ÐTC tiếp kiến các  Giám mục Brazil

đến Roma viếng Tòa Thánh (Ad Limina)

và nhắc về những lạm dụng do việc hiểu sai

về chức tư tế chung của giáo dân

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

ÐTC tiếp kiến các  Giám mục Brazil đến Roma viếng Tòa Thánh (Ad Limina) và nhắc về những lạm dụng do việc hiểu sai về chức tư tế chung của giáo dân.

(Radio Veritas Asia - 26/09/2002) - Thứ bẩy 21/09/2002, tại Trại hè Castelgandolfo, ÐTC tiếp chung  nhóm thứ ba các Giám mục Brazil, thuộc các Giáo Tỉnh là Mato Grosso do Sud và Mato Grosso, đến Roma  viếng Toà Thánh theo luật định (Ad Limina).

Trong diễn văn đọc cho các Giám mục thuộc nhóm này, ÐTC nói: "Ðể chia sẻ nỗi lo lắng mục vụ với  quý Ðức Cha, trong lúc này tôi đưa ra vài suy tư sau đây, để giúp thi hành thừa tác vụ và việc rao giảng "Mầu nhiệm Chúa Kitô" (Col 4, 3).

Trước hết ÐTC nhấn mạnh đến "sự cộng tác của người giáo dân vào sinh hoạt của  giáo phận, nhưng cách riêng vào thừa tác thánh của Linh mục", rất cần thiết tại Brazil, một quốc gia mênh mông và có con số các người rửa tội đông nhất thế giới (khoảng 120 triệu).

ÐTC nhắc lại giáo huấn của Vatican II, của THÐGM thế giới năm 1987 và của Tông huấn  về "giáo dân" (Christifideles laici). Các văn kiện này nói rõ ràng về "căn cước của người giáo dân được xây dựng trên sự mới lạ và thay đổi tận gốc, do Bí tích Rửa tội" (số 10). Mọi thành viên của Nhiệm Thể Chúa Kitô được mời gọi tham dự cách tích cực vào việc xây dựng  Cộng đồng Dân Chúa. Giáo lý này vang dội trong các văn kiện của Công Ðồng Vaticanô II, như  Hiến chế tín lý về Giáo Hội Ánh sáng muôn dân (Lumen gentium), số 3 - Sắc lệnh về Việc Tông Ðồ Giáo Dân (Apostolicam actuositatem) số 24.

Rồi năm 1997, căn cước này lại được tái xác nhận trong phẩm giá chung và trong sự khác biệt chức vụ: của người giáo dân - của các thừa tác viên trong chức thánh và của các người tận hiến (cf. Istruzione su alcune questioni circa la collaborazione dei laici al ministero dei sacerdoti, Premssa).

ÐTC nhấn mạnh: Cần phải suy tư về sự tham dự-cộng tác này, để thực hiện đúng giáo huấn của Giáo Hội, vì đây là điều rất quan trọng cho đời sống của các giáo phận, nơi đây tất cả các thành viên cộng tác tích cực với nhau.

ÐTC gợi lại: "Trong số các Giám mục hiện diện trong buổi gặp gỡ hôm nay đây, có vài vị sẽ nhớ lại "Cuộc gặp gỡ của tôi với Hàng Giáo dân Công giáo" tại Campo Grande (Brazil)  năm 1991, trong đó tôi đã nhắc lại những hình thức khác nhau của việc tham dự có hệ thống của người giáo dân trong sứ mệnh duy nhất của Giáo hội-hiệp thông, chính trong hoàn cảnh, tại nơi mà Thiên Chúa đã gọi họ hiện diện  trong thế giới này" (số 1).

Giáo hội được thành lập trong thế giới với mục đích tiếp tục sứ mệnh cứu độ của Chúa Kitô. Trong dòng lịch sử, Giáo hội dấn thân chu toàn mệnh lệnh  này, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, qua hành động của các thành viên, trong giới hạn của chức vụ riêng mà mỗi người thi hành trong Nhiệm Thể Chúa Kitô.

ÐTC nói đến sự cộng tác trong Phụng vụ. - Mục tiêu của việc cải cách Phụng vụ do Công đồng Vatican II ấn định, tức là sự cần thiết  đưa "mọi tín hữu đến sự tham dự đầy đủ, ý thức và tích cực" vào các Cử Hành Phụng vụ. Sự tham dự này do chính bản chất của Phụng vụ đòi hỏi, vì dân Chúa là "dòng dõi được chọn, thuộc hàng tư tế và là dân thánh, dân được cứu chuộc"(1 Pt 2, 9), nên có quyền và bổn phận tham dự vào,  do Bí tích Rửa tội, (x. SC số 14).

Sau khi nhắc lại giáo lý và chỉ thị của Tòa Thánh, ÐTC nói đến những lạm dụng xẩy đến tại nhiều nơi, sau Công đồng Vatican II, không phân biệt thừa tác vụ thánh của Linh mục với chức linh mục chung của người giáo dân. Những lạm dụng này  xảy ra  trong cử hành phụng vụ Thánh Thể; đó là khi linh mục và giáo dân đọc chung Kinh Nguyện Thánh Thể ---hoặc khi có linh mục hiện diện mà không giảng, nhưng để cho  giáo dân giảng (x. Inestimabile donum - 3/04/1980, Premessa).

ÐTC giải thích tại sao có những lạm dụng như vậy: thường do nguồn gốc của những sai lầm về giáo lý, nhất là đối với bản chất của Phụng vụ, của Chức linh mục chung của người giáo dân, của ơn gọi và sứ mệnh của người giáo dân đối với Thừa tác vụ thánh của các linh mục.

ÐTC nhắc rằng: tuy  "Phụng vụ là hành động của tất cả Nhiệm Thể Chúa Kitô, Ðầu và các chi thể, (Sách Giáo lý Giáo hội công giáo, số 1071),  Là hành động của tất cả các tín hữu, bởi vì tất cả được  thông công vào Chức linh mục của Chúa Kitô (cũng Sách Giáo lý, số 1141 và 273),  Nhưng không phải tất cả có chức vụ như nhau, bởi  vì không phải tất cả tham dự một cách như nhau vào Chức Linh mục của Chúa Kitô. Do Bí tích Rửa tội, mọi tín hữu thông công vào Chức Linh mục của Chúa: chức linh mục này được gọi "chức linh mục chung của các tín hữu". Ngoài chức linh mục chung này, và để phục vụ Nhiệm Thể Chúa Kitô, còn có sự tham dự khác vào sứ mệnh của Chúa Kitô, đó là sự tham dự do chức linh mục thừa tác, được trao ban cho với Bí tích Phong Chức (Sách Giáo lý, số 1591).ÐTC giải thích thêm rằng: "Chức linh mục chung và chức linh mục thừa tác (phẩm trật): bản chất rất khác nhau và không những về cấp bậc, nhưng cả hai, mỗi chức vụ trong thể thức riêng của mình, tham dự vào chức linh mục duy nhất của Chúa Kitô. Linh mục được phong chức, với quyền chức thánh lãnh nhận, huấn luyện và hướng dẫn dân Công giáo, thực hiện việc tế lễ (cử hành Thánh Thể) "in persona Christi"  nhân danh Chúa Kitô, và dâng lên Chúa Cha nhân danh tất cả Dân Chúa - Các tín hữu, vì chức linh mục tư tế chung của mình, tham dự vào việc cử hành Thánh Thể và thi hành chức linh mục chung  đó bằng việc tham dự vào các Bí tích, bằng cầu nguyện và tạ ơn, bằng chứng tá một đời sống thánh thiện và bằng đức ái tích cực  sống động" (x. Lumen gentium , số 10).

ÐTC nói tại sao ngài giải thích rõ ràng sự khác biệt bản chất giữa hai chức linh mục. Ðể các vị chủ chăn có thể giải thích cách rõ ràng hết sức và trong sự đơn sơ, hầu giúp các người giáo dân tránh khỏi việc thi hành trong Phụng vụ tác vụ thuộc hoàn toàn về chức linh mục thừa tác, bởi vì chỉ có chức linh mục thừa tác này mới hành động "in persona Christi capitis" (nhân danh Chúa Kitô, là Ðầu Nhiệm Thể)  mà thôi.

Ðức Gioan Phaolô II đã nhắc lại nhiều lần sự lẫn lộn, việc đặt ngang hàng chức linh mục chung với chức linh mục thừa tác, việc ít tuân giữ các luật lệ của Giáo hội, việc giải thích "độc đoán" về quan niệm "thay thế" , khuynh hướng "giáo sĩ hóa" người giáo dân ... Tất cả cho thấy rằng: các vị chủ chăn cần phải tỉnh thức để tránh những lạm dụng và việc  dễ dàng  nạy đến "những trường hợp khẩn cấp"  tại những nơi  thực sự không có như vậy, và tại những nơi có thể tìm cách bù lại,  bằng một chương trình mục vụ hợp lý hơn (x. Christifideles laici , số 23).

ÐTC nhắc lại những chức vụ và việc làm mà người giáo dân không có chức thánh, có thể thi hành trong việc cộng tác vào mục vụ, nhưng họ phải được chuẩn bị xứng đáng bởi các vị chủ chăn trong chức thánh và theo đúng khoản Giáo luật 228, 1.

Ðiểm quan trọng khác được ÐTC nhắc lại: Các thành viên của Hội đồng mục vụ giáo phận hay giáo xứ chỉ được hưởng quyền "cố vấn" mà thôi, và không bao giờ được quyền quyết định (xem văn kiện trên). Giám mục sẽ lắng nghe người giáo dân, hàng giáo sĩ , để có ý kiến;   các vị này --- giáo dân hay hàng giáo sĩ --- không được có quyết định dứt khoát, bởi vì quyền quyết định sau cùng thuộc quyền Giám mục (Giáo luật khoản 212 và 512 , 2 ).

 


Back to Home Page