Buổi Họp Báo tại Roma

để giới thiệu Sứ Ðiệp của ÐTC Gioan Phaolô II

cho Ngày Quốc Tế Truyền Giáo  năm 2003

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

(Radio Veritas Asia - 22/02/2003) - Buổi Họp Báo tại Roma để giới thiệu Sứ Ðiệp của ÐTC Gioan Phaolô II cho Ngày Quốc Tế Truyền Giáo  năm 2003.

"Anh chị em rất thân mến,

Ngay từ đầu, tôi đã muốn đặt triều giáo hoàng của tôi dưới dấu chỉ của sự  bảo vệ đặc biệt của Mẹ Maria. Sau đó, nhiều lần, tôi đã mời gọi toàn thể cộng đoàn các tín hữu hãy sống kinh nghiệm của Phòng Tiệc Ly, nơi  các môn đệ "chuyên cần và đồng tâm cầu nguyện... cùng với Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu" (TÐCV 1, 14). Trong thông điệp đầu tiên "Ðấng Cứu Chuộc Con Người (Redemptor Hominis), tôi đã viết rằng chỉ trong bầu khí cầu nguyện sốt sắng mà nguời ta có thể lãnh nhận "Chúa Thánh Thần xuống trên chúng ta",  và như vậy trở thành những chứng nhân của Chúa Kitô cho đến tận cùng trái đất, giống như những kẻ bước ra khỏi Phòng Tiệc Ly tại Giêrusalem vào Ngày Chúa Thánh Thần  hiện  xuống" (22).

 

Quý vị và các bạn thân mến, vừa rồi là đọan đầu  tiên trong sứ điệp của ÐTC cho ngày quốc tế  truyền giáo,  chúa nhật 19 tháng 10 năm 2003 nầy. Ðây sẽ là ngày Quốc Tế Truyền Giáo lần thứ  77; và chủ đề của sứ điệp là "Mẹ Maria và Sứ mạng của Giáo Hội trong Năm Mân Côi". Sứ điệp đã được giới thiệu cho giới báo chí lúc 11:30 sáng thứ Sáu, ngày 21 tháng 2/2003,  bởi các vị Lãnh Ðạo  Bộ Truyền Giáo, gồm có ÐHY Crescenzio Sepe, tổng truởng,  ÐTGM Robert Sarah, Tổng Thư Ký, Ðức  Cha Malcon Ranjith, phó tổng thư ký, và linh mục Massimo Cenci, thuộc hội thừa sai Milano, phụ tá tổng thư  ký. Trong bài thời sự  nầy , chúng ta hãy chú ý đến bài giới thiệu của ÐHY Sepe, Tổng Trưởng.

Mở đầu bài giới thiệu, ÐHY nhắc đến vài chi tiết đặc biệt liên quan đến Ngày Quốc Tế Truyền Giáo năm 2003, cũng như liên quan đến việc công bố Sứ  Ðiệp Truyền Giáo năm 2003.

Truớc hết, liên quan đến Ngày Quốc Tế Truyền Giáo,  ÐHY Sepe nhắc lại rằng: Ngày Quốc Tế Truyền Giáo năm 2003, vào Chúa Nhật 19 tháng 10/2003, là ngày kết thúc Năm Mân Côi (từ tháng 10 năm 2002 đến tháng 10 năm 2003), và cũng là Ngày Kỷ Niệm  ÐTC được trọn 25 năm thi hành tác vụ kế vị Thánh Phêrô trên ngai toà Roma; cũng trong ngày Quốc Tế Truyền Giáo nầy, tại Roma, có lễ Phong Chân Phước cho Mẹ Têrêsa Calcutta.

Liên quan đến việc công bố Sứ Ðiệp Truyền Giáo, ÐHY  lưu ý rằng từ nay  ngày công bố sứ  điệp được thay đổi sớm hơn. Từ trước đến nay, Sứ Ðiệp Truyền Giáo đã luôn luôn được ký nhận  vào Ngày Lễ Hiện Xuống, và sau đó được công bố cho toàn thể Giáo Hội. Nhưng kể từ sứ điệp nầy, ngày công bố được dời lên sớm hơn, để toàn thể giáo hội khắp nơi có đủ thời giờ học hỏi và sống thực hành sứ điệp. Cách cụ thể, chúng ta ghi nhận rằng Sứ  Ðiệp Truyền giáo năm nay đã được ký vào ngày 12 tháng Giêng năm 2003, đúng ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa,  và được giới thiệu cho giới báo chí vào sáng thứ Sáu, ngày  21 tháng 2/2003.  ÐHY Sepe giải thích  thêm về sự thay đổi nầy như sau:

"Việc công bố sớm Sứ Ðiệp Truyền Giáo có mục đích giúp cho các giáo phận trên toàn thế giới, cho các Hội Ðồng Giám Mục, cấp bậc quốc tế và quốc gia, cho các gia đình dòng tu, các Hiệp Hội Truyền Giáo đang họat động trên thế giới, được có ngay từ tháng Giêng đầu năm Sứ  Ðiệp của ÐTC,  để có thời giờ  học hỏi và sống sứ điệp trong chính thực tại của mình, vừa hoà nhập sứ điệp nầy vào trong việc phục vụ mục vụ mà mọi Tổ chức hay Nhóm  trong Giáo Hội  được mời gọi thi hành với khả năng chuyên môn riêng."

Như thế, việc thay đổi nầy cho chúng ta thời gian gần như một năm, để tìm hiểu và sống thực hành nội dung Sứ Ðiệp Truyền Giáo; đặc biệt trong Năm Mân Côi nầy, đó là sống lời cầu nguyện kinh Mân Côi,  là "sống duới cái nhìn của Ðấng mà theo chương trình của Thiên Chúa, và với lời thưa Xin Vâng, đã làm cho ơn cứu rỗi nhân lọai trở nên có thể được." Như thế Ngày Quốc Tế Truyền giáo sắp đến có thể khắc ghi một sức sống mới, quảng đại hơn, vào trong sự dấn thân cầu nguyện của cộng đồng giáo hội.

Lướt qua nội dung của Sứ Ðiệp, ÐHY nhắc đến ba điểm, hay đúng hơn ba mục tiêu mà Giáo Hội cần đề ra cho chính mình, ngõ hầu Giáo Hội sống thật sự mệnh lệnh truyền giáo của Chúa.

Ba điểm đó là: Giáo Hội trở nên chiêm niệm hơn, thánh thiện hơn, và truyền giáo hơn. Ðó là chiêm ngắm dung mạo Chúa Kitô (chiêm niệm), là yêu mến và bắt chước dung mạo Chúa Kitô (sống thánh thiện), là loan báo dung mạo Chúa Kitô (truyền giáo).  Công việc truyền giáo của giáo hội bắt đầu từ việc cầu nguyện, từ việc chiêm ngắm dung nhan Chúa Kitô. Như thế, truyền giáo là chiêm ngắm, yêu mến và loan báo Chúa Kitô cho anh chị em. Việc đọc kinh Mân Côi chắc chắn sẽ giúp cho mọi thành phần giáo hội sống trọn vẹn hơn ơn gọi truyền giáo của mình.

Giải thích tư tưởng của ÐTC, ÐHY nói như sau:

Việc đọc kinh Mân Côi hằng ngày mở ra con đuờng thực hành sứ mạng truyền giáo và "làm cho những con đường nầy có thể  thi hành được"  đối với những anh hùng của Tin Mừng. Thật vậy, kinh Mân Côi không là gì khác hơn là một cuộc hành hương, trên những con đường của ơn cứu rỗi, cùng với Mẹ Maria rất thánh, để chiêm ngắm, với đôi mắt đức tin, dung mạo thật của Chúa Kitô. Mẹ Maria là nhà truyền giáo cho chúng ta noi theo, Mẹ  "tường thuật" cho chúng ta biết Phúc Âm Chúa Giêsu Kitô, từ kinh nghiệm đặc biệt về Thiên Chúa mà Mẹ đã được phúc sống qua, như là nguời nữ của đức tin, như là Mẹ của Thiên Chúa.

Me Maria là mẫu gương đích thật cho đời sống Ðức Tin. Sống bên cạnh Mẹ, trong sự chiêm ngắm những mầu nhiệm của ơn cứu rỗi, giáo hội trở nên thánh thiện. Chiêm ngắm những Mầu Nhiệm của Kinh Mân Côi, nhà truyền giáo được khuyến khích theo Chúa Kitô và chia sẻ sự sống của Người. Cuối cùng, Mẹ Maria làm cho giáo hội trở nên truyền giáo hơn. Mẹ đã nói với những kẻ giúp việc rằng: Hãy làm điều Chúa truyền dạy. Mẹ  tạo điều kiện cho Chúa Giêsu hành động, Mẹ thôi thúc bước đường của các nhà truyền giáo. Với sự hiện diện của Mẹ trong Phòng Tiệc Ly, Mẹ chuẩn bị các tông đồ đón nhận biến cố Hiện Xuống, và khuyến khích các ngài "ra đi". Mẹ khuyến khích và đồng hành  không những  với từng nhà truyền giáo, mà còn với toàn thể cộng đoàn kitô để rao giảng Tin Mừng.

Ðó là vài điểm tóm lược nội dung sứ điệp Truyền Giáo.

Kết thúc bài giới thiệu, ÐHY nhắc đến vài con số  của Bộ Truyền Giáo như sau:

Tính cho đến ngày 31 tháng 12 năm 2002, tổng số giáo phận thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ là  1,075 giáo phận, tức 39% tổng số giáo phận của toàn thể Giáo Hội toàn cầu.  Phân chia theo đại lục, chúng ta có con số như sau: 478 giáo phận tại Phi Châu, 85 giáo phận tại Mỹ Châu, 453 giáo phận tại Á Châu; 14 giáo phận tại Âu Châu; 56 giáo phận tại Châu Ðại Dương. Từ ngữ "giáo phận" ở đây được dùng theo nghĩa chung, như một phân chia đơn vị hành chánh trong giáo hội, và  trong cụ thể có thể chỉ  những cấp  bậc khác nhau như : tổng giáo phận, giáo phận, giáo hạt tông toà, phủ doãn tông toà, miền truyền giáo đặc quyền  (missio sui juris), giáo phận quân đội, lãnh thổ đan viện. Chúng ta sẽ bàn đến những con số trong một chương trình khác.

Hẹn gặp lại quý vị và các bạn.

 


Back to Home Page