Hiện trạng đối thọai giữa Toà Thánh Vatican

và Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Hiện trạng đối thọai giữa Toà Thánh Vatican và Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp.

(Radio Vieritas Asia - 3/03/2003) - Linh Mục Johan Bonny, một thành viên của phái đoàn Toà Thánh đã đến thăm Giáo Hội chính thống Hy Lạp từ ngày 10 đến 14 tháng Hai năm 2003,  tỏ ra lạc quan về tương lai mối tương quan giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp.  Trong bài phỏng vấn  dành cho hãng tin Zenit, và được phổ biến trong bản tin phát hành ngày 31 tháng 3 năm 2003, Cha  tiên đoán sẽ có sự cộng tác nhiều hơn trên bình diện văn hoá, xã hội, môi sinh và trí thức. Cha Johan Bonny, nguời Bỉ, hiện làm việc ở phân bộ Ðông Phương của Hội Ðồng Toà Thánh đặc trách Hiệp Nhất Kitô, nghĩ rằng thái độ cởi mở của Ðức TGM Chính Thống Christodoulos của Athêna và của toàn thể Hy Lạp, là yếu tố quyết định trong tiến trình đối thoại giữa Giáo hội Công Giáo và Giáo hội Chính Thống. Cha cho biết rằng chuyến viếng thăm tại Athêna hồi tháng Hai năm 2003, tuy  không phải là một chuyến viếng thăm bình thường, theo truyền thống đã có từ  lâu, nhưng là một  diễn biến mới, được cổ võ bởi Ðức TGM Christodoulos  cùng với  Thánh Công Nghị của Ngài, trong cố gắng trở nên gần gũi hơn với những Giáo Hội khác tại Âu Châu.  Chính nhờ vào thái độ cởi mở nầy, mà chuyến viếng thăm trước đây của ÐTC tại Hy Lạp đã được tổ chức vào tháng 5 năm 2001. Lúc đó là lần đầu tiên một vị giáo hoàng  của Giáo Hội công giáo được tiếp đón trên đất nuớc Hy lạp. Một tương quan trực tiếp và mới mẻ đã được thiết lập, và cha  hy vọng là mọi sự sẽ được tiến triển theo chiều hướng nầy.

Quảng diễn thêm về ảnh huởng của chuyến viếng thăm của ÐTC tại Athêna, Cha Bonny  cho biết như sau:

Ðây đã là một  thời điểm  quan trọng cho Giáo Hội chính thống tại Hy lạp,  là một cuộc gặp gỡ vừa nhân bản vừa thiêng liêng có tầm quan trọng đáng kể. Sau đó chúng ta phải kể đến chuyến viếng thăm của Ðức Christodoulos, của Giáo Hội Chính thống Hy Lạp tại Vatican, vào tháng Ba năm 2002; và tiếp theo là chuyến viếng thăm của phái đoàn Toà Thánh  tại Athena hồi tháng Hai năm 2003. Những trao đổi nầy sẽ tiếp tục; và điều quan trọng là cuộc gặp gỡ đã được thiết lập,và rằng tiến trình đối thọai nầy sẽ không dừng lại nữa.

Trong lần viếng thăm tháng Hai vừa qua, phái đoàn Toà Thánh đã nói về Âu Châu cũng như về những thách thức trên bình diện văn hoá, xã hội, kinh tế và môi sinh. Hai bên cũng bàn đến cách thức  nhằm khuyến khích việc trao đổi các sinh viên  giữa Giáo Hội Công giáo và Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp. Vấn đề Luân Lý Sinh Học cũng nằm ở trung tâm vấn đề. Về vấn đề nầy, chúng ta nên biết rằng  có một Trung Tâm cao cấp về Luân Lý Sinh Học đã được thiết lập tại thủ đô Athêna; trong thực tế, đây là một trong những trung tâm tốt nhất tại Âu Châu. Người ta cũng  ao uớc được cộng tác với những trung tâm khác nữa thuộc loại nầy.

Và khi nói đến việc cộng tác với nhau trên bình diện xã hội, văn hoá,môi sinh, người ta không có ý nói là có những trở ngại khó khăn trên bình diện giáo lý. Chúng ta nên biết rằng có  những cách hành động song song với nhau: việc đối thoại của đức bác ái và đối thọai của sự thật. Việc đối thoại của sự thật đã được trao phó cho Ủy ban quốc tế đối thọai thần học giữa Giáo Hội Công giáo và Giáo Hội Chính thống. Và cuộc đối thoại thần học không diễn ra với  từng Giáo Hội Chính thống riêng rẽ, chẳng hạn như với Giáo Hội Chính thống  Hy lạp, nhưng với  tất cả các Giáo Hội Chính Thống như một tập thể chung với nhau. Còn về việc đối thọai của Ðức Bác Ái, thì khác; việc đối thọai nầy được thực hiện với từng Giáo Hội Chính thống; và  những sáng kiến khác nhau đã được thực hiện trong lãnh vực nầy, chẳng hạn như những chuyến viếng thăm của ÐHY Walter Kasper  nơi  những Giáo Hội Chính Thống tại Roumania, Bulgaria, Ukraine và Serbia. Trong mức độ giúp tạo ra bầu khí mới của sự tin tưởng và tình huynh đệ,  những chuyến viếng thăm nầy có ảnh hưởng tích cực trên việc đối thoaị thần học. Và chúng tôi ý thức rằng cuộc đối thoại mục vụ của tình bác ái với từng giáo hội địa phuơng, có thể có  ảnh hưởng tích cực trên việc đối thoại thần học.

Chúng ta cũng nên lưu ý đến phản ứng của một số người thuộc Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp  vì không muốn đối thọai với Giáo Hội Công giáo mà tố cáo Ðức TGM Christodoulos là kẻ  phản bội. Thật ra, Ðức TGM Christodoulos rất thận trọng và can đảm. Ngài tìm con đường dung hoà, giữa những kẻ rất gắn bó với tuyền thống củ xưa hoặc đã bị thương tổn vì những biến cố lịch sử trong quá khứ  và những ai có thái độ cởi mở với phong trào đại kết và với Giáo Hội Công giáo. Người ta cũng cần nhấn mạnh rằng Ðức TGM Christodoulos không phải là người duy nhất có thái độ cởi mở với việc đối thọai. Nhiều tín hữu chính thống  và nhiều thành phần của Thánh Hội Nghị, ủng hộ  ngài. Những người công giáo có thể học đưọc nhiều điều nơi những anh chị em chính thống Hy lạp. Chẳng hạn như trên bình diện cơ cấu tổ chức Giáo Hội,  nguời Công giáo tây phuơng có thể  học lấy cách thức tổ chức theo hình thức công nghị. Và ngược lại, những anh chị em chính thống đông phuơng có thể học nơi Giáo Hội Công giáo cách thức trong đó Giáo Hội Công giáo có thể phát triển một sự thông hiệp phổ quát.

Cuối cùng, chúng ta còn có thể lưu ý đến điều nầy:  Ðất Nước Hy Lạp và Kitô giáo luôn có những liên hệ  với nhau trong lịch sử. Vào những thế kỷ đầu của Kitô giáo, các thơ của Thánh Phaolô Tông đồ được gởi cho những cộng đoàn Hy lạp, tại Corinto và Thessalonica. Và chính thánh Phaolô cũng đã đến giảng tại Diễn Ðàn Areopagus của Athena. Giáo Hội Chính thống Hy Lạp ý thức rõ ràng phần gia tài kỳ diệu của Ðức Tin  và Văn Hoá Kitô, và muốn thông truyền phần gia tài nầy cho những thế hệ tương lai một cách trung thành nhất có thể.

Ðó là vài nhận định của Cha Johan Bonny về hiện trạng đối thọai giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính thống Hy lạp. Xin tạm biệt qúy vị và xin hẹn gặp lại vào chương trình phát thanh kỳ tới.

 


Back to Home Page