ÐTC khuyến khích

Các Giám Mục PhiLuậtTân

hãy quan tâm đến người nghèo

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

ÐTC khuyến khích Các Giám Mục PhiLuậtTân hãy quan tâm đến người nghèo.

Tin Vatican (VIS 25/09/2003) - Sáng thứ Năm 25 tháng 9 năm 2003, trước khi lên đường trở về lại Vatican, kết thúc những ngày nghỉ tại Castel Gandolfo, ÐTC Gioan Phaolô II đã tiếp kiến các giám mục Philuậttân về Roma viếng mộ Hai Thánh Tông Ðồ Phêrô và Phaolô, theo như luật định.

Các giám mục Philuậttân đến từ các tỉnh Cagayan de Oro, Cotabato, Davao, Lipa Ozamis và Zamboanga.

Trong bài diễn văn cho các Giám Mục Phi Luật tân trong dịp tiếp kiến nầy, ÐTC Gioan Phaolô II trình bày những suy tư của ngài trong khung cảnh của "Công Nghị Toàn Quốc của Giáo Hội PhiLuậtTân", đã được tổ chức cách nay 12 năm. ÐTC nhắc đến ba yếu tố chìa khóa cho những ưu tiên  mục vụ của Giáo Hội tại Philuậtân: trước hết là nhu cầu cần trở nên Giáo Hội của người nghèo; kế đến là sự dấn thân trở thành một cộng đoàn đích thực những đồ đệ của Chúa; và cuối cùng, yếu tố chìa khóa thứ ba là dấn thân trong công việc tái rao giảng Phúc âm.

ÐTC nói tiếp rằng: xét vì các giám mục Phi Luật tân được chia thành ba nhóm để về Roma viếng Tòa Thánh, nên mỗi bài diễn văn của Ðức Thánh Cha sẽ bàn về một trong ba yếu tố chìa khóa nói trên. Và với nhóm thứ nhất, ÐTC  nói đến điểm ưu tiên thứ nhất: đó là giáo hội tại Philuậttân cần trở nên giáo hội của người nghèo.

ÐTC giải thích thêm như sau: "Trở thành giáo hội của người nghèo, là làm vang vọng lên Mối Phúc Thật thứ Nhất: Phúc cho kẻ khó nghèo trong tinh thần, vì Nước Trời là của họ". Một Giáo Hội của người nghèo cố gắng chia sẻ thời gian và tài nguyên, để nhắm làm nhẹ đi sự đau khổ... Giáo Hội làm việc với mọi thành phần xã hội, kể cả với chính những người nghèo, để đi tìm những giải pháp cho vấn đề nghèo đói... Giáo Hội của người nghèo là giáo hội trong đó người nghèo được đón tiếp, được lắng nghe, và được dịp dấn thân tích cực.

Một cách thiết thực, giáo hội đích thực của người nghèo góp phần vào việc biến đổi xã hội, vào việc canh tân xã hội dựa trên  những giá trị của Tin Mừng. Công cuộc canh tân nầy là một dấn thân trong đó những anh chị em giáo dân là những tác viên chính và thiết yếu; vì thế cần cống hiến cho người giáo dân những phương thế cần thiết để chu toàn vai trò riêng biệt nầy. Ðiều nầy đòi buộc giáo dân được huấn luyện đầy đủ về học thuyết xã hội của Giáo Hội và biết đối thoại liên lỉ với hàng giáo sĩ và tu sĩ về những vần đề xã hội và văn hóa.

ÐTC nhấn mạnh thêm như sau: "Chúng ta đừng quên sự kiện nầy là môi trường liền ngay và quan trọng nhất để giáo dân làm chứng cho đức tin kitô, là môi trường hôn nhân và gia đình. Khi đời sống gia đình là lành mạnh và tươi nở, thì ở đó có một ý thức mạnh mẽ về cộng đoàn và tình liên đới; đây là hai yếu tố thiết yếu cho Giáo Hội của người nghèo. Không những gia đình là đối tượng của việc chăm sóc mục vụ của Giáo Hội, nhưng gia đình còn là một trong những tác viên hữu hiệu nhất cho công cuộc rao giảng Phúc âm.

ÐTC cũng lưu ý thêm rằng sự nghèo cùng chắc chắn là một trong những yếu tố quan trọng làm cho gia đình Phi luật tân có thể liều bị "bất ổn định" và bị phân tán. Một giáo hội của người nghèo có thể làm nhiều hơn, để cũng cố gia đình và chiến đấu chống lại nạn khai thác bóc lột con người.

ÐTC nhắc đến những hành động khủng bố tại Philuậttân. ÐTC nói với các giám mục Philuậttân được tiếp kiến sáng thứ Năm 25/09/2003, như sau: "Cùng với anh em, tôi lên án những hành động bạo lực. Tôi mời gọi các  phe nhóm liên hệ  hãy bỏ xuống khí giới giết người và những khí giới có tầm hủy diệt  rộng lớn, vừa biết từ  chối không chìu theo cám dỗ thất vọng và hận thù,  qua việc xử dụng những khí giới của việc thông cảm nhau, của sự dấn thân và  hy vọng."  ÐTC nhắc thêm rằng: "Trong chiến dịch chống  lại nạn khủng bố và bạo lực, những vị lãnh đạo của các tôn giáo có vai trò quan trọng. ÐTC nhắc lại một đoạn của Sứ  Ðiệp Hòa Bình năm 2003 như sau:

"Những cộng đồng kitô khác nhau, cũng như những tôn giáo lớn trên thế giới, cần làm việc chung với nhau, để loại bỏ những nguyên nhân  văn hóa và xã hội của nạn khủng bố. Người ta có thể thực hiện điều này, nhờ  qua việc giảng dạy về sự cao cả và phẩm giá của con người, cũng như qua việc phổ biến một ý thức rõ ràng về đặc tính duy nhất của gia đình nhân loại."

 

(Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page