Mùa Chay của

Giáo hội Công Giáo hầm trú

tại Trung Quốc chưa kết thúc

 

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Mùa Chay của "Giáo hội Công Giáo hầm trú" tại Trung quốc chưa kết thúc.

Ðêm Vọng Phục sinh, các quả chuông trên tháp nhà thờ đều vang lên và bài ca  Alleuia được hát lên trong tất cả các nhà thờ lớn nhỏ để mừng  Chúa sống lại. Mùa Chay dài 40 ngày đã kết thúc. Mọi người đều vui mừng. "Ðây là ngày Thiên Chúa đã làm. Chúng ta hãy vui mừng trong ngày đó" . Chúa sống lại  đem lại sự sống mới cho toàn thể nhân loại, mở một chân trời  về tình yêu thay cho thù ghét, chiếu dọi ánh sáng trong bóng tối tăm, hủy diệt sự chết đem lại sự sống, xóa bỏ tội lỗi đem lai nguồn ơn thánh. Phục sinh là lễ trọng nhất trong các lễ của Giáo hội.

Nhưng tiếc thay, người Công Giáo trung thành với Roma tại Trung quốc vẫn không được tự do mừng Chúa sống lại. Họ vẫn phải kéo dài Mùa Chay và Mùa Chay dài này không biết bao giờ sẽ chấm dứt. Nhật báo "Tương Lai" số ra ngày Chúa nhật Phục sinh (31/03/2002) đã viết như sau: "Ðối với đa số người Công Giáo tại Trung quốc, Lễ Phục sinh (Chúa nhật 31/03/2002) sẽ không khác gì một ngày Thứ sáu Tuần Thánh, mà họ đã phải sống từ nhiều năm. Ðối với các người Công Giáo, các tín hữu Tin Lành và con số nhỏ bé Chính Thống hiện nay tại Trung quốc, tự do tôn giáo vẫn còn là một giấc mơ. Giấc mơ này chỉ có thể thành sự thực, nếu thay đổi cấp lãnh đạo của Quốc gia mênh mông này, một quốc gia đang mơ ước trở thành một trong các siêu cường trên thế giới.

Nhật báo thuật lại một vài dấu hiệu hy vọng về những thay đổi trong những tháng vừa qua,  về cởi mở đối với vấn đề tôn giáo. Nhật báo nêu lên sự kiện này: Tháng 10 năm 2001, tại Bắc Kinh và Roma một đại hội quốc tế được tổ chức để mừng 400 năm Cha Matteo Ricci, nhà truyền giáo Ðòng Tên, đến Bắc Kinh rao giảng Tin Mừng. Cha là một nhà trí thức, một nhà khoa học. Cha  được người dân Trung quốc kính trọng và biết ơn. Cũng trong dịp này, ÐTC Gioan Phaolô II gửi một sứ điệp cho Ðại hội quốc tế được tổ chức tại Ðại học Gregoriana của các Cha Dòng Tên ở Roma, trong đó ÐTC nhìn nhận những sự sai lầm của một số con cái Giáo hội trong thời kỳ truyền giáo tại Trung quốc. Cử chỉ về: "Mea culpa" của ÐTC gây ngạc nhiên cho Nhà Cầm quyền Bắc Kinh. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao tuyên bố: "Chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng sứ điệp này. Nhưng cho tới nay Bắc Kinh vẫn yên lặng và cuộc bách hại các tín hữu hầm trú ẩn vẫn tiếp tục và có vẻ ráo riết  hơn trước. Cuộc bách hại này được phát giác trong bẩy hồ sơ do  Hoa kỳ tung ra trước lúc Tổng Thống George Bush  viếng thăm Bắc Kinh tháng hai năm 2002. Các hồ sơ này tiết lộ ý chí của nhà cầm quyền Bắc kinh cương quyết dẹp tan các nhóm tôn giáo không đăng ký và đưa ra những biện pháp nghiêm nhặt hơn để kiểm soát cái mà Nhà nước gọi là "những xâm nhập lén lút" của Vatican và của các nhóm tôn giáo từ ngoài vào.

Văn kiện thứ nhất trình bày những đặc điểm để nhận ra "một giáo phái gây hại" và điểm danh 14 nhóm tôn giáo cổ điển, trong đó có 10 nhóm thuộc Giáo hội Tin Lành.

Văn kiện thứ hai  quan trọng hơn. Nhiều điểm trong văn kiện này đã được đăng trên "Tin Á Châu" (Asia-New), phụ trương của Nguyệt san "Thế Giới và Truyền Giáo" (Mondo e Missione), ghi lại bài nói chuyện thổ lộ tâm tình của ông Sun Jianxin phó Giám đốc Cơ quan An ninh của Tỉnh Anhui (miền trung Trung quốc). Văn kiện này cho biết: Nhà cầm quyền địa phương đã khởi sự tìm kiếm, giáo dục, cải huấn, dò xét và kiểm soát một số nhân vật nòng cốt của Giáo hội Công Giáo hầm trú ẩn, tù lúc Trung quốc và Vatican đã lấy lại cuộc đối thoại, nhằm đi đến việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Hồ sơ kể lại sáu trường hợp của cuộc bách hại các người Công Giáo và tin lành tuổi tác, kể cả vị giám mục Công Giáo quá cố của giáo phận Baoding, Ðức Cha Phêrô Giuse Fan Xueyan.

Các văn kiện mật này không bao giờ được lọt ra ngoài, nhưng nay đã được phổ biến trên mạng lưới Internet. Các hồ sơ này được tiết lộ là nhờ vào sự can đảm của các nhân viên phụ tá "Cơ quan an ninh" Trung quốc. Theo các hồ sơ mật này, chúng ta thấy rằng: một đàng chính phủ công khai tuyên bố bảo vệ theo luật pháp các nhóm tôn giáo Trung quốc, nhưng trong bí mật thì lại ra lệnh bách hại phần lớn các nhóm này.

Văn kiện xác nhận rằng các nhóm tôn giáo  bị xếp loại  như "những giáo phái gây hại",  thì phải  bị trừng phạt theo một khoản của hình luật, được ghi vào trong thời gian mới đây, nhằm đến việc dẹp giáo phái Falun Gong, một giáo phái rất hoạt động và được nhiều người theo tại Trung quốc hiện nay. Ðây là một mối lo ngại không nhỏ cho Bắc Kinh.

Văn kiện được nhật báo "Tương Lai" nói đến, trong số ra ngày Chúa  nhật 31/03/2002,  là những tài liệu được soạn thảo trong những năm 2000 và 2001. Các hồ sơ mật này cho thấy  rằng: đường lối chính trị tôn giáo  hiện nay tại Trung quốc không thay đổi hay thay đổi chút ít mà thôi, dù các chuyên viên không ngần ngại quả quyết rằng: "mức độ bách hại chống lại các tín hữu Kitô không có dấu gì cho thấy là trở nên mạnh mẽ hơn.

Thực ra các tín hữu Công Giáo không có "tội gì", ngoài tội không chấp nhận việc gia nhập các cơ cấu tôn giáo chính thức (do Nhà nước kiểm soát và điều khiển). Phần Chính phủ vẫn tố cáo những anh chị em kitô, là bất tùng phục, gây rối loạn an ninh Quốc gia (tội đáng phạt bằng án chung thân hoặc tử hình). Ðây là kế hoạch để nhà cầm quyến tuyên bố với thế giới là các người bị giam tù không phải là nạn nhân của luật lệ đàn áp tôn giáo, nhưng họ là những người vi phạm luật lệ Nhà Nước về an ninh công cộng.

Nhật báo Avvenire quả quyết: Tuy vậy vẫn có những lý do hy vọng. Hiện nay trong nội bộ Ðảng đang có những tranh luận (tuy không công khai) về vai trò của tôn giáo trong xã hội. Trong các cuộc tranh luận đã có những ý kiến khác nhau, thí dụ ông Pan Yue,  phó chủ tịch Cơ quan cải cách hệ thống kinh tế thuộc Hội đồng quốc gia, ước mong có một cái nhìn mới về thuyết Mác xít. Lập trường này có thể làm ông trở thành thù địch của Ðảng nhất là của cấp lãnh đạo, cũng như lúc ông cho đăng trên một tờ báo rất được phổ biến hai bài có tính cách khiêu khích, chỉ trích.

Chúng ta chờ đợi Ðại hội Ðảng sắp tới đây. Chỉ có những thay đổi quan trọng, khi cấp lãnh đạo được hoàn toàn đổi mới mà thôi.

 


Back to Home Page