Tông thư  về Kinh Mân Côi

(Rosarium Virgnis Mariae)

và Năm Mân côi tại Ðền Thánh Pompei

dâng kính Ðức Maria rất thánh Mân côi

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Tông thư  về Kinh Mân Côi (Rosarium Virgnis Mariae) và Năm Mân côi tại Ðền Thánh Pompei dâng kính Ðức Maria rất thánh Mân côi.

(Radio Veritas Asia - 24/10/2002) - Ngày 16 tháng 10 năm 2002, ÐTC công bố Tông thư "Rosarium Virginis Mariae" về Kinh Mân côi và ấn định năm Mân côi, bắt đầu từ tháng 10 năm 2002 đến hết tháng 10 năm 2003. Cũng trong Tông thư này, ÐTC thêm 5 Mầu nhiệm mới vào 15 Mầu nhiệm (Vui, Thương, Mừng) vẫn có từ trước tới giờ trong Kinh Mân côi và ngài gọi các mầu nhiệm mới này là "Mầu nhiệm Sự Sáng", gồm các chặng chính của cuộc đời công khai Chúa Giêsu: Phép Rửa trong sông Giordano - Tiệc   cưới Cana - Loan báo Nước Thiên Chúa - Biến hình trên Núi Tabor -  và Việc thiết lập Bí tích Thánh Thể. ÐTC giải thích: Các Mầu nhiệm của Kinh Mân côi được coi là Bản lược tóm Sách Phúc Âm. Vì thế, việc thêm năm Mầu nhiệm mới là để Bản lược tóm này được đầy đủ hơn.

Lý do thúc đẩy ÐTC công bố Tông thư mới - như chính ngài đã giải thích - không những chỉ vì Triều Giáo Hoàng của ngài bước vào năm thứ 25, nhưng còn để kỷ niệm 120 năm Ðức Leon XIII (1878-1903), Vị Tiền nhiệm của ngài, từ năm 1883,  đã cho công bố một loạt các văn kiện về Kinh Mân côi. Ngoài ra cũng để thúc đẩy  các tín hữu tái khám phá và trở lại việc đọc kinh này trong các gia đình - như ngài đã nói - "Gia đình cùng nhau cầu nguyện, đó là gia đình hiệp nhất". Thúc giục các Cộng đồng công giáo tái khám phá và đọc kinh Mân côi để cầu nguyện cho các gia đình và cho hòa bình thế giới. Trong văn kiện, ÐTC cũng nhắc lại: sau Công đồng Vatcian II, kinh Mân côi, vì có những tuyên truyền, giải thích  sai lạc - đã bị lãng quên, có khi bị bỏ hẳn - Một ngăn trở khác cho việc đọc kinh Mân côi chung trong các gia đình là Truyền Hình. ÐTC nhấn mạnh: "Cần phải thay thế các hình ảnh Truyền Hình bằng những hình ảnh đạo đức của Kinh Mân côi".

Lời kêu gọi của ÐTC đã được đáp lại cách nhanh chóng, trước hết tại Ðền Thánh Pompei, được dâng kính Ðức Mẹ rất thánh Mân côi và là một trong các Ðền Thánh thời danh kính Ðức Maria tại Ý, sau Ðền Thánh Loreto, nơi có nhà Ðức Mẹ được đem từ Nagiareth về đây. Chính ngày công bố Tông thư  "Rosarium Virginis Mariae" (cách đây hơn một tuần), ÐTC đã muốn Ảnh Thánh Ðức Mẹ rất thánh Mân côi từ Ðền Thánh Pompei được rước về Roma, để trên một bàn thờ, bên cạnh ngài, trong buổi  tiếp kiến chung.

Các Giám mục miền Campania (nơi có Ðền Thánh kính Ðức Mẹ rất thánh Mân côi), đã hội họp, để công bố một thư mục vụ,  trong đó các ngài biểu lộ niềm vui đối với Tông thư về Kinh Mân côi và những sáng kiến mục vụ do ÐTC gợi lên trong đó. Các ngài viết: "Việc kêu gọi tái khám phá Kinh Mân côi - chúng ta sẽ kêu gọi các tín hữu của chúng ta - đây cũng là lời kêu gọi mọi người, để trong Kinh này, cũng như trong các môi trường khác của đời sống Kitô, tinh thần của Giáo hội, của hiệp thông và của việc gắn bó với những chỉ thị của các Vị chủ chăn được lan rộng thêm mãi".

Các Giám mục miền này - nơi có Ðền Thánh kính Ðức Mẹ rất thánh Mân côi - cảm thấy mình có liên hệ cách riêng, bởi vì trong Tông thư ÐTC đã muốn nhắc lại hai sự kiện lịch sử: Ðền Thánh Pompei và Vị sáng lập Ðền Thánh này, Chân phước Bartolo Longo (một luật sư người giáo dân). Hơn nữa, người dân miền này có lòng sùng kính cách riêng Ðức Trinh Nữ Maria. Miền này cũng là miền có nhiều đền thánh dâng kính Ðức Maria hơn cả. (Trong toàn nước Ý có khoảng hơn một ngàn đền thánh lớn nhỏ dâng kính Mẹ Thiên Chúa). Ðền Thánh Pompei có một liên hệ cách riêng với Ðức Gioan Phaolô II. Trong chuyến viếng thăm đảo Ischia (thuộc miền Campania) ngài đã gọi Ðền Thánh Pompei là  "trung tâm Maria" của miền này. Trong ngày công bố Tông thư "Rosarium Virginis Mariae", ngài cũng tỏ ý muốn trở lại kính viếng Ðền thánh Pompei một lần nữa.

Vì thế, trong thư mục vụ, các Giám mục miền Campania nhấn mạnh như sau: Ðối với chúng ta một điều quan trọng là việc nhắc lại rằng: Tông thư về Kinh Mân côi liên hệ đến trách nhiệm không những Ðền Thánh này (Pompei), và các Ðền Thánh khác, nhưng liên hệ đến tất cả đời sống mục vụ của các Giáo hội chúng ta, bằng việc dấn thân tái khám phá kinh Mân côi trong sự phong phú và sâu xa của Kinh này. Chương trình mà ÐTC gợi lên cho chúng ta phải được đem ra thực hiện trong đời sống hằng ngày của các cộng đồng chúng ta, từ các giáo xứ đến các nhóm khác nhau, các hội đoàn và các phong trào giáo hội".

Ðể đẩy mạnh việc thực hiện chương trình do ÐTC gợi lại trong Tông thư, các Giám mục miền Campania quyết định tổ chức một Ðại hội tại Pompei vào những ngày 21 và 22 tháng 2 năm 2003, về đề tài: "Khởi sự đời sống Kitô  tại Campania. Tình hình và những viễn tượng". Ðại hôļi này nhằm đẩy mạnh việc tái rao giảng Tin Mừng trong Ngàn năm thứ ba, như ÐTC đã đề nghị trong Tông thư bế mạc Năm Ðại Toàn xá 2000 "Tertio Millennio ineunte".

Trong thư mục vụ về Kinh Mân côi, các Giám mục miền Campania nhắc lại: nhìn vào các vấn đề của thế giới hiện nay, ÐTC kêu gọi đọc kinh Mân côi để cầu nguyện cách riêng cho hòa bình và cho cơn khủng hoảng trầm trọng về gia đình. Các Giám mục xác nhận: "Ðây là các vấn đề liên hệ trực tiếp đến chúng ta. Ngoài các vấn đề này, chúng ta không thể quên được rằng: miền chúng ta bị đau khổ bởi nhiều vấn đề: nạn thất nghiệp, gây lo lắng cho tương lai  giới trẻ - bởi nhiều tội ác có tổ chức (mafia), xem ra được những tổ chức xã hội ủng hộ, nếu không trực tiếp. Những tội ác này phát xuất  do thiếu nền luân lý, thiếu luật pháp và lương tâm về công ích. Chúng ta sẽ đọc Kinh Mân côi để xin Ðức Trinh Nữ rất thánh giúp chúng ta vượt qua các vấn đề này".

Các Giám mục miền Campania đưa ra những chỉ dẫn trong Năm Mân côi này, như "đề cao Ðền Thánh Pompei - đẩy mạnh mục vụ gia đình, để tái khám phá kinh Mân côi như chặng dừng lại cầu nguyện và giờ phút hiệp thông cách riêng giữa các thành viên của gia đình và sau cùng, như để thu lượm những thành quả của Năm Mân côi, tháng 10 năm 2003, sẽ tổ chức Ðại hội thần học-mục vụ,  với mục đích phát triển những nền tảng  và những mối liên kết của kinh Mân côi, để hiểu thêm mãi ý nghĩa và tính cách ích lợi của Kinh này.

Tại Roma, Ðức Hồng Y Camillo Ruini, Tổng đại diện, công bố thư mục vụ cổ võ việc đọc kinh Mân côi hằng ngày trong các nhà thờ, cách riêng trong Năm Mân côi này. Cùng với Kinh Mân côi, ÐHY khuyên: nên thêm cả Kinh về Lòng thương xót Chúa, một hình thức đạo đức do Thánh Nữ Faustina Kowalska phổ biến. Trong thư mục vụ, ÐHY nhấn mạnh hai sáng kiến này trong Năm Mân côi:  Tổ chức cuộc hành hương giáo phận Roma tại Lộ đức vào tháng 8/2003 và cuộc hành hương khác tại Czestochowa và Cracovia (Ba lan) sẽ do Ủy ban mục vụ thanh niên tổ chức và hướng dẫn.

Người công giáo Việt nam vẫn sùng kính Kinh Mân côi ngay từ lúc Tin Mừng được rao giảng trên Ðất nước. Thói quen tốt lành này đã được cha ông chúng ta truyền lại cho các thế hệ sau. Nhờ vậy, đức tin được vững mạnh và lòng sùng kính đối với Ðức Trinh Nữ Maria và Kinh Mân côi vẫn sâu rộng. Những cuộc hành hương đông đảo hằng năm, dù gặp nhiều khó khăn,  tại La vang minh chứng lòng sùng kính sâu xa này. Với nếp sống tân thời, Ðức tin của nhiều người bị sa sút; thói quen tốt lành đọc kinh Mân côi không thể không bị ảnh hưởng. Nhiều gia đình không còn đọc kinh Mân côi chung với nhau nữa. Có những người không bao giờ lần hạt, coi đây là "việc của phụ nữ và các trẻ em". Chúng tôi hy vọng: Tông thư của ÐTC về Kinh Mân côi và Năm Mân côi làm sống lại và tăng cường lòng sùng kính đối với Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo hội và Mẹ của mỗi tín hữu Kitô. Các vị chủ chăn và các vị có trách nhiệm về giáo dục hãy làm gương trước và sau đó hãy cổ võ cộng đồng giáo phận, giáo xứ và các môi trường khác nhau thuộc quyền mình "tái khám phá tính cách đơn sơ và sự sâu xa, phong phú của Kinh Mân côi" (Lời ÐTC trong Tông thư), để cầu nguyện cách riêng cho các gia đình bị khủng hoảng và cho hòa bình thế giới, bị đe dọa khắp nơi bởi những nạn khủng bố.

 

(TÐK)

 


Back to Home Page