Tiếng kêu gọi hiệp nhất

từ Giáo hội thầm lặng Trung Quốc

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Tiếng kêu gọi hiệp nhất từ Giáo hội thầm lặng Trung Quốc.

Radio Veritas Asia - [viết theo Avvenire 7/09/2003] - Mới đây, một vị giám mục thuộc Giáo hội thầm lặng tại Trung Quốc đã gởi thư cho các đức giám mục trong nước để kêu gọi xây dựng Sự Hiệp Nhứt.

Vị giám mục này là Ðức  Cha Giuse Han Zhihai, vị giám mục thầm lặng thứ 39 của giáo phận Lanzhou, thuộc tỉnh Gansu, một trong những vùng Giáo hội  bị bách hại dã man nhứt.

"Chúng ta không thể nào tiếp tục làm ngơ trước lời cầu nguyện của Chúa Giêsu "Xin cho chúng nên một". Với tư cách là một giám mục và là mục tử  của đoàn chiên của giáo phận Lanzhu, tôi buộc phải nói với các anh em giám mục của tôi rằng: hãy giải thoát các tín hữu Công giáo Trung hoa khỏi tình trạng chia rẽ mập mờ này. Ðức Thánh Cha đã bao nhiêu lần bày tỏ ước muốn và khuyến khích chúng ta phải hòa giải với nhau".

Những lời lẽ trên đây của đức cha Han Zhihai đi thẳng vào tâm hồn các giám mục, dù thuộc Giáo hội thầm lặng hay Giáo hội yêu nước: Ðã đến lúc hai Giáo hội phải nên một với nhau như Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II hằng ước mong.

Lá thư của đức cha Han Zhihai quả là một hành động can đảm. Chắc chắn dưới con mắt của Ủy Ban tôn giáo chính phủ Trung Quốc, một cử chỉ như thế là một thách đố hay ngay cả khiêu khích đối với chế độ cọng sản, vốn luôn chủ trương kiểm soát nhứt cử nhứt động của Giáo hội và không dung tha cho bất cứ một ai làm điều gì mà không có phép hay sự đồng ý của Nhà Nước. Trên phương diện này, lá thư mà đức cha Han Zhihai gởi cho các giám mục quốc doanh cũng như thầm lặng là một việc làm không hợp pháp.

Ðức Cha Han Zhihai đã thực sự can đảm khi viết một lá thư kêu gọi như thế. Và ngài đã có lý khi đưa ra lời kêu gọi "Hiệp Nhứt" này. Trong gần 50 năm qua, kể từ khi chế độ cọng sản Trung Quốc thành lập Giáo hội ái quốc, chế độ này đã dùng mọi phương thế để kiểm soát Giáo hội, cắt đứt mọi quan hệ của Giáo hội với Tòa Thánh và với Giáo hội hoàn vũ. Và trong khi Giáo hội ái quốc công bố chương trình "Ba Tự Trị", tự trị về giáo lý, tự trị về phẩm trật, tự trị về tổ chức, nhiều vị giám mục, linh mục và giáo dân vẫn cương quyết trung thành với đức giáo hoàng. Họ đã chấp nhận bị bách hại, bị cầm tù và bị sát hại. Hậu quả là sự chia rẽ trầm trọng giữa hai Giáo hội. Hai bên không những tránh mặt nhau mà còn cả không chấp nhận cử hành Thánh Thể chung với nhau.

Trong lá thư gởi cho các đức giám mục của Hai Giáo hội, đức cha Han Zhihai đã nhắc lại thảm trạng ấy như sau: "Chúng ta rất đau lòng vì tình trạng chia rẽ ấy... nhưng chúng ta lại chấp nhận tình trạng ấy hơn là tách toàn thể Giáo hội Trung Hoa ra khỏi Roma".

Trong hai thập niên vừa qua đã diễn ra nhiều sự kiện có ý nghĩa: nhiều giám mục và linh mục thuộc Giáo hội ái quốc đã xin và đã được chấp thuận cho hòa giải với Tòa Thánh. Nhiều yếu tố đã dẫn đến bước ngoặc quan trọng này. Trước hết là cuộc Cách mạng văn hóa và kế đó là cuộc đàn áp các sinh viên biểu tình tại Thiên An Môn. Cả hai biến cố này đã cho các giám mục và linh mục quốc doanh nhận ra được bộ mặt thật của chế độ cọng sản. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là việc đào sâu đức tin công giáo mà các giám mục và linh mục quốc doanh đã có được trong những năm gần đây. Họ nhận thức được rằng chỉ nhờ tuân phục Ðức Thánh Cha và hiệp nhứt với Tòa Thánh và Giáo hội hoàn vũ mà họ mới có thể đào sâu được đức tin.

Ngoài ra, đáng chú ý hơn cả vẫn là những nỗ lực liên tục của Ðức Thánh Cha để tạo sự hòa giải cho Giáo hội cũng như thái độ cởi mở của Ngài đối với chế độ Bắc Kinh.

Cho tới nay, hơn 80 phần trăm các giám mục quốc doanh đã bày tỏ sự hiệp thông với đức giáo hoàng. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa được giáo dân đón nhận. Tại một vài nơi, nhứt là những nơi vẫn còn chịu bách hại, quan hệ giữa các cộng đoàn vẫn còn tồi tệ và Thánh Thể vẫn chưa được cử hành chung với nhau. Một yếu tố khác khiến cho tình trạng chia rẽ vẫn tiếp tục đó là sự sợ hãi của một vài giám mục quốc doanh: những vị này không muốn công khai tỏ bày sự hiệp thông với Ðức giáo hoàng. Một lý do khác là thái độ cứng rắn của các tín hữu thuộc Giáo hội thầm lặng.

Ðức cha Han Zhihai không ngần ngại đề nghị với anh em giám mục như sau: "Chúng ta hãy nói rõ với giáo dân của chúng ta rằng chúng ta hiệp nhứt trong đức tin với Ðức thánh Cha và với Giáo hội hoàn vũ. Có như thế chúng ta mới có bình an và can đảm gặp gỡ nhau để cùng nhau cử hành Thánh Thể là Nguồn mạch hiệp nhứt của chúng ta". Ðề nghị của đức cha Han Zhihai vang vọng lại chính những lời của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II hồi năm 1995, khi ngài viếng thăm Manila Philuậttân. Thật thế, từ Philuậttân, Ðức Thánh Cha đã gởi sứ điệp cho Giáo hội Ái Quốc của Trung Quốc để kêu gọi họ công khai bày tỏ sự hiệp thông với Tòa Thánh. Riêng với các tín hữu thuộc Giáo hội thầm lặng, ngài kêu gọi hãy tỏ ra "bác ái" hơn với anh em chị em của mình.

Hiện nay giữa nhiều giám mục trung hoa vẫn có sự cộng tác. Cách đây vài tháng, một giám mục thuộc Giáo hội ái quốc đã xác nhận rằng "kể từ nay chỉ có một Giáo hội tại Trung quốc mà thôi" và tại nhiều giáo phận, các linh mục cộng tác với nhau trong công việc mục vụ. Mặc dù Giáo hội ái quốc chỉ là một công cụ trong tay Nhà nước, nhiều giám mục thuộc Giáo hội này cũng vẫn bị cô lập và theo dõi ngày đêm, các chủng sinh cũng vẫn phải học tập chính trị liên tục, các chuyến đi nước ngoài vẫn bị theo dõi. Ðiều ấy lại càng cho thấy rằng dù là chính thức hay thầm lặng, Giáo hội tại Trung quốc vẫn được xây dựng trên Ðá Tảng Phêrô và bên kia những cuộc bách hại, vẫn cố gắng xây dựng Sự Hiệp Nhứt và bày tỏ sự hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ.

 

(Chu Văn)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page