Những người công giáo tại Pakistan

cổ võ đối thoại liên tôn để chống lại Bạo Lực

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Những người công giáo tại Pakistan cổ võ đối thoại liên tôn để chống lại Bạo Lực.

Tin Islamabad, Pakistan (Zenit 16/07/2003) - Những biến cố đã  xảy ra,  như  cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 tại New York, Hoa Kỳ, chiến tranh tại Afghanistan và Iraq, những tấn công tự  sát tại Israel, tất cả đã tạo ra những khó khăn mới, trong tương quan giữa người công giáo và anh chị em hồi giáo, tại Pakistan. Pakistan hiện có khoảng 147 triệu dân, trong số nầy, người công giáo chỉ hơn khoảng 1 phần trăm mà thôi.

Với sự giúp đỡ đặc biệt của nguyệt san "Thế Giới Truyền Giáo", do Hội Thừa Sai Ngoại Quốc ấn hành, hãng tin Zenit đã thu  lượm vài kinh nghiệm sống của các nhà truyền giáo tại Pakistan.

Trước hết là kinh nghiệm của Cha dòng Ða Minh Rocus Patras, 40 tuổi, cha sở của giáo xứ Thánh ÐaMinh, tại Bahawalpur, nơi mà 17 người kitô đã bị giết chết ngày 28 tháng 10, năm 2001. Cha Patras đã giải thích như sau: "Tại Pakistan, cũng như tại các quốc gia Á Châu khác, tuyên truyền của những nhóm cuồng tín quá khích, bất luận thụộc về tôn giáo nào, đều nhìn  những ai trở lại đạo công giáo, --- dù đó  là kẻ đồng hương với họ, --- như là những kẻ thù. Ðối với những kẻ cuồng tín quá khích nầy, người kitô tiếp tục là kẻ thù cần phải đối đầu, bởi vì những kẻ cuồng tín cho rằng luôn luôn và bất cứ ở đâu, những nguời kitô đều "chiêu dụ tín đồ". Việc Giáo Hội công giáo nhìn nhận những lỗi lầm đã phạm trong vài hoàn cảnh quá khứ, không có hiệu quả nào cả. Việc thay đổi quan điểm, như được Công Ðồng Vatican II  cổ võ, hoàn toàn không được biết đến nơi những kẻ  quá khích chỉ tìm tranh chấp đối đầu.

Linh Mục James Channan, phó bề trên tỉnh dòng Daminh tại Pakistan, cũng gặp những vấn đề khó khăn. Cha kể lại như sau: Tôi đi làm lễ tại địa điểm công giáo ở Mian Channu. Hoàn cảnh thật là khó khăn. Có khoảng 50 người trẻ có vũ khí  giữ trật tự  quanh nhà thờ, để bảo đảm cho việc cử hành thánh lễ  được yên ổn. Tôi nghĩ là tôi  đang sống ở vùng chiến tranh, mặc dù đây là nơi mà tôi đã đến học cách đây 32 năm. Lúc đó, không có bầu khí lo sợ như hôm nay.  Vào những ngày lễ, người công giáo đã  có thể rước kiệu.. Nhưng giờ đây, tất cả đều lo sợ. Cửa nhà thờ luôn đóng kín, không còn rước kiệu nữa. Tại sao dân chúng thay đổi nhanh chóng như vậy?

Ðể có thể ngăn chận sự lan tràn tình trạng bạo lực, Ủy Ban Toàn Quốc về Hòa Bình và Công Bằng xã hội đã được thiết lập, và mở rộng đón nhận những người kitô không công giáo, và cả những anh chị em hồi giáo,  vào làm thành viên. Ðức Cha Joseph Coutts, giám mục Faisalabad, đã nói như sau: Như là những con người hòa bình, chúng ta cần phải cổ võ sự hòa hợp xã hội trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay.

Ðức Tổng Giám Mục Lawrence Saldanha, Tổng Giám Phận Lahore, hy vọng rằng việc đối thoại sẽ thu hút được không những anh chị em hồi giáo cấp tiến,  mà cả những tín đồ hồi giáo thủ cựu, có ảnh hưởng nhiều trên dân chúng." Ủy Ban Hòa Bình  cộng tác hoạt  động  chặt chẽ với các giáo xứ, các linh mục quản nhiệm giáo xứ, các tu sĩ và những giáo viên giáo lý. Trách vụ của Ủy ban  là gợi ra những cách thế để tránh gia tăng những tranh chấp liên tôn.

 

(ÐTD)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page