Tòa Thánh tái khẳng định

việc cấm người ly dị tái hôn rước lễ

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Vatican (SD 6/07/2000; APIC 7/07/2000) - Ngày 6/07/2000, Hội Ðồng Tòa Thánh giải thích các Văn Bản Luật đã ra tuyên ngôn giải thích chính thức khoản giáo luật số 915 và tái khẳng định việc cấm các tín hữu ly dị tái hôn và các tín hữu Công giáo chỉ kết hôn theo nghi thức dân sự, không được rước lễ.

Khoản giáo luât số 915 qui định: "Không được nhận cho rước lễ những người bị vạ tuyệt thông và cấm chế sau khi hình phạt đã tuyên kết hay tuyên bố, và những người cố chấp trong một tội nặng công khai."

Trong những năm gần đây, một số tác giả đưa ra nhiều lý lẽ để quả quyết rằng khoản giáo luật này không được áp dụng cho các tín hữu ly dị tái hôn. Chẳng hạn họ nói rằng khoản giáo luật này nói về "tội trọng", và để có tội trọng thì phải có tất cả những điều kiện, kể cả những điều kiện chủ quan. Thế mà thừa tác viên cho rước lễ không thể đưa ra phán quyết từ bên ngoài để quả quyết có sự hiện diện của tội trọng nơi một tín hữu. Ngoài ra, để có thể nói là thái độ "cố chấp" ở lỳ trong tội trọng, thì cần phải nhận thấy nơi tín hữu ấy một thái độ thách thức, sau khi được vị Mục Tử cảnh giác hợp pháp.

Hội đồng Tòa Thánh giải thích các Văn Bản Luật bác bỏ các lý lẽ trên đây, và nhắc đến giáo huấn thống nhất từ trước đến nay về vấn đề những người ly dị tái hôn không được rước lễ. Giáo huấn đó dựa trên chính lời Thánh Phaolô: "Vì vậy, ai ăn bánh và uống chén của Chúa một cách bất xứng, thì trở thành tù nhân của Mình và Máu Chúa. Do đó, mỗi người hãy xét mình khi ăn bánh và uống chén này; vì ai ăn và uống mà không nhìn nhận Mình Chúa, tức là ăn và uống án phạt chính mình", 1 Corinto, đoạn 11, câu 27 đến 29. Câu Kinh Thánh này liên hệ trước tiên tới tín hữu và lương tâm của họ, và đó là điều được trình bày trong khoản giáo luật số 916 tiếp đó: "Ai ý thức mình phạm tội nặng và chưa xưng tội trước thì không được làm lễ và không được rước lễ..." Rước Mình Chúa Kitô mặc dù mọi người biết đương sự là bất xứng, thì gây thiệt hại khách quan cho tình hiệp thông của Giáo hội; đó là thái độ gây thiệt hại cho quyền của Giáo hội và tất cả các tín hữu được sống phù hợp với những đòi hỏi của tình hiệp thông ấy. Trong trường hợp cho tín hữu ly dị tái hôn được rước lễ, hành động gương mù ấy có liên hệ đồng thời tới phép Thánh Thể và sự bất khả phân ly của hôn phối.

Hội Ðồng Tòa Thánh giải thích các Văn Bản Luật cũng khẳng định rằng: "Xét về bản chất của qui luật nói trên phát xuất từ luật Chúa, nên không một quyền bính Giáo hội nào, trong bất kỳ trường hợp nào, có thể chuẩn chước cho thừa tác viên trao ban Mình Thánh Chúa khỏi nghĩa vụ không được trao Mình Thánh Chúa cho người bất xứng, và không được ban hành những chỉ thị trái ngược lại".

Trong cuộc phỏng vấn dành cho phái viên hãng tin Công giáo Apic của Thụy Sĩ, ngày 7/07/2000, Ðức Tổng Giám Mục Julian Herranz, Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh giải thích các Văn Bản Luật, nói rằng:

"Sở dĩ chúng tôi đã tái khẳng định về mặt pháp lý rằng những người ly dị tái hôn không thể rước lễ là vì có rất nhiều hỗn độn về vấn đề này. Vai trò Hội đồng chúng tôi là giải thích nội dung bộ giáo luật, biểu lộ luật chung của Giáo hội. Khoản số 915 của bộ giáo luật đã bị một số người giải thích sai. "Vì thế, công việc của chúng tôi là tái xác định ý nghĩa của điều khoản đó, và chúng tôi làm điều đó về phương diện pháp lý, theo thẩm quyền của chúng tôi".

Theo Ðức Tổng Giám Mục Julian Herranz, một trong những sai lầm về việc giải thích thường thấy nhất về khoản giáo luật số 915 là nghĩ rằng những người ly dị tái hôn không bị vạ tuyệt thông. "Trong vấn đề này có một sự hỗn độn rất lớn. Cần phải phân biệt những người ở ngoài Giáo hội, vì với tư cách là người bị vạ tuyệt thông, và những người như các cặp ly dị tái hôn, vẫn là những người con trọn vẹn của Giáo hội, và họ được mời gọi tham dự thánh lễ, cho dù không rước lễ, và tích cực tham gia vào các hoạt động của giáo xứ".

Theo Ðức Tổng Giám Mục Chủ Tịch Hội Ðồng Tòa Thánh giải thích các Văn Bản Luật, có hai lý do khiến cho những người ly dị tái hôn không thể rước lễ. "Lý do thứ nhất là mối quan tâm bảo tồn bí tích Thánh Thể. Rước lễ tức là rước chính Chúa Kitô. Vì thế, ta không thể rước lễ nếu ta ở trong tình trạng có tội trọng: tội trọng vì ly dị và tái hôn hay thứ tội trọng nào khác".

Lý do thứ hai là mong ước của Giáo hội bảo tồn "đặc tính bất khả phân ly của hôn nhân Kitô giáo... Có một sự khác biệt lớn lao giữa tình yêu như được quan niệm trong hôn nhân Kitô giáo, và tình yêu được quan niệm ở bên ngoài. Hôn nhân Kitô giáo là một bí tích và là điều rất trọng đại. Hôn nhân dựa trên đặc tính một vợ một chồng và chung thủy với nhau mãi mãi. Dĩ nhiên, điều này đòi phải chiến đấu, vì cần phải tha thứ cho người bạn đường của mình. Giáo hội phải nhắc lại rằng có cuộc chiến đấu đó, nếu không hôn nhân sẽ chỉ là một điều không tưởng. Thực vậy, quan niệm rằng mình phải rời bỏ người vợ hoặc chồng của mình vừa khi khám phá những khuyết điểm mới nơi họ, tức là có một não trạng hướng về ly dị".

Ðức Tổng Giám Mục Herranz nhấn mạnh rằng "không phải Giáo hội không ưa chuộng lòng từ bi. Giáo hội theo gương của Chúa Kitô tha thứ cho người đàn bà ngoại tình trong Phúc Âm, vì Chúa nói: "Hãy đi và đừng phạm tội nữa". Chúa Kitô không biện minh cho tội ngoại tình, mặc dù Ngài tha thứ cho người phụ nữ ấy. Ngày nay Giáo hội tái khẳng định cùng một điều như vậy. Ðiều này có vẻ khó hiểu vì ý tưởng ngày nay là một số đông người nghĩ rằng chân lý ấy không còn giá trị nữa, và cũng không còn hiện hữu. Nhưng một luật do Thiên Chúa truyền không thể thay đổi được.

 

(Trích dẫn từ Nguyệt San Trái Tim Ðức Mẹ số 272, tháng 8 năm 2000)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page