Tình hình tự do tôn giáo

tại một số nước cựu cọng sản Ðông Âu

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Tình hình tự do tôn giáo tại một số nước cựu cọng sản Ðông Âu.

(Radio Veritas Asia 29/07/2003) - Theo bản tường trình của Tổ Chức "Trợ Giúp các Giáo hội đau khổ", tại một số nước  Âu châu, đặc biệt các nước cựu cọng sản, Giáo hội Công giáo vẫn chưa được hưởng tự do tôn giáo trọn vẹn.

Albania là quốc gia đang từ từ phục hưng sau những tàn phá về tinh thần và vật chất dưới một chế độ vô thần tàn bạo nhứt trong các chế độ cọng sản. Hiện nay quốc gia này đang là vùng đất hoạt động của nhiều tôn giáo. Ngày 23/03/2002, chính phủ Albania và Tòa Thánh đã ký kết một thỏa ước gồm 11 điều khoản, bảo đảm quyền tự do tuyên xưng đức tin công giáo một cách công khai, công nhận qui chế pháp lý của Giáo hội và những tổ chức được Giáo luật nhìn nhận cũng như bảo đảm cho Giáo hội được quyền tự do thông tin và xử dụng các phương tiện truyền thông riêng. Hiện nay có khoảng 100 linh mục và 300 nữ tu đang hoạt động mục vụ trên toàn quốc. Tuy nhiên, vẫn chưa có một luật rõ ràng để qui định việc thờ phượng, mặc dù Hiến Pháp có đề cập đến.

Tại cọng hòa Belarus, bất kể phản ứng của các nhóm tôn giáo trong nước và chỉ trích của cộng đồng thế giới, tổng thống Alexander Lukaschenko vẫn quyết định ban hành một  luật mới về tôn giáo, được nhiều người xem như là  luật tôn giáo có tính cách đàn áp nhứt tại Âu Châu. Luật này nhìn nhận Giáo hội Chính thống Nga như là quốc giáo và nhấn mạnh rằng Nhà nước có nghĩa vụ phải bảo vệ vai trò thống trị của Chính thống giáo trước những giáo phái nguy hiểm. Với luật này, các tôn giáo thiểu số sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi vì không thể hoạt động nếu không có sự phê chuẩn của Nhà nước.

Tình hình tự do tôn giáo tại Bosnia Herzegovina cũng không sáng sủa hơn. Hiện vẫn còn 22,000 binh sĩ tại Bosnia, là phần đất vẫn còn mang vết tích sâu đậm của cuộc nội chiến hồi thập niên 1990. Sức mạnh quân sự được xem là yếu tố nền tảng để bảo đảm quân bình giữa ba nhóm người Serbi, Croat và Hồi giáo. Việc hồi hương của người tỵ nạn cũng góp phần làm giảm bớt sự căng thẳng giữa các tôn giáo.

Dù vậy, ký ức về chiến tranh giữa các chủng tộc lại khơi dậy tinh thần bất khoan nhượng về tôn giáo. Tất cả các cộng đồng tôn giáo đều than phiền về tệ nạn bàn giấy hoặc thái độ cố tình ngăn cản của các chính phủ khiến cho việc sửa chữa các nơi thờ phượng bị tàn phá trong thời chiến tranh gặp nhiều khó khăn. Ðiều này thường xảy ra cho các cộng đồng Chính thống giáo phải sinh sống trong những vùng có đa số dân theo Hồi giáo.

Tại Bulgari, hồi tháng 12 năm 2002, Quốc hội đã thông qua một luật về tôn giáo nhằm củng cố vai trò của Giáo hội Chính thống trong một quốc gia mà 83 phần trăm theo Chính thống giáo. Luật này đã tạo ra nhiều phản ứng gay gắt từ phía các cộng đồng Công giáo, Tin lành, Hồi giáo, Do thái.

Dạo tháng 2 năm 2002, một cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa thủ tướng, bộ trưởng nội vụ và tôn giáo và chủ tịch của Hội đồng giám mục Công giáo Bulgari đã diễn ra tại Pháp quốc nhằm tạo ra một cơ hội để có đối thoại giữa chính phủ và Giáo hội Công giáo.

Tại Serbia, quốc hội đang bàn thảo về một luật mới về tự do tôn giáo. Các cộng đồng Tin lành báo động rằng chỉ có một số giáo hội và cộng đồng được nhắc đến trong bản dự thảo luật. Ðiều này có nghĩa là những giáo hội hay cộng đồng không được nhắc đến, sẽ có nguy cơ bị dân chúng xem như những giáo phái. Nhưng nhiều người cho rằng với luật mới về tự do tôn giáo, chính phủ muốn cho các nhóm tôn giáo ghi danh với bộ tôn giáo. Ngoài ra, chính phủ cũng khuyến khích việc dạy môn tôn giáo tại các trường công lập. Luật mới về tôn giáo cũng tạo điều kiện cho các Giáo hội thu hồi tài sản đã bị chính quyền cọng sản tịch thu trong thời đệ nhị thế chiến.

Tại Romania, Giáo hội Công giáo vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong việc đòi lại các nhà thờ đã bị chính quyền cọng sản tịch thu hồi năm 1948 và trao cho Giáo hội Chính thống. Tổng thống Romania, ông Ion Illiescu vẫn khư khư bảo vệ lập trường là Nhà nước không can thiệp vào chuyện nội bộ của các tôn giáo.

Nga là nơi mà tự do tôn giáo đang có nhiều vấn đề mới hơn cả, nhứt là đối với Giáo hội Công giáo. Việc Tòa Thánh thiết lập 4 giáo phận mới tại Nga đã khiến cho quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống ngày càng thêm căng thẳng. Tòa thượng phụ Chính thống Mascơva vẫn tiếp tục tố cáo Giáo hội Công giáo chiêu mộ các tín đồ Chính thống giáo.

Quốc hội Nga đã thông qua một dự thảo đạo luật với chủ ý ngăn cấm không cho các tổ chức tôn giáo, chính trị và xã hội  được có các hoạt động gọi là quá khích. Các tổ chức bênh vực nhân quyền đã gay gắt phê bình đạo luật này. Bộ ngoại giao Hoa kỳ nói rằng có khoảng 2,000 tổ chức tôn giáo tại Nga có nguy cơ bị giải tán. Trong thực tế, nhiều tổ chức đã bị cấm hoạt động.

Tại Thổ nhỉ kỳ, mặc dù chính phủ đã đưa ra nhiều cải tổ để gia nhập vào Liên Hiệp Âu Châu, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy có tự do tôn giáo. Nhà nước vẫn căn cứ vào luật 1936 để tịch thu tài sản của Giáo hội. Mặc dù hiến pháp bảo đảm tự do tôn giáo, việc phụng tự chỉ được phép cử hành trong nơi được thiết lập cho mục đích phụng tự mà thôi.

 

(Chu Văn)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page