Cảm nghĩ của ÐHY Korec TGM Nitra
về chuyến viếng thăm Slovakia
của ÐTC Gioan Phaolô II
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Cảm
nghĩ của ÐHY Korec, TGM Nitra, về chuyến viếng thăm Slovakia của
ÐTC Gioan Phaolô II.
(Radio
Veritas Asia -12/09/2003) - ÐTC Gioan Phaolô II đã thực hiện xong
chuyến viếng thăm lầnī thứ 3
của ngài tại Slovakia.
Trước
khi bắt đầu chuyến viếng thăm vào ngày thứ Năm 11 tháng 9
năm 2003, trong lời giã biệt các tín hữu hành hương tại
Roma vào hôm thứ Tư 10/09/2003, Ðức
Gioan Phaolô II giải thích mục đích chuyến công du của ngài lần
này, là để cổ võ cho một mùa xuân canh tân của đức tin
và phát triển dân sự tại Slovakia, một miền đất được
phong phú hóa bởi gương chứng nhân từ các tông đồ anh dũng
của Chúa Kitô. Các vị này đã để lại những vết tích hùng
hồn trong lịch sử của Slovakia. Là một quốc gia đã trải qua
chế độ độc tài Ðức Quốc Xã và độc tài cộng sản
trong vòng hơn 5 thập niên, Slovakia ngày nay đang ở trong một tình
trạng khá căng thẳng về mặt chính trị và xã hội.
Trên
bình diện tôn giáo, hai cuộc viếng thăm lần đầu của Ðức
Gioan Phaolô II, --- một, vào tháng
Tư năm 1990 khi Slovakia còn là một phần của cộng hòa
Czechoslovakia, và lần thứ hai vào năm 1995, --- đã giúp
củng cố thêm nhiều đức tin công giáo của người công giáo
tại đây. Trở lại Slovakia lần thứ ba, Ðức Gioan Phaolô II
không quên nhắc nhớ người công giáo trong nước về
cội rễ Kitô Giáo của họ.
Trước
ngày ÐTC đặt chân trở lại trên đất Slovakia, ÐHY Jan
Chryzostom Korec, TGM Nitra, đã công bố một bức thư
trong đó ÐHY đề cập đến tác động của Ðức Gioan
Phaolô II đối với đất nước và người công giáo Slovakia.
Bức thư này đã được hãng thông tấn Fides đăng tải. Theo
ÐHY Korec, với cội rễ Kitô giáo
sâu đậm của quốc gia, cộng đồng công giáo tại đây
đang tiếp tục cuộc canh tân đức tin nhờ qua các nỗ lực của
Ðức Gioan Phaolô II trong thời
hậu cộng sản.
Lời
chứng của ÐHY Korec về cội rễ Kitô giáo của Slovakia được
ghi như sau: "Slovakia, nay được gọi Cộng Hòa Slovakia, là một
quốc gia cổ thuộc miền Trung Âu Châu gần Ba Lan, Áo và
Ukraine, giữa dãy núi Tatra và Sông Danube. Nhà thờ Kitô giáo
đầu tiên trên đất Slovakia đã được thánh hiến tại Nitra,
bởi Ðức TGM Adalramo của Salzburg. Năm 863, hai thánh Cyrillô và
Mêtôdiô đã đến rao giảng cho cha ông chúng ta, xây dựng
cội rễ kitô giáo sâu vào đất
nước Slovakia. Ngày nay, hai vị thánh này là đồng quan
thầy Âu Châu. Khi thánh Mêtôdiô còn sống, giáo phận đầu
tiên cho toàn vùng Trung và Ðông Âu được thiết lập tại
Nitra. Sau biến cố này, Slovakia đã trải qua hàng ngàn năm là
phần đất của Ðế Quốc Hungary, sáng lập bởi vua thánh Stêphanô.
Slovakia là một phần của bức tường thành Kitô Âu Châu, đã
chống lại những cuộc tấn công liên tục của người Tartars,
và những cuộc tấn công sau đó của Ðế Quốc Thổ Nhĩ Kỳ
Ottoman".
Như
đã nói ở trên, lịch sử của Slovakia trải qua hơn 5 thập niên
sống dưới chế độ độc tài Ðức Quốc Xã và cộng sản.
Cá nhân ÐHY Korec đã bị chính quyền cộng sản cầm tù 12 năm,
phải sống trong một phòng giam chật hẹp, không có điện, không
có ánh sáng và sau khi ra tù thì sống trong tình trạng giam tại
gia. Kể lại giai đoạn đen tối này và vai trò của ÐTC Gioan
Phaolô II, ÐHY nói: "Ngày
nay, Slovakia là một quốc gia độc lập, nhưng trước đó đã
nếm mùi của hai cuộc thế chiến và dân chúng trong nước, đặc
biệt người Kitô giáo, đã trở thành nạn nhân trong một
giai đoạn bách hại của nhà cầm quyền cộng sản kéo dài từ
năm 1948 đến năm 1989, là năm chế độ cộng sản tại đây
cáo chung. Nhiều vị Giám Mục, tu sĩ và giáo dân Slovakia bị
giam tù, các nhà dòng bị đàn áp, chủng viện bị đóng cửa,
các tổ chức công giáo và báo chí,
bị cấm hoạt động. Ðó là những năm Slovakia sống trong
sự kiềm chế của chủ nghĩa man rợ và khủng bố. Năm 1989,
một lần nữa chúng ta tìm lại được tự do. Trong cuộc tranh
đấu giành tự do từ chế độ cộng sản, chúng ta có được
sự hỗ trợ lớn lao từ ÐTC Gioan Phaolô II, người đã
được chọn lên ngai tòa Phêrô vào năm 1978. Tại Slovakia này,
chúng ta luôn luôn lắng nghe tiếng nói của ngài, theo dõi các
chuyến công du, chủ yếu qua các đài truyền hình Áo. Các hoạt
động của Ðức Gioan Phaolô II cho chúng ta sức mạnh và lòng
can đảm lớn lao. Hơn ai khác, ngài biết rõ hoàn cảnh của
chúng ta. Ngài biết hoàn cảnh của chúng ta từ khi ngài còn
là TGM Cracovia, nằm phía bên kia dãy núi Tatra".
Nhắc
lại 2 chuyến viếng thăm lần đầu của Ðức Gioan Phaolô II tại
Slovakia, ÐHY Korec giải thích tại sao niềm tin của các tín hữu
công giáo của nước này được củng cố, như sau: "Khi chủ
nghĩa cộng sản sụp đổ, vào tháng 4 năm 1990, Ðức Gioan
Phaolô II thực hiện chuyến công du đầu tiên đến Slovakia. Ngài
bổ nhiệm Giám Mục cho các giáo phận không có chủ chăn từ
30 tới 40 năm qua. Ðây là nguồn an ủi và ơn phước lớn
lao cho tất cả chúng ta. Ðột nhiên, đời sống giáo hội trở
nên sống động trở lại --- các dòng tu, tu sĩ nam nữ phục
hồi đời sống cộng đoàn; các chủng viện mở cửa lại; các
trường công giáo, luôn cả một đại học công giáo bắt đầu
sống lại. Năm 1995, Ðức Gioan Phaolô II đến thăm Slovakia lần
thứ hai trong vòng 4 ngày. Trong lần viếng thăm thứ hai này,
hàng trăm ngàn người đã có mặt để đón chào ngài. Giờ
đây, vị Giáo Hoàng này đã 83 tuổi đến viếng thăm chúng
ta lần thứ 3. Chúng ta đã chuẩn bị cho cuộc viếng thăm này
với những buổi cầu nguyện, đặc biệt là đọc kinh mân côi,
cùng với rất nhiều sinh hoạt linh hướng và bác ái khác
nhau".
Bày tỏ lòng biết ơn của giáo hội và các tín hữu công giáo Slovakia, ÐHY Korec tiết lộ là có một nhóm bạn trẻ tặng cho ÐTC một bộ Kinh Thánh Tân Ước viết bằng tay. Bộ kinh này được bọc bằng da và nặng 10 kí lô. Ðây cũng là một cử chỉ bày tỏ lòng trung thành của giáo hội công giáo Slovakia đối với ÐTC. Người công giáo Slovakia mong đợi cuộc viếng thăm lần III này của Ðức Gioan Phaolô II mang lại cho họ sự đoàn kết, một đức tin sâu xa hơn, và sự hợp tác hỗ tương chặt chẽ hơn, đặc biệt vào thời điểm mà họ đang phải đương đầu với rất nhiều khó khăn. Theo ÐHY Korec, chuyến viếng thăm lần này của ÐTC có tầm quan trọng không chỉ riêng cho Slovakia và còn cho cả Âu Châu và thế giới. ÐHY nhận định như sau: "Từ Slovakia, trái tim của Âu Châu, ÐTC nhắn gửi toàn đại lục của chúng ta; ngài khuyến khích mỗi người hãy giúp Âu Châu trưởng thành từ chính những cội nguồn vững chắc đã giúp cho Âu Châu lớn lên về mặt tinh thần và văn hóa qua bao thế kỷ nay. Chuyến viếng thăm của ÐTC quan trọng không chỉ riêng cho người dân Slovakia nhưng còn cho cả thế giới. Như đã làm trong quá khứ, ngày nay, giáo hội Slovakia đang gửi những nhà truyền giáo đến các miền trên thế giới. Con số các nhà truyền giáo Slovakia hiện giờ đông hơn và đang làm việc tại Nhật, Indonesia, Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh. Chúng ta cầu nguyện để xin chuyến viếng thăm của ÐTC mang lại một đà thúc đẩy mới cho công cuộc truyền giáo, cho đức tin được ăn rễ sâu hơn, là điều rất cần thiết cho chúng ta và cho toàn thế giới ngày hôm nay".
(Việt Hùng)