Ngày ăn chay và cầu nguyện

kính nhớ các nhà truyền giáo tử đạo trên thế giới

 

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ngày ăn chay và cầu nguyện kính nhớ các nhà truyền giáo tử đạo trên thế giới.

Roma 24/03/2002 - Từ 10 năm nay, do sáng kiến của Phong trào Thanh niên truyền giáo (MGM: Movimento Giovanile Missionario) thuộc  các Hội Giáo Hoàng Truyền giáo, thì  ngày 24 tháng 3 hằng năm,  là ngày dành riêng cho việc ăn chay và cầu nguyện kính nhớ các nhà truyền giáo trên cả thế giới, bị sát hại vì sứ vụ. Lý do của việc lựa chọn ngày 24 tháng 3, vì đây là ngày Ðức Cha Oscar Romero, TGM giáo phận San Salvador bên El Salvador, bị sát hại trong lúc cử hành thánh lễ năm 1980. Ngài là một vị chủ chăn luôn luôn can đảm lên tiếng bênh vực các người nghèo khổ, các người bị đàn áp, bị khai thác.

Ngày 24 tháng 3 năm nay (2002), vì là Chúa nhật lễ Lá, cũng là Ngày  Giới Trẻ  được cử hành cấp giáo phận, ---chuẩn bị cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XVII tại Toronto, Canada, vào tháng 7 năm 2002, --- nên tại nhiều nơi, ngày Ăn Chay và Cầu Nguyễn cho các Vị Truyền Giáo Tử Ðạo,  đã được tổ chức vào thứ bẩy 23/03/2002. Tại Roma, ÐHY Camillo Ruini, Tổng đại diện Giáo phận Roma, đã hướng dẫn các thanh niên ngắm Ðàng Thánh giá tại Hí trường (Colosseo) ở trung tâm Thành phố . Trong bài giảng cho giới trẻ sau  lễ nghi Ðàng Thánh giá, ÐHY nhấn mạnh đến ý nghĩa sâu xa  của việc tụ họp tại Hí trường để cầu nguyện cho các nhà truyền giáo. Ngài nói: "Hí trường là nơi các Vị Tử đạo đầu tiên của Kitô giáo đã hi sinh mạng sống vì đức tin. Nơi đây đã có biết bao tín hữu Kitô bị sát hại cách tàn bạo thời Ðế quốc Roma. Nơi đây, trong Năm Toàn xá 2000, đã được ÐTC Gioan Phaolô II chọn để kính nhớ các Chứng nhân Ðức tin, không những của Giáo hội Công Giáo, nhưng còn của các Giáo hội Kitô khác nữa (Chính thống, Tin lành). Các Ngài đã chết vì đức tin nơi Chúa Kitô phục sinh. Chúng ta cũng phải mang trong mình sức mạnh này. Vì thế chúng ta hãy cầu xin ơn can đảm để minh chứng đức tin, nếu cần, cả bằng việc tử đạo nữa. Ðây là sứ vụ của mỗi người tín hữu Kitô, cách riêng trong thời đại chúng ta, trong đó con người tìm mọi cách để xa tránh và quên Thiên Chúa trong đời sống của mình".

Việc tử đạo trong Giáo hội Công giáo vẫn tiếp tục nơi các tín hữu Kitô thuộc mọi thời đại, bằng nhiều cách cách và dưới  nhiều hình thức khác nhau. Chúa Giêsu đã loan báo trước: "Nếu họ đã bách hại Thầy, thì họ cũng sẽ bách hại các con" (Ga 15,20). Nếu thế gian thù ghét các con, các con hãy biết rằng: họ đã thù ghét Thầy trước" (Ga 15,18). Thánh Phaolô nhắc lại cho Môn đệ Timoteo: "Những ai muốn sống đạo đức trong Chúa Giêsu Kitô, đều sẽ bị bắt bớ" (2 Tm 3,12).

Trong năm  2001, đã có 33 nhà truyền giáo bị sát hại trên cả thế giới: 12 vị xuất xứ từ Châu Âu (6 Ý, 2 Ba lan, 2 Ái nhĩ lan, 1 Bỉ và 1 Hòa Lan) - 8 vị từ Châu Á (đều là người Ấn độ) - 9 vị từ Châu Mỹ (3 Colombia, 2 Hoa kỳ, 2 Canada, 1 Argentina, 1 Perù) - 3 vị  người Châu phi (Burundi, Sénégal, Sudan)  - và một vị người Australia.

Các ngài bị sát hại tại các nơi khác nhau: - 10 vị  bị giết tại  Châu Á (8 vị tại Ấn độ, 1 tại Philippines và 1 tại Siberia) - 10 vị tại Châu Mỹ (3 tại Colombia, 1 tại Jamaica, Brazil, Guatemala, Perù, Argentina, Chili, Hoa kỳ) - 9 vị tại Châu phi (Cameroun, Uganda, Burundi, Cộng hòa dân chủ Congo (cựu Zaire), Rwanda, Burkina Faso, Sénégal, Nam Phi và Mozambic) - 2 vị tại Châu Âu  (Albania và Ái nhĩ lan) và 2 vị tại Châu Ðại dương (Papua New Guinea).

Vào giữa tháng 3/2002 qua có ba vị bị sát hại: Ðức Cha Isaias Duarte Cancino, TGM Cali, bên Colombia - Cha Arlay Arias Garcia người Colombia và Cha Dòng Declan O' Toole, người Ái nhĩ lan, tại Uganda.

Tất cả các ngài là những người rao giảng Tin Mừng trong những bối cảnh thường nguy hiểm và bị đe dọa, như trường hợp Ðức TGM Isaias Duarte Cancino tại Colombia. Nhiều lần Ðức Cha lên tiếng tố cáo những vụ sát hại dân lành, bất cứ do phe nào,  trong cuộc nội chiến tại đây kéo dài từ 38 năm nay. Ngài cầu xin Thiên Chúa  hướng dẫn các nhà cầm quyền, trong việc tìm kiếm mọi giải pháp  để chấm dứt những cuộc sát hại người dân vô tội. Ngài yêu cầu xã hội dân sự hãy làm những gì Nhà nước thiếu sót. Ngài yêu cầu xét xử và lên án những vụ vi phạm nhân quyền và phẩm giá con người. Ngài nhấn mạnh đến việc tha thứ, bởi vì không có tha thứ, thì bất cứ tiến trình hòa bình nào cũng vô ích. Trong lúc can đảm nói lên những lời chân thành này, có thể Ðức Cha Duarte Cancino đã cảm thấy chính mình sẽ phải trả giá rất cao, nhưng ngài sẵn sàng tha thứ cho những nguời sẽ gây hại cho mình, theo gương Chúa Giêsu trên Thánh giá: "Lạy Cha, xin tha thứ cho họ".

Trong năm  2001, danh sách chỉ ghi lại có 33 vị. Nhưng theo con số tổng kết của Hãng thông tấn Fides, thì trong thập niên từ 1980-1989 đã có 115 vị (linh mục, Tu sĩ nam nữ và giáo dân) hy sinh mạng sống tại các nơi truyền giáo. Dĩ  nhiên con số kê khai không đầy đủ, vì có nhiều trường hợp  không thể có những tin xác thực. Trong những năm vừa qua, nhờ sự tiến bộ trong lãnh vực truyền thông xã hội, con số các vị bị giết và được xác nhận,  lớn hơn nhiều. Như chúng ta thấy: không kể các nhà truyền giáo bị sát hại,  trong những năm vừa qua, chúng ta  còn có thể kể đến hàng ngàn tín hữu Kitô bị sát hại, bị di tản, bị tra tấn... tại Indonesia, Pakistan, tại Philuậttân miền Mindano , tại Sudan và Nigeria.

Nhân ngày ăn chay và cầu nguyện cho các nhà truyền, nhật báo  "Tương Lai"  số ra ngày 24/03/2002, đã viết như sau: "Nếu hy sinh của các ngài một lần nữa tỏ cho thế giới thấy rằng: thù ghét và bạo lực là một đe dọa nặng nề cho nhân lại như thế nào trong thế kỷ vừa qua, thì gương sáng của các chứng nhân đức tin này nhắc lại cho mọi người: sức mạnh của một tình yêu thương vô điều kiện và hoàn toàn, sẽ có thể đem biến đổi thế giới và đem lại bình an cho nhân loại. Máu các ngài đã đổ ra, như đốt lên một ngọn đèn sáng trong bóng tối của thế gian này, như ngọn lửa thiêu đốt và thúc giục các tín hữu can đảm sống sống đức tin và hăng say rao giảng Tin Mừng trong đời sống hằng ngày. Các ngài thực là "những chứng nhân của tình yêu", như đề tài của Ngày cầu nguyện và ăn chay năm nay, được  Phong trào thanh niên truyền giáo nêu lên làm khẩu hiệu,  để mời gọi các giáo phận, các giáo xứ, các cộng đồng và mỗi một tín hữu Kitô suy tư.

Phần lớn các vị tử đạo đã bị giết chết  vì thái độ và chủ trương  cuồng tín tôn giáo hoặc chủng tộc. Chúng ta thấy, trong năm 2001 đã có 8 vị bị giết tại Ấn độ, trong các cuộc xung đột  do tín đồ Ấn giáo gây nên. Tại Philippines (Ðảo Mindanao), Sénégal, Uganda và Burundi, các vụ sát hại  xẩy ra vừa do thuyết cuồng tín, vừa do những tranh chấp giữa các chủng tộc. Một số bị sát hại vì  những lý do  tầm thường: cướp của, cưỡng đoạt, trộm  cắp... Ðây là những tội phạm có thể vì đói khổ, thất vọng, không có lối thoát cho cuộc đời .... Nhiều lúc lý do bên ngoài nhằm che đậy những lý do sâu xa hơn, như trường hợp Nữ tu Barbara Ann Ford, người Hoa kỳ, hoạt động để bênh vực người dân thổ cư  (indios ) tại Guatemala. Nữ tu là người cộng tác chắt chẽ của Ðức GM Juan Gerardi, bị sát hại tại Guatemala vào năm 1998, hoặc trường hợp Cha Ettore Cunial tìm cách cứu thoát những thanh niên nam nữ khỏi bọn "Mafia" bên Albania.

Nhật báo "Quan Sát Viên Roma" số ra ngày 24/03/2002 viết về Ngày ăn chay và cầu nguyện, để kính nhớ các nhà truyền giáo tử đạo,  như sau: "Ðộng lực thúc dẩy các Vị này từ bỏ mọi sự ra đi rao giảng Tin Mừng và minh chứng đức tin đến độ đổ máu, chỉ vì  "tình yêu mến đối với Thiên Chúa, Ðấng đã yêu thương thế gian đến độ sai Con Một Ngài đến, để những ai tin kính Người không phải chết nhưng được sống đời đời" (Ga 3,19). Nhật báo viết tiếp: "Từ tình yêu phát xuất chứng tá bằng hy sinh cả mạng sống. Các  Vị này đã suy ngắm và thấu hiểu lời Thánh Phaolô: "Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng" (1 Cor 9,19).

 


Back to Home Page