Nạn đói đang đe dọa trầm trọng

nhiều nước Châu Phi

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Nạn đói đang đe dọa trầm trọng nhiều nước Châu Phi.

(Radio Veritas Asia - 14/12/2002) - Báo chí xuất bản trong những ngày này báo động dư luận thế giới: Nạn đói đang de dọa trầm trọng nhiều nước Châu Phi, cách riêng cộng hòa dân chủ liên bang Ethiopie. Cộng hòa dân chủ liên bang Ethiopie, trong những thập niên vừa qua, đã phải trải  qua nhiều biến cố chính trị: Năm 1994, Hoàng đế Hailé Selassié bị Quân đội lật đổ. Từ năm 1997 đến năm 1991, Ethiopie bị đặt dưới chế độ độc tài cộng sản Mac xít-Lê nin của Ðại tá Menghistu Hailé Mariam, thân Liên xô. Sau khi chế độ cộng sản Liên xô tan rã, Hội đồng cách mạng Quân đội cũng cho Menghistu về vườn. Năm 1993, Eritrea tách khỏi Ethiopie trở thành quốc gia độc lập, nhưng không chung sống hòa bình với Ethiopie. Nhờ sự can thiệp của Liên hiệp quốc, chiến tranh giữa hai nước tạm ngừng. Nhưng dân chúng cả hai miền đều bị nạn đói de dọa. Nếu lời kêu gọi của Chính phủ Ethiopie không được đáp lại, thì từ nay đến tháng 3 năm 2003, sẽ có khoảng 14 triệu người chết đói.

Nạn đói gây nên, một phần bởi chiến tranh kéo dài, phần khác do nạn hạn hán. Thực sự Ethiopie là một quốc gia rộng lớn gồm trên một triệu cây số vuống, dân cư không đầy 45 triệu, có thể tránh khỏi nạn đói, nếu chính phủ tỏ ra có khả năng cai trị, với những chương trình dài hạn  và nhất là liêm khiết, chỉ vì dân vì nước.

Theo tin từ thủ đô Ađdis Abeba, thì trong lúc này có khoảng hơn một triệu người đang liều bị chết đói, nếu không được cộng đồng quốc tế cấp cứu kịp thời. Ông Simon Mechale, Chủ tịch Ủy ban  Bảo vệ dân sự của Thành phố Ađis Abeba, loan báo: vì nạn hạn hán, số thu hoạch trong năm nay giảm bớt 25% sánh với năm 2001. Vì nạn hạn hán, có hơn 11 triệu người sẽ không có gì để nuôi sống mình trong năm tới (2003). Do đó, ông kêu gọi tình liên đới quốc tế, và xin gửi gấp một triệu rưởi Mỹ kim để mua thực phẩm cần thiết trong lúc này. Ngoài ra,  ông còn báo động thêm: sẽ có khoảng 3 triệu người khác nữa hiện đang phải đối phó với vấn đề thực phẩm. Như vậy từ nay đến tháng ba năm 2003, sẽ có 14 triệu người dân Ethiopie bị đe dọa trầm trọng.

Ngoài việc yêu cầu cấp cứu, Thủ tướng Meles Zenawi còn yêu cầu  cộng đồng quốc tế viện trợ dưới những hình thức khác nữa, như gửi hạt giống, thuốc chích ngừa và thức ăn cho loài vật. Tổng số tiền trợ cấp lên tới 66,6 triệu Mỹ kim. Trong bài phỏng vấn, thủ tướng cho biết: Ông đã xin Ngân hàng thế giới giúp 100 triệu Mỹ kim, nhưng số tiền này chỉ được dùng như tài sản cuối cùng, nếu không được cộng đồng quốc tế đáp lại lời kêu gọi.

Bà Carol Bellamy, Giám đốc Unicef, trong những ngày vừa qua, cảnh cáo: Nếu không được cấp cứu kịp thời, Ethiopie sẽ liều đi đến một tai họa khủng khiếp như tai họa năm 1984-1985, lúc nạn đói gây chết chóc cho hơn một triệu người. Sau khi viếng thăm miến Tây-bắc Ethiopie, Bà tuyên bố: "Xin Chính phủ Addis  Abeba đừng chỉ đổ lỗi cho thời tiết, nhưng hãy đưa ra những kế hoạch dài hạn, để đối phó với nạn hạn hán, như thiết lập hệ thống dẫn thủy nhập điền và tìm cách trồng cấy  những loại cây sản xuất thức ăn có sức chống cự với những thời tiết". Bà nói thêm: "Chúng tôi không thể mỗi năm, mỗi lúc lại được yêu cầu viện trợ cho hết cơn khủng hoảng này, rồi đến cơn khủng hoảng khác. Tôi cũng đã nghe thấy các quốc gia viện trợ than phiền: Chúng tôi không thể cứ hai năm lại được nghe: xin gửi tiền, xin gửi thực phẩm giúp đỡ chúng tôi.

Cộng đồng quốc tế, ngoài việc cấp cứu, muốn rằng: các trợ cấp được gửi đến cho dân phải được xử dụng cách đứng đắn, công bình, không phải chỉ để nuôi sống người dân, nhưng còn để giúp người dân có cơ hội tiến đến việc tự túc tự cường. Ðây là bổn phận của mỗi chính phủ địa phương. Nếu không có những chương trình dài hạn cho tương lai như vậy, thì không bao giờ người dân thoát khỏi nạn đói khổ. Kinh nghiệm cho hay: nạn đói tại Châu phi như một cơn bệnh địa phương kéo dài từ bao năm nay, dĩ nhiên một phần do nạn hạn hán;  nhưng cũng do nhiều căn cớ khác, như chiến tranh, chính phủ bất lực, tham nhũng, thiếu ổn định chính trị... Thực sự tài nguyên của Lục địa này rất phong phú, nhưng lại nằm trong tay một số công ty khai thác ngoại quốc và một số người cầm quyền thần thế đồng lõa với các công ty này, để làm giầu cho gia đình, cho bè phái...

Nhân nói về nạn đói tại Châu phi, nhật báo Corriere della sera, số ra ngày Chúa nhật 8.12.2002, phác họa một bản đồ về các nước Châu Phi đang bị nạn đói đe dọa, vì nạn hạn hán và vì những cuộc nội chiến: Mali (khoảng 40 ngàn người) - Mauritania (420 ngàn) - Senegal (24 ngàn) - Gambia (34 ngàn) - Guinea (148 ngàn) - Sierra Leone (385 ngàn, không do nạn hạn hán, mà do cuộc nội chiến) - Liberia (182 ngàn) - Côte d'Ivoire (26 ngàn, một trong các quốc gia tiến bộ và phát triển nhất tại Châu phi,  nay đang bị cuộc nội chiến) - Congo (342 ngàn, một trong các quốc gia miền các Hồ Lơn, liên lụy vào chiến tranh) - Angola (2 triệu, một quốc gia mênh mông, nhưng đói khổ vì cuộc nội chiến kéo dài từ nhiều năm nay, hầu như không lối thoát) - Zimbabwe (6,7 triệu, trước đây là Rhodesie, do Tây phương khai thác và trở nên phồn thịnh;  nay nhà độc tài  Robert Mugabe chủ trương bài ngoại, tịch thu  thu tài sản và các cơ cấu sản xuất của người da trắng (dù đã là công dân Zimbabwe từ nhiều đời). Mugabe, tự xưng mình là tổng thống mãn đại,  đang đưa đất nước đến cảnh nghèo đói, diệt vọng - Lesotho (650 ngàn) - Swaiziland (270 ngàn) - Mozambic (590 ngàn, mới thoát khỏi cuộc nội chiến do trung gian của Cộng đồng Sant'Egidio ở Roma) - Malawi (3,3 triệu) - Zambia (2,9 triệu) - Cộng hòa dân chủ Congo (1,4 triệu, sau khi bị chế độ độc tài tham nhũng của Tướng Mobutu, tiếp đến cuộc nội chiến) - Uganda (1 triệu) - Sudan (2,9 triệu, một phần lớn do cuộc nội chiến giữa hai miền Bắc (Hồi giáo) - Nam (Kitô giáo và tôn giáo truyền thống Châu Phi).

Ðứng trước con số lớn lao như vậy của những người dân đói khổ, chờ chết này, ai là người sẽ cứu họ? Cơ quan thực phẩm và cứu đói của LHQ từ sáu năm nay đưa ra chương trình tăng thực phẩm, giảm nạn đói, xem ra không tiến được bước nào hay tiến quá chậm. Một số quốc gia hội viên không muốn góp phần vào chương trình này, có lẽ vì họ không tin tưởng?

Báo chí hầu như không nói gì đến Châu phi nữa. Cộng đồng quốc tế hầu như cũng không quan tâm nhiều đến Châu phi. Nếu không được cộng đồng quốc tế cấp cứu, Châu phi sẽ không thoát khỏi cảnh chết chóc, vì nạn đói, vì chiến tranh. Sự lãng quên này rất có thể vì các chính phủ kế tiếp nhau tại Châu phi không tỏ ra khả năng cai trị. Vì không có ổn định chính trị, các quốc gia giầu có không thể bỏ vốn đầu tư. Vì không có ổn dịnh chính trị, nay còn mai mất, người lên cầm quyền lo làm giầu cho bản thân, hơn là nghĩ đến công ích của người dân. Nhiều siêu cường Tây phương lo sản xuất vũ khí để bán cho các quốc gia trước đây là thuộc địa của mình, để nâng đỡ những phe phái vốn có cảm tình với mình, để gây ảnh hưởng, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, ít quan tâm đến việc giúp cho các nước này tiến bộ và phát triển. Hàng hóa của các quốc gia nghèo, tương đối rẻ, nhưng lại kém về phẩm, hầu như không thể lọt vào thị trường quốc tế được. Hố sâu giữa giầu và nghèo mỗi ngày mỗi sâu thêm. Ðây là tình trạng thê thảm và bất công của thế giới ngày nay.

 

(TÐK)

 


Back to Home Page