ÐTC nhận lời mời

viếng thăm Quốc hội Cộng hòa Ý

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

ÐTC nhận lời mời viếng thăm Quốc hội Cộng hòa Ý.

(Radio Veritas Asia - 25/09/2002) - Ngày 14 tháng 11 năm 2002, Ðức Gioan Phaolô II sẽ viếng thăm Quốc hội Cộng hòa Ý, gồm  cả Thượng và Hạ viện họp chung lại, do lời mời chính thức của hai vị Chủ tịch Hạ viện và Thượng viện. Trong dịp này, ÐTC sẽ  đọc  diễn văn cho giới chính trị, một diễn văn rất được chờ đợi, trước sự hiện diện của Tổng thống Cộng hòa, ông Carlo Arzeglio Ciampi và Ngoại giao đoàn cạnh Chính phủ Ý.Cách đây hai năm, Chủ tịch Hạ viện, Ông Luciano Violante, cựu đảng viên cộng sản và ông Nicola Mancino, cựu đảng viên Dân chủ Công giáo, đã mời ÐTC viếng thăm Quốc hội vào ngày 12 tháng 5 Năm Thánh 2000, (sáu ngày trước Ngày mừng Thượng thọ 80 tuổi của ngài). Cho dù lúc đó ÐTC  muốn viếng thăm, nhưng không thể nhận lời mời được, vì nhiều công việc của Năm Thánh. Chuyến  viếng thăm được dời lại vào tháng giêng hay tháng hai năm 2001. Nhưng sau đó, thấy rằng: chuyến viếng  thăm xẩy ra trước những ngày bắt đầu cuộc vận động bầu cử Quốc hội, sẽ không thuận tiện và rất có thể bị giải thích sai lầm, nên một lần nữa chuyến viếng thăm phải đình lại.

Nhớ đến lời mời trước đây của các bạn đồng nghiệp, Ông Ferdinando Casini, người Công giáo, chủ tịch Hạ Viện, trong chuyến viếng thăm Vatican, ngày  22 tháng 6 năm 2002, đã nhắc lại lời mời cách đây hai năm. Nhưng ÐTC chưa trả lời dứt khoát. Thứ ba, 24/09/2002  tin ÐTC viếng thăm Quốc hội được ấn định vào ngày 14 tháng 11 năm 2002 đã do Ðài Truyền hình quốc gia Ý tung ra và sau đó đã được  Tiến sĩ Navarro Valls, phát ngôn viên và Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, xác nhận. Ông tuyên bố: "ÐTC đã chấp nhận lời mời viếng thăm Quớc Hội Italia,  trong khóa họp chung của Lưỡng viện. ÐTC vui lòng chấp nhận lời mời và ngài sẽ đến thăm vào ngày 14 tháng 11 năm 2002". Như vậy, đây là lần thứ nhất trong lịch sử, một Vị Giáo Hoàng đến viếng thăm Quốc hội Cộng hòa Ý, kể từ ngày thống nhất Ðất nước Italia, năm 1870 đến nay.

Nhưng không phải lần thứ nhất Ðức Gioan Phaolô II đến viếng thăm một Quốc hội của một Quốc gia. Ngày 11 tháng 6 năm 1999, trong chuyến viếng thăm lần thứ bẩy tại Ba lan, ngài đã viếng thăm Quốc hội tại Varsawa và đọc diễn văn quan trọng, đã được mọi người vỗ tay hoan hô hơn 20 lần và cuối cùng tất cả Dân biểu và Nghị sĩ đứng dậy vổ tay hoan hô lâu 10 phút. Có lẽ từ đó, người dân Ba lan, bất cứ thuộc tôn giáo, khuynh hướng chính trị nào, đều hãnh diện và coi ngài như " Vị cứu tinh của dân tộc BaLan".  Lúc đó, trong diễn văn đọc trước Quốc hội Ba lan (Lưỡng viện), Tổng thống Cộng hòa và ngoại giao đoàn cạnh chính phủ Ba lan, ÐTC mời gọi cựu Lục địa đừng chỉ khép mình vào những quyền lợi kinh tế và chính trị riêng mình, nhưng hãy trở nên" một cộng đồng Châu Âu lớn lao, mở rộng nhãn giới đến các vấn đề của Thế giới ngày nay". ÐTC vẫn chủ trương: Việc thống nhất Châu âu phải được thực hiện từ Ðại Tây dương đến miền núi Oural, nghĩa là gồm các quốc gia của Châu lục, không trừ một nước nào, từ Ðông sang Tây. Và Châu âu thống nhất này phải được xây dựng trên các giá trị của nền văn hóa Kitô.

Tháng 10 năm 1988, Ðức Gioan Phaolô II cũng đã viếng thăm Quốc hội Châu Âu tại Strasbourg. Diễn văn của ngài đọc trong dịp này là một diễn văn đáng ghi nhớ. Lúc đó Khối Cộng sản Liên xô chưa tan rã. Và ÐTC đã nêu lên một trong những thách đố lớn lao hơn cả của Châu Âu: thách đố về tự do trong chế độ cộng sản và thế giới Hồi giáo. Rồi ngài quả quyết: Không một chế độ nào có quyền cưỡng ép tất cả mọi người  theo một tín ngưỡng hay một ý thức hệ nhất định, nhưng đồng thời ngài cũng công nhận rằng, trong lịch sử, các tín hữu Kitô đã không luôn luôn là những người bênh vực tự do. Ngài nói: "Kitô giáo trong thế giới Latinh ở thời Trung cổ, đã không hoàn toàn tránh khỏi những cám dỗ về việc loại trừ khỏi cộng đồng trần thế những ai không tuyên xứng đức tin kitô".

Ðức Gioan Phaolô II đã viếng thăm Trụ sở LHQ hai lần và đọc diễn văn quan trọng trước Khóa họp khoáng đại: lần thứ nhất 2/10/1979 và lần thứ hai 5/10/1995. Nhưng ngài không phải là vị Giáo Hoàng thứ nhất viếng thăm Trụ sở LHQ. Trước ngài Ðức Phaolô VI (1963-1978) đã lên tiếng tại đây 4/10/1965, và nhấn mạnh: "Ðừng bao giờ xẩy ra chiến tranh nữa".

Ngoài các chuyến viếng thăm quốc tế và những cuộc gặp gỡ các nhà chính trị địa phương, cũng nên nhắc lại các buổi tiếp kiến tại Vatican hay tại Castelgandolfo, ÐTC dành cho các phái đoàn quốc hội của mỗi nước; chẳng hạn lần ÐTC tiếp kiến nhóm Liên quốc hội (do Nghị sĩ Giulio Andreotti, người Ý, cổ võ). Chính do lần tiếp nhóm Liên quốc hội này,  mà nẩy sinh trong năm 1988, sáng kiến tổ chức Ngày Toàn xá (năm thánh 2000) của giới chính trị và của các Dân biểu và Nghị sĩ quốc hội thế giới. Ngày Toàn xá này đã diễn ra trong hai ngày 4-5 tháng 11 năm 2000 tại Thính đường Phaolô VI trong Nội Thành Vatican, với sự tham dự của các nhà chính trị đến từ các quốc gia khác nhau trên thế giới. Chính trong dịp này Ðức Gioan Phaolô II tôn phong Thánh Thomas More ----bị  Vua Henri VIII (Anh quốc) án tử hình năm 1535 và được tôn kính như Vị Tử đạo của Giáo hội công giáo,----- làm Quan Thầy các nhà chính trị và dân biểu, nghị sĩ quốc hội.

Bình luận về chuyến viếng thăm  tới đây tại Quốc hội Cộng hòa Ý, nhật báo La Stampa số ra ngày 25/09/2002, viết như sau: "Ðây là một chuyến trở về nhà của mình, bởi vì trước đây Tòa nhà Quốc hội là  của Tòa Thánh, đã được Ðức Innocenzo X (1644-1655) cho xây cất, để làm Trụ sở của các cơ quan Giáo Triều Roma. Sau khi Quốc Gia Tòa Thánh bị chiếm và thống nhất nước Ý năm 1870, các cơ sở của Tòa Thánh bị chuyển sang chủ quyền của quốc gia". Nhật  báo này viết tiếp: "Nhưng Ðức Karol Wojtyla sẽ không chỉ được nhớ như Vị Giáo Hoàng viếng thăm Quốc hội Cộng hòa Ý lần thứ  nhất trong lịch sử, nhưng ngài còn được nhớ như Vị Giáo Hoàng chiếm nhiều kỷ lục hơn cả trong lịch sử Giáo hội. Ngài đã ghi vào sổ Các Hiển Thánh và Chân phước nhiều hơn tất cả các Vị Tiền nhiệm của ngài, từ trước tới giờ cộng  lại. Ngài đã viếng thăm 120 quốc gia lớn nhỏ trên Thế giới này. Ngài có thể xử dụng dễ dàng   tám thứ tiếng khác nhau. Ngài là một nhân vật chiếm nhiều "chổ" hơn cả trong lãnh vực truyền thông xã hội - Ngài là người đã gặp gỡ và tiếp xúc nhiều nhất trên thế giới với mọi giai cấp xã hội và nhất là với các đám đông biển người. Tiểu sử của ngài đã được diễn tả bằng các cuốn phim hoạt họa năm 1983, do nhà xuất bản Hoa kỳ Marvel Comiccs. Năm 1994 Tờ báo "Time" tặng ngài tước hiệu "nhân vật trong năm".

 

(TÐK)

 

 


Back to Home Page