Một vài chi tiết về
những cặp song sanh dính liền nhau
Một Cặp song sanh dính đầu người Nepal sinh năm 2000
đã được giải phẫu tách lìa thành công tại Singapore vào năm 2001
nay đã 3 tuổi nhưng chưa bước đi được
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Một vài chi tiết về những cặp song sanh dính liền nhau trên thế giới.
Tin Tổng Hợp (10/07/2003) - Ngày 8/07/2003, cặp chị em song sanh dính đầu Ladan và Laleh Bijani, người Iran, 29 tuổi, qua đời vì bị ra máu quá nhiều, sau cuộc giải phẫu để tách lìa hai người ra riêng biệt. Khắp nơi trên thế giới, rất nhiều người quan tâm đến cuộc giải phẫu này và đã đau buồn tiếc thương cho số phận thiếu may mắn của họ.
|
<--- (Cặp song sanh dính đầu người Hoa Kỳ)
Hiện tượng song sanh dính đầu xảy ra rất ít, cứ khoảng 2 triệu cặp song sanh thì chỉ có một trường hợp là song sanh dính đầu. Nhưng nếu tính chung tất cả những trường hợp song sanh dính liền khác, cứ khoảng 50,000 hoặc 100,000 cặp song sanh thì mới có một trường hợp là song sanh dính liền nhau ở một phần cơ thể nào đó bất kỳ.
Vào thời cổ xưa, những trường hợp song sanh dính liền nhau đã trở thành những thần thoại. Trong chuyện thần thoại Hy Lạp, có ghi lại những vị thần có những thân hình dính nhau như thần Jenus có hai mặt, thần Centaurs có nữa thân hình là ngựa nữa thân hình là người (có thể đây là hình ảnh của những cặp song sanh dính nhau nên có 4 chân). Ở Trung Hoa, vào thời Nhà Hán (206BC-220AD) có ghi lại câu chuyện cặp song sanh dính nhau của cô bé gái có 2 đầu, 2 cổ và 4 tay.
Vào những thời xa xưa, những trường hợp song sanh dính liền nhau rất ít khi được ghi chép lại, bởi vì vào những thời đó, vấn đề y khoa còn rất lạc hậu. Những cặp song sanh vào thời đó khó có thể sống sót sau khi được sinh ra, vì hình dạng và độ lớn của chúng gây nên nhiều trở ngại lúc sinh nở. Cho dù nếu may mắn có thể sống sót, thì những người thời đó cũng xếp họ vào loại quái dị hay quái thai và sẽ giết chết họ ngay sau khi được sinh ra.
Vào khoảng thế kỷ thứ 16, những người Pháp mê tín thì cho rằng những cặp song sanh dính nhau là do các thần thánh giận dữ muốn trừng phạt họ. Các nhà khoa học vào thời đó thì cho rằng những cặp song sanh dính nhau là kết quả do bào thai quá chật hẹp, hay vì y phục của người mẹ quá bó chặt, hoặc do kiểu cách người mẹ ngồi...
|
<--- (Cặp song sanh dính liền từ ngực tới rốn, Ngô Bá Nghĩa và Ngô Bá Ðàn, sinh vào tháng 1 năm 2001 tại Bệnh Viện Nghĩa Ðàn, Nghệ An, Việt Nam)
Ngày nay, với sự tiến bộ của y khoa, nhiều cặp song sanh dính liền nhau đã được sinh ra cách an toàn. Và các nhà chuyên môn thời nay giải thích rằng, những cặp song sanh dính liền nhau là do noãn phân chia không được hoàn toàn trong thời kỳ phát triển của bào thai. Trong một bào thai bình thường, những tế bào của thai nhi được phát triển vào đúng theo những vị trí thuộc về cho riêng nó, theo mệnh lệnh của những kích thích tố hoạt động trong tế bào đó. Những trường hợp song sanh dính liền nhau là do sự lầm lẫn của những mệnh lệnh này tạo nên sự phát triển không chính xác. Những tình trạng như vậy, bào thai có thể phát triển thành những cặp song sanh dính nhau, có hai đầu, hai trái tim, 4 chân và 4 tay.
Trên thế giới, có nhiều cặp song sanh nữ dính nhau hơn là những cặp song sanh nam. Cũng có những cặp song sanh dính nhau mà một em bé thì to lớn và khỏe mạnh còn em bé kia thì lại nhỏ hơn hoặc yếu ớt. Trong các cặp song sanh dính nhau, thường thường thì được dính nhau vào ở những bộ phận như ngực và bụng. Những trường hợp dính nhau ở mông, lưng hay đầu thì rất ít.
Trường hợp giải phẫu tách lìa cho một cặp song sanh dính nhau xảy ra lần đầu tiên trên thế giới là vào năm 1953. Và từ đó, những trường hợp nào mà bác sĩ giải phẫu nhận thấy an toàn và có thể tách lìa được thì các bác sĩ sẽ đề nghị nên tách lìa càng sớm càng tốt. Thông thường những cuộc giải phẫu này được thực hiện với mục đích là tạo cho những cặp song sanh này được phát triển thoải mái hơn theo từng cá nhân riêng biệt và bảo đảm an toàn tính mạng của những cặp song sanh này. Tuy nhiên cũng có những tranh luận xảy ra cho những cuộc giải phẫu mà họ sẽ gặp phải rất nhiều nguy hiểm như trường hợp của những cặp song sanh dính nhau ở những cơ quan đặc biệt, hoặc ở những cặp mà khi tách lìa sẽ làm cho một em bé thì khỏe mạnh còn em bé kia thì sẽ yếu ớt. Vào năm 2000, một cặp song sanh ở Anh Quốc đã được giải phẫu tách lìa với mục đích cứu đứa bé khỏe mạnh hơn trong hai đứa bé. Sự việc này đã gây ra nhiều tranh luận, nhiều người cho rằng giải phẫu như thế thì thiếu nhân đạo vì sẽ làm cho đứa bé yếu ớt kia bị chết. Mặc dầu vậy, cuộc giải phẫu đó đã được thực hiện, và đứa bé kia đã qua đời một vài tháng sau đó.
Trước kia, khi kỹ thuật giải phẫu tách lìa cho những cặp song sanh dính nhau chưa được phổ biến, thì cũng đã có nhiều cặp song sanh sống dính chung với nhau và đã trở thành nổi tiếng. Cặp song sanh dính nhau nổi tiếng nhất đó là cặp Chang và Eng, sinh ra ở Siam (tên cũ của Thái Lan) vào năm 1811. Cặp song sanh này dính nhau ở phần thân dưới ngực, và phổi của họ cũng dính liền nhau. Năm 1829, cặp song sanh này nhận lời mời của Thuyền Trưởng Abel Coffin đi du hành qua Hoa Kỳ. Tại đây, cặp song sanh này đã có những buổi trình diễn cho dân chúng cũng như các nhà khoa học và các sinh viên ở Hoa Kỳ và Âu Châu. Họ đã có được rất nhiều tiền và họ đã trở thành giàu có. Họ đã lập gia đình với hai người chị em và đã sanh được 21 người con. Chỉ đáng tiếc, khi họ muốn được giải phẫu để được tách lìa thì bác sĩ đã từ chối vì họ đã quá lớn. Tuy nhiên mộng ước sống riêng của họ vẫn được thực hiện bằng cách họ có những gia đình riêng với tài sản riêng và với những tòa nhà riêng biệt. Họ đã luân phiên nhau, lúc thì sống ở tòa nhà của người này, và lúc thì sống ở tòa nhà của người kia. Cuối cùng, họ đã qua đời lúc 63 tuổi. Cặp song sanh này đã trở thành nổi tiếng thế giới, bởi vậy ngày nay trong Anh ngữ, danh từ siamese twins (hay conjoined twins) nghĩa là cặp song sanh dính liền nhau, là do tên gọi của cặp song sanh người Siam (Thái Lan) này mà ra.
|
<--- (Cặp song sanh người Ấn Ðộ 34 tuổi)
Mặc dầu tỷ lệ thành công của những cuộc giải phẫu tách lìa các cặp song sanh dính nhau là khoảng 70 tới 80 phần trăm, nhưng các bác sĩ vẫn nhấn mạnh rằng vẫn còn có những nguy hiểm, vì mỗi cặp song sanh đều có những đặc điểm khác nhau và không có cuộc giải phẫu nào giống nhau. Những trường hợp giải phẫu cho những cặp thiếu nhi song sanh dính đầu thì tỷ lệ thành công chỉ ở vào khoảng 50 phần trăm.
Cuộc giải phẫu cho cặp song sanh dính đầu người Iran 29 tuổi, Ladan và Laleh Bijani là cuộc giải phẫu lần đầu tiên cho người trưởng thành, đã thất bại, tạo nên cái chết cho hai người, mặc dầu các bác sĩ đã cố gắng hết sức mình. Hai cô Ladan là Laleh Bijani, đã tốt nghiệp Trường Ðại Học Luật Khoa. Ladan thì muốn trở thành một luật sư, còn Laleh thì lại muốn trở thành một ký giả. Mộng ước của họ muốn được giải phẫu để được sống riêng biệt đã thất bại, nhưng cuối cùng hai người cũng đã được chôn cất với hai phần mộ riêng biệt, cũng một phần nào đã toại nguyện ước vọng của họ sau khi đã qua đời.
(Joseph Trương)