ÐTC tôn phong 6 vị đầy tớ Chúa

lên bậc Chân Phước

trong ngày truyền giáo thế giới

được cử hành long trọng tại Roma

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

ÐTC tôn phong 6 vị đầy tớ Chúa lên bậc Chân Phước trong ngày truyền giáo thế giới được cử hành long trọng tại Roma.

(Radio Veritas Asia - 22/10/2002) - Ngày truyền giáo thế giới năm 2002 được cử hành long trọng tại Roma bằng  lễ nghi Phong Chân phước. Trong Thánh lễ, ÐTC tôn phong lên bậc chân phước sáu Vị đầy tớ Chúa:

- Chân Phước Daudi Okelo (1902-19018 ) và Chân Phước Jildo Irwa (1906-1918 ) là hai giáo lý viên, người Uganda, tử đạo vào đầu thế kỷ XX, lúc Tin Mừng được rao giảng tại đây.

- Chân Phước Andrea Giacinto Longhin (1863-1936), người Ý, thuộc Dòng Cappucin, giám mục giáo phận Treviso, một vị chủ chăn nhiệt thành trong mục vụ và truyền giáo.

- Chân Phước Marcantonio Durando (1801-1880), người Ý, thuộc Dòng Truyền giáo (Lazariste), của Thánh Vincent de Paul, sáng lập Dòng các Nữ tu Nazarene.

- Chân Phước Marie de la Passion (Hélène Marie de Chappotin de Neuville) (1839-1904), Nữ tu đồng trinh, người Pháp, sáng lập Dòng các Nữ tu Phanxicô truyền giáo Ðức Maria.

- Chân Phước Liduina Meneguzzi (1901-1941), Nữ tu đồng trinh, người Ý, thuộc Dòng Thánh Phanxicô de Sales (Salesie).

Giảng trong Thánh lễ ngày thế giới truyền giáo, ÐTC mời gọi cộng đồng công giáo tại các xứ truyền giáo đừng sợ hãi đối thoại với mọi người, bởi vì - theo ÐTC - phục vụ đầu tiên cho công việc truyền giáo là thành thực và liên lỉ cố gắng tiến đến sự thánh thiện. Ngài nói: "Chúng ta không thể minh chứng cách trung thành Tin Mừng, nếu trước hết chúng ta không sống cách trung thành". ÐTC nói tiếp:

"Sáu Chân phước là tấm gương sáng chói:

- Chân phước Okelo và Jildo, hai giáo lý viên người Uganda, tử đạo lúc còn rất trẻ vào đầu thế kỷ XX tại miền bắc quốc gia này,  nơi hai vị đến để truyền bá Tin Mừng.

- Chân phước Andrea  Giacinto Longhin, Dòng Cappucin, làm giám mục 32 năm tại Treviso, gương sáng về lòng nhiệt trong mục vụ và trong việc rao giảng Tin Mừng.

- Chân Phước Marcantonio  Durando, linh mục người miền Piemonte, là một nhà truyền giáo, sáng lập Dòng các Nữ tu Nazerene.

- Chân Phước  Marie de la Passion, sáng lập Dòng các Nữ tu Phanxicô Truyền giáo của Ðức Maria, suốt đời tận tụy cho công việc truyền giáo tại nhiều quốc gia trên thế giới.

- Chân Phước Liduina Meneguzzi, nữ tu Dòng Thánh Phanxicô de Sales, tình nguyện đi Ethiopia truyền giáo giữa những người nghèo khổ.

Tất cả các Vị Chân phước này tận tụy tìm cách làm cho mọi người biết Chúa Giêsu, Ðấng Cứu thế của nhân loại...".

Trong giờ đọc kinh Truyền Tin cuối thánh lễ, một lần nữa ÐTC trở lại Ngày thế giới truyền giáo. Ngài nói: "Trong Ngày thế giới truyền giáo hôm nay, chúng ta nhìn lên các Chân phước mới như gương sáng của việc tận hiến không biết mỏi mệt để phục vụ Tin Mừng". Nghĩ đến các nhà truyền giáo nam nữ đang hoạt động tại các xứ truyền giáo, ÐTC nói: "Với tâm tình biết ơn sâu xa, hôm nay đây tôi muốn ca ngợi biết bao nhà truyền giáo nam, nữ:  linh mục, Tu sĩ nam nữ và giáo dân, hiện đang tiêu hao nghị lực ngoài tiền tuyến cho việc phục vụ Chúa Kitô, nhiều lúc bằng việc đổ máu để làm chứng cho Chúa và Tin Mừng của Người. Tâm tình biết ơn của tôi cũng được gửi đến tất cả những ai cộng tác với các nhà truyền giáo, qua các Hội Giáo Hoàng truyền giáo bằng cầu nguyện, hy sinh và bằng góp công của  vào việc xây dựng Nước Chúa trên thế giới này. Tôi bảo đảm cầu nguyện cho mỗi một người."

Ðầu thánh lễ, ÐHY Bernardin Gantin, Niên trưởng Hồng Y Ðoàn, nhân danh toàn Giáo hội chúc mừng ÐTC trong dịp được bầu làm Giáo Hoàng cách đây 24 năm.

Theo báo chí, thì đây là lần xuất hiện công khai sau cùng của ÐHY Niên trưởng. Ngoài 80 tuổi, ngài đã xin ÐTC cho về Bénin (quê hương của ngài) để nghỉ. ÐTC đã chấp thuận. Trong thời gian tới đây, các Hồng Y sẽ hội họp để bầu Vị Niên trưởng mới. Vị Niên trưởng chỉ được chọn trong số 5 Hồng Y thuộc bậc  Giám mục: ÐHY Joseph Ratzinger, ÐHY Angelo Sodano, ÐHY Roger Etchegaray, ÐHY Alfonso Lopez Trujillo và ÐHY Giovanni Battista Re. Rất có thể các vị sẽ bầu ÐHY Ratzinger, hiện đang giữ chức phó Niên trưởng, thay ÐHY Gantin. Ðức Ratzinger là một trong các Hồng Y lỗi lạc và nhiều uy tín. Dĩ nhiên, từ thời Ðức Gioan XXIII, các Hồng Y đều có chức Giám mục;  nhưng theo truyền thống, Hồng Y Ðoàn được chia thành ba bậc: bặc Hồng Y Giám mục (chỉ có 5 vị mà thôi), bậc Hồng Y Linh mục (hầu hết là các vị Hồng Y Tổng giám mục coi sóc các giáo phận lớn trên thế giới) và bậc Hồng Y Phó Tế (thường là các vị Hồng Y giữ một trong các chức vụ quan trọng  tại giáo triều Roma) Vị  Hồng Y  thuộc bậc Hồng Y Phó Tế, sau 10 năm, có thể làm đơn xin lên bậc Hồng Y Linh mục.

Nhiều phái đoàn chính phủ  tham dự Thánh lễ của các Vị Chân phước. Phái đoàn chính phủ Uganda do Phó Tổng thống, Bà Speciosa Wandira Kazibwe cầm đầu - Phái đoàn Pháp do ông Francois Fillon, Bôï trưởng Xã hội, hướng dẫn - Phái đoàn Ý, do ông Mario Pescante, thứ trưởng Bộ Tài sản văn hóa, cầm đầu.

Với lễ nghi Phong Chân phước Chúa nhật 20/10/2002, ÐTC đã tôn phong lên bậc Chân phước 1,303 vị và Hiển Thánh 465 vị.

Nhân Ngày thế giới truyền giáo, trong bài phỏng vấn dành cho Hãng thông tấn Fides, ÐHY Crescenzo Sepe, Tổng trưởng Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc, phàn nàn vì nhiều nhà truyền giáo, có khuynh hướng thực hiện những công việc từ thiện bác ái xã hội, mà  quên đi việc rao giảng Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người. Ngài nói: "Cám dỗ lớn lao của những thập niên vừa qua, cũng vì những trào lưu của các ý thức hệ thuộc nhiều nhãn hiệu khác nhau, là cám dỗ bỏ qua việc rao giảng trực tiếp Chúa Kitô và chiều kích thiêng liêng của sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cho người ngoài, "ad gentes ". ÐHY giải thích: "Việc sao nhãng hay qua bỏ này,  đã đưa một số nhà  truyền giáo đến việc giới hạn bổn phận chính của mình vào một loại hành động do từ tâm, nhưng trống rỗng về tinh thần, vào những hoạt động xã hội, dù có ích lợi cho người dân, nhưng thiếu chiều kích tông đồ, như Sách Công vụ đã nói rõ ràng cho toàn Giáo hội thuộc bất cứ thời đại nào: "Chúng ta bỏ qua Lời Chúa để phục vụ bàn ăn là điều  không hợp lý". Cần huấn luyện và để cho người giáo dân tham dự vào công việc mục vu,ï trong những gì thuộc phạm vi của họ.

 

(TÐK)

 


Back to Home Page