Thế giới tưởng niệm và cầu nguyện

trong ngày 11/09

một năm vụ khủng bố kinh hoàng tại Hoa kỳ

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Thế giới tưởng niệm và cầu nguyện trong ngày 11/09 một năm vụ khủng bố kinh hoàng tại Hoa kỳ.

(Radio Veritas Asia - 13/09/2002) - "Từ mọi nơi trên thế giới, biết bao người hướng về Thành phố New York, nơi mà vào  ngày 11 tháng 9 năm 2001, "Tòa Tháp Ðôi" của " Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế" (World Trade Center) bị sụp đổ, do vụ khủng bố kinh hoàng gây nên, mang theo cái chết thê thảm cho biết bao anh chị em vô tội của chúng ta".

Ðây là những  là những lời ÐTC Gioan Phaolô II nói lên, lúc bắt đầu buổi tiếp kiến chung  thứ tư, 11/09/2002, tưởng niệm ngày xẩy ra vụ khủng bố tại Hoa kỳ cách đây đúng một năm. Sau vụ khủng bố ngày 11/09 năm 2001, cũng trong buổi tiếp kiến chung, ÐTC gọi ngày này là "ngày đen tối của nhân loại". Bài suy tư của ÐTC trong buổi tiếp kiến chung thứ tư 11/09/2002 được tập trung vào hai điểm sau đây: Cầu nguyện cho hòa bình và cầu xin lòng thương xót của Thiên Chúa cho mọi người, kể cả cho các người khủng bố.

Buổi tiếp kiến, --- trong Thính đường Phaolô VI, với sự tham dự của hơn tám ngàn người hành hương, đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, trong số này có 300 tín hữu Hoa kỳ  thuộc các thành phố khác nhau  (Cheveland, Milwaukee, Pittsburgh)  và với sự hiện của ông Jim Nicholson, Ðại sứ Hoa kỳ cạnh Tòa Thánh,---- được mở đầu bằng bài hát: "Lạy Chúa,  xin ban bình an cho những ngày chúng con đang sống."

Khác với các buổi tiếp kiến chung của các thứ tư trước đây: lần này bài suy tư của ÐTC hoàn toàn dành cho ngày tưởng niệm vụ khủng bố kinh hoàng xẩy ra cách đây đúng một năm.

Sau lời kinh cầu nguyện cho hòa bình, ÐTC tưởng niệm các nạn nhân của vụ khủng bố và ngài nói lên sự gần gũi thiêng liêng của ngài với các gia đình đau khổ. Rồi ngài chất vấn lương tâm của những người đã phác họa chương trình và đã thi hành một ý định "man rợ và tàn bạo như vậy".

Vào cuối bài suy tư, trong lúc chào các đoàn hành hương của các quốc gia, ÐTC đã ứng khẩu nói với đoàn hành hương Ba lan như sau: "Hôm nay đây chúng ta cầu xin Thiên Chúa và xin Người thương xót và tha thứ cho những kẻ chủ mưu trong vụ tấn công kinh khủng này". Với các người đồng hương, ÐTC còn nhắc lại: "Cũng tháng 9 năm 1939, Ba lan bị Ðức Quốc Xã của Hitler tấn công. Chúng ta cũng đã bị bại trận. Chúng ta hãy cầu cho các nạn nhân của cuộc chiến ngày xưa, cũng như cho các nạn nhân của vụ khủng bố tại New York".

Buổi tiếp kiến kết thúc bằng bốn lời nguyện, bằng  tiếng Pháp, Anh, Tây ban nha và Ả rập. Ðây là lời cầu nguyện cho các nạn nhân của khủng bố - cho Giáo hội - cho Thanh niên và cho các tín hữu của tất cả các tôn giáo, ngõ hầu - nhân danh Chúa, đấng hay thương xót và yêu chuộng hòa bình -  các tín hữu biết khước từ  cách cương quyết mọi hình thức bạo lực và dấn thân giải quyết các vụ tranh chấp bằng đối thoại thành thực và nhẫn nại, vừa biết tôn trọng các kinh nghiệm khác biệt nhau về lịch sử, văn hóa và tôn giáo".

Cũng trong ngày tưởng niệm ngày 11/09, HÐGM Hoa kỳ cho phổ biến một thông cáo, trong đó các ngài nhắc lại những đau khổ, vì các vết thương trầm trọng vẫn còn sâu đậm trong tâm hồn người dân Hoa kỳ; nhưng các giám mục  cũng mời gọi nghĩ đến những vấn đề quan trọng của chiến tranh và hòa bình, để tìm những thể thức xứng hợp dựa trên công bằng mà thôi, và hãy trở nên những người thợ xây dựng hòa bình, những kẻ bảo vệ sự sống và phẩm giá của mọi người trong một thế giới đang bị chia rẽ bởi nạn khủng bố và bởi sự khinh miệt sự sống con người.

Thông cáo của các giám mục Hoa Kỳ còn viết thêm như sau: Ngoài việc tưởng niệm các nạn nhân của vụ khủng bố, chúng ta cũng cần nhớ đến các nạn nhân tại Afganistan nữa: quân đội Hoa kỳ và người dân địa phương. Các vị chủ chăn Giáo hội Công giáo Hoa kỳ giải thích như sau: "Mạng sống của mỗi một con người làm việc tại "Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế" (World Trade Center), hay  tại Bộ Quốc Phòng, hay trên chiếc máy bay bị rớt xuống Shanksville (Pennsylvania) hoặc tại Afganistan ... (mọi mạng sống con người) đều quí giá cả". Các Giám mục nhắc lại rằng việc bênh vực sự sống và công ích, cả hai  là bổn phận cần thiết biết là chừng nào. Các ngài viết tiếp như sau: "Trong khi thi hành bổn phận này,  chúng ta phải bảo đảm sẽ giới hạn việc xử dụng sức mạnh quân sự, bằng cách tuân giữ các luật lệ về chiến tranh và bảo vệ mạng sống các người vô tội".

Thông cáo kết thúc bằng những chỉ dẫn về việc chiến đấu chống khủng bố: trước hết bằng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và nhất là qua những "phương tiện phi quân sự", nghĩa là bằng việc từ chối giúp tài sản, từ chối loại ra ngoài lề các người theo phe khủng bố.

Ngày kỷ niệm vụ khủng bố còn được tổ chức trên cả thế giới, cách riêng tại các nơi đã xẩy ra vụ khủng bố như : Washington, Sanhsville (trong Bang Pennsylvania và New York). Các nạn nhân của các vụ khủng bố ngày 11/09 năm 2001 (tại New York, Washsington và bốn chiếc máy bay) lên tới trên ba ngàn.

Tất cả các lãnh tụ chính trị trên thế giới đều biểu lộ sự gần gũi với dân tộc Hoa kỳ, nhưng cũng có sự khác biệt về nội dung của các sứ điệp và của lễ nghi kính nhớ, tùy theo khuynh hướng chính trị của mỗi vị.

Tại Trụ sở LHQ, ông Kofi Annan, Tổng thư, tuyên bố: "Sau ngày 11 tháng 9 năm 2001, thế giới đã thấy rõ những hậu quả thể nuôi dưỡng ngọn lửa của thù ghét".

Tại nhà thờ chính tòa St. Paul của Anh giáo tại London, Ông Hoàng Carlo tham dự buổi cầu nguyện cho các nạn nhân và cho dân tộc Hoa kỳ. Tất cả mọi người dân Anh,  giữ một phút yên lặng vào lúc 13.46.

Thủ tướng Do thái, ông Ariel Sharon, tuyên bố: "Không có khủng bố tốt và khủng bố xấu. Tất cả đều thuộc về Trục của sự dữ, đe dọa hòa bình và sự ổn định của các quốc gia và thế giới".

Tại Trụ sở của Liên hiệp Châu Âu ở Bruxelles, ông Romano Prodi, chủ tịch Ủy Ban quản trị, tuyên bố: "Châu Âu phải thành một mặt trận chung với Hoa kỳ".

Tổng Thống Pháp Jacques Chirac tuyên bố tại Paris: "Hôm nay nước Pháp nhớ lại vụ khủng bố. Nước Pháp biết mình mắc nợ những gì với Hoa kỳ. Hôm nay đây nước Pháp nhắc lại tình hữu nghị với dân tộc Hoa kỳ".

Tổng Thống Ý, ông Carlo Arzeglio Ciampi, tuyên bố: "Những hình ảnh khủng khiếp kia của vụ khủng bố sẽ không bao giờ xóa nhòa khỏi lương tâm tôi. Tôi sẽ không thể trở lại Manhattan, mà không được chiêm ngưỡng nhớ thương hai Tòa nhà trọc trời của NewYork".

Tại Madrid, ngày 11/09 được kính nhớ tại Plaza de Colon, trung tâm Thành phố.

Tại Châu phi, cũng như tại các nước Hồi giáo, ngày 11/09 chỉ được kính nhớ tại một vài nơi. Tại Cộng hòa Nam phi, cựu Tổng thống Mandela (nay đã 84 tuổi) chỉ trích Hoa kỳ và coi là một đe dọa hòa bình thế giới. Ông chỉ trích nặng lời đường lối chính trị Hoa kỳ tại Trung Ðông và những đe dọa chiến tranh tại Irak. Ông cũng chỉ trích thế gới Tây phương về chính sách của họ tại Châu phi. Trong bài phỏng vấn dành cho Tuần báo Hoa kỳ "Newsweek", ông cho rằng: Tổng thống Bush chủ trương chiến tranh là để thỏa mãn ý muốn của kỹ nghệ dầu hỏa và của việc sản xuất vũ khí mới.

Tại Pakistan, nơi có nhiều nhóm Hồi giáo quá khích, lễ nghi kỷ niệm bị lu mờ bởi vụ bắn phá dữ dội tại Karachi, gây thiệt mạng cho hai người. Trái lại cộng đồng Kitô tại Islamabad nhớ ngày 11/09 bằng một cử chỉ tượng trưng mang ý nghĩa cao cả: thả nhiều chim bồ câu (biểu hiệu hòa bình) bay trên trời. Cử chỉ này nói lên ý nghĩa của ngày đau khổ và buồn tủi cho dân tộc Hoa kỳ và cho nhân loại, nhưng cũng nói lên niềm hy vọng trong tương lai: hy vọng về hòa bình giữa các dân tộc.

Tại Ấn độ, toàn dân giữ hai phút yên lặng và tổ chức nhiều buổi cầu nguyện, với sự tham dự của nhiều tín hữu đạo Sikh, dù tại Hoa kỳ họ gặp  nhiều khó khăn sau vụ khủng bố 11/09.

Tại Nhật bản, Ðại sứ Hoa kỳ trồng một cây "acer" (loại cây có rất nhiều tại Canada, và cung cấp gỗ quí) trước lối vào chính của Ðại sứ quán ở trung tâm Tokyo.

Ngoài ra, tại hầu hết các nhà thờ lớn trên thế giới (Công giáo, Tin Lành, Chính thống và đền thờ của các tôn giáo khác) đều có buổi cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ khủng bố tại New York, cách riêng tại khắp nước Ý, một dân tộc có nhiều liên lạc với dân tộc Hoa kỳ. Cũng nên nhắc lại: Trước và sau đệ nhị thế chiến, từng triệu  người dân Ý và Châu Âu đến lập nghiệp tại Hoa kỳ và Canada.

 


Back to Home Page