Bàn về cuộc Chiến hiện nay

giữa Do thái-Palestine

 

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bàn về cuộc Chiến hiện nay giữa Do thái-Palestine.

(Radio Veritas - 8/04/2002) - Trước hết, chúng ta cần nhớ lại rằng: những vụ xung đột giữa Do thái (được Hoa kỳ ủng hộ) và Palestine (được khối Ả rập giúp đỡ) đã xẩy ra từ hơn năm 50 năm nay, nghĩa là từ lúc Do thái thành lập quốc gia, sau đệ nhị thế chiến (1939-1945). Theo quyết nghị của LHQ (năm 1946), Do thái và Palestine là hai quốc gia độc lập với biên giới rõ ràng. Nhưng quyết nghị của LHQ không bao giờ được thi hành.  Khối Ả rập không thể chịu nổi sự hiện diện của một quốc gia Do thái trong miền Trung Ðông, vì đây là một đe dọa liên lỉ cho các nước trong vùng này. Tuy nhiên, mỗi lần khối Ả rập gây chiến muốn đánh bật Do thái ra khỏi miền này, đều bị thất bại nặng nề. Chiến tranh chớp nhoáng năm 1967, Do thái chiếm miền Cisjordanie, và  Gaza... và chiến tranh khủng khiếp năm 1975, Do thái chiếm cả miền Sinai và len lỏi vào tận thủ đô Cairô của Ai cập, làm tê liệt các đài radar kiểm soát. Ai cập là một quốc gia hùng mạnh hơn cả trong miền, đã phải ký hòa ước với Do thái. Các quốc gia khác không thể đương đầu với Do thái được.  Irak, Iran ...giầu có và hùng mạnh, chắc chắn không quên gương thất bại của Ai cập. Hơn nữa Irak đã có bài học "chiến tranh trừng phạt chớp nhoáng" cách đây 10 năm. Hơn nữa, trong lúc này, Irak và Iran bị Hoa kỳ tố cáo ủng hộ các nhóm khủng bố và cung cấp vũ khí cho Palestine.  Hoa kỳ không những cảnh cáo, nhưng cùng với Anh quốc quyết  định phải loại bỏ Tổng Thống Saddam Hussein của Irak. Cũng trong những ngày này, Tổng thống Hoa kỳ và Ngoại trưởng Do thái, ông Simon Peres, yêu cầu Chủ tịch Arafat lên án khủng bố, nhưng không bao giờ ông làm. Ngoại trưởng Hòa kỳ, ông Powell Collin đang trên đường đi Trung Ðông để giàn xếp vần đề Do thái và Palestine. Trước khi đến Giêrusalem, ông qua các nước Maroc, Ai cập, Jordanie, Arabie Saudite (các quốc gia ôn hòa của Khối Ả rập) để tham khảo ý kiến. Arabie Saudite đã đưa ra một số đề nghị  về hòa bình, để giải quyết vụ tranh chấp vô tận giữa Do thái và Palestine, trong đó có việc công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Do thái về phía các nước Khối Ả rập và bảo đảm an ninh lãnh thổ Do thái, bên cạnh Quốc gia Palestine độc lập. Sáng kiến của Arabie Saudite đã được Khối Ả rập thảo luận tại Beyrouth trong tuần vừa qua. Ngoại trưởng Hoa kỳ cũng gặp Thủ tướng Tây ban nha, vì Tây ban nha đang giữ chức chủ tịch Khối Liên hiệp Châu Âu trong lục cá nguyệt này.

Sau những cuộc tham khảo, Ngoại trưởng Hoa kỳ sẽ tới Giêrusalem để thảo luận với Chính phủ Do thái. Trước khi lên đường từ Hoa kỳ, ngoại trưởng tuyên bố như sau: "Trong chương trình không có mục gặp gỡ và thảo luận với Chủ tịch Arafat". Trong những ngày vừa qua Tổng thống Bush tuyên bố: "Ông Arafat đã làm tôi thất vọng". Trong bài phỏng vấn dành cho nhật báo Le Figaro của Pháp, được tờ "Tin Chiều" (Corriere della sera) (07/04/2002) của Ý thuật lại, Bộ trưởng Ngoại giao  Do thái tuyên bố: "Ông Arafat là người bạn  của chúng tôi, nhưng ông đã không cư xử đúng như vậy. Ông đã được dân Palestine bầu lên, chúng tôi không thay đổi được; nhưng ông phải tôn trọng các hòa ước đã ký kết, chiến đấu chống khủng bố. Mỗi lần chúng tôi tìm hiểu lập trường của ông, đều phạm một  lỗi lầm không thể chấp nhận được. Thí dụ, trong lời kêu gọi của ông, ông ước mong có "triệu triệu vị tử đạo cho Giêrusalem". Chúng tôi biết rõ rằng: không bao giờ ông ra lệnh cho 30 ngàn cảnh sát của ông chiến đấu chống khủng bố. Tướng Zinni (đại diện Hoa kỳ trong cuộc đàm phán với Do thái-Palestine) yêu cầu ông tuyên bố đình chiến cách rõ ràng, ông đã không làm".

Những lời tuyên bố  của các nhân vật  quan trọng trong cuộc,  có thể định đoạt số phận của lãnh tụ Arafat. Xem ra Hoa kỳ và chính Thủ tướng Do thái muốn thảo luận để chấm dứt chiến tranh với cấp lãnh đạo mới, ôn hòa hơn, vì  không còn tín nhiệm ông Arafat nữa. Báo chí cũng viết: Ðáng lẽ Ông Arafat đã phải ký hiệp ước hòa bình với Do thái,  thời Tổng Thống Clinton và Thủ tướng Do thái, ông Barak, thuộc Ðảng Lao động, vì có lợi nhiều cho Palestine; nhưng ông đã không ký,  mà muốn trì hoãn để đòi thêm hơn nữa. Thủ tướng Sharon (thuộc Ðảng Bảo thủ cực hữu, là người đã muốn loại bỏ Ông Arafat cách đây 20 năm trong lúc chiến tranh với Liban, và xem ra không đội trời chung với ông Arafat được. Trong những ngày này, quân đội Do thái cô lập Ông Arafat tại Ramallah, như một người bị quản thúc tại gia, không cho tiếp xúc với phái đoàn Liên hiệp Châu Âu.

Ông Arafat và các đồng minh Khối Ả rập của Ông (gồm 22 quốc gia với trên 100 triệu dân cư) biết rằng:  không thể trực tiếp đương đầu với Do thái được, một quốc gia nhỏ bé với 6 triệu dân, nhưng lại có một lực lượng quân sự rất hùng hậu và được trang bị rất đầy đủ bằng các vũ khí tối tân nhất: 600 ngàn quân (1/10 dân số) --- trong số này có 425 ngàn quân trù bị---. Quân đội Do Thái  được trang bị bằng 3,900 xe tăng - 9,600 xe thiết giáp - 435 phi cơ chiến đấu tối tân - 130 trực thăng - và khoảng 100 hỏa tiễn.

Trong cuộc hành quân từ 29 tháng 3 năm 2002, Do thái ra lệnh động viên 20 ngàn quân trù bị. Con số binh sĩ đang chiến đấu trong lúc này gồm có: 130 ngàn bộ binh - 36 ngàn không quân - và 6,500 thủy quân.  Palestine không có quân đội chính qui, chỉ có lực lượng cảnh sát, gồm khoảng từ 35 đến 45 ngàn, được trang bị bằng loại súng thường và liên thanh.

Trong những ngày tấn công vũ bão của Do thái để tiêu diệt các ổ khủng bố và tịch thu vũ khí bất hợp pháp của Palestine, không một quốc gia hội viên trong Khối Ả rập tình nguyện gửi quân giúp Palestine, ngoài những lời tuyên bố hứa hẹn của chủ tịch Gedaffi của Libia. Ðể tiêu diệt Do thái, Ông Arafat và các nhóm đồng minh của Ông chỉ có phương tiện duy nhất: đó là khủng bố bừa bãi tại các thành phố, nhằm giết hại người dân. Vì không thể tha thứ những vụ khủng bố tàn nhẫn như vậy được, Do thái bắt buộc phải trả đũa bằng các vụ oanh tạc lãnh thổ Palestine và trong những ngày này bằng những cuộc hành quân qui mô và toàn diện để diệt trừ khủng bố, bảo đảm an ninh cho người dân. Nhờ hành động cương quyết diệt trừ khủng bố này, uy tín của Thủ tướng Sharon, trước kia đã bị sụt tới 44%, và nay lên đến 77%.

Ðứng trước chiến tranh mỗi ngày mỗi trở nên dữ dội hơn, LHQ hầu như bất lực. Khối Liên hiệp Châu Âu bị Do thái coi thường. Trong những ngày vừa qua, Thủ tướng Sharon không cho phái đoàn Liên hiệp Châu Âu tiếp xúc với Chủ tịch Arafat. Trước tình hình nguy ngập và bế tắc này, Ðức Gioan Phaolô II nói: "Không một người nào được phép yên lặng hay lãnh đạm trước những đau khổ của các dân tộc này". Ngài đã lên tiếng nhiều lần kêu gọi hai phe tranh chấp đình chiến, ngồi vào bàn hội nghị. Trong những ngày vừa qua, Tòa Thánh hoạt động ráo riết trong lãnh vực ngoại giao, và  yêu cầu Hoa kỳ can thiệp gấp. Tổng Thống Bush lên tiếng yêu cầu Do thái rút quân khỏi các lãnh thổ chiếm đóng. Thủ tướng Sharon xem ra không chấp nhận, ít ra lúc này,  lời kêu gọi khẩn cấp của Hoa kỳ. Ông vẫn tiếp tục các cuộc hành quân, để có thể thanh toán các nhóm khủng bố. Một lần nữa, Tổng Thống Bush yêu cầu rút quân tức khắc. Do thái vẫn tiếp tục đường lối của mình. Ðể thuyết phục Do thài, Tổng Thống Bush và Thủ tướng Anh Tony Blair tuyên bố: "Do thái phải biết rằng: chúng tôi là người bạn tốt nhất của Do thái". Hy vọng Thủ tướng Sharon không bỏ qua lời kêu gọi này.

Ông Simon Peres, Bộ trưởng ngoại giao Do thái, trong bài phỏng vấn dành cho Le Figaro, tuyên bố: "Cuộc hành quân kéo dài hai hay ba tuần, kể từ lúc khởi sự (29/03/2002). Chúng tôi đang làm cái đáng lẽ Ông Arafat đã phải làm"  (nghĩa là diệt trừ khủng bố).  Cho tới lúc này, Do thái đã chiếm hầu hết các thành phố lớn và tin sau cùng của Ðài truyền hình Ý (sáng thứ hai 08/04/2002), cho hay: quân đội Do thái tấn công vào Ðền thờ Giáng sinh tại Betlem, trong đó có dân quân Palestine trú ẩn mang theo cả vũ khí. Tu viện các Cha Phanxicô, canh giữ Thánh địa kế bên, cũng bị liên lụy.

Trước tình hình nguy ngập này, loài người xem ra bất lực. Nhưng đối với ÐTC, vũ khí sắc bén hơn cả đem lại hòa bình vẫn là lời cầu nguyện. Thứ năm 04/04/2002, trong bức thư gửi cho Ðức Hồng Y Angelo Sodano, Quốc vụ khanh, để xin huy động các Giám mục trên thế giới Công Giáo, cùng nhau cầu nguyện cho hòa bình tại Trung Ðông, ÐTC viết  như sau: "Ở đâu vũ khí và ngoại giao thất bại, thì chỉ mình Thiên Chúa có thể thay đổi tâm hồn con người được mà thôi, nhất là tâm hồn của những người có trách nhiệm và quyền hành,  để thực hiện những bước cần thiết, cho dù phải trả giá cao, để đưa các phe tranh chấp đến những thỏa ước công bình và xứng đáng phẩm giá cho mọi người"  (L'Osservatore Romano 6/04/2002 ).

Nhìn lại dĩ vãng, ngày cầu nguyện tháng 10 năm 1986 tại Assisi đã làm chế độ cộng sản Trung-Ðông-Âu sụp đổ nhanh chóng, không ai dám nghĩ tới. Ngày cầu nguyện tháng 3 năm 1993, cũng tại Assisi, để chấm dứt chiến tranh diệt chủng tàn bạo tại miền Balcan. Chiến tranh đã chấm dứt. Quân đội LHQ bảo vệ an ninh. Dân chúng được sống bình an, tuy còn nhiều tàn phá, đổ nát. Sau cuộc khủng bố dữ dội tại New York và Washington, một lần nữa ÐTC huy động ăn chay (14/12/2001) và cầu nguyện với đại diện các Giáo hội Kitô và các Tôn giáo thế giới ngày 24 tháng Giêng năm 2002 tại Assisi. Từ đó, không ai dám hô hào  "thánh chiến, chiến tranh tôn giáo", để che đậy chính sách khủng bố của mình. Chúng ta hy vọng: chiến tranh Do thái-Palestine, với lời cầu nguyện của toàn Giáo hội, sẽ chấm dứt trong tương lai gần đây, để hai dân tộc được sống trong bình an mỗi người trong quốc gia riêng của mình.

 


Back to Home Page