Vài Can thiệp cuối cùng

của ÐTC Gioan Phaolô II

để  tránh chiến tranh chống Iraq

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Vài Can thiệp cuối cùng của ÐTC Gioan Phaolô II để  tránh chiến tranh chống Iraq.

(Radio Veritas Asia - 20/03/2003) - Theo nguồn tin của hãng thông tấn công giáo Thụy Sĩ (Apic), thì  lập trường của Toà Thánh chống lại cuộc chiến tấn công vào Iraq, càng ngày càng được thêm nhiều người ủng hộ. Trong những ngày qua, nhất là từ khi Tổng Thống Bush của Hoa Kỳ lên tiếng đặt ra kỳ hạn "48 tiếng đồng hồ", để Ông Saddam Hussein và những nguời con của ông rời khỏi Iraq, hàng ngàn điện thọai và điện thư được gởi đến Vatican, để ủng hộ lập trường của ÐTC muốn giải quyết vấn đề Iraq mà không cần đến chiến tranh. Những nữ tu làm việc tại trung tâm điện thọai Vatican, được khuyên hãy xin những người gọi điện thoại đến để ủng hộ lập trường của Toà Thánh "cầu nguyện cho hoà bình", và xin họ thay vì gọi điện thọai, thì hãy gởi fax đến văn phòng thư ký riêng của ÐTC. Trong số những điện thư gởi về trang Ðiện Tử của Vatican, có những điện thư  đề nghị ÐTC nên đến thủ đô Bagdhad, để ngăn chận chiến tranh đừng xảy ra.

Trong bài thời sự  hôm nay, chúng ta hãy ôn lại vài  can thiệp mới nhất của ÐTC, nhưng chỉ trong giới hạn kể từ hôm chúa nhật 16 tháng 3/2003, đến 20/03/2003 mà thôi. Trước thời điểm nầy, đã có những lần can thiệp quan trọng khác nữa của ÐTC, --- mà chúng tôi đãcó dịp nói qua rồi --- không những bằng lời nói, nhưng còn bằng hành động cụ thể nữa, chẳng hạn như việc gởi hai vị Hồng Y đặc sứ, một vị đến thủ đô Bagdhad (ÐHY Roger Etchegaray) để trực tiếp gặp ông Saddiam Hussein, và một vị đến thủ đô Washington (ÐHY Piô Laghi) để gặp tổng thống Bush.

- Ngày Chúa Nhật 16/03/2003, trong khi ba vị, Tổng Thống Bush của Hoa Kỳ, Thủ Tướng Tony Blair của Anh Quốc, và Thủ Tướng Tây Ban Nha, họp Thượng Ðỉnh tại một căn cứ quân sự  ở quần đảo Azores, thì ÐTC, tại quảng trường thánh Phêrô ở Roma, đã ngỏ lời với các tín hữu trước khi đọc kinh Truyền Tin Trưa ChúaNhật, như sau:

 

"Chỉ mình Chúa Kitô mới có thể canh tân các tâm hồn và ban lại niềm hy vọng cho các dân tộc.... Trong  viễn tượng của Ðức Tin, Cha muốn lặp lại đây lời kêu gọi khẩn thiết hãy gia tăng dấn thân cầu nguyện và ăn chay, để khẩn xin từ Chúa Kitô hồng ân Hoà Bình. Không có sự trở lại của tâm hồn, thì không có hoà bình.

Những ngày tới đây có tính cách thật quyết định cho những giải pháp cho cuộc khủng hoảng Iraq. Chúng ta hãy cầu nguyện, xin Chúa soi sáng cho tất cả mọi  bên có liên hệ, được can đảm và thấy xa.

Chắc rằng, những vị có trách nhiệm chính trị tại Thủ Ðô Bagdhad, có bổn phận khẩn cấp cộng tác đầy đủ với cộng đoàn quốc tế, để lọai bỏ mọi nguyên do cho cuộc can thiệp quân sự. Cha muốn gởi lời kêu gọi tha thiết như sau:  xin các vị hãy dành ưu tiên cho số phận của những người đồng hương.

Cha cũng muốn nhắc lại cho những quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc, và đặc biệt cho những ai kết thành Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, rằng việc xử  dụng sức mạnh là giải pháp cuối cùng, sau khi đã tận dụng mọi phương thế giải quyết ôn hoà, dựa theo những nguyên  tắc thật rõ ràng của Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Chính vì thế mà tại sao ---- trước những hậu quả khủng khiếp mà hành động quân sự quốc tế có thể có trên dân chúng Iraq và trên sự quân bình của toàn vùng Trung Ðông, một vùng đã bị thử thách thật nhiều ---- chính vì thế mà Cha nói với tất cả  mọi người như sau: vẫn còn có thì giờ để thương thuyết; còn có khoảng rộng để đón hoà bình; không bao giờ là quá trễ để hiểu nhau và tiếp tục bàn luận với nhau.

Suy  nghĩ về những bổn phận của mình, dấn thân trong những cuộc thương thuyết  cụ thể, điều nầy không có nghĩa là hạ nhục chính mình, nhưng là làm việc với tinh thần trách nhiệm cho hoà bình. Hơn nữa, chúng ta là người kitô, chúng ta xác tín rằng hoà bình chân thật và vững bền, không chỉ là  kết quả của những hiệp ước chính trị --- dù đây là điều cần thiết --- và của những sự  hiểu biết giữa các cá nhân và các dân nước, nhưng còn là hồng ân của Thiên Chúa cho tất cả những ai vâng phục Chúa và chấp nhận cách khiêm tốn và với lòng biết ơn,  chấp nhận  ánh sáng của Tình Yêu Ngài."

 

Ðó là những lời tuyên bố quan trọng nói lên lập trường của ÐTC Gioan Phaolô II cho tất cả mọi nguời có liên hệ trong vấn đề Iraq.

Sau đó, hôm thứ Hai, ngày 17 tháng 3/2003, sau những  tuyên bố của Tổng Thống Bush, đặt  ra kỳ hạn 48 tiếng đồng hồ, cho ông Hussein và những người con của Ông phải từ bỏ quyền hành mà rời Iraq, thì Tiến Sĩ Navarro Valls,  giám đốc phòng báo chí và là người phát ngôn của Toà Thánh,  công bố lời nhận định ngắn như sau:

 

"Ai quyết định cho rằng đã dùng cạn hết tất cả những phương tiện ôn hoà mà  Luật Pháp Quốc Tế  cho phép, thì người đó lãnh lấy trách nhiệm trầm trọng trước nhan Chúa, trước lương tâm và trước lịch sử."

 

Cuối cùng, vào ngày thứ Tư  hôm 19 tháng 3/2003, lễ Kính Thánh Cả Giuse,  lúc sắp hết kỳ hạn 48 tiếng đồng hồ,  và trong buổi tiếp kiến chung hằng tuần, ÐTC kín đáo nói lên lập trường của ngài,  sau khi đã trình bày mẫu gương Ðức Tin của thánh Giuse.  Trong đọan kết thúc bài huấn đức, ÐTC đã nói như sau:

 

"Nguyện xin Thánh Giuse, quan thầy của toàn thể giáo hội, canh chừng cho toàn thể cộng đoàn giáo hội, và như là con người của hoà bình, xin thánh nhân cầu cùng Thiên Chúa  cho toàn thể gia đình nhân loại, nhất là cho những dân tộc bị hăm dọa trong giờ phút nầy bởi chiến tranh,  được hồng ân quý giá của  sự  hoà hợp và hoà bình".

 

Ðó là vài hàng nhắc lại những can thiệp mới nhất của ÐTC Gioan Phaolô II trước cuộc khủng hoảng Iraq, xin kính chào quý vị, và hẹn gặp lại qúy vị trong chương trình phát thanh lần tới.

 


Back to Home Page