6 năm 2001, ÐTC viếng thăm Ukraine trong hoàn cảnh có sự căng thẳng giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống, đi kèm với sự phản đối từ Tòa Thượng Phụ chính thống giáo Mascơva.

- Năm 2002: Ngày 24 tháng Giêng, ÐTC triệu tập buổi cầu nguyện cho hòa bình tại Assisi, để xin Thiên Chúa giải trừ hiểm họa của khủng bố và các cuộc tranh chấp. Ngày 11 tháng 2 năm 2002, Vatican thiết lập 4 giáo phận mới tại Nga. Quyết định này của Tòa Thánh đã bị Giáo hội Chính thống Nga cho là một hành động thiếu thân thiện đối với Giáo hội Chính thống Nga. Sau đó, Tòa Thánh hủy bỏ chuyến đi của Ðức Hồng Y Walter Kasper, người đặc trách công tác đại kết của Giáo hội Công giáo. Ngày 16 đến 19 tháng 8 năm 2002, ÐTC viếng thăm quê hương Ba Lan lần thứ 8 và hứa với đồng hương là sẽ tiếp tục làm giáo hoàng cho đến khi qua đời.

- Năm 2003: Ngày 17 tháng 4, Ðức Gioan Phaolô II công bố thông điệp thứ 14 về Bí Tìch Thánh Thể. Thông điệp này nhấn mạnh tới tầm quan trọng của thánh lễ và xác định Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch và là chóp đỉnh của đời sống kitô. Ngày 5 đến ngày 9 tháng 6 năm 2003, ÐTC viếng thăm Croatia. Ðây là chuyến công du thứ 100 ngoài Italia. Ngày 24 tháng 9 năm 2003, ÐTC thực hiện chuyến viếng thăm Slovakia. Trong chuyến đi này, tình trạng sức khỏe của ngài được giới truyền thông đặc biệt chú ý. Trở về lại Vatican, Tòa Thánh đã hủy bỏ một buổi tiếp kiến chung hằng tuần vì lý do sức khỏe: ÐTC bị xáo trộn ở đường ruột. Ðây là lần thứ tư trong vòng một thập niên, ÐTC không thể chủ tọa buổi tiếp kiến chung vì lý do sức khỏe.

 

(Việt Hùng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page