Tòa Thánh trực tiếp can thiệp

bằng đường lối ngoại giao

để chấm dứt vụ tranh chấp Do thái - Palestine

 

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Tòa Thánh trực tiếp can thiệp,  bằng đường lối ngoại giao, để chấm dứt vụ tranh chấp Do thái - Palestine.

Tin Vatican - 4/04/2002 - Ðường lối ngoại giao Tòa Thánh, ở cấp bậc cao nhất, cương quyết can thiệp để chấm dứt chiến tranh mỗi ngày mỗi trở nên dữ dội giữa Do thái và Palestine, sau rất nhiều lần ÐTC lên tiếng kêu gọi hòa bình cho vùng đất nầy.

Trong hai ngày thứ ba (2/04/2002) và thứ tư (3/04/2002), Ðức TGM Jean Louis Tauran, Ngọai trưởng Tòa Thánh, đã triệu tập Ðại sứ Do thái cạnh Tòa Thánh, Tiến sĩ Yosef Neville Lamdan và sau đó, Ðại sứ Hoa kỳ cạnh Tòa Thánh, tiến sĩ James Nicholson.  Chính Ðại sứ cho biết: Bộ Ngoại giao Tòa Thánh đã trao cho ông một sứ điệp của ÐTC gửi cho Tổng Thống George W. Bush, nhưng không tiết lộ nội dung của bức thư này. Ðại sứ gọi cuộc thảo luận với Ðức TGM Tauran "là cực kỳ tốt đẹp". Ông tuyên bố: "Tổng thống Bush lo lắng cũng như ÐTC đối với những gì xẩy ra tại Trung Ðông". Ông bảo đảm rằng: Hoa kỳ đang tìm cách thực hiện ảnh hưởng ngoại giao của mình, để tìm lối thoát cho tình hình nghiêm trọng hiện nay.  Cùng lúc với Ðại Sứ Hoa kỳ, Ông Mohamed Ali Mohamad, đại diện của Liên minh các nước Khối Ả rập, đã gặp thứ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh, Ðức Ông Celestino Migliore.

Những hoạt động ráo riết và khẩn cấp như vậy ít thấy trong lịch sử Ngoại giao của Tòa Thánh. Như vậy, điều này  chứng tỏ rằng: tình hình trở  nên hết sức trầm trọng. Tiến sĩ Navarro Valls, phát ngôn viên và Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh giải thích: "Ðứng trước tình hình rất đáng lo lắng tại Thánh địa và trước nhiều lời kêu gọi giúp đỡ từ các nơi khác nhau gửi đến ÐTC, Phủ Quốc vụ Khanh cũng như Tòa Ðại diện Tòa Thánh tại Giêrusalem luôn luôn tiếp xúc với hai phe tranh chấp". Tiến sĩ nói tiếp: "Thứ ba mùng 2/04/2002, Ðức TGM Tauran, ngoại trưởng Tòa Thánh, đã triệu tập Ðại sứ Do thái cạnh Tòa Thánh và thứ tư mùng 3/04/2002, đã triệu tập Ðại sứ Hoa kỳ, để thảo luận cách riêng về tình hình bi đát tại Betlem".

Nên nhớ lại rằng: Betlem là nơi Chúa Giêsu sinh ra cách đây hơn hai ngàn năm. Tại đây có nhiều Tu viện và Ðền thờ lớn kính Mầu nhiệm Giáng sinh và cũng là điểm hành hương sầm uất của các tín hữu Kitô trên cả thế giới. Thành phố bị chiếm từ Lễ Phục sinh. Tin sau cùng từ Giêrusalem cho biết: Trong Tu viện có 40 Tu sĩ Dòng Phanxicô với  nhiệm vụ canh giữ Thánh địa. (Trong lúc chúng tôi viết bài này, (16 giờ ngày 04/04/2002) đang có những vụ nổ súng chung quanh Ðền thờ Sinh nhật.)

Cha Dòng Phanxicô canh giữ Thánh địa, qua đường điện thoại,  nói với Ðài Truyền hình ở Roma rằng: Quân đội Do thái đã tiến vào trong Tu viện. Trong lúc này tình hình trở nên nguy ngập và cha cầu cứu. Lương thực không còn. Viện mồ côi do các Nữ tu coi sóc với nhiều trẻ em thiếu thuốc men và thực phẩm.  Tình trạng này không thể kéo dài thêm.

Thứ tư 03/04/2002, các  vị Giáo chủ và một số tu sĩ lên đường tiến về Betlem, nhưng bị quân đội Do thái chặn lại. Một sĩ quan trẻ tuổi Do thái nói: "Betlem là khu vực quân sự, không thể qua lại được". Một Giám mục Anh giáo, Riah Abi Al-Assat, trả lời sĩ quan: " Chúng tôi không có ý gây vấn đề cho các anh. Chúng tôi chỉ muốn trao một sứ điệp hòa bình cho người Do thái và Palestine mà thôi". Chờ đợi giấy phép, nhưng không bao giờ đến. Mọi người hát đi hát  lại, lời ca: "Yarab Al-Salam", Thiên Chúa của Hòa bình.

Ðức Giáo chủ Michel Sabbah, với nét mặt buồn bực, nói với sĩ quan Do thái như sau:  "Chúng tôi không đến đây để biểu tình. Dù vậy, họ cũng chặn chúng tôi lại. Chúng tôi muốn đem đồ viện trợ đến cho anh chị em ở Betlem: có người bị thương cần được chữa, có những xác chết cần được chôn vùi, biết bao người dân cần được an ủi... Tôi nói với quân đội Do thái: Các anh đã muốn chiến thắng,  các anh đã thắng trận rồi. Thôi đi, các anh hãy trở về nhà và để chúng tôi sống bình an". Ðức Giáo chủ nói tiếp: "Ðối với dân quân Palestine, hiện bị bao vây trong Ðền thờ Giáng sinh, theo truyền thống Kitô, chúng tôi có bổn phận cho trú ẩn trong một nhà thờ, nếu họ vào trong đó không mang theo vũ khí". Ðức Giáo chủ tình  nguyện thu lượm các vũ khí của dân quân mang theo vào nhà thờ, nhưng ngài bị quân đội Do thái ngăn cản. Tình hình Betlem thật bi đát. Cần được giải quyết cấp bách.

Phát ngôn Tòa Thánh cho biết thêm: Trong các cuộc gặp gỡ,  Bộ Ngoại  giao Tòa Thánh nhấn mạnh đến lập trường vẫn có và đã được ÐTC nói lên nhiều lần. Lập trường Tòa Thánh gồm năm điểm sau đây:

1 - Lên án cách thẳng thắn chính sách khủng bố bất cừ từ phe nào.

2 - Lên án những tình trạng bất công và xỉ nhục áp đặt trên dân tộc Palestine và lên án những vụ trả đũa, báo oán ... bởi vì những hành động như vậy chỉ gia tăng tâm trạng tước đoạt và thù ghét.

3 - Tôn trọng các quyết nghị của Liên Hiệp Quốc  cho mọi người.

4 - Cần có sự tương xứng trong việc xử dụng các phương tiện tự vệ.

5 - Bổn phận đối với mọi người là tôn trọng và bảo vệ các Nơi Thánh, mang ý nghĩa sâu xa đối với ba tôn giáo độc thần (Do thái giáo, Kitô Giáo và Hồi giáo) và đây gia tài của cả nhân loại.

Lập trường này cho thấy rõ như một lời kêu gọi khẩn cấp  cần mau chóng đạt đến những bước quyết liệt để chấn dứt ngay cái mà ÐTC, trong Sứ điệp Lễ Phục sinh, gọi là "một chiến tranh thực sự chống lại hòa bình".

Cũng thứ tư, mùng 3 tháng 4 năm 2002,  trong buổi tiếp kiến ông Mohamad Ali Mohamad, đại diện Khối các Nước Ả rập, Ðức Ông Celestino Migliore, thứ  trưởng ngoại giao, đã trình bày lập trường của Tòa Thánh, bằng nhấn mạnh cách riêng đến sự cần thiết chấm dứt những hành động "bừa bãi" về khủng bố.

Trong thời gian này, ÐHY Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh và Ðức TGM Leonardo Sandri, phụ tá Quốc vụ Khanh, luôn luôn tiếp xúc với Tòa Giáo chủ Latinh Giêrusalem và với các Cộng đồng Tu sĩ  nam, nữ tại Betlem, và chuyển đến mọi người lời cầu nguyện và tình liên đới của ÐTC.

 


Back to Home Page