Vài nét về

Tân Hiển Thánh Josemaria Escrivà de Balaguer

Vị Thánh của công việc hằng ngày

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Vài nét về Tân Hiển Thánh Josemaria Escrivà de Balaguer: Vị Thánh của công việc hằng ngày.

(Radio Veritas Asia - 1/10/2002) - Chúa nhật ngày 06/10/2002, lúc 10 giờ, tại Quảng trường Thánh Phêrô, ÐTC Gioan Phaolô II chủ tế Thánh lễ Phong Hiển Thánh cho Chân phước Josemaria Escrivà de Balaguer, sáng lập "Opus Deì".

Josemaria Escriva sinh tại Barbastro (Tây ban nha) ngày 9 tháng Giêng năm 1902 (cách đây 100 năm). Lúc 15, 16 tuổi, Josemaria đã bắt đầu cảm thấy Chúa gọi mình theo Ngài. Ngày 28 tháng 3 năm 1925 (lúc mới 23 tuổi), Josemaria thụ phong Linh mục. Năm 1927 Cha chuyển về Madrid (thủ đô Tây ban nha) và hoạt động tông đồ trong mọi môi trường.

Ngày 2 tháng 10 năm 1928, Chúa cho Cha thấy rõ ràng về "Opus Dei" (công việc của Chúa). Từ ngày đó cha dành tất cả cuộc đời để thực hiện công việc tông đồ mà Chúa muốn trao phó cho mình. Cùng với một số phụ nữ,  Cha khởi sự công việc ngày 14 tháng 2 năm 1930. 13 năm sau, Cha lập "Hội các Linh mục Thánh Giá, liên kết chặt chẽ với "Opus Dei". Ngoài công việc  tuyển lựa và huấn luyện các đoàn viên giáo dân của mình, lên chức linh mục và được thông công vào công việc của Opus Dei, sau này Cha còn cho phép các Linh mục của Opus Dei hoạt động trong  các Giáo phận để chia sẻ "linh đạo" của Opus Dei.

Năm 1946, Cha đến Roma để phát triển Opus Dei tại Trung tâm Giáo hội và sau cùng qua đời tại đây ngày 26 tháng 6 năm 1975. Lúc ngài qua đời, Opus đã có 60 ngàn đoàn viên trên cả thế giới, thuộc 80 quốc gia khác nhau. Một công việc lạ lùng của Chúa làm qua Cha Josemaria Escrivà de Balaguer. Chỉ trong ít năm, Opus Dei đã lan rộng trên cả thế giới và là một sức mạnh tinh thần gây nên sự ghen ghét, thù địch nơi một số người. Tại Roma, Opus Dei đã gặp nhiều khó khăn và bị nhà cầm quyền nghi ngờ. Có người coi Opus Dei là một "hội kín". Nhưng dần dần Opus Dei đã qua khỏi các thử thách và tiến mạnh ngay tại Thủ đô Giáo hội. Ngày nay, tại Roma, Opus Dei có Ðại học, câu lạc bộ cho thanh niên, trường học đủ các cấp cho mọi tầng lớp. Ngoài  ra, Opus Dei còn nhận trách nhiệm coi sóc các giáo xứ, điều hành các trung tâm văn hóa, nơi đây nhiều vấn đề khó khăn liên kết với gia đình và các đòi hỏi của gia đình được thảo luận và tìm phương thế vượt qua. Các sáng kiến khác nhau, nhưng tất cả đều nhằm một mục đích chung. Trong tất cả các sáng kiến, một khía cạnh duy nhất của đời sống đặc biệt của Vị sáng lập  đều được chiếu dọi: niềm an vui và lạc quan biểu lộ bằng nụ cười liên lỉ và sức cố gắng bình thản trước những nghịch cảnh của cuộc đời hằng ngày. Ðây là một cách giúp làm cho con đường tiến đến sự thánh thiện trở nên dễ yêu, dễ thương. "Servite Deo in laetitia! (Phục vụ Chúa trong an vui).

Sau 17 năm qua đời, ngày 17 tháng năm 1992, ÐTC Gioan Phaolô II tôn phong Cha Josemaria Escrivà de Balaguer lên bậc Chân phước. Số người đến Roma dự thánh lễ  Lễ Phong Chân phước của Cha không thua kém Lễ Phong Chân phước của Cha Pio. Chúa nhật 6/10/2002, chúng ta lại có dịp chứng  kiến "một phép lạ sống động": sức mạnh thu hút của sự thánh thiện và chỉ có sự thánh thiện đời sống mới cải tổ được thế giới ngày nay.

Cha Josemaria Escrivà de Balaguer viết: "Các cơn khủng hoảng của thế giới ngày nay là những cơn khủng hoảng về khan hiếm các vị Thánh". Cha đã sống trong một thời đại lịch sử khó khăn. Chúa đã hướng dẫn ngài thành lập Opus Dei (công việc của Chúa). Nhưng trong thời đại của ngài, việc  thực hiện sứ mệnh Chúa trao phó cho, xem ra không xứng hợp: làm thế nào để rao giảng, để nhắc nhở cho con người ham hưởng khoái lạc, tiện nghị, chạy theo vật chất, quyền bính.... hiểu rằng: họ có bổn phận phải nên thánh?

Dầu vậy Cha vẫn giữ được tinh thần lạc quan (nghĩa là hoàn toàn  tin tưởng vào Thiên Chúa), vì đây là Opus Dei. Nhờ tinh thần lạc quan và tín nhiệm này, Cha luôn luôn thấy trong các khó khăn của đời sống hằng ngày, vẫn có lòng thương xót của Thiên Chúa. Lòng thương xót này không bao giờ mỏi mệt đi tìm con người và những những nhu cầu của con người.

Cha luôn luôn tìm cách làm cho mọi người thấy rõ ràng Thiên Chúa, trong tình người Cha, đầy tình yêu thương, muốn lo lắng đến con người,  qua một người khác, bằng cách tín nhiệm vào họ, vào trí thông minh của họ, vào óc sáng kiến của họ và bằng khả năng của họ biết trao đổi và đáp lại tình yêu thương của Ngài. Tình  huynh đệ của chúng ta (của con người) đáp lại tình người Cha của Thiên Chúa, để đặt tình yêu thương vào tất cả các mối quan hệ với tha nhân, không tinh toán hơn thiệt, ích kỷ và ti tiện. Những tiếp xúc với thanh niên, với người lớn tuổi, với mọi giai cấp xã hội, đều khởi sự từ điểm cốt yếu này: Thiên Chúa cần đến bạn. Bạn không được để Ngài thất vọng. Các người khác cần đến Bạn; Bạn đừng  để họ thất vọng, bởi vì Bạn có giá trị và giá  trị nhiều.

Cha Escriva không nhìn vào những khuyết điểm, bởi vì nếu chỉ nhìn vào khuyết điểm của con người, sẽ không làm được gì cả và trở nên bi quan. Bỏ qua các khuyết điểm để đề cao sự cao cả và trách nhiệm của mỗi con người trước mặt Chúa và trước anh chị em mình. Cha thường nói: "Ước gì đời sống của Bạn không phải là đời sống vô ích. Hãy để lại dấu vết cho đời. Hãy soi sáng đời  bằng đức tin và tình yêu của Bạn". Ðây là chương trình của sự thánh thiện mà Vị Thánh mới trao phó cho mỗi một người trong cuốn "Il Cammino" (Con đường đi), một cuốn sách rất thời danh ---(cũng như Cuốn "Con đường Hy vọng của ÐHY Phanxicô Nguyễn văn Thuận)---, được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau.

Ðây là chương trình cụ thể, nhưng không phải không có những khó khăn mà mỗi người trong chúng ta gặp hằng ngày trong đời sống sống. Cha viết trong Cuốn Il Cammino như sau: "Bạn hãy  xóa bỏ bằng đời tông đồ của Bạn dấu vết xấu xa và tự sát mà những người gieo giống bất lương của thù ghét đã để lại. Và Bạn hãy đốt cháy tất cả các con đường của Trái đất này bằng lửa tình yêu của Chúa Kitô mà Bạn mang trong trái tim".

Cha Escrivà có tài hấp dẫn đặc biệt,  lúc ngài nói với thanh niên, với người lớn và với người già lão, với mọi lớp người trong xã hội, giới thợ thuyền, giới trí thức, người giầu, người nghèo, người thông, kẻ dốt, người lành mạnh, người đau yếu bệnh tật .... Lời ngài  nói, với lửa nóng cháy trong trái tim, gây xúc động  nơi tâm hồn, nơi ý chí, nơi cách ăn ở của người nghe. Ngài nói: "Thiên Chúa ở đó, Ngài yêu Bạn, Ngài chờ đợi Bạn, để cùng với Bạn hoàn tất công việc tạo dựng và cứu chuộc của Ngài. Ngài muốn nhờ bạn để đem hòa bình vào nơi chiến tranh, tình yêu vào nơi oán thù, hoa trái vào nơi khô chồi...".

Những lời này - như lời của Thánh Phanxicô thành Assisi - vẫn còn vang dội trong thời đại ta, lúc thế giới đang bị đe dọa về chiến tranh, lo lắng về khủng bố. Ðây là những lời vạch ra một lý tưởng mạnh mẽ về hòa bình, về thành công của dấn thân và của tình yêu mà mỗi người trong chúng ta có thể đem vào công việc mình làm ngày này qua ngày khác, lúc này qua lúc khác, ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, bất cứ nơi nào: "Chúa ở đó, ở bên Bạn!".

Lễ Phong Thánh của Cha Josemaria Escrivà de Balaguer là cơ hội xác nhận rằng: cùng với Opus Dei những "Con đường của Thiên Chúa" trên trái đất này thực sự đã mở ra. Sự thánh thiện không còn phải là đặc ân của một số ít, được lựa chọn riêng cho những đặc sủng khác thường, nhưng là một thực tại mọi người đạt tới được, mà không cần phải ra khỏi nhà mình hay bỏ nghề nghiệp  của mình, không cần phải từ bỏ những tình yêu quí hơn cả hoặc những giấc mơ lớn lao hơn cả. Mọi người chúng ta có thể thánh hóa bản thân. Tất cả có thể được thánh hóa. Không phải là một ảo tưởng, nhưng là một thực tại mà Giáo hội, qua Lễ phong Hiển Thánh của Cha Escrivà,  đề cao một lần nữa cách mạnh mẽ cho mỗi một tín hữu Kitô, như Phúc Âm nói rõ: "Ngươi hãy trở nên muối đất và ánh sáng thế gian và hãy trở nên trọn lành như Thiên Chúa là Ðấng trọn lành".

Tuy vậy, việc nên thánh không phải quá dễ dàng. Sự thánh thiện xứng hợp và là bổn phận của mọi người, tùy theo ơn gọi riêng của mình; nhưng sự thánh thiện không phải dễ dàng. Nên thánh là điều có thể và là một bổn phận, nhưng môi trường sống xem ra không sẵn sàng giúp ta nên thánh. Ðể nên thánh, mỗi người cần được huấn luyện về mọi phương diện: nhân loại, chức nghiệp, giáo lý, tu dức, và tông đồ. Chúng ta nhớ lời Chúa nói: "Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác Thánh giá hằng ngày và theo Ta". Theo Chúa là gì? Tức là sống đời sống của Chúa. Sống đời sống của Chúa không phải dễ dàng. Ngài nói rõ: "Con đường dẫn đưa đến cuộc sống vĩnh cũu thì chật hẹp, gồ ghề". "Chỉ có những người hùng mạnh, mới chiếm được Nước Trời mà thôi".

 

(TÐK)

 


Back to Home Page