Khát vọng thiêng liêng của con người

sau cuộc khủng bố 11/09/2001

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Khát vọng thiêng liêng của con người sau cuộc khủng bố 11/09/2001.

(Radio Veritas Asia) - [Viết theo báo The Sun - Herald, Sydney, Australia số ra Chúa Nhựt ngày 14/09/2003] - Cuộc khủng bố ngày 11/09/2001 đã khơi dậy khát vọng về những giá trị thiêng liêng nơi nhiều người.

Giáo sư David Chalke, một nhà phân tách xã hội người Úc, sau khi đã thực hiện một cuộc thăm dò về những giá trị của dân tộc, đã nói rằng người dân Úc ngày càng hướng về những giá trị thiêng liêng hơn. Và theo ông, một trong những biểu hiện của xu hướng này chính là việc đặt lại những ưu tiên trong cuộc sống con người. Xu hướng này đã bắt đầu từ 10 năm nay và đạt đến cao điểm sau cuộc khủng bố ngày 11/09/2001 tại Hoa kỳ. Giáo sư Chalke nói rằng biến cố này đã cho con người thấy được tính cách mong manh của thế giới vật chất và nhu cầu cần phải tập trung vào những giá trị như bác ái, vị tha.

Kết quả của những cuộc nghiên cứu do giáo sư Chalke thực hiện cho thấy: 75 phần trăm người Úc khẳng định rằng họ thuộc về một tôn giáo, 67 phần trăm tuyên xưng là tín hữu kitô, 68 phần trăm cho rằng để hiểu được thế giới, con người cần có những giá trị thiêng liêng, 57 phần trăm tin có cuộc sống mai hậu, và 57 phần trăm yêu cầu nên giảng dạy môn tôn giáo trong các trường công lập.

Theo kết quả cuộc thăm dò của giáo sư Chalke, chỉ có 7 phần trăm người Úc tuyên bố rằng họ không thuộc tôn giáo nào, nhưng lại nhìn nhận rằng tôn giáo là một yếu tố quan trọng trong cuộc sống con người.

Mục sư Ivan Head, khoa trưởng khoa thần học Anh Giáo tại đại học Sydney, cho rằng niềm tin tôn giáo của con người gia tăng vào những giai đoạn đau thương nhứt trong lịch sử nhân loại. Việc đế quốc La mã phá hủy Ðền thờ Giêrusalem vào năm 70 đã tạo ra một chấn thương kéo dài hằng bao thế kỷ nơi người Do thái. Sự kiện thành Byzantium rơi vào tay người Hồi giáo năm 1460, cũng đã là một vết thương khó lành nơi các tín hữu kitô. Tuy nhiên, những biến cố này lại mời gọi con người suy tư về tính cách mong manh chóng qua của cuộc sống con người.

Hai trái bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki, Nhựt bổn, hồi năm 1945 đã chấm dứt thế chiến thứ hai, nhưng vẫn để lại những nỗi lo sợ dai dẳng cho tới ngày nay. Theo mục sư Head, con người hằng nơm nớp lo sợ về một sự hủy diệt toàn diện mà thế giới có thể rơi vào.

Giáo sư David Tacey, một nhà trí thức công giáo hiện đang giảng dạy tại đại học La Trobe, nghĩ rằng ý thức về tôn giáo có thể gia tăng, nhưng không đương nhiên làm cho đời sống đạo khởi sắc hơn hoặc giúp cải tạo xã hội. Ông cho rằng đây là một giai đoạn nguy hiểm cho nước Úc, bởi vì cho dẫu con người có khao khát  những giá trị thiêng liêng, xu hướng ấy vẫn không có một hướng đi rõ rệt. Không có tôn giáo thì tự nó, nỗi khao khát thiêng liêng nơi con người cũng không thể giúp thay đổi được xã hội.

Tuy nhiên, giáo sư David Tracey nói rằng nếu không thay đổi, các Giáo hội cũng không thể thích nghi được với làn sóng thức tỉnh thiêng liêng nơi con người.

Sau khi các chế độ cọng sản sụp đổ tại Ðông âu và Liên xô, hàng triệu triệu người đã đổ xô về các nhà thờ Công giáo và Chính thống. Nhưng chỉ trong 3 hoặc 4 năm sau, con số này từ từ giảm sút, bởi vì dân chúng thấy rằng trong 75 năm qua, các Giáo hội đã chẳng thay đổi, mà cũng vẫn là những Gíao hội cổ xưa.

Một trong những dấu chỉ cho thấy có sự thức tỉnh về thiêng liêng nơi người dân Úc, đó là sự gia tăng việc giảng dạy tôn giáo. Không riêng gì giới thượng lưu và trung lưu gởi con học trong các trường đạo, những cha mẹ có thu nhập thấp, cũng vẫn thích gởi con vào các trường kitô giáo. Con số học sinh ghi danh vào các trường này mỗi năm tăng 10 phần trăm.

Ông Stephen O'Doherty, giám đốc Hiệp Hội các trường kitô giáo giải thích như sau: "Các bậc phụ huynh muốn cho con em mình được thấm nhuần những giá trị khác, chứ không phải chỉ có kinh tế thị trường". Ông tin rằng các trường kitô giáo đã đề ra một số giá trị để chống lại  chủ nghĩa duy vật, vốn đã được quảng bá rộng rãi vào hai thập niên 60 và 70. Trước kia, người dân mong đợi các chính trị gia sẽ mang lại tiến bộ cho họ. Nay, với tư cách là cha mẹ, họ ý thức rằng có những lãnh vực mà các chính phủ không được phép xen vào.

Sau biến cố 11/09/2001, trong nhiều trường kitô giáo, người ta đã xem những cuộc tấn công khủng bố như bãi chiến trường giữa thiện và ác. Nói cách khác, ý thức về luân lý đã gia tăng nơi con người.

Giáo sư Chalke nói rằng đây là cơ hội để chính phủ Úc nhấn mạnh đến phúc lợi thiêng liêng của người dân và tập nói ngôn ngữ của hy vọng. Theo ông, một nửa dân số Úc tin rằng cần phải có những giá trị thiêng liêng con người mới có thể có được một cuộc sống sung mãn.

 

(Chu Văn)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page