Người tín hữu Kitô Tại Iraq Lo Sợ

có thể bị những người Hồi Giáo cho rằng

Cùng Phe Với Hoa Kỳ

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Người tín hữu Kitô Tại Iraq Lo Sợ có thể bị những người Hồi Giáo cho rằng Cùng Phe Với Hoa Kỳ.

Vatican (AFP 20/04/2003) - Người tín hữu Kitô tại Mosul mừng Lễ phục sinh đầu tiên, kể từ sau khi chính quyền Saddam Hussein bị sụp đổ; họ đang lo sợ có thể bị những người Hồi giáo đa số tại đây xem họ như là cùng phe với quân đội Hoa kỳ.

Trong thánh lễ tại tu viện dòng Ða Minh, cha Philippe Khoshaba đã gợi lại hành trình của các môn đệ chúa Giêsu từ Emmaus đến Giêrusalem khi "đức tin được tái sinh", và dâng lời cầu nguyện cho những người lính Iraq bị thiệt mạng cũng như cho các thân nhân của họ trong cuộc chiến do Hoa kỳ lãnh đạo.

Trọng tâm sứ điệp của cha là: hòa bình và cùng nhau tái xây dựng một tương lai mới, không phân biệt sắc tộc và tôn giáo tại Iraq.

Cha Khoshaba sau đó nói lên mối bận  tâm của cha cho thông tấn xã AFP rằng, "ngày nay, niềm lo sợ lớn lao của người Kitô tại đây là bị xem như là cùng phe với Hoa kỳ. Hiện nay,  Iraq là một quốc gia vô chính phủ, không có đối thoại với Hồi giáo,  mà chỉ có một sự  liên lạc  nào đó, như là giữa những người láng giềng với nhau mà thôi; bầu khí  cách chung vẫn còn căng thẳng."

Người Kitô tại đây cho biết họ vui vẻ vì cảm thấy đã thoát ra khỏi sự kiềm chế của chế độ độc tài. Tuy nhiên nhiều người đã nhanh chóng  nhớ  lại rằng, chính quyền của ông Saddam đã từng bảo vệ họ, khỏi những người Hồi giáo cực đoan.

Ông Jawdat Barsoom, 65 tuổi, cho biết rằng, "ông Saddam Hussein thích người Kitô. Tuy nhiên, ngày nay, đối với những người không hiểu biết, họ có thể lẫn lộn người Kitô với người Mỹ và  có thể tấn công vào người kitô chúng tôi."

Bề trên của tu viện dòng Ða minh, cha Naguib Mekhail nói, vào lúc cao điểm của cuộc dội bom của Hoa kỳ tại Mosul một vài tuần trước đây, "các giáo sĩ Hồi giáo tại các đền thờ Hồi Giáo tại Mosul, gọi chúng tôi là người dân của tổng thống Bush."

Cha Koshaba nói, "Tuy vậy, mối liên hệ giữa Kitô giáo và ông Saddam Hussein thì không rõ ràng." Ngài giải thích, trong  suốt thập niên 1970, đảng cầm quyền Baath  muốn  trộn lẫn giữa sắc dân và tôn gíao. Ðảng Baath áp dụng chính sách Ả rập hóa các làng Kitô giáo, xây dựng nhiều đền thờ tại những nơi không có Hồi giáo và quốc hữu hóa nhiều trường tư thục. Ðiều này gây nhiều căng thẳng  giữa hai cộng đoàn."

Cha Koshaba nói, "sau chiến tranh năm 1991, ông Saddam bị cô lập từ các quốc gia tây phương và cổ võ các phong trào Hồi giáo liên kết quyền lực chung lại với nhau. Ông Saddam đã trao nhiều quyền tự do hơn cho những người Hồi giáo có tư tưởng chống lại Thiên chúa giáo. Lúc đó,  với 80% người dân đang bị thất nghiệp, họ quay về với tôn giáo, và người Kitô được xem như vật tế thần."

Tuy nhiên, vào năm 1995, ông Saddam đã ban bộ luật trừng phạt những hành động chống lại Thiên chúa giáo. Cha Mekhail nhìn nhận, "Nhiều nhà thờ tại vùng Mosul đã bị tàn phá, ngay cả một nữ tu đã bị cắt cổ tại Baghdad, tuy nhiên ông Saddam đã can thiệp để bảo vệ những người kitô."

Ông Anwar Faraj, một giáo viên 54 tuổi, giải thích rằng "ông Saddam tin tưởng những người kitô chúng tôi bởi vì chúng tôi là những người yêu chuộng  hoà bình và chúng tôi không bao giờ áp đặt sự đe dọa nào lên chính phủ."

Một nữ tu nói, "hiện nay, chúng tôi không có chính quyền, chúng tôi không biết những gì đang xảy ra." Những người khác hi vọng rằng Hoa kỳ sẽ không khuấy động giữa người Kitô và tín đồ Hồi giáo tại đây.

 

(VK)


Back to Home Page