ÐTC tiếp kiến

phái đoàn Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp

 

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

ÐTC tiếp kiến phái đoàn Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp.

"Chúng ta phải đi sâu xa hơn nữa vào trong sự cộng tác của chúng ta;  chúng ta phải cùng nhau hoạt động để làm cho tiếng nói của Tin Mừng vang dội cách mạnh mẽ tại Châu Âu này, nơi đây nguồn gốc Kitô của các dân tộc phải được tái sinh".

Ðây là những lời quan trọng Ðức Gioan Phaolô II nói với Phái đoàn của Giáo hội chính thống Hy lạp sáng thứ hai 11/03/2002, trong buổi tiếp kiến tại Vatican. Như chúng tôi đã loan tin trước đây: Phái đoàn Giáo hội chính thống Hy lạp, do Ðức Giáo Chủ Christodoulos, TGM  Athènes và toàn thể Hy lạp, gửi đến Vatican trong những ngày này để thảo luận về sự dấn thân chung giữa các người công giáo và chính thống, trong lúc Ủy Ban soạn thảo Hiến Pháp chung Châu Âu bắt đầu làm việc. Sau một tuần lễ viếng thăm,  Phái đoàn sẽ từ giã Vatican vào thứ thứ tư ngày 13/03/2002.

Trong những ngày trước và sau buổi tiếp kiến, Phái đoàn  tiếp xúc và làm việc với các cơ quan Tòa Thánh, như Bộ Giáo lý đức tin, Hội đồng cổ võ sự hiệp nhất các tín hữu Kitô và Bộ Ngoại giao Tòa Thánh.

Trong bài nói chuyện hôm nay chúng tôi xin nhắc lại những diểm chính trong diễn văn quan trọng Ðức Gioan Phaolô II đọc trước phái doàn thứ hai vừa qua.

Trước hết ÐTC biểu lộ niềm hân hoan được tiếp đón phái đoàn tại Vatican với hy vọng này là trong tương lai tình huynh đệ và sự hiệp thông được phát triển và thắt chặt thêm mãi. Ngài bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với Ðức Christodoulos, TGM Athènes và Toàn thể Hy lạp, đã gửi phái đoàn các sứ giả hòa bình đến Roma, sau cuộc gặp gỡ huynh đệ giữa ngài và Ðức TGM trong cuộc hành hương tại "Diễn Ðàn" Athên (Areopago)  tháng 5 năm  2001, theo vết chân Thánh Phaolô, Tông Ðồ dân ngoại.

ÐTC nhấn mạnh rằng: việc hiểu biết nhau, việc trao đổi tin tức, cũng như việc đối thoại thành thực về những phương tiện để tái lập mối quan hệ giữa hai Giáo hội, tạo nên điều kiện cần thiết để có thể tiến đến một tinh thần huynh đệ giáo hội. Và đây cũng là điều kiện thiết yếu để thực hiện sự cộng tác, để các tín hữu công giáo và chính thống cùng nhau đem đến một chứng tá chung và sống động về phần gia tài Kitô chung. Sự cộng tác này, giờ đây đã đến, trong bối cảnh biến chuyển của cựu Lục địa.

Tưởng cũng nên nhớ lại rằng: Hai Giáo hội đã đồng hành với nhau trong 10 thế kỷ đầu, nhưng trong 10 thế kỷ tiếp sau thì đã chia rẽ nhau; nay bước vào thế kỷ XXI, hai Giáo hội có bổn phận trở lại con đường chung của 10 thế kỷ đầu. ÐTC nói: "Bổn phận của chúng ta là phải thông truyền phần gia tài Kitô  mà chúng ta đã lãnh nhận. Và chính vì thế, lại càng khẩn cấp hơn nữa là các tín hữu Kitô cống hiến cho xã hội một hình ảnh gương mẫu của thái độ chung của họ, bằng cách đi sâu vào nguồn gốc đức tin Kitô; ước gì họ cùng nhau tìm kiếm một phương dược cho các vấn đề trầm trọng về luân lý do khoa học gây nên và do những thực hành muốn tách lìa khỏi bất cứ việc quy  chiếu nào đến chiều kích siêu việt của con người, thậm chí còn phủ nhận chiều kích này nữa". ÐTC nói thêm: "Giáo hội chính thống Hy lạp, đã bảo tồn được gia tài đức tin và gia tài đời sống Kitô, có một trách nhiệm riêng biệt trong tất cả các vấn đề này".

Ðức Gioan Phaolô II nhắc đến trách nhiệm chung của cả hai Giáo hội. Trách nhiệm này ở tại việc tiến lên trên một con đường chung về sự thánh thiện. "Con đường này- ÐTC nói -  với ơn Chúa giúp, cuối cùng  sẽ đưa chúng ta đến sự hiệp thông hoàn toàn; nhưng sự hiệp thông hoàn toàn này ----ngài giải thích ngay, để tránh những hiểu lầm ---- không phải là sự nhập vào, cũng không phải là một sự  trà trộn, nhưng là một sự gặp gỡ trong chân lý và trong tình yêu thương".

Trong phần kết thúc, nhắc lại lời Thánh Phaolô đã được nêu lên  trong Bản tuyên ngôn chung tại Athènes năm ngoái, ÐTC nói: "Tôi cầu xin Chúa để Người hướng dẫn bước đường của chúng ta, và để chúng ta  có thể lớn lên và sống dồi dào trong tình yêu thương nhau và đối với mọi người". Từ giã các Vị Thượng khách, Ðức Gioan Phaolô II mời gọi cùng nhau tuyên xưng việc Chúa sống lại. Ngài phàn nàn vì hiện nay Lễ Phục sinh chưa được cử hành chung nhau cũng một ngày.

Cũng nên nhắc lại: Cuộc gặp gỡ hôm thứ hai vừa qua sỡ dĩ đã có thể thực hiện được là do chuyến viếng thăm ngày 4 tháng 5 năm 2001 của Ðức Karol Wojtyla tại Athènes. Ðây là chuyến ra đi lịch sử. Ðức Gioan Phaolô II là vị Giáo Hoàng Roma đầu tiên đặt chân lên đất Hy lạp và hôn kính miền đất này. Một chuyến viếng thăm, trong thời gian chuẩn bị,  đã gặp nhiều khó khăn và gây nên những phản ứng khác nhau, tiêu cực cũng như tích cực. Sau cùng, với ơn Chúa, chuyến viếng thăm đã thành công và diễn ra trong bầu khí thân mật. Cái ôm hôn giữa Ðức Gioan Phaolô II và Ðức Christodoulos đã đánh dấu một sự xin tha thứ và đây cũng là một cử chỉ lịch sử sau 10 thế kỷ chia rẽ trầm trọng giữa hai Giáo hội. Trong dịp này ÐTC đã công khai xin tha thứ về những xúc phạm trong quá khứ, như việc bao vây Thành Constantinopoli; và cả những xúc phạm của thời nay nữa.

Trong buổi gặp gỡ lịch sử ngày 4 tháng 5 năm 2001 tại Athènes, hai vị lãnh đạo Giáo hội công giáo Roma và Giáo hội chính thống Hy lạp cùng nhau ngồi tại "Diễn Ðàn" trước bức ảnh Thánh Phaolô Tông đồ, và cùng nhau ký một Bản tuyên ngôn chung về các vần đề của Châu Âu, về phát triển xã hội và kỹ thuật, về chiến tranh. Bản tuyên ngôn đề sự cao dấn thân chung để "làm tất cả những gì có thể, nhằm bảo tồn toàn vẹn nguồn gốc và linh hồn Kitô của Cựu Lục địa Âu Châu".

 


Back to Home Page