Phỏng vấn ÐHY JOSE  SARAIVA MARTINS

Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Phỏng vấn ÐHY JOSE  SARAIVA MARTINS, Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh.

(Radio Veritas Asia - 23/02/2003) - Lời giới thiệu: ÐHY JOSE  SARAIVA MARTINS sinh ngày 6 tháng Giêng năm 1932 tại GAGOS, Bồ Bào Nha. Ngài đã được bổ nhiệm làm Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh ngày 30 tháng 5 năm 1998, và đã được Ðức Gioan Phaolô II phong tước Hồng Y ngày 21 tháng 2 năm 2001. Sau đây là cuộc  phỏng vấn ngài về những vấn đề thời sự trong giáo hội, do hãng Truyền Hình ITV thực hiện ngày mùng 5 tháng 2 năm 2003. Kính mời quý vị và các bạn theo dõi cuộc phỏng vấn:

 

Hỏi: Thưa ÐHY, ngài là tổng trưởng bộ phong thánh từ năm 1998 đến nay. Xin được hỏi ngài yêu thích những vị thánh nào và tại sao?

Ðáp: Tất cả các vị thánh đều đã bắt chước Chúa Kitô trong nếp sống của họ; các thánh được đồng hoá với Chúa Kitô trong những hoàn cảnh hết sức khác nhau và trong mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau. Như thế, tất cả các ngài là những gương mẫu cho chúng ta noi theo, để biết đáp trả lại sức tác động của ân sủng, được thể hiện trong những cách thức khác nhau, qua mỗi vị thánh. Việc cá nhân thích riêng một vị thánh nào đó, phải lưu ý đến yếu tố chung nầy. Nói như thế, không có nghĩa là loại bỏ sự kiện một người có thể có lòng mộ mến riêng đối với vài vị thánh. Riêng tôi, thì tôi có lòng mộ mến thánh Giuse, thánh Antôn Padua, và hai thánh trẻ chăn chiên tại Fatima là thánh Giacinta và thánh Francisco. Ðối với thánh Giuse, tôi được danh dự mang tên ngài. Trong tiếng Bồ Ðào Nha, Giuse đuợc gọi là "Jose". Vị thánh thứ hai mà tôi thích, thánh Antôn Padua, sinh tại Lisbon, Bồ Ðào Nha và đã qua đời tại Padua, Italia. Ngài đã được Giáo Hội công bố là "Thánh Tiến Sĩ của Tin Mừng". Tôi ngưỡng mộ ngài, vì tư tưởng thâm sâu, lòng nhiệt thành tông đồ và tinh thần hăng say truyền giáo; tinh thầm hăng say nầy đã thôi thúc ngài đến rao giảng Phúc Âm tại Morocco. Ðối với hai thánh trẻ chăn chiên tại Fatima, tôi luôn cảm phục trước đức tin không lay chuyển và sức mạnh tinh thần của hai thánh trẻ nầy, mặc dù vẫn còn thơ trẻ.

Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, đâu là những án phong thánh mà ngài cho là có tầm quan trọng đặc biệt?

Ðáp: Những án phong chân phước và phong thánh hiện đang được cứu xét là nhiều hơn con số 2000 vụ, từ nhiều quốc gia nhiều đại lục khác nhau. Xét về tầm quan trọng phổ quát cho toàn thể Giáo Hội, tôi có thể  nhắc đến án phong thánh cho Chân Phước giáo hoàng Gioan XXIII, án phong thánh cho hai thánh trẻ của Fatima là Giacinta và Francisco, án phong thánh cho Juan Diego và  án phong chân phước cho Mẹ Teresa Calcutta; vào ngày 19 tháng 10 năm 2003, Mẹ Têrêsa Calcutta sẽ được phong chân phước.

Hỏi: Có vài việc phong chân phước và phong thánh đã gây ra những tranh luận. Ðức Hồng Y nghĩ thế nào về những tranh luận công khai nầy?

Ðáp: Sự việc một vị thánh không được tất cả mọi người đón nhận là dấu chỉ cho chúng ta biết rằng vị thánh đó đã sống thật cuộc sống của mình, không phải theo cách thức của thời đại, nhưng theo cách phù hợp với Ðức Tin. Chúa Giêsu Kitô là đấng đầu tiên đã tạo ra, và còn tiếp tục tạo ra, những tranh luận. Vì thế không phải là việc đáng lấy làm lạ, khi cuộc sống của những kẻ theo Chúa đôi khi gây ra những phản ứng tranh luận như vậy; ý nghĩa của sự kiện (gây ra tranh luận) là các vị thánh theo Chúa, là những kẻ không "đúng theo quan điểm chính trị". Tôi có lẽ cũng nên thêm rằng vài cuộc tranh luận liên quan đến vị thánh nầy hay vị thánh khác phát sinh từ sự giải thích sai lầm về đời sống và việc làm của vị thánh đó, do bởi việc đưa cuộc sống và việc làm của vị thánh đó ra khỏi khung cảnh lịch sử trong đó vị thánh đã sống và làm việc...

Hỏi: ÐHY nghĩ thế nào về những nguồn tin nói rằng Mẹ Têrêsa đã có nhiều thị kiến về Chúa Giêsu trong cuộc đời của Mẹ?

Ðáp: Dựa trên những hồ sơ mà Bộ phong thánh đã nhận được, thì không có những lần "hiện ra" nầy. Phải, Mẹ Têrêsa có những "đàm thọai nội tâm", được hiểu như là một sự thông hiệp với Thiên Chúa; sự hiệp thông nầy, không được diễn tả ra bằng lời nói, nhưng được khắc ghi trong tâm hồn Mẹ và khuyến khích Mẹ khiêm tốn vâng phục theo thánh ý Chúa. Nói cho cùng, thì sự thánh thiện không dựa trên những hiện tượng như thế, nhưng dựa trên việc thi hành những nhân đức cách liên tục và anh hùng.

Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y,  Ðức Giáo Hoàng Piô XII  sẽ được phong thánh hay không?

Ðáp: Án phong thánh cho ngài đang tiến triển, nhưng hồ sơ  để chúng tôi nghiên cứu, thì chưa nộp về cho Bộ chúng tôi.

Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, ngài là người Bồ Ðào Nha. Con đường tu đức như được Ðức Mẹ Fatima đề ra, có ảnh hưởng như thế nào trên đời sống ngài?

Ðáp: Sứ điệp Fatima đã ăn rễ sâu vào trong dân chúng Bồ Ðào Nha, nhưng đây cũng là một sứ điệp có tính cách phổ quát. Mẹ Maria yêu cầu hãy cầu nguyện, làm việc hy sinh đền tội, và một cách đặc biệt lần chuỗi Mân Côi. Ðây là điều các vị giáo hoàng đã nhấn mạnh đến nhiều lần, kể cả Ðức Gioan Phaolô II mới đây nữa. Ðối với người công giáo Bồ Ðào Nha, Fatima là một điểm quy chiếu quan trọng. Những lần Ðức Mẹ hiện ra năm 1917, và sứ điệp của Mẹ, đã ảnh hưởng sâu đậm trên sinh hoạt tôn giáo, trên mọi cuộc sống tại đất nước Bồ Ðào Nha của tôi. Như thế, linh đạo Fatima không thể nào không ảnh hưởng sâu xa trên tôi. Từ khi tôi còn bé, mẹ tôi đã dạy tôi sống tin tưởng vào Ðức Mẹ, và đặc biệt tin tưởng vào "Bà Trắng" (tức Ðức Mẹ Fatima), Ðấng đã hiện ra cho ba trẻ chăn chiên; mẹ tôi đã dạy tôi yêu mến Ðức Mẹ, khẩn cầu Ðức Mẹ với Ðức Tin.

 

Quý vị và các bạn thân mến, trên đây là phần I của bài phỏng vấn ÐHY Jose Saraiva Martins, Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh. Trong phần I bài phỏng vấn ÐHY Jose Saraiva Martins, ngài đã  nói về lòng mộ mến riêng của ngài đối với vài vị thánh, về tầm quan trọng quốc tế của các thánh, về ý nghĩa của việc tranh luận quanh một vị thánh, về vị sắp được phong chân phước như Mẹ Têrêsa Calcutta, và về vị đang còn trong giai đoạn lập hồ sơ phong chân phước, như Ðức Cố Giáo Hoàng Piô XII.

Sau đây chúng ta hãy theo dõi phần II của bài phỏng vấn nầy, về ý nghĩa của lời tiên tri về việc Nước Nga trở lại, về Ðức Giáo Hoàng và giáo triều Roma, về chiến tranh chống Iraq.

 

Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, ngài giải thích như thế nào về lời tiên đoán Nuớc Nga trở lại, như chị Lucia đã báo truớc? Và ngài nói gì về việc tận hiến Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria?

Ðáp: Chị Lucia đã  nói về "việc trở lại". Phần Ðức Hồng Y Ratzinger, khi công bố bí mật thứ III cho công chúng, thì ngài cho biết  "việc trở lại" nầy có thể hiểu như  là việc "chấm dứt chủ thuyết duy vật cộng sản" đã từng bóp nghẹt những gốc rễ kitô tại Nga.

Từ "Trở Lại", như  được nhắc đến trong những lần hiện ra tại Fatima, không nên được hiểu theo nghĩa hẹp như  thường được giải thích trong các sách giáo khoa hay tự điển về tu đức, nhưng cần được hiểu theo nghĩa rộng.

Còn về việc "tận hiến" Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ Maria, thì việc nầy đã được hoàn tất bởi đức đương kim Giáo Hoàng Gioan Phaolô II của chúng ta đây, trong sự hiệp thông với tất cả các giám mục trên toàn thế giới hiệp ý với ngài vào ngày 25 tháng 3 năm 1989, ngày Lễ Truyền Tin. Truớc đó, Ðức Piô XII và Ðức Phaolô VI cũng đã làm việc tận hiến nầy, nhưng không có sự thông hiệp với tất cả các giám mục trên thế giới. Vài tháng sau đó, không ai ngờ trước, ngày 4 tháng 10 năm 1989, bức tường Berlin bị sụp.

Hỏi: Thưa ÐHY, liệu sẽ có cuộc gặp gỡ giữa Ðức Alexy II Giáo Chủ Chính Thống Nga, và Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tại Fatima, có lẽ vào ngày 13 tháng 5/2003, như  Ðức  Giám Mục Fatima đã ước mong cách đây vài tuần hay không?

Ðáp: Tôi mong ước có được như vậy! Như thế, đó là dịp may lớn để giảm bớt những hiểu lầm và thiếu thông cảm đã kéo dài ngàn năm. Ðây có thể nói lên một bước quan trọng trên con đường tiến đến đại kết.

Hỏi: ÐHY cũng đã là Tổng Thư Ký của Bộ Giáo Dục Công Giáo. Ngày nay xem ra đang có cuộc suy giảm trong việc giáo dục công giáo trên toàn thế giới. Tương lai sẽ như thế nào, thưa ÐHY?

Ðáp: Có lẽ con số các trường học trên thế giới bị giảm xuống, nhưng đây là tuỳ theo mức độ giảm bớt các con cái. Tuy nhiên, xét như là nguồn cảm hứng cho các cơ cấu giáo dục, Giáo Hội Công Giáo vẫn còn đứng hàng đầu trên thế giới. Sự sa sút là nơi những giá trị của xã hội trong đó chúng ta sinh sống, chớ không phải trong công việc giáo dục công giáo. Ngược lại, có lẽ tôi nên nói rằng sự kiện các trường công giáo tiếp tục hiện diện và làm phát sinh nhiều hoa trái, giữa cuộc suy sụp những giá trị trong thời đại chúng ta, là dấu chỉ cho sức sống mạnh của nền giáo dục công giáo. Tương lai thì sao? Tôi nhìn về tương lai cách lạc quan, và như thế với Ðức Tin vào tác động của Chúa. Nhưng tương lai cũng tuỳ thuộc vào mỗi người chúng ta. Ðức Gioan Phaolô II, trong chương  trình mục vụ của ngài cho ngàn năm thứ ba, đã dành chỗ thứ nhất cho "ơn gọi phổ quát tất cả mọi người hãy sống thánh thiện" như là mục tiêu của từng người. Nếu tất cả chúng ta nghiêm chỉnh lắng nghe lời mời gọi nên thánh nầy, chúng ta sẽ góp phần thiết lập một trật tự đích thực các giá trị và những hoa trái của công việc giáo dục công giáo sẽ trở nên hiển nhiên hơn.

Hỏi: ÐHY xem công việc của mình tại giáo triều Roma, ---- một công việc đôi khi được xem như là "có tính cách bàn giấy", --- như thế nào? ÐHY có thích làm việc ở giáo xứ hay dùng thời giờ để nghiên cứu, hay không?

Ðáp: Giáo Hội là một xã hội hết sức thiêng liêng, nhưng lại hiện diện trong lịch sử và cần sự tổ chức. Tôi bảo đảm với quý vị rằng khía cạnh cơ cấu tổ chức  của Toà Thánh, được rút gọn về mức độ tối thiểu. Ðây là điều có thể gây hiểu lầm, nếu ta phân chia một bên là công việc mục vụ, và bên kia là công việc bàn giấy, bởi vì công việc phục vụ cho dân chúng, --- chẳng hạn như tại các giáo xứ, --- có thể    điều "không thể được", hay ít ra "rất khó", nếu không có một chút mức độ tổ chức. Cả hai công việc, --- việc bàn giấy và việc trực tiếp gặp gỡ với dân chúng, --- có cùng chung một mục tiêu: đó là điều thiện hảo thiêng liêng và nhân bản của con người. Về những sở thích của cá nhân tôi ư? Tôi nghĩ bổn phận của tôi là dấn thân hết sức mình cho Gíao Hội và các linh hồn, tại nơi nào ÐTC chỉ định cho tôi. Còn việc dành thời gian để học hỏi nghiên cứu ư?  Bất cứ ai không học hỏi thêm và không cố gắng để được biết thêm, thì chắc chắn người đó không thể chu toàn công việc đã được trao phó cho, bất luận như một cha sở hay như một người đứng đầu một Bộ của Toà Thánh.

Hỏi: ÐHY nghĩ như thế nào về việc cộng tác với ÐTC?

Ðáp: Nơi ÐTC, bất cứ ai đến đều nhận thấy ngay đức tin sâu xa của ngài; nhận thấy một niềm hy vọng không làm ngơ trước thực tế, nhưng lạc quan, bởi vì tin tưởng vào ân sủng của Chúa. Chính đức bác ái không ngừng thôi thúc ÐTC sống, để hoàn thành sứ mạng của mình, và không nghĩ về mình, nhưng hiến thân hoàn toàn cho Thiên Chúa và cho anh chị em. Trong kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại Bộ giáo dục công giáo, rồi tại Bộ Phong Thánh, tôi có thể làm chứng rằng ÐTC quan tâm theo dõi tất cả mọi vấn đề được đặt ra.

Hỏi: ÐHY có tham dự vào những thảo luận của Vatican liên quan đến khả thể  chiến tranh hay không? ÐHY nghĩ gì về cuộc chiến có thể có đối với Iraq?

Ðáp: ÐTC thường hỏi ý kiến của những cộng tác viên với ngài về những vấn đề quan trọng, được trao phó cho riêng mỗi người. Những vấn đề ngọai giao không thuộc pham vi chuyên môn của tôi. Về lập trường đối với chiến tranh, ÐTC Gioan Phaolô II đã thường nói, và nói cách rõ ràng rằng: chiến tranh luôn là một thất bại của nhân lọai. Con đường duy nhất để có Hoà Bình là qua việc đối thọai, qua việc ngoại giao. Bạo lực không thể nào thay thế vào đây được. Con đường thương thuyết phải thắng thế trên sự hăm dọa của vũ khí. Ðiều nầy đúng khi được áp dụng vào những hoàn cảnh khác nhau; chẵng hạn như hai hoàn  cảnh ngày nay đang gây nhiều lo âu là:  Iraq và Trung Ðông.

 

Quý vị và các bạn thân mến,

Ðến đây chúng tôi xin kết thúc bài phỏng vấn ÐHY JOSE SARAIVA MARTINS về những vấn đề thời sự liên quan đến giáo hội. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn.

 


Back to Home Page