ÐTC giải thích

ý nghĩa Ngày Thứ Tư Lễ Tro

và kêu gọi cầu nguyện cho Hoà Bình

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

ÐTC giải thích ý nghĩa Ngày Thứ Tư Lễ Tro và kêu gọi cầu nguyện cho Hoà Bình.

(Radio Veritas Asia 8/03/2003) - Vì Thứ Tư Lễ Tro là Ngày Ăn Chay và Cầu Nguyện cho Hoà Bình, nên trong  buổi tiếp kiến chung vào sáng thứ tư 5/03/2003,  ÐTC đã đặc biệt nói về ý nghĩa  việc ăn chay và cầu nguyện  cho các tín hữu, quy tụ trong Ðại Thính Ðường Phaolô VI. Chúng tôi muốn dành bài thời sự hôm nay, để chia sẻ cho quý vị và các bạn những suy nghĩ của ÐTC  về Ý Nghĩa của NgàyThứ Tư Lễ Tro và về Ngày Ăn Chay Cầu Nguyện cho Hoà Bình. ÐTC đã nói như sau:

 

Hôm nay, Thứ Tư lễ Tro, phụng vụ mời gọi tất cả các tín hữu hãy ăn năn trở lại, với những lời của Thánh Phaolô Tông đồ như sau: "Chúng tôi khẩn xin anh em nhân danh Chúa Kitô: hãy để mình hoà giải với Thiên Chúa (2 Co 5, 20). Mùa Chay là thời gian thuận tiện hơn để lắng nghe lời khuyến khích nầy, bởi vì là thời gian của cầu nguyện mãnh liệt hơn, của ăn năn đền tội và của việc chú ý nhiều hơn đến những nhu cầu của anh chị em.

Với nghi thức xức tro, chúng ta nhìn nhận mình là kẻ có tội, xin Thiên Chúa tha thứ, và diễn tả uớc muốn thành thực trở lại cùng Ngài.  Như thế chúng ta bắt đầu đi trên con đường khổ hạnh cho đến "Ba Ngày Thánh", trung tâm của Năm Phụng Vụ.

Theo truyền thống xa xưa của Giáo Hội, tất cả mọi tín hữu, trong ngày thứ tư lễ Tro nầy, đều phải giữ chay và kiêng thịt, với luật trừ duy nhất cho những ai bị ngăn cản hợp lý vì lý do sức khoẻ hay tuổi tác. Việc ăn chay có một giá trị lớn trong đời sống của người Kitô, là một đòi hỏi của tinh thần,  để có tương quan tốt đẹp hơn với Thiên Chúa. Thật vậy, những khiá cạnh bên ngoài của việc ăn chay, dù quan trọng, nhưng không nói lên hết ý nghĩa của việc thực hành nầy. Ngoài khía cạnh bên ngoài còn có một uớc muốn chân thành muốn được thanh tẩy nội tâm,  muốn sẵn sàng  vâng nghe thánh ý Thiên Chúa và sống tình liên đới với anh chị em, nhất là những người nghèo.

Sau đó còn có liên hệ chặt chẽ giữa ăn chay và cầu nguyện. Cầu nguyện là đặt mình trong tương quan lắng nghe Thiên Chúa; và việc ăn chay cổ võ cho việc cởi mở tâm hồn lắng nghe Thiên Chúa dễ dàng hơn.

Khi chúng ta bước vào Mùa Chay, chúng ta không thể không lưu ý đến  hoàn cảnh quốc tế hiện nay, trong đó đang được khuấy động lên những căng thẳng đầy hăm dọa của chiến tranh. Tất cả mọi người cần chứng tỏ tinh thần trách nhiệm và cố gắng chung để tránh cho nhân lọai một cuộc xung đột bi thảm khác. Vì thế, Cha đã muốn cho ngày Thứ Tư lễ Tro nầy trở nên Ngày cầu nguyện và ăn chay để khẩn  xin ơn Hoà Bình cho thế giới. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa trước hết ban ơn hoán cải các tâm hồn, trong đó có ăn rễ mọi hình htức sự dữ và mọi khuynh hướng phạm tội, chúng ta cần cầu nguyện và ăn chay để xin ơn chung sống hoà bình  giữa mọi dân tộc mọi quốc gia.

Khởi đầu cuộc gặp gỡ hôm nay, chúng ta đã lắng nghe những lời khuyến khích của Tiên Tri Isaia: "Ước chi dân  nước nầy không còn đưa kiếm lên chống lại dân tộc khác. Người ta sẽ không luyện tập việc chiến tranh nữa" (Is. 2, 4).  Hay những lời sau đây: "Họ sẽ  đúc những thanh kiếm thành lưỡi cày, những ngọn đao thành lưỡi liềm cắt lúa" (Is 2, 4). Trên những biến cố của lịch sử, còn có sự hiện diện cao cả của Thiên Chúa, Ðấng phán xét những chọn lựa của con người... Chúng ta hướng tâm hồn lên cùng Ngài, Ðấng là "quan toà giữa mọi dân nuớc, và là trọng tài giữa các dân tộc" (Isaia 2, 4), để khẩn xin một tương lai công bằng và hoà bình cho tất cả. Tư tưởng này phải khuyến khích từng người chúng ta tiếp tục cầu nguyện không ngừng và dấn thân cụ thể để xây dựng một thế giới trong đó ích kỷ nhường buớc cho tình liên đới và tình yêu thương.

Cha đã muốn đề nghị lại lời kêu gọi hãy hoán cải, hãy ăn năn đền tội và sống tình liên đới, cả trong sứ điệp Mùa Chay, đã được công bố  trước đây, và có chủ đề là câu kinh thánh đầy ý nghĩa trong sách tông đồ công vụ: "Cho đi thì vui hơn là lãnh nhận" (Cv 20, 25).

Nhìn cho kỹ, thì chỉ việc trở về lại với tâm thức sống nầy, người ta mới có thể xây dựng một trật tự xã hội, không phải dựa trên sự quân bình mỏng manh của những lợi lộc xung khắc nhau, nhưng là một trật tự  được ghi dấu bởi việc tìm kiếm công ích, cách công bằng và đầy tình liên đới. Những người kitô, như là men, được kêu gọi sống và phổ biến "nếp sống biết cho đi nhưng không" trong mọi môi trường cuộc đời, vừa cổ võ một sự phát triển đích thực trên bình diện luân lý và dân sự của xã hội. Tôi đã viết về điều nầy như sau: Bớt đi không những điều dư thừa, mà cả điều mình cần, để phân phát cho kẻ  túng thiếu, (việc đó)  góp phần giúp ta biết từ bỏ chính mình;  và nếu không có việc từ bỏ nầy, thì không có việc thực hành đời sống kitô đích thực (n. 4, báo Quan Sát Viên Roma, ngày 7 tháng 2 năm 2003, trg 5).

Ước chi ngày cầu nguyện và ăn chay cho Hoà Bình nầy, ngày chúng ta khai mạc Mùa Chay,  được thể hiện bằng những cử chỉ cụ thể  thực hiện hoà giải. Từ  môi trường gia đình  cho đến môi trường quốc tế,  ước chi mỗi nguời cảm thấy mình và biến mình thành kẻ đồng trách nhiệm xây dựng hoà bình. Và ước chi Thiên Chúa của Hoà Bình, Ðấng  thấu suốt những ý định của con tim và kêu gọi các con cái ngài hãy là những kẻ xây dựng hoà bình, (ước chi) Ngài ghi công thưởng phúc cho những ai thực hành như vậy (x. Mt 6, 4.6.18)

Chúng ta hãy phó thác những nguyện ước trên cho Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria, Nữ Vương Kinh Mân Côi và là Mẹ của Hoà Bình. Xin Mẹ cầm tay chúng ta và đồng hành chúng ta trong suốt 40 ngày tới nầy, để hướng dẫn chúng ta tiến đến lễ Phục Sinh mà chiêm ngắm Chúa sống lại.

Xin cầu chúc tất cả một Mùa Chay thánh  thiện và nhiều hoa trái tốt.

 


Back to Home Page