Tương quan giữa Giáo hội

và Y Tế, Bệnh Nhân

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Tương quan giữa Giáo hội và Y Tế, Bệnh Nhân.

Radio Veritas Asia - [viết theo Zenit 29/03/2003] - Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn công giáo Zenit trong bản tin ra ngày 29/09/2003, Ðức Cha José Luis Redrado, thư ký của Hội Ðồng Tòa Thánh về Mục vụ cho các nhân viên y tế, đã nói đến công cuộc rao giảng tin mừng mới trong thế giới bệnh tật. Ngài đặc biệt nhắc đến chứng từ của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

Nhắc lại mối quan tâm của Giáo hội đối với việc săn sóc sức khỏe của con người, Ðức cha Redrado khẳng định rằng ngay từ đầu, Giáo hội đã đáp lại mệnh lệnh của Chúa Giêsu: "Hãy đi rao giảng, làm phép rửa và chữa lành bệnh tật".

Qua dòng lịch sử, chúng ta thấy Giáo hội luôn xem việc săn sóc bệnh nhân là một trong những ưu tiên hàng đầu. Chúng ta có những nhà vô địch về lòng bác ái như thánh Gioan Thiên Chúa, thánh Camillus de Lellis, thánh Vinhsơn Phaolô và cả một đội ngũ vĩ đại những người chuyên chăm phục vụ sức khỏe cho con người, nhứt là các nữ tu, vào cuối thế kỷ thứ 19. Giáo hội luôn có mặt trong những cơn khủng hoảng của thế giới.

Nhắc đến gương của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, đức cha thư ký của Hội đồng Tòa Thánh về mục vụ cho nhân viên y tế  đã gọi ngài là một nhà vô địch trong việc quan tâm đến thế giới bệnh nhân. Lúc khỏe mạnh, ngài an ủi khuyến khích chúng ta bằng lời nói. Khi bệnh hoạn, ngài lại nêu gương sáng cho chúng ta về tinh thần chịu đựng và chấp nhận. Trong thời gian bệnh hoạn và thường xuyên ra vào bệnh viện, Ðức Thánh Cha nói đùa như sau: "Tôi có ba nơi thường trú: một là Vatican, hai là Castel Gandolfo, ba là bệnh viện Gemelli ở Roma".

Sau cuộc mưu sát tại quảng trường thánh Phêrô ngày 13/05/1981, ngài đã cho công bố một tông thư với tựa đề "Sự đau khổ có sức cứu độ". Trong văn kiện này, Ðức Thánh Cha đặc biệt nói đến bệnh tật, đau đớn và ý nghĩa của sự đau khổ. Chính ngài là người đã cho thiết lập Hội Ðồng Tòa Thánh về mục vụ cho các nhân viên y tế.

Theo đức cha Redrado, trong tương lai, đức Gioan Phaolô II sẽ được nhắc nhớ vì nhiều lý do, nhưng trước hết ngài sẽ được nhớ đến như một vị giáo hoàng đã nói với chúng ta về đau khổ, bởi vì ngài là con người đã từng trải nhiều kinh nghiệm đau khổ. Ðức Cha Redrado nói về đức thánh cha như sau: "ngài nói với chúng ta về kinh nghiệm đau khổ như một giáo sư. Chúng ta đã học được khi thấy ngài đau khổ. Và chúng ta chẳng bao giờ thấy ngài sáng giá cho bằng khi ngài yếu nhược. Lẽ ra một vị giáo hoàng hay một vị vua nên che đậy sự mỏng manh yếu đuối của mình. Nhưng ngài đã không có mặc cảm nào khi tỏ ra yếu đuối".

Về các chức năng của Hội đồng Tòa Thánh về mục vụ cho các nhân viên y tế, đức cha thư ký của hội đồng cho biết như sau: Hội đồng này phối hợp và điều khiển tất cả những tổ chức liên hệ đến vấn đề sức khỏe. Ðể bày tỏ mối quan tâm và gia tăng sự hiện diện của Giáo hội trong thế giới bệnh nhân, Ðức Thánh Cha đã thiết lập "Ngày Quốc Tế Bệnh nhân" được cử hành vào ngày lễ Ðức Mẹ Lộ Ðức 11 tháng 02 hằng năm. Hội đồng Tòa Thánh về mục vụ cho các nhân viên y tế có nhiệm vụ tổ chức Ngày này trên khắp thế giới. Mỗi năm, ngày này được cử hành tại một nơi đặc biệt. Chẳng hạn, năm 2003, Ngày này được tổ chức tại Washington, Hoa kỳ. Năm 2004, Ngày này sẽ được cử hành tại Lộ Ðức, để kỷ niệm 150 năm ngày Giáo hội công bố tín điều Ðức Mẹ Vô Nhiệm Nguyên Tội. Hơn nữa, chính tại Lộ Ðức mà Ngày Quốc Tế Bệnh nhân được tổ chức lần đầu tiên.

Về ý nghĩa của bệnh tật và khổ đau, đức cha thư ký của Hội Ðồng Tòa Thánh về mục vụ cho các nhân viên y tế nói rằng bệnh tật là cơ hội đặc biệt trong cuộc sống con người. Sống với bệnh tật không phải là điều dễ dàng. Nhưng nếu con người biết mở rộng tâm hồn để đón nhận một kinh nghiệm mới về đức tin và tình yêu, họ sẽ có được một cảm nghiệm phong phú và kỳ diệu về Thiên Chúa.

Ðức Cha Redrado nói như sau: "Bệnh tật là một thời gian đặc biệt đối với bệnh nhân. Con người luôn sống vội vã sẽ chẳng bao giờ có thời giờ để suy nghĩ. Ðây là một thực tế đối với tất cả chúng ta, dù là tín hữu hay không. Bệnh tật cũng là một thời gian đặc biệt cho gia đình. Người bệnh liên kết gia đình lại với nhau. Và đây cũng có thể là lúc để Giáo hội, xuyên qua một thiện nguyện viên, một bác sĩ hay một y tá, mang đến một nụ cười hay một cái gì khác hơn là các phương tiện kỷ thuật. Như thế, Giáo hội đánh thức những gì đang ngủ mê trong con người".

Hiện nay Giáo hội đảm trách đến 25 phần trăm những dịch vụ săn sóc bệnh nhân AIDS trên khắp thế giới. Nhận định về tỷ lệ này, đức cha Redrado khẳng định rằng Giáo hội vẫn luôn luôn đi tiên phong trong việc săn sóc các bệnh nhân. Nơi nào xảy ra một cơn dịch, Giáo hội liền có mặt tức khắc. Khi bệnh AIDS vừa xuất hiện, Giáo hội đã không bỏ quên các bệnh nhân, nhưng lấy lòng thương xót mà đối xử với họ. Giáo hội đã thừa hưởng được khả năng đón nhận và lòng thương xót ấy từ chính Chúa Giêsu, Ðấng luôn luôn đón nhận những người bị đẩy ra bên lề xã hội. Một Giáo hội không biết xót thương không phải là Giáo hội của Chúa Giêsu.

 

(Chu Văn)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page