Phái đoàn Tòa Thánh

tham dự Hội nghị  về AN NINH

và Cộng Tác Âu Châu (OSCE)

được tổ chức tại Oporto (Bồ đào nha)

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Phái đoàn Tòa Thánh tham dự Hội nghị  về AN NINH và Cộng Tác Âu Châu (OSCE) được tổ chức tại Oporto (Bồ đào nha).

(Radio Veritas Asia - 17/12/2002) - Trong hai ngày 6 và 7 tháng 12/2002, tại Thành phố Oporto của Bồ đào nha, Phái đoàn Tòa Thánh, do Ðức TGM Jean Louis Tauran, Tổng trưởng Ngoại giao,  hướng dẫn, đã tham dự khóa họp của OSCE (Organisation de Sécurité et Coopération de l' Europe: Tổ chức về an ninh và cộng tác của các quốc gia Châu Âu) về những đề tài sôi bỏng hiện nay, như: Khủng bố, buôn bán người, khoan dung và kỳ thị...

OSCE được thành lập tại Helsinki (thủ đô Phần Lan) năm 1975, gồm các quốc gia Châu Âu, lúc đó vẫn còn chia thành hai khối chống đối nhau: Tự bản và Cộng sản. Tổ chức OSCE gồm tất cả các quốc gia lớn nhỏ của cựu Lục địa. Sáng kiến và xúc tiến việc thành lập phần lớn do sự huy động của của Tòa Thánh; lúc đó  ÐHY Agostino Casaroli giữ chức vụ Quốc vụ Khanh và chủ trương chính sách Ostpolitik, để tìm một "modus vivendi" với các chế độ cộng sản Trung-Ðông-Âu.

Là thành viên của Tổ chức và trong mối quan hệ ngoại giao với mỗi một quốc gia cũng như trên bình diện quốc tế, Tòa Thánh không bao giờ ngừng khuyên khích và theo dõi các cố gắng của tất cả những ai nhằm loại trừ tận gốc rễ các căn cớ gây nên những thực tại đang hủy hoại khuôn mặt thực của con người và gây nên những nguy hiểm cho chính đời sống xã hội.

Ngoài những đề tài được đem ra thảo luận trong Khóa họp lần này,  Trưởng phái đoàn Tòa Thánh còn nhắc đến nhiều thực tại khác hiện đang là những mầm gây nên thù ghét, chia rẽ và những hành động mọi rợ: hậu quả tàn phá của nó xuất hiện trước mắt mọi người, như: cảnh nghèo khổ, nạn thất nghiệp, cơn khủng hoảng chính trị, kinh tế, xã hội...

Trở lại dĩ vãng, Tổng trưởng Ngoại giao Tòa Thánh  nhắc  lại rằng: trong những tháng vừa qua, tại các khóa họp của Tổ chức,  các phái đoàn tham dự đã nhận  thấy rằng: Không một quốc gia nào,  không một nền dân chủ nào có thể tiến hành và phát triển, nếu không có một sự chấp nhận nào đó về các giá trị căn bản của cuộc sống con người. Trong các giá trị này, Ðức TGM Tauran  nhấn mạnh cách riêng đến "các thành tín tôn giáo". Các thành tín này chắc chắn có một sức mạnh huy động con người xét về phương diện cá nhân cũng như tập thể.

Ðại diện Tòa Thánh nhắc đến những qui luật của OSCE đã được các quốc gia hội viên cam đoan chấp nhận. Vì thế, trước những vi phạm quyền tự do tôn giáo, Tòa Thánh phải lên tiếng và chia sẻ những lo lắng trầm trọng này với tất cả các phái đoàn hiện diện. Trong năm sắp kết thúc này, Tòa Thánh đã nhận thấy rằng: những vi phạm quyền tự do tôn giáo, vi phạm những cam kết của Tổ chức trở nên xấu hơn và cần được báo động.

Ðức TGM Tauran đi vào chi tiết hơn nữa của những vi phạm này. Ngài nói: "Tại  một số quốc gia hội viên của OSCE hiện diện trong khóa họp này, có những luật lệ hạn chế quyền tự do tôn giáo hoặc đang chuẩn bị đưa ra những luật lệ như vậy". Ðức TGM không nhắc đến tên quốc gia nào; nhưng lời tố cáo này phải hiểu về Liên Bang Nga. Ngài nói: "Các vị trách nhiệm các cộng đồng tín hữu, trong đó có một vị giám mục công giáo, đã bị trục xuất khỏi xứ sở, nơi các vị thi hành công việc tông đồ ,hoặc bị cản trở trong việc tiếp xúc với các tín hữu của mình".

Cũng nên nhắc lại rằng: Trong năm 2002 nầy, có một vị giám mục và ba vị linh mục công giáo bị trục xuất khỏi Nga. Cho tới lúc này không biết lý do tại sao. Tòa Thánh, qua đường lối ngoại giao, đã lên tiếng phản đối; nhưng cho tới lúc này Chính phủ Nga vẫn yên lặng. Chính phủ Nga đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh sau khi Khối Liên xô tan rã. Rất có thể, trong những vụ trục xuất này, có bàn tay của Giáo hội chính thống Nga,  một Giáo hội vẫn coi mình là "tôn giáo của Nhà Nước", luôn luôn lo sợ sự hiện diện và đà phát triển mạnh mẽ của Giáo hội công giáo, sau khi chế độ cộng sản Liên xô sụp đổ.

Trưởng phái đoàn Tòa Thánh nhấn mạnh: Những biện pháp được đưa ra thường có tính cách độc đoán, biểu lộ sụ nghi ngờ và sự không biết gì đến vai trò của các tôn giáo trong xã hội dân sự, và gián tiếp tỏ ra thái độ  khinh miệt các cam kết quốc tế đã hoàn toàn tự do chấp nhận và ký kết; đồng thời cũng nói lên một thái độ kỳ thị đối với các tín hữu thuộc các tôn giáo khác. Ðức TGM nhắc lại lời của một luật gia thời danh, người Italia, của hế kỷ 19, nói lên trong sự nhìn xa thấy rộng rằng: "Bãi bỏ tôn giáo trong một xã hội, thì con người sẽ trở nên mau lẹ một loại hàng hóa" (Luigi Taparelli d'Arzeglio, Droit naturel, chap.IX, 1800).

Ðức TGM Jean Louis Tauran nói tiếp: Nếu các vị trách nhiệm chính trị thấy cần phải đưa ra một chế độ luật pháp đề phòng cho tất cả các cộng đồng tín hữu và sắp xếp tính cách chung sống tôn giáo của người công dân với nhau,  cũng như với Nhà Cầm quyền, thì các vị trách nhiệm chính trị này chỉ có thể làm trong phạm vi tôn trọng những cam kết đã được hoàn toàn tự do chấp nhận. Ðối với tất cả những ai đang ngồi tại bàn hội nghị này: các Văn kiện của tiến trình Helsinki và cách riêng Văn kiện chung kết tại Viêna  năm 1989,  đều đầy đủ trước mắt mọi người.

Vị trưởng Phái đoàn còn nói thêm: Khi nào, vì những lý do lịch sử, một tôn giáo chiếm đa số và vì thế có những quyền riêng và những đặc ân được công nhận, thì điều này có thể dung thứ; nhưng không được vì thế gây hại cho các tôn giáo khác hiện diện trên toàn lãnh thổ quốc gia. Khi một Giáo hội chiếm độc quyền cho mình và dựa vào sự ủng hộ của Nhà nước để được bảo đảm phần riêng mình thôi,  lúc đó các tín hữu thuộc các tôn giáo khác trở nên nạn nhân của một kỳ thị không thể dung thứ, nhất là việc kỳ thị này lại được luật pháp cổ võ,  và quyền tự do lương tâm của người công dân, như quyền thay đổi tôn giáo hay không theo tôn giáo nào, bị đe dọa.

Về phần cuối diễn văn, Ðức TGM nói: "Thưa vị Chủ tịch, tôi muốn thuật lại lời Ðức Gioan Phaolô II nói lên với Ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh ngày 9 tháng Giêng năm 1989. Ngài tuyên bố: "Quyền tự do tôn giáo là một quyền liên kết chặt chẽ với các quyền căn bản khác  đến độ chúng ta có thể quả quyết rằng: việc tôn trọng quyền tự do tôn giáo là một "test" (thử nghiệm) cho việc tuân giữ các quyền căn bản khác... Việc Nhà nước tôn trọng quyền tự do tôn giáo là dấu chỉ của sự tôn trọng các quyền căn bản khác trong việc công nhận cách gián tiếp sự hiện hữu của một trật tự vượt trên chiều kích chính trị ở trần gian này".

Ngoại trưởng Tòa Thánh kết thúc bằng lời cảm ơn Chính phủ Bồ đào nha về sự đón tiếp nồng hậu tại thành phố Oporto xinh đẹp hấp dẫn này. Ngài cầu chúc để Khóa chủ tịch tới đây của Hòa Lan thu lượm nhiều thành công. Hòa Lan, ngay từ lúc này, có thể tin tưởng vào sự cộng tác hoàn toàn của Phái đoàn Tòa Thánh. Ngài cũng biểu lộ sự vui mừng vì trong các năm tới đây, hai quốc gia Bulgarie và Slovénie ước mong được giữ khóa chủ tịch và được tiếp đón các phái đoàn của OSCE tại quốc gia mình.

 

(TÐK)

 


Back to Home Page