Tự do tôn giáo
và sự tham gia của người công giáo
vào sinh hoạt chính trị
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Tự do tôn giáo và sự tham gia của người công giáo vào sinh hoạt chính trị.
Radio
Veritas Asia [Viết theo Zenit 15/09/2003] - Tháng 8/2003, Ðức Cha
Charles Chaput, tổng giám mục Denver, bang Colorado, đã được Tòa
Bạch ốc bổ nhiệm vào chức vụ Chủ Tịch Ủy Ban Tự Do Tôn
Giáo Quốc tế với nhiệm kỳ một năm.
Trong
một cuộc phỏng vấn được hãng Thông tấn Công giáo Zenit
phổ biến, ngài đã phân tách ý niệm tự do tôn giáo và
nghĩa vụ của người công giáo phải tham gia vào sinh hoạt chính
trị.
Nhưng
trước hết, ngài giải thích về vai trò của Ủy Ban Tự Do Tôn
Giáo Quốc tế của Chính phủ Hoa kỳ như sau: "Theo đạo luật
về tự do tôn giáo quốc tế ban hành năm 1998, Ủy ban Tự do
tôn giáo quốc tế có nhiệm vụ cố vấn cho Bộ ngoại giao Hoa
kỳ về những vấn đề tự do tôn giáo toàn cầu. Nhưng Ủy
ban cũng có tiếng nói độc lập của mình."
Ðức
Cha Chaput phân biệt hai khía cạnh. Một mặt, Ủy ban giúp cho Bộ
Ngoại giao xem tự do tôn giáo là một yếu tố quan trọng khi
đưa ra các quyết định trong chính sách ngoại giao của chính phủ
Hoa kỳ. Mặt khác, Ủy ban điều tra về những vụ vi phạm tự
do tôn giáo trên thế giới và gây ý thức nơi công luận
về những chính phủ vi phạm tự do tôn giáo.
Mỗi
năm, Ủy ban đệ trình một bản báo cáo về những nước mà
Hoa kỳ quan tâm một cách đặc biệt. Dĩ nhiên, chẳng có nước
nào muốn được liệt kê trên danh sách ấy. Ủy ban cũng có
những bản báo cáo đặc biệt về một số trường hợp như
Sudan hay Việt nam.
Ðược
hỏi: liệu các nước có thực sự hiểu ý niệm về tự do
tôn giáo không? Ðức cha Chaput trả lời rằng mặc dù tự do
tôn giáo được bảo đảm trong điều 18 của bản tuyên ngôn
quốc tế nhân quyền, nhưng nhiều quốc gia vẫn cứ đơn thuần
chối bỏ tự do tôn giáo hoặc giải thích một cách méo mó.
Những vi phạm tự do tôn giáo diễn ra dưới hai hình thức.
Các chính phủ thế tục như Bắc Hàn chẳng hạn xem niềm tin tôn
giáo như một ý thức hệ cạnh tranh với ý thức hệ chính
thức của nhà nước. Còn các chế độ thần quyền cực đoan
như Iran chẳng hạn, thì chỉ muốn đặt ra bên lề xã hội các
nhóm tôn giáo thiểu số.
Niềm
tin tôn giáo là một sức mạnh mãnh liệt ảnh hưởng đến
cách hành xử của cá nhân và cuộc sống xã hội nói chung.
Do đó, nếu mục tiêu của chính phủ là muốn kiểm soát cuộc
sống con người, thì lúc đó tự do tôn giáo chỉ có thể bị
xem là một sức mạnh nguy hiểm mà thôi.
Một
số người cho rằng tự do tôn giáo là một thứ chiêu bài
được các Giáo hội, nhứt là Giáo hội Công giáo, đưa ra
để xen vào chính trị và các sinh hoạt toàn cầu. Ðức Cha
Chaput nói rằng đây là luận điệu của những người muốn
người công giáo và tín đồ của các tôn giáo khác phải
câm miệng khi lẽ ra họ phải lên tiếng. Con người cần phải
hành động theo những xác tín của mình, nhứt là các xác tín
tôn giáo, nếu không họ sẽ chẳng còn xác tín nào nữa.
Chính
trị là áp dụng quyền lực vào công việc của con người.
Việc xử dụng quyền lực luôn nêu lên những vấn đề luân
lý và tôn giáo: đâu là bản chất của đúng và sai? Thế
nào là công ích? Giáo hội
sẽ rất là khờ dại, Giáo hội sẽ phản bội chính sứ mệnh
của mình, nếu Giáo hội không cổ võ tự do tôn giáo. Nghĩ
về Thiên Chúa như thế nào, thì xã hội cũng sẽ đối xử với
con người như vậy.
Khi
được hỏi: phải hiểu như thế nào về nguyên tắc "tách
biệt giữa Giáo hội và Nhà Nước" và đâu là tương quan
của nguyên tắc này với tự do tôn giáo? Ðức cha Chaput trả
lời như sau: "Tự do tôn giáo không đòi hỏi một nhà nước
phải là vô tôn giáo. Tôi nghĩ rằng một xã hội có thể dành
một qui chế ưu tiên cho một tôn giáo mà vẫn không đương
nhiên phải bách hại những tôn giáo khác"
Ðức
Cha Chaput nói đến trường hợp những quốc gia muốn áp đặt
luật Hồi Giáo lên toàn thể xã hội. Tại những quốc gia này,
các tín hữu Kitô bị bách hại và không được tham gia trọn
vẹn vào đời sống của đất nước. Theo đức cha Chaput, một
niềm tin đích thực vào Thiên Chúa phải luôn luôn buộc chúng
ta phải tôn trọng quyền của con người, kể cả những người
không đồng tôn giáo với chúng ta.
Nguyên
tắc tách biệt giữa Giáo hội và Nhà nước không hề có
nghĩa là không cho tôn giáo tham gia vào công việc chung của đất
nước. Hiến pháp ngăn cấm việc thiết lập một tôn giáo thành
quốc giáo, nhưng không hề ngăn cấm việc tham gia của tôn giáo
vào công việc chung của đất nước.
Ðề
cập đến việc tham gia của người công giáo vào chính trị,
Ðức Cha Chaput khẳng định rằng mục đích của chính trị là mưu
cầu công ích và bảo đảm phẩm giá của mỗi người. Do đó,
người công giáo cần phải tham gia vào một sinh hoạt như thế.
Họ phải hiểu rõ đức tin công giáo của mình và dựa vào
niềm tin đó để làm các quyết định chính trị. Chỉ có một
điều mà người công giáo không được làm: đó là tự xưng
là công giáo nhưng lại đặt niềm tin công giáo ra bên ngoài
các hoạt động chính trị.
Ðức Cha Chaput kết luận như sau: "Bạn không thể vừa tin ở nhân vị của đứa trẻ chưa chào đời lại vừa bỏ phiếu ủng hộ một luật cho phép sát hại đứa trẻ ấy. Bạn không thể vừa ủng hộ tự do tôn giáo lại vừa thinh lặng đồng lõa với một "đồng minh" đang bách hại các nhóm tôn giáo thiểu số. Ðó là một hình thức dối trá."
(Chu Văn)