Vài nhận định của báo chí

về chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II

tại Madrid Thủ Ðô Tây Ban Nha (3~4/05/2003)

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Vài nhận định của báo chí về chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Madrid Thủ Ðô Tây Ban Nha (3~4/05/2003).

(Radio Veritas Asia - 6/05/2003) - Xét về lượng thì chuyến viếng thăm (từ ngày 3 đến 4/05/2003) của ÐTC Gioan Phaolô II tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha, để phong thánh cho 5 vị chân phuớc, chỉ kéo dài trong vòng 36 tiếng đồng hồ, và tại một địa điểm là thủ đô Madrid; nhưng xét về phẩm chất của nội dung sứ điệp được ÐTC mang đến cho dân tộc Tây Ban Nha, thì  đây là chuyến viếng thăm thật ý nghĩa không những cho đất nuớc Tây Ban Nha mà thôi, nhưng còn cho toàn thể Âu Châu, và cho thế giới nói chung.

Chúng ta chú ý đến các bài bình luận của hai nhật báo xuất bản tại Italia về biến cố nầy. Ðó là nhật báo "Tin Chiều" (Corriere della Sera) số phát hành sáng thứ Hai mùng 5 tháng 5/2003, và nhật báo Công giáo "Tương Lai" (Avvenire), số phát hành ngày Chúa Nhật mùng 4 tháng 5/2003.

Bài bình luận của Nhật báo "Tin Chiều" ngắn gọn, và chú ý đến lời kêu gọi của ÐTC: hãy xây dựng một Âu Châu hiệp nhất dựa trên những gốc rễ kitô phong phú đa biệt và đã trổ sinh  nhiều hoa trái, và dựa trên  "điều thiện hảo toàn diện" cho tất cả mọi công dân. Tắt một lời: Một Châu Âu hiệp nhất và đầy tinh thần Kitô. Bài bình luận trích lại lời ÐTC --- nhưng không phải là mới nói --- mà là những lời đã được ÐTC nói lên cách đây hơn 20 năm, tức là vào tháng 11 năm 1982, nơi chặng viếng thăm cuối cùng, và vào lúc kết thúc chuyến viếng thăm đầu tiên của ÐTC tại Tây Ban Nha. Lúc đó, theo như  chính ÐTC nhắc lại, khi nói lời tạm biệt kết thúc chuyến viếng thăm, tại thành phố Santiago de Compostela, ÐTC đã lên tiếng kêu gọi như sau: "Hỡi Châu Âu, hãy là chính mình người, hãy gặp lại chính thực thể ngươi, hãy làm sống lại những gốc rễ của ngươi". Dù không nói rõ ra trong lời kêu gọi trên, --- cách đây 21 năm, --- từ ngữ "kitô"â, nhưng ai ai cũng hiểu rằng thực thể Châu Âu là thực thể kitô, gốc rễ của Châu Âu là gốc rễ kitô. "Hãy là chính mình ngươi, hãy gặp lại chính thực thể người, hãy làm sống động những gốc rễ của ngươi".

Lời kêu gọi tuy đã được nói lên cách đây 21 năm, nhưng vẫn còn có tính cách thời sự và được ÐTC nhắc lại trong chuyến chuyến viếng thăm lần thứ năm, từ ngày 3 đến 4/05/2003, và có lẽ cũng là lần cuối cùng.

Nhật báo Công giáo "Tương Lai" số phát hành ngày Chúa Nhật mùng 4 tháng 5/2003, có ba bài bình luận về chuyến viếng thăm, nhưng cũng hướng về  một điểm nội dung nổi bật là Xây Dựng Sự Hiệp Nhất Âu Châu trên những gốc rễ Kitô. Bài bình luận thứ nhất lưu ý đến ý nghĩa của "địa điểm" nơi  ÐTC nhắc lại Lời kêu gọi mà ngài đã nói lên cách đây 21 năm, là Thành Phố Santiago de Compostela, trung tâm hành hương của Châu Âu, nơi có mộ thánh tông đồ Giacôbê. Ðây là địa điểm xứng đánh nhất, có ý nghĩa nhất, để kêu gọi Châu Âu trở về lại với những gốc rễ kitô lâu đời nhất, để xây dựng tương lai mới mẻ nhất cho mình, vượt qua những chia rẽ dân sự và tinh thần,  gây ra do bởi việc chối từ Thiên Chúa đến từ chủ nghĩa duy vật và hưởng thụ và từ việc giới hạn tự do tôn giáo. Âu châu của năm 1982 khác với châu âu của năm 2003, vì lúc đó --- năm 1982 --- "bức tường Bá Linh" chưa bị sụp đổ, và  lúc đó --- năm 1982 --- châu âu cũng chưa nghĩ và chưa bàn đến một căn bản pháp lý, một "Hiến Pháp chung". Không có nơi nào khác có ý nghĩa hơn thành phố Santiago de Conpostela, nơi có mộ của thánh tông đồ Giacôbê,  để nhắc lại những gốc rễ kitô, những gốc rễ  có thể nói là "được gắn chặt" vào Ðền Thánh Kính Thánh Tông Ðồ Giacôbê, đích điểm hành hương của muôn người từ  xưa đến nay, nơi gặp gỡ của các dân tộc, tuy sống trong những nền văn hoá khác nhau, trong những quốc gia khác nhau, nhưng có thể hiệp nhất với nhau được nhờ có những gốc rễ kitô chung. Bài bình luận nhắc đến viễn tượng tương lai: đó là vào ngày mồng Một tháng 5 năm 2004, sẽ có thêm 10 thành viên mới gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, và lúc đó, con số các quốc gia âu châu thành viên của Liên Hiệp lên đến 25 quốc gia. Liên Hội Ðồng Giám Mục Âu Châu sẽ tổ chức cuộc hành hương đại thể về Santiago de Compostela, vào ngày mùng 1 tháng 4 năm 2004, để ghi dấu biến cố nầy. Bài bình luận nhân cách hoá lời kêu gọi của ÐTC như sau:

"Tôi, Gioan Phaolô II, người con của đất nước Balan, một đất nước luôn kể mình như là âu châu, đất nước của người slavô giữa những đất nước của người latinh vừa cũng là đất nước latinh giữa những người slavô; tôi, người kế vị Thánh Phêrô tại ngai toà Roma và là chủ chăn của toàn thể giáo hội, từ thành phố Santiago de Compostela, tôi nói với ngươi, hỡi Ðại Lục Châu Âu Cổ Kính, với cung giọng đầy tình thương mến rằng: Ngươi hãy gặp lại thực thể của mình, hãy khám phá lại những cội nguồn của ngươi, hãy làm sống lại những gốc rễ của ngươi!"

Ðó là những lời đầy ý nghĩa của một Nhân Vật có gốc rễ lâu đời nhất --- vì là Ðấng kế vị Thánh Phêrô --- và nói cho một đại lục có truyền thống kitô hàng ngàn năm là Châu Âu!

Chuyến viếng thăm của ÐTC tại Tây Ban Nha không phải là chuyến viếng thăm khơi dậy sự đối đầu, như dư luận báo chí đã tiên đoán lúc đầu dựa trên sự kiện khác biệt lập trường giữa Ðức Gioan Phaolô II và Thủ Tướng Tây Ban Nha về vấn đề Iraq, nhưng là chuyến viếng thăm của hoà bình và hiệp nhất, kêu gọi gặp gỡ và tôn trọng những khác biệt văn hoá, để hướng đến một tương lai hoà bình hơn, hiệp nhất hơn, nhờ những giá trị kitô.

 

(ÐTD)

 

 


Back to Home Page