Những người Công Giáo cùng với

dân chúng Hồng Kông xuống đường

phản đối Ðạo Luật về An Ninh Quốc Gia

 

Dân chúng Hồng Kông đốt cờ Trung Quốc

để phản đối điều khoản 23 giới hạn tự do của người dân

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Những người Công Giáo cùng với dân chúng Hồng Kông, tổng cộng khoảng 500,000 người, xuống đường phản đối Ðạo Luật về An Ninh Quốc Gia.

Tin Hong kong (Ucan 2/07/2003) - Theo  hãng tin  Công giáo Á Châu (UCA), hôm chiều ngày 1 tháng 7 năm 2003, dịp kỷ niệm 6 năm ngày trao trả Hồng Kông lại cho Trung Quốc, khoảng 500,000 người, thuộc mọi thành phần, và không phân biệt tôn giáo --- công giáo và không công giáo --- đã xuống đường phản đối Ðạo Luật về An Ninh Quốc Gia, sắp được Hội Ðồng Lập Pháp Hồng Kông thông qua vào ngày 9 tháng 7 năm 2003. Ðây là cuộc biểu tình lớn nhất ở Hong Kong, kể từ năm 1989 đến nay,  để ủng hộ  cho phong trào dân chủ ở Bắc kinh. Và trên bình diện  tôn giáo, thì  đây cũng là cuộc quy tựu những người Kitô quy mô nhất, để nói lên lập trường về vấn đề xã hội.

Hongkong

Những người tuần hành trong cuộc biểu tình đã yêu cầu ngưng lại việc ban hành Ðạo Luật 23 về An Ninh Quốc Gia. Dân chúng Hong Kong sợ rằng điều luật mới này sẽ giới hạn sự tự do báo chí, tự do ngôn luận và tự do tổ chức hiệp hội.

Dân chúng cũng đã bày tỏ sự bất mãn với Ông Ðổng Kiến Hoa (Tung Chee-Hwa), Vị Lãnh Ðạo hành chánh của Ðặc khu Hong Kong. Trong nhiệm kỳ sáu năm lãnh đạo Hồng Kông, Ông đã bị  than phiền  vì các vấn đề về kinh tế và những vấn đề khác của vùng đất này.

Hãng Tin UCA cũng cho biết là có khoảng 10,000 người Kitô, --- Tin Lành    Công giáo  --- nhưng đa số là người Công giáo --- đã tập hợp lại trong một buổi cầu nguyện được hướng dẫn bởi Ðức Cha Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen Ze-Kiun), giám mục Giáo phận Hồng Kong và Mục sư  Eric So Shing-yit, tổng thư ký của Hội Ðồng Kitô Hong Kong,  một cơ quan của Hội Thánh Tin Lành.

Ðức Cha Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen Ze-Kiun) đã từng lên tiếng phản đối  Ðạo luật này của Chính phủ Hông Kong. Tại Công Viên Victoria, nơi phát xuất cuộc Biểu Tình hôm mùng 1 tháng 7 năm 2003, Ðức Cha đã lên tiếng trước đám đông như sau: "Chúng ta buộc phải phản đối chính quyền này, bởi vì nguyện vọng của chúng ta đã bị  bác bỏ. Chúng ta phải nói lên sự thật đúng với lương tâm mình, và chúng ta phải có trách nhiệm trả lời cho thế hệ tương lai." Ðức Cha nói tiếp: "Nếu chúng ta nhìn thấy bất công đang xẩy ra, chúng ta phải bày tỏ sự  bất bình của mình trước những bất công đó".

Mục sư Eric So, trong bài diễn văn đã nhắn nhủ với các tín hữu  Tin lành là "chúng ta có bổn phận mang lại sự tự do và sự công bằng cho người dân, để  xây dựng Nước Chúa  trên trần gian".

Sau khi đoàn người đã hát những bài thánh ca,  phất lên những biểu ngữ  và trao đổi biểu tượng Hòa Bình, Ðức Cha Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen Ze-Kiun)  đã  không đi theo đoàn người biểu tình nữa, nhưng ngài đến nhà thờ gần đó để cầu nguyện.

Hãng Tin  UCA cũng đã phỏng vấn một số người tham dự cuộc biểu tình và ghi nhận vài ý kiến sau đây:

- Trước tiên là cô May Lee Siu-ling, một tín hữu Công Giáo. Cô May Lee Siu-ling đã nói là Cô chưa từng bao giờ tham dự vào bất cứ một cuộc biểu tình nào trước đó;  nhưng để đáp lại lời kêu gọi của Ðức Cha Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen Ze-Kiun), Cô đã tham gia vào cuộc biểu tình này, để phản đối việc chính quyền Hong Kong sắp đưa ra một Ðạo luật về "An Ninh Quốc Gia".

- Còn anh Meng Kwong-wing, một người Công Giáo khác, đã tham gia cuộc biểu tình cùng với vợ và đứa con gái của anh. Anh đã nói cho Hãng Tin  UCA là anh cảm thấy rất giận về việc chính quyền Hong Kong đang cố gắng thúc đẩy ban hành đạo luật mới nầy,  mà không hề chú ý đến ý kiến của người dân. Anh đã ca ngợi Ðức Cha Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen Ze-Kiun), vì ngài đã nói lên sự  không hài lòng của dân chúng. Anh nhận định rằng mặc dù  có vài người trong Giáo Hội không muốn cho vị Lãnh Ðạo của mình lên tiếng nhiều quá, nhưng, theo anh, cách nào đó, Ðức Cha Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen Ze-Kiun)  không những đang giúp cho người Công Giáo, mà còn  cho tất cả người dân  Hồng Kông.

- Chị Irene So, nội trợ, nói là chị không theo tôn giáo nào hết. Chị đã cho biết rằng chị và tám thành viên của gia đình chị  đã tham gia cuộc biểu tình trên đường phố, bởi vì chị và gia đình  nhận thấy  đạo luật về "An ninh" này như  là một sự đe dọa cho tự do. Theo Cô Irene So, những gì  ban Lãnh Ðạo của Ông Ðổng Kiến Hoa (Tung Chee-Hwa) đang  làm, --- kể cả cố gắng  thông qua dự luật này, --- đều cho thấy ông đã phản bội những lợi ích của người dân Hông Kong.

- Cô Maeder Lo Mei-tak, một tín hữu Tin Lành, nói là Chính quyền Hong Kong nên lắng nghe tiếng nói của công chúng trước khi họ  muốn ban hành "một đạo luật về an ninh", một đạo luật không bảo vệ cho sự tự do  phát biểu của người dân.  Cô Maeder Lo Mei-tak cũng đã nói thêm rằng cô ta đánh giá rất cao thái độ  dám nói của Ðức Cha Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen Ze-Kiun). Cô  cho rằng Ðức Cha đã góp ý kiến một cách rất  chân tình, về những chính sách của chính quyền Hong Kong.

- Còn anh Randy Lai Ming-cheong thuộc giáo xứ Cosma và Damianô, anh đã có nhận định như sau: "Chúng tôi tha thiết mong chính quyền Hong Kong  tham khảo ý kiến của người dân trước khi thông qua điều luật này. Chúng tôi không bị ai lèo lái cả. Tại sao chính quyền Hồng Kông này không để ý đến những quan tâm của chúng tôi?"

Tuy nhiên anh Randy Lai Ming-cheong ước mong Ðức Cha Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen Ze-Kiun) đừng lên tiếng nhiều quá, mặc dù anh cho rằng Ðức Cha Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen Ze-Kiun)  có quyền nêu lên những ý kiến của mình. Ðức Cha Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen Ze-Kiun) "là lãnh tụ của Giáo phận Hồng Kông này và ảnh hưởng của Ðức Cha rất to lớn." Anh Lai đã giải thích thêm như sau: "Chúng tôi có Ủy Ban Công Lý và Hoà Bình của Giáo phận, Uỷ Ban này có nhiệm vụ trình bày những ý kiến của Giáo hội, thay mặt cho những anh chị em công giáo khác."

- Các học sinh trung học của trường Chung Yau-shan và Chang Yuk-kit đã tỏ ra lo ngại về điều luật này của chính phủ Hong Kong, bởi lẽ điều luật này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học hành và sự tự do báo chí. Những em học sinh  này đã phát biểu như sau: "Mặc dù chúng tôi còn là học sinh, nhưng chúng tôi muốn nói cho Chính phủ biết rằng điều luật này sẽ đánh mất đi sự tự do  bày tỏ quan điểm lập trường tư tưởng."

Hongkong

<--- Xung đột xảy ra giữa cảnh sát Hong Kong và đoàn người biểu tình.

Bởi vì dân chúng biểu tình rất đông, cuộc diễn hành từ Công viên Victoria đến các Văn phòng Trung Ương của Chính quyền Hong Kong,  đã kéo dài hơn sáu tiếng đồng hồ, từ 3 giờ chiều ngày cho đến 9:30 tối (ngày 1/07/2003).  Thông thường,  người đi bộ thường thì chỉ mất có một giờ đồng hồ, để đi xong đoạn  đường nầy. Dân chúng vừa đi vừa hô to khẩu hiệu yêu cầu Ông Ðổng Kiến Hoa (Tung Chee-Hwa) từ  chức và trả quyền hành lại cho người dân.

Ðược biết, vài giờ trước khi cuộc biểu tình bắt đầu,  thì  Thủ tướng Trung Quốc ông Ôn Gia Bảo (Wen Ji-be) đã chấm dứt chuyến viếng thăm ba ngày tại Hong Kong,  nhân dịp kỷ niệm biến cố trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc. Và trước khi rời Hong Kong,  Thủ Tướng Trung Quốc  đã cam đoan với người dân Hong Kong rằng "Ðạo Luật về An Ninh Quốc Gia" sẽ không ảnh hưởng trên sự tự do và những quyền  lợi của người dân ở đây, kể cả những quyền của các nhà báo. Ông ta kêu gọi dân chúng hãy thông cảm, tin tưởng và đoàn kết với nhau.

Ðạo luật về An Ninh Quốc Gia dựa trên Ðiều 23 của  Luật Căn Bản Hong Kong. Bộ Luật Căn Bản nầy được kể như là một "Hiến Pháp" loại nhỏ cho Hong Kong, và đã có  hiệu lực khi Hong Kong được Anh Quốc trao lại cho Trung Quốc, hôm ngày mùng 1 tháng 7 năm 1997.

Ðiều Khoản 23 nầy nói rằng Ðặc khu Hong Kong sẽ ban hành pháp luật riêng để ngăn chặn bất cứ hành động nào của tội phản quốc,  ly khai,  nổi loạn hay là sự  lật đổ chính quyền, việc chống chính quyền trung ương Trung Quốc, hoặc việc ăn cắp tài liệu bí mật quốc gia.

Ðiều khoản này nhằm ngăn cấm các tổ chức chính trị  hải ngoại không được hoạt động chính trị ở Hong Kong, và cấm các tổ chức chính trị ở Hong Kong không được liên kết với các tổ chức chính trị  ở hải ngoại.

 

(ÐTD và Nguyên Vũ)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page