Vài hàng vắn tắt tiểu sử của ÐHY John Baptist
Wu Cheng-Chung (Hồ Chấn Trung)
Giám Mục Hồng kong qua đời ngày 23/09/2002
Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
Vài hàng vắn
tắt tiểu sử của ÐHY John Baptist Wu Cheng-Chung (Hồ Chấn Trung)
Giám Mục Hồng kong qua đời ngày 23/09/2002.
(Radio Veritas
Asia - 24/09/2002) - Trong một tháng Giáo hội Công giáo chịu tang lớn
ba lần: ÐHY Lucas Moreira Neves, cựu Tổng trưởng Bộ Giám mục,
người Brazil, một trong các Hồng Y nổi tiếng, qua đời ngày 8/09/2002,
tại bệnh viện Piô XI, thọ 77 tuổi - ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn
văn Thuận, một chứng nhân đức tin và hy vọng, Chủ tịch Hội
đồng Công lý và Hòa bình, qua đời ngày 16/09/2002, cũng tại
Casa di Cura Pio XI, thọ 74 tuổi, và
ÐHY John Bpatist Wu Cheng-chung (Hồ Chấn Trung), Giám Mục Hồng kong,
qua đời ngày 23/09/2002, thọ 77 tuổi.
Với sự
qua đi của ÐHY Wu Cheng Chung, Viện Hồng Y hiện nay còn 115 vị
dưới 80 tuổi, nghĩa
là có quyền vào Mật viện bầu Giáo Hoàng mới và 56 vị trên
80 tuổi, không còn được vào Mật viện và cũng không còn
giữ chức vụ nào trong Giáo Triều hay trên thế giới.
ÐHY Wu Cheng-chung
sinh ngày 26 tháng 3 năm 1925, thuộc giáo phận Kaying - thụ phong
linh mục ngày 5 tháng 7 năm 1952. Ngài được gửi đến học
tại Roma và là cựu sinh viên của Giáo Hoàng Học viện Thánh
Pietro (cùng thời với ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Thuận), trong
những năm từ 1953-1956. Ngài đậu Tiến sĩ Giáo
luật với luận án "De
forma canonica extraordinaria celebrationis Matrimonii" (Hình thức ngoại
lệ của việc cử hành Bí tích Hôn phối). Luận án này đã
được in ra tại Hồng Kong.
Sau đó ngài
trở về làm việc mục vụ tại Hồng kong, rồi đi Hoa kỳ, để
học hỏi thêm tại các Tòa Tổng Giám mục Boston, New York
và Chicago về những thủ tục luật pháp và hành chánh. Trong
thời gian tại Hoa kỳ ngài hăng say trong việc giúp các tín hữu
Trung quốc sinh sống tại đây về đàng thiêng liêng, đồng thời
nghiên cứu thêm nhiều vấn đề liên hệ đến công việc mục
vụ.
Từ Hoa kỳ trở
về, ngài được Ðức Cha Peter Tou, Giám mục giáo phận
Hsin-chu (Ðài Loan) mời làm cha phó tại giáo xứ Tou Fen và Ta
Hu, và làm Tuyên úy của "Legio Mariae" (Ðạo binh Ðức Mẹ)
(1958-1959). Sau một thời gian, ngài được bổ nhiệm làm cha sở
một giáo xứ đông tín hữu hơn cả: giáo xứ Hsin Miaoli.
Ngày 5 tháng 4
năm 1975, Ðức Phaolô VI bổ nhiệm cha làm Giám mục Hồng kong
và được tấn phong ngày 25 tháng 7 cũng năm 1975. Ngày 28 tháng
6 năm 1988, Ðức Gioan Phaolô II thăng ngài lên Hồng Y. Năm
1996, vì sức khỏe yếu kém, ngài đã xin ÐTC bổ nhiệm Cha
Joseph Zen Zekiun làm Giám mục phó với quyền kế vị.
ÐHY Wu Cheng
Chung là "chiếc cầu nối" giữa Hồng kông và lục địa
Trung quốc. Năm 1986, lúc chưa làm Hồng Y, ngài là vị giám mục
thứ nhất được
mời viếng thăm Trung quốc, kể từ năm 1949, lúc Cộng
sản lên nắm quyền tại Trung quốc. Trong chuyến ra đi này ngài
đã viếng thăm Bắc kinh và Thượng hải.
Năm 1997, ngài
là vị giám mục đầu tiên sống trong lúc Hồng kong được trả
lại chủ quyền của Bắc kinh. Từ đó ngài vẫn hăng say hoạt
động để xây dựng cái mà nhật báo "Quan Sát Viên Roma"
gọi là "chiếc cầu thiêng liêng",
có thể nối kết tất
cả các người Công giáo Trung quốc (Lục địa, Ðài Loan và
Hồng kong).
Sống trong hoàn
cảnh khó khăn, ÐHY luôn luôn trung
thành với đức tin, hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ và
với Vị kế nghiệp Phêrô. Lòng trung thành này đã được
ÐTC nhấn mạnh trong bức điện văn chia buồn gửi cho Ðức Cha
Joseph Zen Zekiun, kế vị ÐHY quá cố. ÐTC viết: "Việc kính nhớ
ÐHY Trung quốc sẽ sống mãi trong tâm hồn cộng đồng Công giáo
mà ngài đã trung thành phục vụ". Cũng trong điện văn chia
buồn, ÐTC biểu lộ lòng biết ơn của ngài về sự cộng tác
hữu hiệu với Tòa Thánh và với riêng ngài
trong Triều Giáo Hoàng của ngài.
Ðể biểu lộ
cách cụ thể lòng biết ơn và quí mến đối với vị chủ chăn
nhiệt thành và không biết mỏi mệt này, ÐTC đã cử ÐHY
Crescenzo Sepe, Tổng trưởng Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các dân
tộc, nhân danh ÐTC, chủ tế thánh lễ an táng được cử hành
thứ bẩy 28 tháng 9/2002,
trong nhà thờ chính tòa Hồng kong.
Trong bài viết
về tiểu sử của ÐHY Wu Cheng-chung, nhật báo L'Osservatore Romano,
số ra ngày 24/09/2002, nhấn
mạnh rằng: Từ ngày mùng một tháng 7 năm 1997, Giáo hội tại
Hồng kong ---(trở lại chủ quyền Bắc kinh)--- đã dấn thân
trong một lô chương trình huấn luyện, để cổ võ sự hiểu
biết giữa các người Công giáo địa phương (Hồng kông) và
Giáo hội Trung quốc. Bài báo nhắc lại: ÐHY Wu Cheng Chung,
Giám mục Hồng kong luôn luôn chủ trương rằng: "Trên
các vấn đề khác nhau, như gia tài lịch sử của mối quan hệ
giữa Nhà nước và Tôn giáo và các Phụng vụ, chúng ta có
thể thảo luận và cũng có thể đi đến một thỏa hiệp, nhưng
trên vấn đề đức tin và quyền bính của Ðức Giáo Hoàng
thì không thể tranh luận, bởi vì "Giáo hội là duy nhất và
Ðức Giáo Hoàng là đầu và tất cả các tín hữu Công giáo
là thân thể".
Ðây là lập
trường bất di bất dịch mà Ðức Hồng Y Wu Cheng Chung đã biểu
lộ rõ ràng và luôn luôn nắm vững trong hoàn cảnh khó khăn
của Giáo hội tại Hồng kong, một lập trường đáng làm gương
cho những vị chủ chăn khác nữa. ÐHY Wu Cheng Chung cũng như ÐHY
Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, trung thành với đức tin, với
Giáo hội và với Ðấng kế vị Phêrô.
Lòng trung thành và lập trường bất di bất dịch này đã
được ÐTC nhắc lại trong bài giảng thánh lễ an táng ÐHY
Phanxicô Xavie Nguyễn văn Thuận, chiều thứ sáu 20
tháng 9/2002, trong Ðền thờ
Thánh Phêrô, trước sự
hiện diện của Giáo Triều Roma, của 174 phái đoàn ngoại giao
cạnh Tòa Thánh, của đại diện Việt nam
và của khoảng 10 ngàn giáo dân. ÐTC nói: "Ngài (ÐHY
Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận) kể lại trong những năm bị
giam tù: ngài đã hiểu rằng nền tảng của đời sống Kitô
là "chọn Thiên Chúa mà thôi", bằng cách phú thác hoàn
toàn trong tay Người". ÐTC nói thêm: "Ðức Hồng Y Phanxicô
Xaviê Nguyễn Văn Thuận nhận xét: Các Vị Tử đạo đã dạy
chúng ta luôn luôn thưa: xin vâng,
xin vâng không điều kiện và không giới hạn đối với
lòng yêu mến Chúa; nhưng cũng phải biết nói lên "Không"
cách cương quyết trước tất cả những lời phỉnh nịnh, những
thỏa hiệp, những bất công; đừng vì những lợi lộc vật
chất hay danh vọng chóng qua, để cứu vãn sự sống tạm bợ
đời này".
Phần ÐHY Wu
Cheng Chung, Ngài luôn luôn nhớ lại lời ÐTC viết trong thư gửi
cho Giáo phận, lúc Hồng kong trở lại chủ quyền của Bắc kinh.
"Ðây là một biến cố lịch
sử đối với dân tộc Trung quốc, nhưng cũng là một thời
điểm quan trọng và ý nghĩa đối với Cộng đồng Giáo phận Hồng Kông... Là một biến cố, vì thế phải
được sống với tinh thần đức tin và trong thái độ cầu
nguyện và tín nhiệm vào Chúa Quan Phòng, Ðấng hướng dẫn cách
mầu nhiệm dòng lịch sử nhân loại".
Trong thư, ÐTC khuyên Cộng đồng Công giáo Hồng kong như sau: "Trong bối cảnh mới của lịch sử, thực ra sứ mệnh của Cộng đồng Công giáo là sứ mệnh đồng hành với mọi người trên con đường tiến đến những tiến bộ thêm nữa trong lãnh vực xã hội, trong hòa bình và trong tình liên đới". Cũng trong dịp này, ÐTC nói lên sự gần gũi của ngài và bảo đảm lời cầu nguyện cho Cộng đồng trong giai đoạn lịch sử mới và có thể sẽ khó khăn. Ngài không quyên chào thăm với tình yêu mến tất cả các người Công giáo tại Lục địa, hiệp nhất trong những ngày lịch sử này với anh chị em Công giáo tại Hông kông.