Tín hữu Kitô tại Pakistan bị khủng bố

 

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Tín hữu Kitô tại Pakistan bị khủng bố.

Pakistan 19/03/2002 - Vào ngày 28 tháng 10 năm 2001, trong nhà thờ Thánh Ða Minh ở  Bahawapur, thuộc Bang Punjab,  bên Pakistan, nhóm khủng bố gồm sáu người đã xả súng vào các tín hữu tham dự Phụng vụ Chúa  nhật, gây thiệt mạng cho 18 người, trong số này có 4 trẻ em và ba gia đình.  Ðây là vụ khủng bố nặng nề hơn cả. Tổng thống Pakistan, tướng  Musharraf đã thẳng ngặt lên án vụ khủng bố dã man này. Sau đó ông ra lệnh lùng bắt các nhóm khủng bố Hồi giáo cuồng tín. Ngoài việc bắt giam, Ông còn đưa nhiều biện pháp đề phòng; nhưng những biện pháp này đã không bảo đảm được an ninh của các tín hữu Kitô.

Chúa nhật ngày 17/03/2002, tại "Nhà Nguyện Tin Lành Quốc Tế"  (International Protestant Church)  nằm trong khu vực các nhà ngoại giao ở thủ đô Pakistan, lại xẩy ra một vụ khủng bố khác vào lúc 10:30. Hai tên khủng bố (chưa khám phá được danh tính) đã liệng 8 trái lựu đạn vào trong nhà thờ, gây thiệt mạng cho 5 người, trong số này có vợ của một nhà ngoại giao Hoa kỳ, bà Barbara Green và cô con gái Kristin. Ông  Milton chồng của bà bị thương nặng. Các người bị thương khác gồm có: một người Pakistan và một người Afgansitan. Người thứ năm hiện chưa tìm ra căn cước. Ngoài số người bị thiệt mạng này, có 41 người khác bị thương: 12 người Pakistan, 10 người Hoa kỳ, 5 nguời Iran, 2 người Sri Lanka, một Irak, Etiopi và Ðức. Một số người khác cũng bị thương, nhưng không trầm trọng: người Anh, Thụy sĩ, Australia và Afganistan.  Tổng trưởng Bộ Nội vụ Pakistan, ông Moinuđin Haider, cho biết: cho tới lúc này, chưa có nhóm nào nhận đã gây nên vụ khủng bố vào ngày Chúa nhật 17/03/2002.

Phát ngôn viên của Giáo hội Công Giáo tại Pakistan lên án vụ khủng bố Chúa nhật vừa qua. Bản tuyên ngôn của Hội Ðồng Giám Mục Pakistan viết như sau: "Việc khủng bố chống lại một nơi phụng tự và việc sát hại người vô tội không bao giờ xẩy ra tại các nước văn minh. Hành động này tạo nên một nguy hiểm rất trầm trọng cho việc hòa hợp tôn giáo và cho thanh danh của quốc gia".  Trong bản tuyên ngôn, Ðức Cha Lawrence Saldanha, TGM giáo phận Lahore, chủ tịch Ủy Ban Công lý và Hòa bình của Hội Ðồng Giám Mục Pakistan, ngoài việc yêu cầu Chính phủ bảo đảm an ninh cho các tín hữu và các người ngoại kiều trú ngụ trên lãnh thổ Pakistan, đề cao sự cần thiết của những biện pháp xứng hợp và cương quyết, để loại trừ tận gốc rễ nạn khủng bố khỏi Xứ sở. Bản tuyên ngôn  cũng kêu gọi toàn dân Pakistan chống lại những hành động thù ghét khủng bố kia, vì nó  bôi nhọ hình ảnh của một quốc gia  đoàn kết và văn minh và làm ô danh dân tộc.

Phản ứng cương quyết của Giáo hội Công Giáo Pakistan lần này chống lại vụ khủng bố cũng theo một đường hướng trong vụ khủng bố xẩy ra ngày 28 tháng 10 năm 2001 đối với các tín hữu Tin Lành, tụ họp trong nhà thờ Thánh Ða minh ở Bahawapur  (vì anh chị em Tin lành không có nơi phụng tự, bên Công Giáo cho mượn nhà thờ để cử hành Phụng vụ các ngày Chúa nhật).

Ông Tomy Mathew, người Công Giáo Ấn độ, công chức của "Ủy Ban Ấn Ðộ" (Indian high Commission), thuộc Ðại sứ quán Ân độ ở thủ đô  Islamabad, cùng với gia đình hiện diện trong Buổi cử hành Phụng vụ Chúa nhật 17/03/2002, đã thoát nạn cùng với bà vợ trong lúc lựu đạn nổ . Ông tuyên bố với đặc phái viên nhật báo Tương Lai (19/03/2002) như sau: "Chúng tôi thấy sự chết trước mắt. Nếu chúng tôi còn sống là nhờ ơn Chúa. Ðêm vừa qua (18/03/2002), chúng tôi không ngủ được, khi nghĩ đến thảm cảnh vô nhân đạo này. Vào lúc 10:50, tôi thấy một nguời mặc đồ đen ném một cái gì đó vào, rồi cái này nổ bùng ngay. Người dân hoảng sợ xô nhau chạy tứ phía. Tiếp sau lại nổ thêm nữa. May mắn, hàng ghế chúng tôi không ai bị thương cả. Dù vậy quần áo tôi đầy máu các người bị thương. Nhiều người bị thương nằm trong vũng máu, lúc tôi và vợ tôi ra khỏi nhà thờ". Ong Mathew thường đến nhà thờ Tin Lành này vì ở kế bên nơi làm việc (Indian high Commission).

Phát ngôn viên của Cộng đồng Kitô cho biết: lý do của vụ khủng bố tại một  nơi phụng tự trong khu vực các nhà ngoại giao, được canh phòng cẩn mật. Một công chức của Văn phòng quốc gia về nhân quyền tại Lahore tuyên bố: Vụ khủng bố kia rất có thể là "một sứ điệp cảnh cáo gửi cho Hoa kỳ và Tổng thống Musharraf, hiện đang tìm cách "kiềm chế" các nhóm Hồi giáo cuồng tín.

Nên nhớ lại rằng: sau vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 tại New York và Washington, Hoa kỳ làm áp lực mạnh trên chính phủ của Tướng Musharraf. Ông nầy tuyên bố đặt ngoài pháp luật nhiều hội đoàn chiến đấu Hồi giáo và bắt giam,  cho tới lúc này,  khoảng hai ngàn người thuộc các tổ chức nói trên.

Hiến pháp Pakistan bảo đảm tự do tôn giáo; Tổng thống là người Hồi giáo. Dân số Pakistan hiện nay khoảng 138 triệu, trong đó chỉ có khoảng 3 triệu người công giáo (2%), thiểu số quan trọng hơn cả; sau đó là tín hữu Ấn giáo (1,7%); phần còn lại khoảng 127 triệu thuộc Hồi giáo (77% Hồi giáo Sunnites và 20% Hồi giáo Scites). Năm 1985, luật bầu cử do tướng Zia Hul Haq công bố ấn định người Công Giáo được 5 trong số 247 ghế Quốc hội (luật này không có giá trị nữa). Năm sau (1986), Nhà nước áp dụng luật về "phạm thượng". Người vi phạm có thể bị án tử hình và thường được áp dụng cho các tín hữu Kitô. Luật Hồi giáo được áp dụng trong cả nước năm 1991 và được coi như luật lệ của đời sống xã hội. Việc trở lại được khoan dung; nhưng việc chiêu mộ (truyền đạo) bị cấm. Thực sư,ï nhiều tín hữu Kitô sống riêng rẽ trong một khu vực  riêng. Nhiều vụ bạo lực gia tăng trong những năm 1990 trở đi. Năm 1998, Ðức Cha John Joseph, giám mục giáo phận Faisalabad, tự sát trước Tòa án Sahiwal, nơi đây một thanh niên Công Giáo bị án tử hình, vì xúc phạm đến Hồi giáo (thực sự  anh đã bị vu vạ, cáo gian, do thù ghét). Cử chỉ của Ðức Giám mục gây tiếng vang sâu rộng trên thế giới, nhưng cũng không ngăn cản được nhiều vụ bạo lực chống lại các tín hữu Kitô, như vụ xẩy ra ngày 9 tháng  8 năm 2001, lúc một sinh viên Công Giáo của "Học Viện Kinh Thánh" (Bible college) bị sát hại bên ngoài nhà thờ, cạnh thi hài có hàng chữ như sau: "Ðừng rao giảng cho người Hồi giáo nữa".

Ngoài Pakistan, các tín hữu Kitô hiện bị người Hồi giáo bách hại  từ hai năm nay tại Indonesia. Nay đã lắng dịu hơn. Ngày Vọng Lễ Giáng sinh năm 2000, một loạt khủng bố gây hư hại cho nhiều cơ sở Kitô, Công Giáo cũng như Tin Lành và một số người thiệt mạng. Các vụ đặt bom này nổ trong một giờ đồng hồ tại thủ đô Jakarta và 5 thành phố khác. Nhiều chất nổ được đặt trong xe hơi, đậu tại các khu vườn hay trạm đậu xe trước các đền thờ.

 


Back to Home Page