Một vài phản ứng khắp nơi

sau lời kêu gọi của ÐTC

về vấn đề hòa bình cho miền Trung Ðông

 

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Một vài phản ứng khắp nơi sau lời kêu gọi của ÐTC về vấn đề hòa bình cho miền Trung Ðông.

Từ 18 tháng nay, nghĩa là từ lúc xẩy ra những vụ xung đột giữa Do thái và Palestine, Ðức Gioan Phaolô II đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi chấm  dứt những bạo lực và trở lại đối thoại, để tìm giải pháp cho  cuộc chung sống hòa bình giữa hai dân tộc trong miền này. Nhưng không có lần nào ngài lên tiếng liên tiếp và mạnh mẽ cho bằng trong dịp Lễ Phục sinh này, cách riêng trong Sứ điệp Phục Sinh Urbi et Orbi (cho Thành Roma và cho thế Giới) trưa lễ Phục sinh và hôm sau trưa thứ hai, mùng 1 tháng 4/2002,  trong giờ đọc kinh Regina Caeli với dân chúng tụ họp tại Quảng trường Thánh Phêrô.

"Hôm nay- lời ÐTC - tôi mời gọi anh chị em cầu nguyện cách riêng cho dân cư Belem, thành phố nơi Chúa Giêsu sinh ra, trong lúc này đang sống những giờ phút khó khăn (từ hôm qua bị cô lập và bao vây bởi lực lượng Do thái) và đang ở trong tình trạng nguy ngập". ÐTC giải thích: "Thực sự chúng ta nhận được những tin buồn và đáng lo ngại, đã đảo lộn  bầu khí của Lễ Phục sinh, đáng  lẽ phải là một lễ của hòa bình, an vui và của sự sống". Ðức Gioan Phaolô II nói tiếp: "Với sự lo lắng và đau đớn, tôi cũng như toàn Giáo hội gần gũi anh chị em này và cầu nguyện để cảnh đau đớn Calvario  chóng chấm dứt".

Trong sứ điệp Phục sinh "Urbi et Orbi" gửi cho Thành Roma và cho Thế giới vào trưa Chúa nhật Phục Sinh 31/03/2002, ÐTC nhắc đến tình hình nguy ngập tại Trung Ðông bằng giọng nói cương quyết khác thường. Ngài nhấn mạnh: "Ðã đến lúc từ những lời tố giác, người ta cần  đi đến những hành động cụ thể của tình liên đới, nhằm giúp đỡ mọi người tìm lại được sự tôn trọng nhau và  thảo luận thành thực". Ngài quả quyết: "Chỉ có như vậy mới có thể cắt đứt các mầm mống của những vụ trả đũa và của báo oán, hiện đang đưa Thánh địa đến vực sâu của khủng khiếp và của thất vọng". Với lời nhận định: "Xem ra người ta tuyên bố chiến tranh chống lại hòa bình",  ÐTC ám chỉ những bạo lực mỗi ngày mỗi gia tăng và khủng khiếp hiện nay tại Trung Ðông. Chính ÐTC giải thích: "Nhưng chiến tranh không thể giải quyết được gì cả, chỉ đem lại đau khổ thêm mãi và chết chóc;  những trả thù, trả đũa cũng không sinh ích gì cả". Trước tình hình nguy ngập này, không những cho miền Trung Ðông, nhưng còn đe dọa hòa bình thế giới, Ðức Gioan Phaolô II kêu gọi mọi người, cách riêng các vị trách nhiệm Do thái và Palestine và  Cộng đồng quốc tế hãy sớm ý thức về nguy hiểm đang đến: "Thảm trạng thật lớn lao. Không một người nào được yên lặng và thụ động, không một vị trách nhiệm chính trị hay tôn giáo nào được im lặng và thụ động... Tại miền này Chúa Kitô đã chết và sống lại  và đã để lại ngôi mộ trống rỗng, như chứng tá im lặng, nhưng hùng hồn. Trong lúc phá hủy nơi chính mình sự thù địch, bức tường phân chia giữa con người, Chúa đã hòa giải mọi người qua Thánh Giá của Ngài (x. Eph 2, 14-16) và giờ đây Ngài trao trách nhiệm cho chúng ta, các môn đệ của Ngài, loại bỏ đi mọi căn cớ của thù ghét và của báo oán" (Sứ điệp Phục sinh, số 4).

Tòa Thánh không những lên tiếng, nhưng còn hoạt động ráo riết trong lãnh vực ngoại giao, qua trung gian các Tòa Sứ Thần trên thế giới và các Sứ Quán bên cạnh Vatican, như đã làm trong những nắm chiến tranh dữ dội tại miền Balcan.

Nhật báo "Quan Sát Viên Roma" nói đến cách rõ ràng sự thụ động chính trị của Cộng đồng quốc tế trước vụ tranh chấp Do thái-Palestine. Ðức Cha Michel Sabbah,  Giáo chủ Latinh Giêrusalem, yêu cầu các vị lãnh đạo Do thái hãy xử dụng chìa khóa hòa bỉnh hiện ở trong tay họ và hãy công nhận quyền sống của dân tộc Palestine. ÐHY Carlo Maria Martini, TGM Milano, nói đến sự cần thiết làm một cái gì đó để đem hai phe tranh chấp trở lại với lý trí và làm yên lặng tiếng súng. Ngài nói: "Những tố giác không đủ". Giáo sư Giorgio Rumi, một sử gia nổi tiếng tại Ý, tuyên bố trong bài phỏng ván dành cho nhật báo "Tương lai" (02/04/2002) như sau: "Tôi không biết người khác sẽ bình luận lời ÐTC như thế nào; nhưng tôi nghĩ: ÐTC đã làm bổn phận của ngài, ngài chuyển lời ngài sang các nhà chính trị. Bổn phận các nhà chính trị là hành động. ÐTC không có những sư đoàn,  tạ ơn Chúa. Chỉ có Stalin có thể tin ngược lại mà thôi....". Giáo sư nói thêm: "Sự mới lạ của Sứ điệp Phục sinh và của những lời ÐTC nói lên là: một lời mời gọi khẩn cấp hành động, một thách đố cho hành động trên lãnh vực cụ thể. "Những lời hay ho và những tuyên bố rùm beng  không đủ nữa. Chúng ta đừng quên rằng: đây là Vị Giáo Hoàng đã yêu cầu can thiệp nhân đạo tại Yugoslavia". Giáo sư giải thích: "Không một người nào được  nhìn xem cách lãnh đạm cuộc sát hại một dân tộc, bất cứ người đó là ai!  ÐTC ngỏ lời riêng với các nhà chính trị, không phải các nhà quân sự.... Trao tay cho các nhà quân sự là điều quá dễ dàng, thuận tiện như Philato rửa tay tuyên bố mình không có trách nhiệm. Không được. Chúng ta đang đứng trước một thách đố lớn lao cho các nhà chính trị, bất cứ là nhà chính trị Trung Ðông, Hoa kỳ, hay Châu Âu. Tôi còn nhớ,  trong thời của ngài, Ðức Phaolô VI yêu cầu dành chỗ cho nghệ thuật của hòa bình "art de la paix" (bản văn tiếng Pháp) . Ngày nay cũng vậy, Ðức Gioan Phaolô II,  trong cũng một cái nhìn đó,  hô lớn tiếng: đây là một lời mời gọi suy luận, lục soát tìm kiếm cái tốt hơn cả bởi hành động của con người. Tôi xin nói: hành động, các việc cụ thể, không phải lời nói suông thôi". Giáo sư Rumi nói thêm: "Không lúc nào như lúc này,  là nhà chính trị có nghĩa là tỏ ra mình là con người có sáng kiến, tác tạo bằng cách đi quá phạm vị của những tâm tình tốt lành, thuần túy và đơn sơ". Giáo sư nhắc lại thái độ của Ðức Benedicto XV (1914-1922):  trong lúc đệ nhất thế chiến trở nên dữ dội (1917), ngài đã đưa ra những đề nghị cụ thể và thực tế cho việc giải quyết vụ tranh chấp này. Ngày nay cũng vậy, trước thảm cảnh Do thái-Palestine, Ðức Gioan Phaolô II nói: "Tại Thánh địa có hai dân tộc, chúng ta phải tìm cách làm cho họ đi đến chỗ hòa hợp với nhau. Lời ngài như là một việc phó thác vào "tính cách sáng tạo" của các nhà chính trị".

Hội đồng Bảo an LHQ được triệu tập khẩn cấp. Ông Tổng thư ký LHQ  yêu cầu Do thái rút quân khỏi các lãnh thổ chiếm đóng.  Tổng thống Nga và Thủ tướng Ý đang gặp nhau, yêu cầu một hội nghị Hoa kỳ, Liên hiệp Châu Âu và Nga. Khối Ả rập  lên án Do thái;   Ai cập và Jordanie đe dọa trục xuất Ðại sứ Do thái, đoạn tuyệt ngoại giao - Tướng Gheddafi của Libia tuyên bố gửi quân tình nguyện chiến đấu bên cạnh Palestine ... Irak, Iran đe dọa cúp sản xuất dầu hỏa để trừng phạt những quốc gia ủng hộ Do thái ... Mọi người đều thấy rõ tình hình nguy ngập.... Trong lúc đó, Palestine vẫn liệng bom mỗi ngày tại các thành phố của Do thái. Quân đội hùng hậu Do thái, theo mệnh lệnh của Thủ tướng Sharon, tiếp tục tấn công trả đũa và chiếm các thành phố Palestine ...Chúng ta đang chờ đợi "hành động cụ thể, hữu hiệu" .

 


Back to Home Page