Vài nét về Ðức Gioan Phaolô Ðệ Nhị

nhân dịp mừng 25 năm giáo hoàng

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Vài nét về Ðức Gioan Phaolô Ðệ Nhị nhân dịp mừng 25 năm giáo hoàng.

(Radio Veritas Asia - 28/09/2003) - Ngày 16 tháng 10 năm 2003, Ðức Gioan Phaolô II sẽ mừng kỷ niệm 25 năm giáo hoàng. Ngày 16 tháng 10 là đúng ngày kỷ niệm Ðức Karol Wojtyla, được chọn lên kế vị thánh Phêrô tại ngai tòa Roma, như là vị giáo hoàng thứ 264 của Giáo Hội Công Giáo. Triều giáo hoàng của Ngài cho thấy đã có nhiều điểm mới và nhiều kỷ lục trong lịch sử giáo hội, mặc dù trong những năm cuối cùng nầy hoạt động của ngài đã bị giới hạn rất nhiều vì lý do sức khỏe. Người ta nhìn thấy một con người Gioan Phaolô II mệt mỏi, gần kiệt sức, nhưng vẫn còn ý chí mạnh mẽ, muốn đi cho đến cùng. Ngài đã chuẩn bị sẵn sàng, để mừng kỷ niệm 25 năm giáo hoàng vào tháng 10 năm 2003, một tháng xem ra thật đầy sinh hoạt.

- Nếu đức Gioan 23 đã có công mở ra Công Ðồng Vatican II, thì đức Gioan Phaolô II là vị giáo hoàng đã áp dụng những kết quả của Công Ðồng, vừa khơi dậy những phản ứng ít nhiều tích cực nơi những thành phần khác nhau trong giáo hội và khơi dậy vài câu hỏi liên quan đến những thách thức chưa giải quyết xong.

- Hiện tại Ðức Gioan Phaolô II là vị giáo hoàng thứ tư có triều giáo hoàng dài nhất, trong lịch sử giáo hội. Nhưng vào ngày 17 tháng 3 năm 2004, ngài sẽ là vị giáo hoàng thứ 3 đã hướng dẫn giáo hội lâu nhất, chỉ sau hai vị giáo hoàng, là đức Piô IX đã hướng dẫn giáo hội trong vòng 31 năm, và thánh Phêrô, vị giáo hoàng  đầu tiên,  đã hướng dẫn giáo hội trong vòng từ  34 đến 37 năm.

- Ðức Gioan Phaolô II là vị giáo hoàng đầu tiên không phải là người Ý, sau gần 500 năm. Vì thế, ngài đã có sáng kiến viếng thăm mục vụ các giáo xứ trong giáo phận Roma của ngài. Tính cho đến nay, ngài đã viếng thăm được 301 trong tổng số 334 giáo xứ của giáo phận Roma. Ðến mùa xuân năm 2002, ngài đã ngưng không đến viếng thăm các giáo xứ trong giáo phận Roma nữa, vì chứng bệnh run Parkinson cũng như vì những hậu quả của nhiều lần giải phẫu và của những tai nạn đã xảy ra cho chính ngài, khiến ngài ngày nay không còn sức khỏe để tự mình đứng vững được nữa.

- Với lòng can đảm trước dư luận thế giới, Ðức Gioan Phaolô II đã quyết định đi khắp nơi trên thế giới. Vào khởi đầu triều giáo hoàng, ngài đã chọn đến viếng thăm những quốc gia đôi khi đang phải đương đầu với những khó khăn xã hội, chính trị và tôn giáo. Tổng cộng Ðức Thánh Cha đã viếng thăm 129 quốc gia  nhờ qua 102 chuyến viếng thăm quốc tế, và vượt qua tổng cộng 30 lần chiều dài vòng quanh thế giới. Các quan sát viên tính tổng cộng ÐTC đã trải qua 10% thời gian làm giáo hoàng, bên ngoài Vatican. Tuy nhiên, mặc dù  ÐTC đã thành công vượt qua những trở ngại, để đến viếng thăm Cuba và Do Thái, nhưng ngài chưa thành công đến viếng thăm Liên Bang Nga và Trung Quốc. Với tình trạng sức khoẻ như hiện nay, thì dường như không còn nhiều hy vọng  để ngài có thể viếng thăm hai quốc gia Nga và Trung Quốc được nữa.

- Xét về những lần phong thánh và chân phước, thì Ðức Gioan Phaolô II đã tôn phong các chân phước và hiển thánh, tổng cộng nhiều hơn con số của tất cả các vị tiền nhiệm của ngài cộng lại. Trong những chuyến thăm quốc tế, ÐTC giữ thói quen phong chân phước hay phong thánh cho các vị tại chính quê hương của các vị. Ngài đã tôn phong tổng cộng 1,318 vị chân phước, 474 vị hiển thánh. Nhưng xem ra như  ngài chưa muốn dừng lại. Ngày 5 tháng 10 năm 2003, ÐTC sẽ tôn phong hiển thánh cho 3 vị chân phước; và vào ngày 9 tháng 11 năm 2003, sẽ tôn phong 5 đầy tớ Chúa lên bậc chân phước. Lễ phong chân phước cho Mẹ Têrêsa vào chúa nhật 19 tháng 10 năm 2003, được xem như là biến cố quan trọng của triều giáo hoàng của Ðức Gioan Phaolô II. Bản thân của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng rất gần gủi với vị tân chân phước Mẹ Têrêsa Calcutta nầy.

- Như là vị lãnh đạo chính trị và tinh thần được toàn thế giới nhìn nhận, Ðức Gioan Phaolô II đã có công làm cho Giáo hội Công giáo có được ảnh hưởng mới trong xã hội. Bị dư luận trong giới truyền thông phê bình vì những lập trường của ngài trong lãnh vực luân lý, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II không vì thế mà không được khâm phục vì những hành động của ngài làm cho  chế độ cộng sản bị sụp đổ vào cuối thập niên 80, cũng như vì những hành động của ngài phục vụ cho hòa bình trong những năm qua, đối lại với sự tái xuất hiện nạn khủng bố quốc tế  dựa trên lý do tôn giáo. Cách nào đó, có thể nói, Ðức Gioan Phaolô II là một trong những nhân vật chính trị hiếm có của ngày nay, được chứng kiến những biến đổi thế giới trong vòng 25 năm qua. Con số 83 quốc gia đã thiết lập liên lạc ngoại giao lần đầu tiên với Tòa Thánh Vatican, là bằng chứng cho điều vừa nói trên.

- Việc thực thi quyền tối thượng của Ðức Giáo Hoàng đã trở thành "điểm nóng" được đưa ra thảo luận theo đường hướng của Ðức Gioan Phaolô II. Ngay từ khởi đầu triều giáo hoàng, trong thông điệp Ut Sinh Unum, về Hiệp Nhất Kitô, Ðức Thánh Cha đã yêu cầu hãy "tìm gặp một hình thức thực thi quyền tối thượng nầy, trong hoàn cảnh mới, vừa vẫn duy trì được điểm thiết yếu của sứ mạng giáo hoàng của ngài.

Vấn đề về quyền tối thượng vẫn chưa được trả lời; nhưng điều nầy không ngăn cản Ðức Gioan Phaolô II phá bỏ được những bức tường ngăn cách, cho dù đã nhiều lần thất bại.

- ÐTC đã tỏ ra chú ý đến từng cộng đoàn giáo hội, cũng như  chú ý đến những giáo hội đã ly khai với Roma, và như thế thay đổi hình ảnh về triều giáo hoàng thường bị tố cáo là đóng kín, vừa cũng cố  được những người công giáo trong đức tin của họ. Hai lần gặp gỡ tại Assisi vào năm 1986 và năm 2002 là những thí dụ hùng hồn nhất của thời gian 25 năm qua. Chỉ có một điểm đen, --- như là hậu quả của tinh thần đại kết, --- đó là sự  "ly khai" chưa giải quyết được  của các tín hữu của Ðức Cha Marcel Lefèvre vào năm 1988; lúc đó các tín hữu của Ðức Cha Lefevre, tố cáo Ðức Gioan Phaolô II  đã quá cởi  mở.

- Một điểm đặc biệt khác nữa có ảnh hưởng lớn trên Cuộc Họp Hồng Y vào tháng 10 năm 2003, đó là con số những vị hồng vị được phong tước dưới thời của Ðức Gioan Phaolô II. Trong vòng 25 năm qua, Ðức Gioan Phaolô II đã phong tước cho 201 vị hồng y, trong số nầy có 104 vị,--- (trên tổng số 109 vị) --- còn quyền bầu giáo hoàng. Và trong tương lai gần, rất có thể sẽ có Công Nghị Hồng Y để đặt những tân hồng y, và như thế bảo đảm cho vị "giáo hoàng tương lai" sẽ còn là vị giáo hoàng theo đường hướng của Ðức Gioan Phaolô II. --- (Bài nầy được viết trước khi ÐTC công bố danh sách 30 vị tân hồng y, trưa chúa nhật 28 tháng 9 năm 2003).

Vị giáo hoàng tương lai, kế vị Ðức Gioan Phaolô II,  sẽ thừa kế phần gia tài thiêng liêng và những giáo huấn phong phú cần được phát triển. Ðức Gioan Phaolô II đã từng là giáo sư; ngài đã viết ra --- ngoài những bài giảng và giáo lý hằng tuần --- 14 thông điệp, 14 tông huấn, 11 tông hiến, hơn 40 tông thư, 28 tự sắc và những tác phẩm cá nhân khác nữa, chẳng hạn như  tuyển tập  những Bài Thơ vừa được xuất bản. Trong môi trường Vatican, người ta lưu ý đến sự kiện là vị kế nghiệp Ðức Gioan Phaolô II sẽ phải đối diện với thách thức làm cho tổng số 70,000 trang giáo huấn được biết đến. Có thể có nhiều tín hữu công giáo biết rất  ít về những giáo huần nầy.

- Về sức khỏe, hiện nay mọi người có thể nhìn thấy rõ ràng sức khỏe của ÐTC  đang giảm sút. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông thì tường thuật vấn đề sức khỏe của ÐTC cách khá bi quan. Một viên chức Tòa Thánh nhận định cách ví võm như sau: trong 10 năm qua, các phương tiện truyền thông đã "an táng" ÐTC khoảng 10 lần rồi. Nhưng hiện nay, thì tình trạng xem ra như  đã khá rõ ràng.  Mọi người đều nhìn thấy sức khỏe của ÐTC  thật sự đã giảm sút khá nhiều. Trong chuyến viếng thăm vào tháng 9 năm 2003 tại Slovakia, người ta thấy ÐTC ngồi trên xe lăn hoặc trên ghế có gắn bánh xe để di chuyển. Ngài đứng lên rất khó khăn. Phải nhờ hai người đỡ phụ. Từ nay các chuyến đi thăm và những sinh hoạt của ÐTC không tính trước cách chắc chắn được, mà phải tùy theo tình trạng sức khỏe của ÐTC từng ngày một.

Tuy nhiên, dù bị yếu sức khỏe, nhưng ý chí của ÐTC còn rất mạnh. Giáo Luật mới của năm 1983 có dự trù trường hợp một vị giáo hoàng từ nhiệm, nơi điều khoản thứ 332. Nhưng, những vị hằng ngày tiếp xúc và làm việc bên cạnh ÐTC thì không tin là ÐTC sẽ từ chức. Dù đã 83 tưổi rồi, nhưng ÐTC cho thấy rõ ý định của ngài là sẽ không từ nhiệm. Trong lần về thăm quê hương BaLan, vào tháng 8 năm 2002, --- lúc đó có tin đồn là ÐTC sẽ từ chức và ở  lại Balan --- ÐTC đã phó dâng triều giáo hoàng của ngài cho Ðức Nữ Ðồng Trinh Kalwaria, như  ÐTC đã làm vào năm 1979, để xin Mẹ khẩn cầu cùng Chúa ban  cho sức mạnh thể xác cũng như tinh thần, ngõ hầu ngài "có thể chu toàn cho đến cùng sứ mạng Chúa đã trao phó cho." Với một ý chí mạnh mẽ, ngày nay ÐTC vẫn còn tiếp tục thi hành sứ  mạng đã lãnh nhận. Vào ngày 7 tháng 10 năm 2003, ÐTC sẽ đi hành hương Ðền Thánh Ðức Mẹ Pompêi. Rồi kế đó là những sinh hoạt để  mừng 25 năm giáo hoàng. Nhưng đó là những chương mới sẽ được thêm vào lịch sử triều giáo hoàng của Ðức Gioan Phaolô II, nếu Chúa muốn.

 

Giờ đây chúng ta hãy theo dõi những nhận định của vài nhân vật cộng tác gần bên cạnh ÐTC.

 

- Trước hết là chứng từ của ÐHY Saraiva Martins, Tổng Trưởng bộ Phong Thánh. ÐHY nhận định như sau:

"Hơn là những biến cố lẻ tẻ của 25 năm triều giáo hoàng, tôi muốn nhắc đến ấn tượng mà Ðức Thánh Cha khơi dậy trong tôi mỗi lần tôi đến gặp ngài. Tôi thấy nơi Ðức Gioan Phaolô II mẫu gương sống động của một nếp sống theo nguyên tắc đặt "bản thể" quan trọng trên trước "hành động". Ngay từ khởi đầu của triều giáo hoàng của ngài, Ðức Thánh Cha đã nhằc lại ơn gọi phổ quát của tất cả mọi người phải sống thánh thiện như là điểm quy chiếu và là mục đích cuối cùng của trọn cả mục vụ của Giáo Hội trong suốt ngàn năm mới. Mỗi lần gặp gỡ với ÐTC làm cho tôi thấy rõ như thế nào ngài đã lãnh lấy sứ mạng làm chủ chăn toàn thể giáo hội, một cách trọn vẹn, không giây phút ngừng nghỉ. Sức nặng của những năm tháng và nhiều khổ đau trong quá khứ đã ghi đậm nét trên con người của Ðức Thánh Cha. Nhưng nguời ta có thể thấy rõ được nơi ÐTC  tinh thần hướng dẫn thể xác như thế nào. Tôi muốn nhắc đến giây phút cụ thể mà tôi không thể nào quên được: đó là cuộc mưu sát ngài ngày 13 tháng 5 năm 1981. Ngài suýt mất mạng vì cuộc mưu sát nầy. Tôi không phải chỉ nói đến biến cố  đã xảy ra trong ngày hôm đó tại quảng trường thánh Phêrô mà thôi,  nhưng muốn nói đến "bài học" mà Ðức Thánh Cha muốn nêu ra cho toàn thể nhân loại, bài học vui vẻ chấp nhận đau khổ, một sự đau khổ được ÐTC gọi là "sự đau khổ  có sức cứu rỗi". Sự chấp nhận nầy chắc chắn có liên hệ với tình yêu mến của ngài đối với Ðức Nữ Ðồng Trinh; ÐTC đã đến hành hương Fatima, để tạ ơn Ðức Mẹ và đã đặt nơi triều thiên Ðức Mẹ viên đạn đã gây thương tích cho ngài."

- ÐHY Crescenzio Sepe, tổng trưởng bộ  rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc đã có những nhận định như sau:

"Thật khó mà xác định một giây phút đặc biệt của triều giáo hoàng của Ðức Gioan Phaolô II! Giây phút mừng kỷ niệm 25 năm giáo hoàng là một trong những giây phút đặc biệt nầy. Nó mời gọi chúng ta nhìn đến tuơng lai mà chính ÐTC đã xây dựng trên con đường  của Giáo Hội của thời hậu Công Ðồng Vat II  và của Ðại Năm Thánh 2000. Giáo Hội là truyền giáo. ÐTC đã  nói lên sự thật nầy ngày qua ngày, và đề nghị sự thật nầy như là giáo huấn và sứ điệp cho một thế giới mới."

 

- ÐHY Ignaxiô Moussa I Daoud, tổng trưởng bộ Giáo Hội Ðông Phương, thì nhận định như sau:

"Một  trong những điều đã ghi dấu sâu đậm và đã đánh động tôi nhất là thái độ của ÐTC đối với cuộc chiến Iraq. Lập trường của Tòa Thánh Vatican đã có những hậu quả phi thường trên toàn thế giới, mặc dù chiến tranh đã xảy ra. "Không với chiến tranh; không với tất cả mọi chiến tranh, và cả đối với chiến tranh dự phòng đi nữa! ÐTC Gioan Phaolô II đã có lập trường như thế. Không những thế giới Hồi giáo đã đánh giá cao lặp trường của ÐTC, mà cả thế giới chính trị của các quốc gia nữa".

 

- Thần học gia của phủ giáo hoàng, Linh Mục dòng Da Minh, George Cottier, OP, đã có những nhận định như sau:

"Trong triều giáo hoàng của ÐTC, tôi bị đánh động bởi thái độ lắng nghe của ÐTC. Ngài có cách thế hết sức tế nhị để nói lên điều ngài nghĩ, và cả nói lên  điều ngài không đồng ý, mà không gây tổn thương cho bất cứ ai. Giây phút đã ghi đặm nét nhất trong tôi, trong 25 năm qua, là buổi lễ ngày 8 tháng 3 năm 2000, khi Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói lên lời xin lỗi, nhân danh Giáo Hội Công Giáo, vì những tội lỗi đã phạm bởi những con cái giáo hội trong dòng lịch sử. Biến cố xin lỗi nầy đã mở ra những viễn tượng mới. Nó bắt buộc chúng ta phải có một thái độ mới đối với lịch sử của Giáo Hội, và nhất là bắt buộc chúng ta phân biệt giữa sự thánh thiện của Giáo Hội và những tội lỗi của những con cái của giáo hội. Ngày hôm đó, tôi cảm thấy bị đánh động đặc biệt, khi nhìn thấy một vị giáo hoàng mệt mỏi, và quỳ trước Thánh Giá Chúa".

 

(Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page