Giáo hội Công Giáo Nam Hàn:
chiếc cầu nối giữa hai miền Bắc và Nam Hàn
Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
Giáo hội Công
Giáo Nam Hàn: chiếc cầu nối giữa hai miền Bắc và Nam Hàn.
Sáng thứ Năm,
14/03/2002, trong buổi tiếp kiến dành cho Tân Ðại Sứ Nam Hàn,
Tiến sĩ Seo Hyunseop, trình thư
ủy nhiệm, ÐTC ca ngợi những cố gắng của Giáo hội Công Giáo
Nam Hàn trong việc tự đứng ra làm "chiếc cầu nối giữa
hai miền Bắc và Nam Ðại Hàn" bị phân chia sau chiến tranh
1950-1953.
Nhắc lại sứ
điệp ngày cầu nguyện cho Hòa bình Thế Giới, mùng 1 tháng
giêng 2002: " Không có hòa bình, nếu không có công lý. Không
có công lý, nếu không có tha thứ",
ÐTC nhấn mạnh đến việc phải phá đổ "bức tướng
của thù địch", được xây dựng tại vĩ
tuyến 38 phân chia Dân tộc Ðại hàn". ÐTC nói thêm rằng:
"Công lý, hòa bình và tha thứ là những giá trị không thể
tách rời ra khỏi nhau. Giáo hội Công Giáo sẽ tiếp tục rao
giảng và làm chứng để giúp đỡ các dân tộc, cách riêng
dân tộc Ðại Hàn hiện đang ở trong tình trạng phân chia, xây
dựng một tương lai của hòa giải và hòa thuận".
ÐTC khuyến khích
tiếp tục con đường hòa giải giữa Bắc và Nam Hàn đã
được khởi sự từ năm 1960 do sáng kiến và những tiếp
xúc của Giáo hội Công Giáo Nam Hàn và cách đây hai năm do
đường lối chính trị can đảm của Tổng thống tiên khởi người
Công Giáo, ông Kim Dae-jung.
Ông đã viếng thăm Bắc Hàn, để thảo luận với Chủ tịch
Bắc Hàn về việc thống nhất Ðất nước. Thành quả đầu tiên của chuyến viếng thăm
là việc đoàn tụ các gia đình bị phân tán từ 40 năm
nay. Ðây là một con đường đầy khó khăn, nhưng cũng đã
có những bước tiến đáng khích lệ. ÐTC nói: "Thưa Ðại sứ,
Xứ sở của Ngài, đang trải qua một giai đoạn rất tế nhị
trong mối quan hệ giữa miền Bắc và miền Nam và chúng ta phải
hy vọng rằng: với việc biểu lộ thiện chí và tiến bộ, tuy
khiêm tốn, sẽ đi đến chỗ chín muồi và thiện chí này không
bị cản trở bởi những lo lắng không liên hệ trực tiếp đến
nền thịnh vượng của dân tộc Ðài Hàn nói chung".
Việc hòa giải
giữa hai miền Bắc và Nam Ðại Hàn là một thách đố liên
hệ đến toàn miền Viễn Ðông và
cả thế giới nữa, trong một địa cầu mỗi ngày mỗi liên hệ
thêm, trên bình diện chính trị, kinh tế và truyền thông xã hội.
Vì thế ÐTC khuyến khích các Quốc gia không nên chỉ lo giới hạn
mối quan hệ ngoại giao vào khía cạnh kinh tế hay các dịch vụ
khác mà thôi. Mối quan hệ quốc tế trước hết phải nhằm đến
phục vụ việc phát triển toàn diện con người và các các
dân tộc.
Nhân dịp kỷ
niệm 40 năm thành lập Hàng Giáo phẩm tại Nam Hàn, Giáo hội
Công Giáo tại đây nêu cao dấn thân này, là "trở nên
Giáo hội của hiệp thông". Ngày 10 tháng 3 năm 1962, các Giáo
phận đại diện Tông Tòa tại Ðại Hàn được cất nhắc lên
thành giáo phận chính tòa; và
từ đó đến nay, Giáo hội
Công Giáo Nam Hàn luôn luôn phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng.
Tháng 5 năm
1984, ÐTC Gioan Phaolô II viếng thăm Nam Hàn, nhân dịp
mừng kỷ niệm 200 năm lãnh nhận Tin Mừng, và tôn phong
103 Chân phước Tử đạo Ðại hàn lên bậc Hiển Thánh; số
người Công Giáo lúc đó khoảng một triệu 700 ngàn. Sau chuyến
viếng thăm này, các Giám mục Nam hàn tung ra chiến dịch truyền
giáo: "Mỗi gia đình Công Giáo phải đưa một gia đình ngoài
Công Giáo trở lại". Tháng 10 năm 1989, sau 5 năm, ÐTC trở
lại viếng thăm Nam Hàn một lần nữa nhân dịp Ðại hội Thánh
Thể quốc tế được tổ chức tại Seoul,
số người Công Giáo Nam Hàn đã lên tới hai triệu rưởi.
Và theo thống
kê do HÐGM Nam Hàn công bố cuối năm 2000, số linh mục Ðại Hàn
hiện nay là 2,891 vị (tăng 10 lần sánh với năm 1962); Giám mục
bản xứ: 23 trên 25 vị; số
người công giáo 4 triệu 71 ngàn, được chia thành 15 giáo
phận và 1,228 giáo xứ. Ngoài ra tại Nam Hàn còn có một giáo
phận quân đội nữa, do một giám mục đặc trách. Dân số
Nam hàn hiện nay khoảng 46 triệu. Số các tín hữu Kitô (Tin lành)
chiếm 19%. Công giáo 10%. Phần còn lại theo các tôn giáo truyền
thống.
Giáo hội Nam
Hàn trong 40 năm qua luôn luôn phát triển, nhưng không thể tránh
khỏi nhiều vấn đề của thời đại tiến bộ về khoa học và
kỹ thuật. Trong những năm vừa qua, Nam Hàn tiến những bước
rất dài về kinh tế, trở nên giầu có, đến độ hiện nay
chiếm chỗ thứ 18 trong số các nước kỹ nghệ trên thế giới.
Với đà tiến mạnh mẽ và nhanh chóng này, việc chạy theo vật
chất, thú vui, và hưởng thụ ... cũng
lan tràn khắp nơi. Trong những năm vừa qua số người lớn
trở lại lãnh Phép rửa tội giảm bớt, cách riêng tại các
thành phố. Tại các miền thôn quê số người trở lại rất
ít, còn liên kết chặt chẽ với những tôn giáo truyền thống,
như Phật giáo và Khổng giáo. Số giáo dân dự thánh lễ các
ngày Chúa nhật và lãnh các bí tích cũng bị sút giảm. Số
các tín hữu khô đạo, kiểu
cách làm việc "bàn giấy", và sự giầu có sung túc của
hàng giáo sĩ , đời sống
tu đức ít sâu xa... đó là những mối lo lắng lớn lao của
các Vị chủ chăn Giáo Hội tại Nam Hàn.
Cha John Shim Sang-tae, giám đốc "Học Viện Tư Tưởng Kitô Ðại Hàn" (Korean Christian Thought Institute), tuyên bố với Hãng Thông tấn Fides rằng: "Ðể trở nên sáng tạo hơn và hướng về tương của Giáo hội tại Ðại Hàn, cần phải cổ võ các mối quan hệ giữa giáo sĩ và giáo dân trong sự tôn trọng và cộng tác với nhau, nhất là phải đề cao vai trò của người phụ nữ trong Giáo hội và có một lập trường vững chắc về các vấn đề xã hội, hiện chưa được giải quyết theo giáo lý xã hội của Hội Thánh".