Tường Thuật về
chuyến viếng thăm của ÐTC Gioan Phaolô II
tại Banja Luka Chúa Nhật 22/06/2003
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Tường
Thuật về chuyến viếng thăm của ÐTC Gioan Phaolô II tại Banja
Luka, Chúa Nhật 22 tháng 6 năm 2003.
(Radio Veritas Asia - 23/06/2003) - "Từ
thành phố nầy (Banja Luka), một thành phố bị ghi dấu trong lịch
sử bởi biết bao đau khổ và
máu đã đổ ra, Tôi cầu xin Chúa toàn năng, xin Ngài tha thứ
những lỗi phạm chống lại con người, chống lại phẩm giá và
sự tự do của con người, những lỗi phạm đôi khi do bởi
những con cái của Giáo Hội Công Giáo gây ra nữa... Chính
trong bầu khí của sự hoà giải thật sự
mà việc ghi nhớ biết bao nạn nhân vô tội và những
hy sinh của họ, sẽ không trở nên vô ích."
|
Ðó
là những lời xin tha thứ được ÐTC nói lên trong bài giảng thánh
lễ phong chân phước cho người
giáo dân Croat đầu tiên, tại
Banja Luka, --- Chân Phước Ivan Merz --- vào trưa chúa nhật 22/06/2003,
trước khoảng 60 ngàn tín hữu hiện diện. Các hãng tin
địa phương và quốc tế đều trích lại những lời trên, và
bình luận cho rằng đó là sứ điệp trung tâm của chuyến viếng
thăm ngắn ngủi của ÐTC tại Banja Luka, thủ phủ của phần đất
của nguời SERBI theo Chính
thống giáo tại cộng hoà Bosnia-Herzegovina.
Trước
đó vài phút, lúc khởi đầu thánh lễ, trong
diễn văn chào mừng ÐTC, Ðức Cha Franjo Komarica, giám mục
giáo phận Banja Luka, cũng đã
nhân danh những người công giáo tại Bosnia-Herzegovina mà xin
lỗi vì những hành động lỗi
phạm của người công giáo. Tuy nhiên, Ðức Cha Komarica ước
mong sao cho việc xin lỗi và tha
thứ nầy mang tính cách hổ tương. Ðức Cha nói như sau:
"Cả khi chúng tôi bị thương tổn
sâu xa, chúng tôi cố gắng làm điều tốt cho tất cả mọi
người, chúng tôi kiên trì làm việc cho công cuộc hoà giải
dựa trên sự thật, công bằng và sự tha thứ chân thành;
chúng tôi tha thứ cho kẻ
khác vì những lỗi phạm của họ,
vừa đồng thời cũng xin tha thứ vì những lỗi phạm của những
thành phần Giáo Hội Công Giáo thuộc thế hệ đã qua và hiện
tại."
Ðức
Cha cũng nhắc đến tình trạng bi thảm của giáo phận Banja Luka
hiện nay như sau: "Mặc cho thái độ sống ôn hoà được
mọi người láng giềng cũng như những vị đại diện quốc tế
chứng kiến, Giáo Hội Công
Giáo tại Banja Luka đang phải đương đầu với nguy cơ bị loại
hoàn toàn, do bởi ý định của những kẻ có quyền trong thế
giới nầy". Hiện còn có khoảng 60 ngàn người công
giáo của giáo phận nầy đang chờ được trở về lại
căn nhà xưa của mình; trong cuộc chiến từ năm 1992-1995,
họ đã phải chạy tị nạn nơi khác. Nguời ta ước lượng chỉ
mới có 3% nguời tị nạn, được trở lại quê củ của mình.
Mặc
dù không có nhiều anh chị em Chính Thống Giáo tham dự, nhưng
Ðức TGM Chính Thống Giáo Jefrem của Banja Luka, đã đại diện
cho Giáo Hội Chính Thống Giáo, đến tham dự. Ðài truyền hình
quốc gia cũng trình chiếu trực
tiếp lễ phong chân phước nầy. Phần ÐTC,
nhân dịp nầy, ngài gởi lời chào chúc
đến Ðức Giáo Chủ Chính Thống Giáo của nguời Serbi,
Ðức Giáo Chủ Pavle, và toàn thể thánh hội nghị của Chính Thống Giáo
Serbi. ÐTC đã nói như sau: "Sức hăng say mới --- mà con
đường chúng ta tiến đến sự hiểu biết nhau, đã có
được trong những tháng vừa qua, --- sự tôn trọng hổ tương
và tình liên đới huynh đệ, đó là những lý do để vui mừng
và hy vọng cho vùng đất nầy."
Nhắc
đến mẫu gương của vị tân chân phước Ivan Merz, người Croat
(1896-1928), qua đời lúc mới 31 tuổi, nhưng đã ghi đậm nét
trong lịnh sử của vùng đất Croat, do bởi sự dấn thân như
là một giáo dân, vào giữa lòng xã hội và giáo hội,
ÐTC nói như sau: "Ý thức về ơn gọi lãnh nhận lúc chịu
phép Rửa Tội, chân phước Ivan Merz đã biến cuộc đời mình
như mà một cuộc chạy đua đến sự thánh thiện".
Ngỏ
lời cho các bạn trẻ hiện diện , ÐTC khuyến khích
họ hãy dấn thân làm việc, ngõ
hầu cuộc sống được phục hưng lại trên mọi bình diện. ÐTC
nói như sau: "Chúng con đừng nhìn lại sau lưng, đừng chiều
theo cám dỗ ngả lòng, nhưng hãy gia tăng những sáng kiến cho
phép Bosnia-Herzegovina được trở thành
vùng đất của Hoà Giải, của sự gặp gỡ và của hoà
bình... Ðừng bỏ đi nơi khác để tìm một cuộc sống tốt hơn,
đừng chạy trốn trước những
trách nhiệm của mình, bằng cách thụ động chờ đợi kẻ khác
giải quyết những vấn đề cho mình, nhưng hãy nhất quyết
đi tìm phương thế chữa trị điều xấu, với sức mạnh của
điều tốt."
Các
tín hữu tham dự thánh lễ phong chân phước không những đến từ giáo phận
Banja Luka --- mà hiện chỉ còn khoảng hơn
3,000 tín hữu, --- nhưng còn từ
cộng hoà Croat và từ quốc gia láng giếng Serbi-Montênêgro.
Nhiều người Croat tị nạn đã nhân dịp ÐTC đến thăm mà trở
về lại nguyên quán mình, với hy vọng là chính quyền và người dân Serbi tại địa phương sẽ có thái độ cởi mở hơn.
Sau
lễ phong chân phước, ÐTC dùng xe về Toà Giám Mục Banja Luka
để dùng cơm trưa với các giám mục Bosnia-Herzegovina. Buổi
chiều, trước khi từ giã trở về lại Roma, ÐTC tiếp riêng
Ba Vị Trong Chủ Tịch Ðoàn của Nhà Nước, rồi gặp gỡ các
thành viên của Ủy Ban Liên Tôn, đại diện cho Do Thái Giáo,
Hồi Giáo, Chính Thống Giáo và
Công Giáo.
Lúc
7:50 chiều Chúa Nhật 22/06/2003 (giờ của Bosnia, tức là khoảng
0:50 khuya, sáng sớm thứ Hai 23/06/2003 giờ Việt Nam)
ÐTC rời Banja Luka trở
về lại Roma, để lại một sứ điệp quan trọng --- hãy thanh tẩy
ký ức nhờ qua việc tha thứ cho nhau và hoà giải với nhau, --- cho một
quốc gia đa-sắc tộc và chưa
được hoàn toàn ổn định về mặt chính trị, nhưng đã
được ÐTC ủng hộ để gia nhập vào cộng đồng các quốc gia
Âu Châu trong tương lai, mặc dù trong hiện tại, chưa có lời
yêu cầu nào của chính quốc gia nầy cả.
Ngay từ khi đặt chân đến Banja Luka,
vào sáng Chúa Nhật 22/06/2003, ÐTC đã lên tiếng kêu gọi
hãy xây dựng lại con người nội tâm, trước khi tái thiết
xã hội và quốc gia. Mọi thay đổi đòi hỏi trước hết phải
có sự thay đổi nơi tâm hồn con người. Trong bài diễn văn
đầu tiên tại Phi Trường Banja Luka, ÐTC đã quả quyết như sau:
"Ngõ
hầu xã hội có được bộ mặt
thật sự nhân bản, và ngõ hầu tất cả có thể đương đầu
với tương lai một cách đầy tin tưởng, thì cần phải
xây dựng lại con người từ bên trong, vừa chăm sóc
cho những vết thương vừa dấn thân làm việc cho một cuộc
"thanh tẩy ký ức" đích thực, nhờ qua sự tha thứ cho
nhau... Chính từ nơi thâm sâu nhất của con tim mà sự thay đổi
phải bắt đầu".
Ý
thức về những căng thẳng còn sống động nơi dân chúng, ÐTC
ngỏ lời chào đến mọi người, đến những người Công Giáo
cũng như những anh chị en Chính Thống Giáo, Hồi Giáo và Do Thái
Giáo. ÐTC không đích danh nhắc đến những kẻ có trách nhiệm
cũng như những nạn nhân
của những cuộc tranh chấp giết hại lẫn nhau trong quá khứ.
Cũng trong bài diễn văn đầu tiên tại Phi Trường Banja Luka,
ÐTC nói lên tâm tình cảm
thông của ngài như sau:
"Tôi
biết rõ anh chị em đã trải qua cuộc thử thách lâu dài, rằng
sức nặng của đau khổ luôn đè nặng trên anh chị em, và rằng
cám dỗ ngã lòng và an phận luôn rình rập anh chị em hằng
ngày. Tôi đến bên cạnh anh chị em, để yêu cầu cộng đồng
quốc tế, --- đã thực hiện nhiều điều cho anh chị em rồi, ---
hãy tiếp tục nâng đỡ để
giúp anh chị em mau đạt đến cảnh sống an ninh hoàn toàn trong
công bằng và trong sự hoà thuận với nhau."
Ðó là lời cầu chúc chân thành của ÐTC cho mọi công dân của đất nuớc Bosnia-Herzegovina, trong chuyến viếng thăm một ngày ngắn ngủi, chúa nhật 22 tháng 6 năm 2003.
(ÐTD)