Huấn Ðức của ÐTC

trước giờ Kinh Truyền Tin

Trưa Chúa Nhật 20 tháng 7 năm 2003

ÐTC kêu gọi Âu Châu

hãy trở về với gốc rễ Kitô

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Huấn Ðức của ÐTC trước giờ Kinh Truyền Tin Trưa Chúa Nhật 20 tháng 7 năm 2003: ÐTC kêu gọi Âu Châu hãy trở về với gốc rễ Kitô để xây dựng cộng đồng hiệp nhất, hòa bình và an vui cho mọi người dân của đại lục.

(Radio Veritas Asia - 22/07/2003) - Trưa Chúa Nhật 20 tháng 7 năm 2003, ÐTC đã đọc kinh truyền tin với các tín hữu từ  Sân Trong của Nhà Nghỉ Mát ở Castel Gandolfo. Trong bài huấn đức trước khi xướng kinh, ÐTC một lần nữa đã trở lại nói về đề tài sự đóng góp của Kitô giáo vào nền Văn Hóa Âu Châu. Kitô giáo đã đồng hành với lịch sử phức tạp của Âu Châu, và đã nhào nắn nền Văn Hóa Châu Âu. Vì thế vào lúc xây dựng Âu Châu mới, ÐTC kêu gọi hãy trở về với những gốc rễ Kitô, để xây dựng một Âu Châu hiệp nhất, hòa bình và an vui cho mọi người dân của đại lục. ÐTC đã nói như sau:

 

Anh chị em rất thân mến,

Trong những tháng vừa qua, người ta đã làm việc nhiều để soạn thảo Hiến Chương Mới cho Âu Châu; Bản văn cuối cùng của Hiến Chương mới nầy sẽ được Hội Nghị Liên Chính Phủ  bỏ phiếu trong những khóa họp từ tháng 10 năm 2003. Giáo Hội cảm thấy có bổn phận đóng góp phần của mình cho công cuộc quan trọng nầy, có liên hệ tới mọi thành phần của xã hội Âu Châu.

Như tôi đã lưu ý trong Tông Huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục "Giáo Hội tại Âu Châu", Giáo Hội nhắc lại rằng "Âu Châu đã được thấm nhập cách sâu xa và rộng rãi vào trong kitô giáo" (số 24). Trong lịch sử phức tạp của đại lục, kitô giáo kết thành yếu tố trung tâm và quyết định cho đặc điểm của Âu Châu; và yếu tố nầy được củng cố  dựa trên nền tảng của phần gia tài cổ điển và của những đóng góp khác nhau từ những dòng chủng tộc và văn hóa liên tục kế tiếp nhau qua các thế kỷ.

2. Người ta có thể nói rằng đức tin kitô đã nhào nắn nền văn hóa của Âu Châu, cùng đồng hành hòa nhịp với lịch sử Âu Châu;  và dù có sự  chia rẽ đau thương giữa Ðông và Tây phương, kitô giáo đã trở thành "tôn giáo của người dân Âu Châu". Ảnh  hưởng của kitô giáo vẫn còn quan trọng thấy được,  cả trong thời cận đại và đương thời, mặc cho hiện tượng trần tục hóa được phổ biến rộng rãi và mạnh mẽ.

Giáo hội biết rằng quan tâm của mình đối với Âu Châu phát sinh từ sứ mạng của Giáo Hội.  Như là kẻ thừa hưởng Phúc Âm,   Giáo hội đã cổ võ  những giá trị đã làm cho nền văn hóa âu châu được đánh giá cao khắp nơi. Phần gia tài nầy không thể nào để bị tiêu tán mất đi. Ngược lại, Âu Châu mới cần được trợ giúp "để xây dựng chính mình nhờ  việc phục hưng những gốc rễ kitô đã khai sinh ra Âu Châu." (x. n. 25).

3. Nguyện xin Mẹ Maria, Mẹ của niềm hy vọng, canh phòng trên Giáo Hội tại Âu Châu, ngõ hầu Giáo Hội trở nên càng ngày càng "trong suốt phản chiếu Tin Mừng", trở nên nơi tăng trưởng sự hiệp thông và hiệp nhất, sao cho dung mạo của Chúa Kitô chiếu tỏa  ánh sáng trọn đầy, để mang lại Hòa Bình và Niềm vui cho mọi người dân của Ðại Lục.

 

Sau những lời trên, ÐTC xướng kinh truyền tin và ban phép lành cho cộng đoàn tín hữu.

Sau phép lành ÐTC còn ở lại để chào chúc các nhóm ngôn ngữ  khác nhau. Ðặc biệt, ÐTC nhắc  rằng Chúa Nhật 20 tháng 7 năm 2003, là ngày kỷ niệm 100 năm cái chết của Ðức Giáo Hoàng  LEO XIII. ÐTC đã nói như sau:

"Hôm nay là ngày kỷ niệm 100 năm cái chết của Ðức LEO XIII. Ðược nhớ đến như là vị Giáo Hoàng của thông điệp "Tân Sự", thông điệp ghi dấu khởi đầu của học thuyết xã hội của Giáo Hội thời cận đại, Ðức Leo XIII đã khai triển một huấn quyền rộng rãi và chặt chẽ; một cách đặc biệt, Ngài đã khơi dậy phong trào học hỏi tư tưởng của thánh Tôma, và cổ võ sự phát triển đời sống thiêng liêng của dân kitô. Trong Năm Mân Côi nầy, chúng ta không thể quên rằng Ðức Lêô XIII đã dành 10 thông điệp nói về kinh Mân Côi. Hôm nay chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì vị Giáo Hoàng Vĩ Ðại nầy."

Rồi bằng tiếng Pháp, ÐTC cầu chúc anh chị em hành hương được có những giây phút nghỉ ngơi bên cạnh Chúa, để gặp được bình an trong tâm hồn và canh tân đời sống thiêng liêng. Cuối cùng, bằng tiếng Ý, ÐTC nói lên niềm vui  vì sự hiện diện của những tham dự viên Khóa Học Quốc Tế dành cho những Vị Ðặc Trách Huấn Luyện trong các Chủng Viện, do  giáo hoàng đại học  "Nữ Vương các Thánh Tông Ðồ" đứng ra tổ chức.

 

(ÐTD)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page