Nhật báo Công Giáo Ý Tương Lai
nhận định về
Ngày cầu nguyện cho hòa bình tại Trung Ðông
do sáng kiến của ÐTC Gioan Phaolô II
Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
Nhật báo Công
Giáo Ý "Tương Lai" nhận định về Ngày cầu nguyện cho hòa
bình tại Trung Ðông do sáng kiến của ÐTC Gioan Phaolô II.
Nhật báo Công
Giáo Ý "Tương Lai" số ra ngày 05/04/2002 dành bài xã thuyết
để nói về Ngày cầu nguyện cho hòa bình tại miền Trung Ðông,
được ÐTC ấn định vào Chúa nhật mùng 7/04/2002. Tác giả bài
nhận định là Ông Andrea Riccardi, Giáo sư Sử học Ðại Học
Quốc Gia Italia ở Roma, vị sáng lập, vào thời sau Công đồng
Vatican II, Cộng đồng Sant'Egidio, một tổ chức gồm hoàn toàn
người giáo dân. Tổ chức này đã được Hội đồng Tòa
Thánh phụ trách Giáo dận chính thức công nhận như là một
trong các Hội đoàn và Phong trào giáo hội. Cộng đồng Sant'Egidio
đã trở thành tổ chức quốc tế với khoảng 50 ngàn đoàn
viên hoạt động tại nhiều nước thế giới và đã được
nhiều người biết đến do các hoạt xã hội, bác ái, phát
triển và nhất là cho hòa bình thế giới. Sau cuộc gặp gỡ
giữa đại diện các Giáo hội Kitô và tôn giáo lớn thế
giới tại Assisi tháng 10 năm 1986, để cầu nguyện và hoạt động
cho hòa bình, do ÐTC triệu tập, hằng năm, thường vào những
tháng hè, Cộng đồng Sant'Egidio vẫn tổ chức các cuộc gặp gỡ
tương, tự tại những thành phố khác nhau trên thế giới để
nuôi dưỡng và phát triển tinh thần hòa bình của Assisi.
Theo tinh thần
hòa bình của Assisi, trước bất cứ sáng kiến nào về hòa bình
do Tòa Thánh đưa ra, Cộng đồng Sant'Egidio tham dự cách tích cực.
Cộng đồng đã tham dự vào cuộc gặp gỡ ngày 24 tháng Giêng
năm 2002 tại Assisi và Giáo sư Riccardi đã được chỉ định là
một trong các đại diện Công Giáo phát biểu trước các vị
tham dự cuộc gặp gỡ.
Sáng kiến của
ÐTC về Ngày cầu nguyện cho hòa bình tại miền Trung Ðông đã
được Cộng đồng nầy đón
nhận cách hăng say. Giáo sư Andrea Riccardi nhận thấy: đây là
cơ hội thuận tiện để cộng tác và góp công vào sáng kiến
của ÐTC, dấn thân trong viêc cổ võ hòa bình, như Cộng Ðồng
đã làm từ trước tới giờ.
Nhân Ngày cầu
nguyện cho hòa bình tại Trung Ðông, trong bài xã thuyết đăêng
trên nhật báo Avvenire, với tít đề: "Vũ khí
chắc chắn chỉ tạo nên những thất bại mà thôi",
Giáo sư Riccardi bình luận như sau:
Với múc độ
của các biến cố hiện nay, Ðức Gioan Phaolô II đưa ra lập trường
của mình về việc leo thang các bạo lực đang diễn ra trên sân
khấu của miền đất yêu quí đối với các tôn giáo độc thần và cách
riêng đối với Kitô giáo. Qua bức thư gửi cho Ðức Hồng Y
Quốc vụ Khanh Angelo Sodano, ÐTC kêu gọi khẩn cấp toàn Giáo hội
Công Giáo, "để các tín hữu gia tăng lời cầu nguyện cho
các dân tộc bị tàn phá bởi những hình thức bạo lực với
mức độ khủng khiếp". Tác giả bài bình luận viết tiếp: Lời
cầu nguyện tập thể - được tập trung vào ngày Chúa nhật
7/04/2002 - là lời mời gọi một lần nữa của ÐTC, trước
diễn tiến nhanh chóng của vụ tranh chấp giữa Do thái và
Palestine. Biết bao mưu tính tiếp xúc đã bị thất bại và lúc
này đây việc xử dụng vũ khí gây ngạc nhiên và gia tăng
tới mức dộ đáng lo sợ. Nhưng vũ khí không mang lại hòa bình
. Vũ khí không thể đem lại an ninh chắc chắn cho Do thái, cũng
không thể làm cho dân tộc Palestine có một quốc gia trật tự,
độc lập. Vũ khí chỉ gây thêm xung khắc,
sẽ không mang lại chiến thắng cho ai cả, chắc chắn không
đem lại chiến thắng cho dân Palestine
cũng như cho dân Do thái. Hơn nữa, chúng ta tự hỏi: tương
lai của người dân Palestine sẽ như thế nào và họ sẽ có
thể góp công như thế nào vào hòa bình,
nếu một lần họ đã bị tước lột niềm hy vọng cụ thể
về một Quốc gia riêng và không có một cơ cấu chính trị riêng
của họ?
Nhìn xa hơn nữa,
tác giả bài bình luận viết: Vụ tranh chấp tại Thánh địa không
phải là vụ tranh chấp có giới hạn. Từ lúc này chúng ta
thấy rằng: vụ tranh chấp Do thái - Palestine rõ ràng
lan rộng đến cả miền
Trung Ðông. Cộng hòa Liban yếu ớt kia có thể trở nên điểm
gặp gỡ thứ nhất của việc lan rộng vụ tranh chấp. Nhóm
Herbollah hoạt động tại miền nam Liban , giáp giới Do thái,
bắn vào lãnh thổ Israel và chúng ta tự hỏi: Giêrusalem
sẽ phản ứng như thế nào? Trong lúc đó, tại nhiều nơi của
các nuớc Ả rập đã có
nhiều cuộc biểu tình chống Israel và chống cả Hoa kỳ nữa. Vấn
đề Palestine đã luôn luôn được cảm thấy như một bi kịch
chưa được giải quyết. Vụ tranh chấp Do thái và Palestine đang
đốt lên ngọn lửa trong tâm hồn người Ả rập và một phần
người Hồi giáo.
Trong lúc này
chỉ có vũ khí và vũ khí đảo lộn tất cả. Cả các nơi thánh
như Betlem cũng không còn được tôn trọng. Chung quanh Ðền thờ
Giáng Sinh, hai bên bắn phá nhau. Khi nói đến các nơi thánh
không phải chỉ là những bức tường (dĩ nhiên nó có già
trị quan trọng về lịch sử và gợi lên những kỷ niệm), nhưng
nhất là các giá trị được từng triệu triệu tín hữu trên
thế giới cùng chia sẻ. Ðền thờ Giáng sinh (cùng chia sẻ giữa
các tín hữu Chính Thống, Công Giáo và Arménie) đối với
thế giới Kitô là nơi nhớ lại
hòa bình được loan báo trong Ðêm Giáng sinh tại Betlem. Dưới
ánh sáng của Ðêm Lễ Giáng sinh tại Betlem, từng triệu tín hữu
vẫn hy vọng rằng: hòa bình mạnh mẽ hơn thù ghét và sự dữ.
Và như vậy, hằng năm họ lại mở rộng tâm hồn đón nhận
Tin Mừng của hòa bình. Tôn trọng các nơi thánh không có nghĩa
là lập thành "những hòn đảo"
giữa một thảm kịch, trong đó mạng sống con người bị
phá hủy và tương lai xem ra đen tối. Các nơi
thánh này nói lên các giá trị tôn giáo.
Chiến tranh và thất vọng đã đảo lộn tất cả. Chiến
tranh này không thể là lời đáp lại duy nhất chống lại sự
điên rồ của khủng bố tự sát, phát xuất tại lãnh thổ
Palestine.
Tác giả bài
bình luận nhận xét: Tình hình căng thẳng trầm trọng này vượt
ra ngoài biên giới Trung Ðông lan sang đến tận Châu Âu.
"Tôi không nói đến nỗi lo lắng hiện nay trong dư luận quần
chúng và các nhà cầm quyền - Tôi
chỉ xin nhấn mạnh đến sự kiện rất trầm trọng này: tại Châu
Âu, việc chống Do thái tái phát với những biểu tình bạo lực.
Các Vị trách nhiệm Do thái tại Pháp đã nhận thấy từ lâu.
Nhưng lúc này đây, việc chống Do thái được biệu lộ bằng
những vụ nổ bom, xâm phạm đến các nguyện đường tại Pháp
và Bỉ. Các nguyện đường cũng là nơi thánh, nơi cầu nguyện
... đã bị lẫn lộn trong việc tranh đấu và được coi như biểu
hiệu của chế độ chính trị; trái lại chỉ là nơi cầu nguyện
và nơi hòa bình. Tại Pháp, đã có những lời tuyên bố cương
quyết của các vị trách nhiệm tôn giáo (cả các vị Hồi giáo
nữa) lên án các vụ xâm phạm này; nhưng chúng ta không thể
không đặt câu hỏi về tinh thần hiếu chiến hiện đang phát
động khắp nơi và không dừng lại bất cứ ở biên giới
nào.
Nhìn vào tình
hình nguy ngập như vậy, Giáo sư Riccardi kết luận bài bình luận
như sau: "Lời mời gọi của
ÐTC về cầu nguyện Chúa nhật, mùng 7 tháng tư năm 2002, đến
vào lúc rất thuận tiện và đem lại niềm hy vọng. Lúc này
không phải chỉ là giờ của vũ khí mà thôi. Ðức Gioan
Phaolô II đã viết trong thư gủi cho Ðức Hồng Y Quốc Vụ Khanh
rằng: "Ðứng trước sự nhất quyết không lắng của phe này,
phe kia, người ta cứ tiếp tục tiến trên con đường của trả
đũa, của báo thù, mở ra trước tâm hồn đầy lo lắng của
các tín hữu viễn tượng của việc chạy đến lời cầu nguyện
tha thiết dâng lên Thiên Chúa, Ðấng, chỉ mình Ngài
mà thôi, có thể thay đổi tâm hồn con người, cả những
tâm hồn chai đá nhất". Lời cầu nguyện của các tín hữu
trong ngày Chúa nhật kính Lòng thương xót vô biên Thiên Chúa,
cho thấy rõ xác tín vững mạnh này là: hòa bình có
thể được và Thiên Chúa nghe lời khẩn xin của những ai chạy
đến với Ngài".
Ðáp lại lời
mời gọi của ÐTC, Tổng Văn Phòng Hội đồng Giám mục Ý soạn
thảo bản kinh cầu nguyện giáo dân sau đây để dùng trong lúc
cử hành Thánh lễ Chúa nhật mùng 7/04/2002, đồng thời cũng
để mọi tín hữu đồng thanh hiệp nhất dâng lên Chúa những
ý chỉ riêng cho Ngày cầu nguyện này.
"Anh chị em thân
mến, ngợi khen Thiên Chúa, Ðấng trong lòng thương xót vô biên
của Người, đã tái sinh và dẫn đưa chúng ta đến niềm hy
vọng sống động, nhờ sự sống lại của Con Một Người. Với
cũng một tâm hồn, chúng ta đồng thanh dâng lên Người lời
cầu xin tha thiết của chúng ta, để tất cả Trái đất này
được đón nhận ơn phúc của Lễ Phục sinh.
Chúng ta hãy
cùng cầu xin: Lạy Thiên Chúa của Lòng thương xót và của hòa
bình, xin nhậm lời chúng con!
1 - Cho Giáo hội:
Lạy Chúa, với ơn ban của Chúa Thánh Thần, Chúa đã thiết
lập Giáo hội như chứng nhân của hòa bình của Chúa. Xin ban
cho Giáo hội ơn can đảm rao giảng thời thuận tiện cũng như
lúc nghịch cảnh ơn tha thứ và hòa giải. Chúng con phú thác
cách riêng cho Chúa các Cộng đồng Kitô hiện đang hoạt dộng
tại Thánh địa, để họ tiếp tục lo lắng chăm sóc những người
đau khổ nhất. Chúng ta cầu xin Chúa!
2 - Cho các dân
tộc tại Thánh địa - Lạy Chúa, nơi Con Một Chúa
sống lại, Chúa đã trở nên gần gũi mọi người với
ơn hòa bình của Chúa, xin Chúa hãy nhớ đến tất cả những
ai đang sống trong những giờ phút sợ hãi và đau khổ và
xin hãy đón nhận vào cánh tay âu yếm của Chúa các nạn nhân
của bạo lực phi lý và khũng khiếp, đang gây đổ máu trên
đất yêu quí của mọi tín hữu. Chúng ta cầu xin Chúa!
3 - Cho các vị
trách nhiệm các quốc gia - Lạy Chúa, trên Thánh giá của Con
Chúa, Chúa đã đánh bại mọi hình thức của thù địch, xin
hãy bẻ gẫy sự cứng rắn của các tâm hồn chai đá
và hành động trong tâm trí các vị trách nhiệm về hòa
bình, để họ thực hiện những bước tiến cần thiết,
để làm cho các phe tranh chấp tiến đến những thỏa
ước công bình và tôn trọng phẩm giá mọi người. Chúng ta
cầu xin Chúa!
4 - Cho chúng ta
tụ họp trong buổi cầu nguyện này - Lạy Chúa,
trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần, xin hãy tiếp tục gợi
lên những chứng nhân của hòa bình, chỉ một mình Chúa có
thể mở tâm hồn chúng con đến việc hiến thân không giới
hạn, đến việc tha thứ không thể làm được, đến tính liên
đới khó khăn. Xin Chúa hãy giúp mỗi người trong chúng con
đón nhận ơn thánh Chúa. Chúng ta cầu xin Chúa!
Lạy Chúa, lòng thương xót Chúa thật mênh mông, tình yêu thương Chúa không giới hạn: xin hãy tháo gỡ xiềng xích của báo thù, xin hãy chữa lành các vết thương trong tâm hồn và xin hãy tái lập tận gốc rễ các mối quan hệ đã bị xáo trộn, để mọi người và mọi dân tộc có thể ngước mắt lên nhìn về tương lai của hòa bình. Chúng con cầu xin vì Ðức Kitô, Chúa chúng con ! Amen.