ÐTC tiếp  tân Ðại Sứ Hy lạp

trình thư ủy nhiệm

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

ÐTC tiếp  tân Ðại Sứ Hy lạp trình thư ủy nhiệm.

(Radio Veritas Asia - 3/09/2002) - Thứ hai 02/09/2002, tại Trại hè Castelgandolfo, ÐTC tiếp ông Christos Botzios, tân Ðại sứ Hy lạp trình thư ủy nhiệm. Ðại sứ Christos Botzios, sinh năm 1939, có gia đình và hai người con. Ông đã theo học tại các Ðại Học Roma, Sorbonne Paris và San Francisco, Hoa Kỳ. Sau đó ông đã giữ nhiều chức vụ khác nhau trong Chính phủ và trong Ngành ngoại giao. Ông đã giữ chức Cố vấn Ðại sứ quán Hy lạp tại Roma, rồi đại diện Chính phủ Hy lạp cạnh Tổ chức Nato. Sau thời gian trở lại làm việc tại Bộ ngoại giao, ông được cử làm Ðại sứ tại Kinshasa (Cộng hòa dân chủ Congo) - Rồi đại diện Hy Lạp tại Hội đồng thường trực cạnh "Tổ chức Tổ chức An ninh và Cộng tác Châu Âu" (OSCE,  Organisation Sécurité-Coopération Européenne)  tại Vienne, được thành lập năm 1975 tại Helsinki. Sau cùng Ông trở lại giữ chức Tổng Giám đốc Bộ Ngoại giao. Mới đây ông được bổ nhiệm làm Ðại Sứ bên cạnh Tòa Thánh. Tân Ðại sứ nói thành thạo tiếng Anh, Pháp, Ý, Ðức.

Trong diễn văn chào mừng Tân Ðại sứ,  ÐTC nhấn mạnh đến vấn đề hòa bình thế giới: Hòa bình bị đe dọa bởi nạn khủng bố khiếp sợ xẩy ra tại New York và Washington, cách đây gần  một năm. Hòa bình đang bị đe dọa bởi chiến tranh chống lại Irak, hòa bình đang bị phá hủy bởi 26 cuộc chiến lớn nhỏ đang xẩy ra tại nhiều nơi trên thé giới, cách riêng tại miền Trung Ðông giữa Palestine và Do thái. Theo thống kê: Các chiến tranh này hằng năm gây nên 9 triệu người chết và biết bao người bị thương, di tản, đói khổ trên Trái Ðất này.

Sau đó, ÐTC nhắc lại chuyến viếng thăm Hy lạp tháng 5 năm 2001, chuyến viếng thăm theo vết chân Thánh Phaolô, Tông đồ dân ngoại. Ngài cảm ơn Tổng thống và Chính phủ Hy lạp về cuộc đón tiếp nồng hậu. Ngài nhắc lại cuộc gặp gỡ với Ðức Giáo chủ và các nhân vật cấp cao của Giáo hội chính thống Hy Lạp. Ngài đặt hy vọng vào tương lai. Tuy con đường còn dài, nhưng đã có những dấu hiệu tích cực do cuộc gặp gỡ giữa Giáo hội Công giáo Roma và Giáo Hội Chính thống Hy lạp, cách riêng do chuyến viếng thăm đáp lễ mói đây của Phái đoàn Chính thống Hy lạp tại Vatican.

ÐTC không quên Cộng đồng Công giáo nhỏ bé tại Hy lạp, hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Qua Ðại sứ, ngài xin Chính phủ Hy Lạp xúc tiến việc công nhận các quyền của người Công giáo giữa Cộng đồng Quốc gia. Ngài yêu cầu tiếp tục công việc đối thoại xây dựng giữa Chính phủ Hy lạp và Tòa Thánh, để đi đến một quy chế pháp lý cho Giáo hội Công giáo tại Hy lạp, như tại các Quốc gia trong Liên hiệp Châu Âu hiện nay, để các tín hữu công giáo cũng như các tín hữu của các tôn giáo khác, được hưởng hoàn toàn các quyền tự do của họ.

Như chúng tôi vừa nhắc trên đây, trong dịp tiếp Ông Tân Ðại sứ Hy lạp, ÐTC kêu gọi  hòa bình, vì ngài thấy hòa bình thế giới luôn luôn bị đe dọa, cách nguy hiểm hơn cả có thể là chiến tranh tại Irak, bởi vì Hoa kỳ coi Tổng thống Sađam Hussein là thù địch số một và là người ủng hộ khủng bố quốc tế. Vì thế, Hoa kỳ quyết định loại bỏ Ông. Những đe dọa này sẽ đi đến đâu? Chưa ai biết. ÐTC kêu gọi hòa bình, nhưng ngài cũng đưa ra những lý do và những phương tiện tiến đến hòa bình.

Ðức Thánh Cha chia vui với Hy lạp, vì từ hơn 20 năm nay đã là thành viên của Liên hiệp Châu Âu. Ngài vui mừng vì Hy lạp và Tòa Thánh chủ trương mở rộng cửa Liên Hiệp Âu Châu cho các quốc gia khác nữa. Việc mở rộng này sẽ giúp củng cố hòa bình tại Châu Âu, cách riêng giữa các quốc gia miền Balcan.

ÐTC  vui mừng vì Hy lạp là một quốc gia luôn luôn trung thành với đức tin Kitô (hầu như 95% dân cư Hy lạp là tín hữu chính thống). Ngài nói: "Ðây là một gia tài quí báu, một trong các yếu tố  kết thành Quốc gia. Hy lạp biết rõ ràng rằng: gia tài tôn giáo này luôn luôn sống động trong lòng Châu Âu, không những như một ghi nhớ của quá khứ,  tạo nên một yếu tố quan trọng của nền văn hóa Châu Âu, nhưng còn như một nguồn mạch đem lại động lực và những triển vọng về tương lai cho việc xây dựng Châu Âu".

Nói  đến Châu Âu, ÐTC nhắc lại những lo lắng của ngài đã biểu lộ trong nhiều dịp, bởi vì các tôn giáo và các cộng đồng Kitô không được đả động gì đến tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp Châu Âu tại  Laeken, để chuẩn bị soạn thảo Hiến pháp Chung của Liên hiệp Âu Châu. Ngài đã nhắc lại cách riêng những lo lắng của ngài trong dịp tiếp Ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh ngày 10 tháng Giêng vừa qua, nhân dịp Ðầu năm dương lịch 2002.  Ngài tin chắc rằng Hy lạp, vốn trung thành với đức tin Kitô, sẽ đóng một vai trò quan trọng bên cạnh Liên hiệp Châu Âu, để chiều kích tôn giáo được công nhận và biểu lộ công khai trong Hiến Pháp tương lai.

Ðức Gioan Phaolô II kêu gọi hòa bình, trong dịp tiếp Tân Ðại sứ Hy lạp, bởi vì ngài nghĩ đến Thế vận Hội sẽ được tổ chức vào năm 2004 tại Athènes. Ngài quả quyết: "Thế vận hội sẽ đem đến cơ hội của một kinh nghiệm mới về tình huynh đệ giữa các dân tộc, để lướt  thắng thù ghét và làm cho con người và các dân tộc lại  gần nhau". ÐTC kêu gọi một cuộc đình chiến trong dịp Thế vận hội nầy. ÐTC đã nói như sau: "Trong dịp này tôi kêu gọi một cuộc đình chiến lâu dài,  ngừng mọi bạo lực, để tinh thần hòa bình và của sự đua tranh lành mạnh, tinh thần của các vị sáng lập Thế vận hội, được phổ biến trong mọi môi trường của xã hội và trên khắp năm Châu. Tôi tận tình cầu chúc để biến cố thể thao này trở thành một cuộc biểu diễn an vui của mọi người,  đều cùng thuộc về một cộng đồng nhân loại, cộng đồng huynh đệ và liên đới."

 

(TÐK)

 


Back to Home Page