Tường thuật buổi tiếp riêng

giữa ÐTC Gioan Phaolô II và

Ðức Tổng Giám Mục Canterbury của Anh Giáo

Ðức Rowan Douglas Williams

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Tường thuật buổi tiếp riêng giữa ÐTC Gioan Phaolô II và Ðức Tổng Giám Mục Canterbury của Anh Giáo, Ðức Rowan Douglas Williams.

Vatican (Vat 4/10/2003) - Lúc 11 giờ trưa thứ Bảy, mùng 4 tháng 10 năm 2003, ÐTC Gioan Phaolô II tiếp kiến riêng Ðức Tổng Giám Mục Rowan Douglas Williams, Tổng Giám Mục Canterbury, vị đứng đầu Liên Hiệp Anh Giáo trên toàn thế giới. Mục thời sự  hôm nay kính mời quý vị và các  bạn theo dõi vài điểm nội dung chính của bài diễn văn quan trọng của ÐTC trong dịp nầy. Mở đầu bài ngỏ, ÐTC đã nói như sau:

Tôi hết sức vui mừng chào đón Ngài nơi đây, nhân dịp ngài viếng thăm Tòa Thánh, lần đầu tiên với tư  cách là Tổng Giám Mục Canterbury. Ngài tiếp tục truyền thống đã được bắt đầu trước Công Ðồng Vatican II, với chuyến viếng thăm của Ðức Tổng Giám Mục Geoffrey Fisher; và ngài là vị Tổng Giám Mục Canterbuty thứ tư mà Tôi được dịp đón tiếp, trong triều giáo hoàng của Tôi. Tôi cũng còn nhớ rõ lần tôi viếng thăm Canterebury vào năm 1982, và kinh nghiệm cảm động được cùng với Ðức Tổng Giám Mục Robert Runcie cầu nguyện nơi Mộ của Thánh Tomas Becket.

Bốn thế kỷ tiếp liền cuộc chia rẽ đau buồn giữa chúng ta --- và trong thời gian đó có rất ít hoặc không có tiếp xúc nào giữa những vị tiền nhiệm của chúng ta --- đã nhường chỗ cho những cuộc gặp gỡ đầy hồng phúc giữa vị giám mục Roma, kế vị Thánh Phêrô, và vị Tổng Giám Mục Canterbury. Những lần gặp gỡ nầy đã nhắm đến mục tiêu canh tân những liên lạc giữa tòa Tổng Giám Mục Canterbury và Tòa Thánh; những liên lạc đó đã bắt nguồn với việc Ðức Giáo Hoàng Gregory Cả sai thánh Augustinô, vị Tổng Giám Mục đầu tiên của Canterbury, đến với vương quốc Anglo-Saxon, vào cuối thế kỷ thứ 6. Vào thời của chúng ta đây, những cuộc gặp gỡ nầy cũng thể hiện cho việc chúng ta chuẩn bị trước cho sự hiệp thông hoàn toàn mà Chúa Thánh Thần mong muốn cho chúng ta và đòi hỏi nơi chúng ta.

Khi chúng ta dâng lời cảm tạ Thiên Chúa vì tiến bộ đã được thực hiện, chúng ta cần phải nhìn nhận rằng những khó khăn mới và trầm trọng, đã được dựng lên trên con đường chúng ta đang tiến về sự hiệp nhất. Không phải tất cả những khó khăn nầy đều thuộc về bản chất kỷ luật; vài khó khăn liên quan đến những vấn đề thiết yếu về đức tin và luân lý. Theo ánh sáng của những gì vừa nói, chúng ta cần tái xác nhận sự dấn thân của chúng ta muốn lắng nghe chăm chỉ và chân thành tiếng nói của Chúa Kitô, như  được gởi đến chúng ta nhờ qua Phúc Âm và Thánh Truyền của Các Tông Ðồ cho giáo hội. Ðứng trước hiện tượng trần tục hóa càng ngày gia tăng của thế giới ngày nay, Giáo Hội phải bảo đảm rằng kho tàng Ðức Tin được công bố với trọn cả sự toàn vẹn của nó và được gìn giữ khỏi mọi sai lầm và những giải thích bị đánh lạc hướng.

Khi cuộc đối thoại thần học bắt đầu, những vị tiền nhiệm của Tôi, Ðức Phaolô VI và Ðức Tổng Giám Mục Ramsey không thể nào biết chính xác con đường đúng và thời gian cần có để đi đến sự hiệp thông hoàn toàn, nhưng hai vị đó biết rằng con đường đó đòi buộc sự nhẫn nại và kiên trì, và rằng con đường đó có thể đến như là món quà của Chúa Thánh Thần. Cuộc đối thoại mà hai vị đã bắt đầu, cần được "thiết lập trên nền tảng Phúc Âm và trên những truyền thống chung từ thời xa xưa. Cuộc đối thọai nầy cũng cần được đồng hành với việc cổ võ sự cộng tác có thể "dẫn đến một sự hiểu nhau nhiều hơn và một tình bác ái sâu xa hơn"; và người ta hy vọng rằng với tiến triển hướng đến sự hiệp nhất, thì có thể có "sự củng cố của hòa bình" trên thế giới, một nền hòa bình mà chỉ một Mình Thiên Chúa có thể ban cho, Ngài là đấng trao ban sự bình an, một hòa bình vượt qua mọi thông hiểu." (TN chung nam 1996).

Chúng ta cần kiên trì trong việc xây dựng trên những gì  đã được hoàn thành bởi Ủy Ban quốc tế Anh giáo Công giáo (arcic) và trên những sáng kiến của Ủy Ban vừa mới được thành lập về Hiệp Nhất và Sứ Mạng (IARCCUM). Thế giới cần đến chứng tá của sự hiệp nhất chúng ta,  một chứng tá được ăn rễ sâu trong tình yêu thương chung của chúng ta đối với Chúa Kitô và trong việc vâng lời Chúa và Phúc Âm của Người. Chính lòng trung thành với Chúa Kitô thôi thúc chúng ta tiếp tục đi tìm sự Hiệp Nhất hoàn toàn và hữu hình và thôi thúc chúng ta gặp thấy những con đường thích hợp để dấn thân, khi nào có thể, trong chứng tá và sứ mạng chung.

Tôi ghi nhận và cám ơn vì ngài đã muốn đến thăm Tôi vào lúc khởi đầu tác vụ của ngài như là Tổng Giám Mục Canterbury. Chúng ta cùng có chung ước muốn đào sâu sự hiệp thông chúng ta. Tôi cầu nguyện xin Thiên Chúa đổ tràn Thánh Thần xuống trên ngài và trên những kẻ thân yêu của ngài, trên  những ai cùng đi với ngài đến đây, và trên tất cả mọi thành phần của Liên Hiệp Anh Giáo. Nguyện xin Thiên Chúa gìn giữ ngài được an toàn, luôn canh chừng trên ngài, và hướng dẫn ngài trong việc thi hành những trách nhiệm nặng  nề. Vào ngày lễ kính Thánh Phanxicô Assisi hôm nay (4/10/2003), vị tông đồ của Hòa bình và hòa giải, chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện xin Chúa làm cho chúng ta trở thành những dụng cụ xây dựng Hòa Bình của Chúa. Nơi nào có thương tổn, chúng ta hãy mang đến sự tha thứ; nơi nào có oán thù, chúng ta hãy gieo vào tình yêu thương; nơi nào có thất vọng, thì ước chi công cuộc khiêm tốn tìøm kiếm hiệp nhất của chúng ta, mang đến niềm Hy Vọng.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page