Bí Quyết Thực Hiện Hòa Bình

theo quan điểm của

Ðức Hồng Y Walter Kasper

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

"Bí Quyết Thực Hiện Hòa Bình" theo quan điểm của Ðức Hồng Y Walter Kasper, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh Hiệp Nhất Kitô.

Radio Veritas Asia (viết theo Zenit 18/09/2003) - "Thập Giá Chúa Kitô  phá hủy bức tường thù hận, bằng cách hủy bỏ sự thù hận trong chính con người; Thập giá Chúa là trường học dạy chúng ta biết thực hiện hòa bình cho tất cả mọi người." Ðó là nội dung chính những gì ÐHY Walter Kasper nói lên trong bài giảng của Ngài, trong Thánh Lễ chiều thứ Bảy 13 tháng 9 năm 2003, tại Vương cung Thánh Ðường Ðức Maria, để kính Thánh Giá Chúa. ÐHY Walter Kasper, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh đặc trách Hiệp Nhất Kitô, cũng đã nhấn mạnh đến giá trị của việc Ðối Thoại như là phương thế để  làm cho Hòa Bình được thực hiện. Những gì ÐHY nói lên trong bài giảng nầy, phản ánh chủ đề cuộc Họp Quốc Tế các nhà lãnh đạo tôn giáo, được tổ chức tại Aachen, Ðức Quốc, từ ngày mùng  7 đến mùng 9 tháng 9 năm 2003. Chủ đề đó là: "Con Người, Các Tôn Giáo và Nền Hòa Bình". Cuộc Họp Quốc tế nầy là do Cộng Ðoàn Thánh Eâgidio đứng ra tổ chức.

Mục thời sự hôm nay, xin giới thiệu vài điểm trích từ bài giảng của ÐHY Kasper hôm thứ Bảy  13 tháng 9 năm 2003, trong thánh lễ SuyTôn Thánh Giá Chúa. ÐHY đã nói như sau:

"Anh chị em thân mến, Thứ Bảy tuần trước (6/09/2003), chúng ta đã đến Aachen để suy nghĩ về Hòa Bình và cầu nguyện cho Hòa Bình trên thế giới. Thứ Bảy nầy (13/09/2003), lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa (14/09), chúng ta có mặt tại Roma, trong Ðền Thờ Kính Ðức Maria bên bờ sông Têvêrê, để cầu nguyện lần nữa cho Hòa Bình và cử hành Hòa Bình mà Chúa Giêsu Kitô đã trao ban cho chúng ta.

Lễ Suy Tôn Thánh Giá nhắc lại việc Hoàng Hậu Hêlen, của Hoàng Ðế Constantinô, khám phá ra cây Thập Giá của Chúa Giêsu, khi bà đi hành hương tại Giêrusalem. Trong khung cảnh cử hành thánh lễ hôm nay, chúng ta không đặt vấn đề và cũng không thảo luận xem có đúng hay không việc Hoàng Hậu Hêlen đã tìm ra cây Thập Giá thật của Chúa Giêsu. Vấn đề nầy không quan trọng, bởi vì biến cố ngày xưa chỉ là "một dịp bên ngoài" để cử hành lễ mừng nầy; thật sự, lễ mừng nầy có một ý nghĩa sâu xa hơn, một ý nghĩa vượt qua vấn đề thuần túy lý thuyết.

Lễ Suy Tôn Thập Giá Chúa mặc khải trung tâm của Ðức Tin chúng ta. Việc suy tôn Thánh Giá  nói với chúng ta rằng Thập Giá, dấu chỉ của sự nhục nhã, thất bại và chết chóc,  được  tôn vinh và trở thành cho chúng ta, --- kẻ tin vào sự Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô, --- dấu chỉ của sự chiến thắng của ơn cứu rỗi, của sự hòa giải, sự sống, tình yêu thương và hòa bình.

Trong Phúc âm, Chúa Giêsu nhắc chúng ta nhớ lại việc Ông Môisen đã treo con rắn đồng trong sa mạc, và rằng  bất cứ ai nhìn lên hình nầy, đều được chữa lành khỏi việc bị rắn cắn. Ðối với Chúa Giêsu, việc làm xưa của Ông Môisen là biến cố có tính cách tiên tri. Bởi vì, "như Môi sen đã treo lên con rắn đồng", thì Con Người cũng phải chịu treo lên như vậy, để bất cứ ai tin vào Người, thì sẽ được sống đời đời."

Chiêm ngắm Thập Giá, chiêm ngắm Thánh Gía Chúa, chiêm ngắm dung nhan Chúa Kitô đầy thương tích và máu, là suy tư về tình yêu thương của Thiên Chúa Cha, Ðấng đã nhìn thấy tất cả những thập giá trên thế giới nầy, Ðấng đã nhìn thấy sự đau khổ và tiếng kêu than của người nghèo, bị đói, bị hành hạ, và của những kẻ đã bị giết chết cách bất công.

Thiên Chúa Cha đã không muốn bỏ rơi những tạo vật của ngài, nhưng với lòng đầy tình thương nhân từ, Ngài đã sai Con Một mình đến trền gian, không phải để  xét xử và kết án thế gian, nhưng để cứu rỗi và ban cho thế gian sự sống. Thập Giá là dấu chỉ của tình yêu thương từ trời cao ngự xuống tận nơi thấp hèn nhất. Thập Giá là dấu chỉ của tình thương yêu muốn gặp gỡ với chúng ta, những con người nam nữ, bất cứ nơi nào chúng ta đang sống trong cảnh khốn cùng và bất lực của mình, nơi mà chúng ta không còn có thể  giúp cho mình nữa. Thập giá là dấu chỉ của tình thương yêu muốn thấm nhập vào trong cảnh bất công, hận thù, giả trá, bạo động, và chết chóc, để chiếm đầy và biến đổi trọn cả sự tối tăm và sự khốn cùng này, thành công bằng sự thật, sự tha thứ và lòng nhân từ, sự sống và tình thương.

Việc "hạ mình xuống" của tình yêu thương, do đó, là việc nâng cao và  suy tôn  Thập Giá Chúa và tất cả những thập giá hiện có trong thế giới. Ðó là khởi đầu của một thế giới mới trong thế giới của chúng ta đây; một thế giới mới, trong đó sự sống chiến thắng trên sự chết, công bằng thắng bạo lực, niềm vui thắng ưu buồn và khóc than, tình yêu thắng hận thù; một thế giới của hòa bình, của cái gì khác và hơn là sự  im lặng của các vũ khí, nhưng là sự trọn đầy của sự sống trong công bằng, trong niềm vui, trong hòa bình đích thực, mà  trong đó --- theo như thánh Augustinô nói --- không ai còn bị kẻ khác quấy rầy, nơi mà chúng ta sẽ được giải thoát khỏi mọi sự dữ, được tràn đầy những điều tốt không cùng và sẽ được hưởng hạnh phúc muôn đời, hưởng sự sống không bao giờ cùng.

Trong thơ  gởi cho các tín hữu Eâphêsô, Thánh Phaolô quả quyết  rằng trên thập giá Chúa Giêsu hủy diệt bức tường của hận thù bằng cách hủy diệt sự hận thù nơi chính mình, và đưa những kẻ ở xa về sống gần nhau, và như thế  thiết lập hòa bình. Chiêm ngắmThập Giá với Ðức Tin  ban cho chúng ta hòa bình, bởi vì Chúa Kitô chịu đóng đinh, ngài là "hòa bình của chúng ta".

Cử hành Lễ Suy Tôn Thánh Giá, chúng ta cách nào đó trở lại Aachen, nơi chúng ta đã ý thức về nhiều bất đồng, xung dột, đói khát, bạo động, bất công, kỳ thị, bệnh tật như bệnh Liệt Kháng, chiến tranh trên thế giới, và những chia rẽ trong chính Giáo Hội. Chúng ta đã nhìn thấy được thế giới bị thương tổn sâu xa và đau khổ,  và nhìn thấy một Giáo Hội với nhiều vết thương.

Thử hỏi chúng ta đã nhìn thấy thế giới và giáo hội trong cái nhìn như thế nào đây? Chắc chắn là không phải với cái nhìn lạc quan, bởi vì nhìn như vậy thì không đúng thật và cũng không thành thật. Nhưng chúng ta cũng không rơi vào bẩy của sự than phiền, của sự kết án và bi quan. Chúng ta đã tránh được cám dỗ nầy, mà buồn thay đang có mặt nơi nhiều nguời kitô ngày nay; những người kitô nầy trở thành những "tiên tri loan báo tai ương", những kẻ  không được Chân phước giáo hoàng Gioan 23 nhìn nhận, những kẻ không chấp nhận sự cởi mở của Công Ðồng Vatican II.

Khi nhìn lên Thập Giá, Thập giá chiến thắng, người ta không còn có thể sống bi quan được nữa. Thập Giá là dấu chỉ Thiên Chúa, trong Chúa Kitô, đã chiến thắng sự sợ hải và thất vọng. Không còn có chổ cho sự lo sợ khi sống yêu thương; tình yêu xua đuổi sự lo sợ, thơ thứ I thánh Gioan quả quyết như vậy. Thập giá là dấu chỉ của hy vọng. Thập giá nói với chúng ta rằng Thiên Chúa đã công chính hóa sự công bằng, Thiên Chúa đã thực hiện Hòa Bình. Vì thế, công bằng và hòa bình là điều có thể thực hiện được! Không phải cái chết, nhưng sự sống mới là kẻ chiến thắng!

Hòa Bình là điều có thể  được, vậy chúng ta hãy can đảm cống hiến hòa bình và trở thành những kẻ xây dựng hòa bình. Thử hỏi bằng cách nào đây? Không phải như các nhà quân sự hay các nhà chính trị. Chắc rằng họ là cần thiết  trong thế giới nầy. Nhưng trách vụ của họ không phải là trách vụ của chúng ta. Và những phương tiện của họ, những phương pháp và những kỹ năng của họ không phải là của chúng ta. Chúng ta hãy nhớ lại những lời của Chúa Giêsu: "Thầy ban cho chúng con bình an của Thầy, không phải như thế gian ban cho". Bình an Chúa ban cho là bình an phát sinh từ Thập Giá, là hòa bình trong dấu chỉ của Thập Giá... Làm việc cho Hòa Bình, không phải với bạo động, nhưng như Chúa Giêsu, Ðấng hạ mình xuống với kẻ nghèo, với người đau khổ; Ngài lấp đầy sự khốn cùng của họ với ánh sáng của tình thương nhân từ và như  thế chữa lành các vết thương và trao ban giá trị mới cho sự sống, mang đến tin tưởng, và như thế hòa giải các con tim, tạo ra bầu khí mới, một bầu khí mới của hy vọng vọng và niềm vui.

Quý vị và các bạn thân mến,

Ðó là bí quyết thực hiện Hòa Bình theo ÐHY Walter Kasper. Kính chào các bạn, và xin hẹn gặp lại các bạn trong chương trình kỳ tới.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page