ÐTC tiếp chung
nhóm thứ 10 các Giám mục Brazil
đến Roma viếng Tòa Thánh
Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
ÐTC tiếp chung
nhóm thứ 10 các Giám mục
Brazil đến Roma viếng Tòa Thánh.
(Radio Veritas
Asia - 15/12/2002) - Thứ ba 10/12/2002,
ÐTC tiếp chung các Giám mục Brazil thuộc miềm Nordeste 3 của HÐGM
Brazil, đến Roma viếng thăm Tòa Thánh và tường trình về tình
hình của mỗi giáo phận. Ðây là nhóm thứ 10 của HÐGM Brazil
được ÐTC tiếp chung, kể từ 31 tháng 8/2002 tới nay. Nhóm thứ
10 này gồm 35 vị chủ chăn: 2 Tổng Giám mục, và 33 Giám mục
(chính tòa, phụ tá và những vị hồi hưu) thưộc 19 giáo phận
của hai Giáo tỉnh: TGP Bahia, tòa Giáo chủ Brazil và TGP Sergipe.
Miền Nordeste 3 là một miền sùng đạo, nhưng cũng không tránh
khỏi nhiều dị đoan và sự xâm nhập của các giáo phái (theo
bản tường trình của Ðức Cha Ricardo José Werberger, Giám mục
giáo phận Barreiras, chủ tịch HÐGM miền Nordeste 3.
Ðề tài duy
nhất được ÐTC đề cao trong diễn văn đọc cho nhóm 10 này là:
những người tận hiến cho Chúa trong đời sống tu dòng chiêm
niệm và hoạt động. Ngài nói: "Một chỗ dành riêng trong tâm
hồn tôi và cũng như trong tâm hồn tất cả các Ðức Cha, các
Giám mục thân mến, đó là chỗ dành cho các người tận hiến
trong Giáo hội .... Giáo hội, khuôn mặt hữu hình của Chúa
Kitô trong thời đại, đón nhận và dưỡng nuôi trong lòng mình
các Hội dòng và Tu viện, với những kiểu sống rất khác
nhau, bởi vì tất cả đều góp công vào việc mạc khải sự
hiện diện khác nhau và sự hăng say muôn mặt của Ngôi Lời
Thiên Chúa nhập thể và của Cộng đồng của tất cả những
ai tin kính Người".
ÐTC nhắc lại
rằng: trong một thế giới, con người tự cho mình là chủ nhân
và tự túc, không cần đến Thiên Chúa
và hơn nữa tìm cách loại bỏ Người ra ngoài xã hội
và đời sống cá nhân cũng như tập thể, thì các người tận
hiến được mời gọi giữ lại các giá trị cao quí luôn luôn
sống động và ý nghĩa của việc cầu nguyện, luôn luôn liên
kết với dấn thân trong phục vụ con nguời cách quãng đại...
Ngài nói: "Lời cầu nguyện và việc làm, hành động và chiêm niệm là "hai việc đi đôi" không chống đối
nhau trong Chúa Kitô, trái lại hoàn bị nhau và hòa hợp với
nhau một cách ích rất ích lợi" (số 2).
ÐTC giải thích:
con người thời đại này cần được thấy nơi các người
tận hiến một sự hòa hợp vẫn có giữa yếu tố nhân loại
và yếu tố Thiên Chúa, giữa những sự hữu hình và vô hình.
Ðây là chứng tá các người tận hiến phải biểu lộ cho
thế giới ngày nay: nghĩa là phải biểu lộ lòng nhân lành và
tình yêu bao la của Thiên Chúa chứa đựng trong Mầu nhiệm Chúa
Kitô.
ÐTC nhắc lại
những công nghiệp lớn lao của các Dòng Tu đã làm nảy nở
biết bao ơn kêu gọi, để
lo việc huấn luyện và giáo dục Dân Chúa,
với sự tận tụy và với tình yêu thương vô vị lợi.
Ngài nói: "Làm sao chúng ta có thể quên được những Tu sĩ
Ða minh, Phanxicô, Augustino, Benedictino, Dòng Tên, dòng Don Bosco, Dòng
Lazzaristes, Dòng Comboniani, các linh mục thuộc Phong trào Fidei
donum? Ngày nay những gì chúng ta thấy trên toàn lãnh thổ
Brazil là hoa trái của công việc âm thầm, kín đáo, và đáng
ghi ân của biết bao giáo dân nam nữ và của biết bao Tu sĩ
nam, nữ ... đã góp công vào việc xây dựng lòng sùng đạo
của người dân Brazil. Chúng ta hãy công nhận sự kiện này
và cảm tạ Chúa, bởi vì trong yên lặng và trong việc hiến
thân vô vị lợi này, Thành trì của Thiên Chúa đã được
xây dựng và cây xanh tươi của Giáo hội đã đem lại những
hoa trái của sự lành và ơn thánh. Các tu hội về đời sống
hoạt động hay chiêm niệm đều là ơn ban lớn lao cho mỗi giáo
phận của quý Ðức Cha".
ÐTC khuyên các
Giám mục hãy ủng hộ và giúp đỡ những người tận hiến,
để trong khi sống hiệp thông với Giáo hội, cởi mở
tâm hồn cho những viễn tượng thiêng liêng và mục vụ, phù
hợp với những đòi hỏi của thời đại này. ÐTC nhắc lại
giáo huấn của Công đồng Vatican II về các
người tận hiến: "Các Tu sĩ phải đem hết tâm hồn và
nghị lực cho Giáo hội, qua con người của họ, thực sự biểu
dương Chúa Kitô mỗi ngày một
hoàn hảo hơn cho các tín hữu cũng như các lương dân: biểu
dương Chúa Kitô đang cầu nguyện trên Núi, hoặc đang loan báo
Nước Thiên Chúa cho dân chúng, hoặc chữa lành những người
đau yếu, tàn tật, hay hoán cải tội nhân trở lại đời sống
ơn thánh, hoặc đang chúc phúc
cho các trẻ em, ban ơn lành cho mọi người và trong mọi sự
luôn luôn vâng phục thánh ý Chúa Cha, Ðấng đã sai Người
đến" (LG 46).
Nghĩ đến công
việc tông đồ của các Dòng tu, ÐTC nói: "Giáo hội không
thể không biểu lộ niềm an vui và sự hài lòng đối với tất
cả những gì các Tu sĩ nam, nữ thực hiện qua các Ðại học,
các trường đủ các cấp
bậc, các bệnh viện, các công việc và cơ cấu khác nữa.
Phục vụ rộng rãi này nhằm giúp đỡ Dân Chúa, được củng cố bởi tất cả các Cộng đồng
tu sĩ , đã đáp lại cách tương xứng lời khuyên của Công
đồng, qua sự trung thành với đặc sủng truyền thống và với
dấn thân được canh tân trong tất cả những gì liên hệ đến
đời sống tận hiến", (x. Perfectae caritatis , 2).
ÐTC
xin Chúa trả công bội hậu cho tất cả các Cộng đồng
Tu sĩ trong đời sống hoạt
động cũng như chiêm niệm về sự
cộng tác vào mục vụ và truyền giáo của giáo phận và về
việc giúp đỡ và giáo huấn về đức tin trong tất cả các
lãnh vực xã hội, kể cả dân thổ cư.
Sau khi trình bày
đời sống và các công việc tông đồ của các Dòng Tu tại
Brazil nói chung và tại từng giáo phận nói riêng, ÐTC mời
gọi các vị chủ chăn "hãy quan tâm cách riêng đến việc cổ
võ và lo lắng về đời sống tận hiến trong cả Nước", cách
riêng quan tâm đến mục vụ ơn kêu gọi, bởi vì đây là vấn
đề rất quan trọng và sống còn đối với đời sống Giáo
hội trên cả thế giới này. Ðiều khẩn cấp là tổ chức một
chiến dịch rộng rãi và có hệ thống về ơn kêu gọi tại các
giáo xứ, các trung tâm giáo dục, các gia đình, bằng
việc gợi lên sự chú ý đến các giá trị chính yếu
của đời sống. Các giá trị này chỉ tìm được giải pháp dứt
khoát trong việc đáp lại của mỗi người được Chúa mời
gọi, nhất là khi tiếng gọi này yêu cầu hiến tất cả cuộc
đời và nghị lực cho Nước Chúa" (x. Novo Millennio ineunte ,
46).
Trong dịp này,
ÐTC khuyến khích các Vị trách nhiệm các Dòng Tu nam nữ trong
mỗi giáo phận tại Brazil lo đến việc huấn luyện chu đáo các
tập viên của mình về phương diện nhân loại, học thức và
đạo đức, để được hoàn toàn thuộc về Chúa Kitô, và
trở nên giống hình ảnh của Người.
Ngoài việc huấn
luyện chu đáo các tu sĩ , ÐTC còn nói đến việc canh tân
đời sống tu dòng. Việc canh tân này ở tại gia tăng lòng
yêu mến Chúa, nghĩa là luôn luôn nhớ rằng "bổn phận đầu
tiên và chính yếu của các tu sĩ nam nữ là việc suy ngắm các
chân lý về Thiên Chúa và việc kết hợp với Người bằng
cầu nguyện" (xem Bộ Giáo luật , khoản 663,1).
ÐTC nhắc đến
lời khấn nhân đức Khiết tịnh. Ngài
nói: "Những ai đã thực hiện bước tiến dứt khoát
hiến dâng cuộc đời cho Chúa, thì đã làm việc này vì
được bảo đảm bởi lời hứa của Chúa Kitô: "Không ai
bỏ nhà cửa, vợ con, cha mẹ, hoặc anh chị em vì Nước Thiên
Chúa, mà lại không được nhiều gấp trăm ở đời này và
đời sau" (Lc 18,29-30). Về đức vâng lời cũng như về đức
khiết tịnh, trong những cơn thử thách, cần phải theo gương Chúa
Giêsu trong cuộc Tử Nạn, đã phú thác hoàn toàn trong tay Chúa
Cha.Về đức Khó nghèo, ÐTC nhận xét rằng: "Lịch sử dạy
chúng ta rằng những trường hợp sa sút lòng sốt sắng và sức
sống của cuộc đời tận hiến, đếu có liên hệ đến sự
sa sút trong việc tìm hiểu và thực hành đức khó nghèo. Việc
vi phạm lời Khấn khó nghèo ảnh hưởng nhiều hơn các vi phạm
lời khấn khác, trên lòng
trung thành với đời sống tận hiến. ÐTC nhấn mạnh: "Trong
việc theo gương Chúa Kitô, Ðấng đã tự trở nên nghèo khó
vì sự cứu rỗi chúng ta (x. 2 Cor 8,9), các tu sĩ được mời
gọi "kiểm điểm lại cách thành thực về đời sống riêng
của mình trong tình liên đới với các người nghèo khổ" (Redemptoris
missio, 60). Trong trường hợp trái ngược, tu sĩ sẽ sa vào chước
cám dỗ này là rao giảng đức khó nghèo, nhưng đức khó
nghèo lại không có nơi chính mình, trong lúc đó lại muốn người
khác sống khó nghèo. Như vậy chứng tá đời sống của tu sĩ
không thể làm gương mẫu về cách ăn ở của người khác
được".
ÐTC kết thúc: "Nhờ việc hiến thân tự do và hoàn toàn cho Chúa Kitô và cho Giáo hội, các Tu sĩ nam, nữ có thể minh chứng cách ngạc nhiên rằng: các Mối Phúc thật là con đường hoàn hảo nhất để biến đổi thế giới và tái thiết mọi sự trong Chúa Kitô" (x. Lumen Gentium, 31).
(TÐK)