Nạn bão lụt trên thế giới

Tiếng cảnh cáo của Thiên nhiên

của Thiên Chúa Ðấng Tạo dựng vũ trụ

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Nạn bão lụt trên thế giới - Tiếng cảnh cáo của Thiên nhiên của Thiên Chúa, Ðấng Tạo dựng vũ trụ.

(Radio Veritas Asia - 28/08/2002) - Nhật báo "Quan Sát Viên Roma" (L'Osservatore Romano), cơ quan bán chính thức Tòa Thánh, trong hai số ra ngày 26-27/08/2002 và ngày 28/08/2002 loan tin về những thiệt hại lớn lao do nạn bão lụt gây nên tại nhiều quốc gia trên trên thế giới. Số ra ngày 26-27/08/2002  dành hai bài về các thiên tai này. Bài thứ nhất  viết về "Những vụ bão lụt mới tàn phá tại Ðông dương và bán đảo Ấn độ". Trong bài này đặc phái viên nói đến những vụ bão lụt khiếp sợ xẩy  ra tại Trung quốc, trong các miền Tỉnh Hunan và Hubei, các riêng  mức nước của Hồ Dongtinh lên rất cao, tiếp tục đe dọa. Trong những ngày này, Ðài truyền hình cho thấy Chính phủ Bắc Kinh huy động một lực lượng đông đảo, gồm cả binh sĩ, để đặt các bao cát ngăn chặn mức lên vùn vụt của nước mưa. Số người bỏ nhà cửa ra đi phải tính từng triệu. Số thiệt hại về vật chất cho tới lúc này chưa thể ước lường được.

Tại Kampuchia, thứ hai (26/08/2002) Thủ tướng tuyên bố "tình trạng khẩn trương". Nạn lụt do nước sông Mekong, hầu như hằng năm, đang tàn phá các miền Bắc và miền Ðông quốc gia này. Thủ tướng Hun Sen nói: "Mức rộng lớn của nạn lụt này thật đáng lo ngại, sau thời kỳ hạn hán". Hai thiên tai này có thể là một vấn đề gay go cho dân chúng về thực phẩm. Thủ tướng  phái quân đội đến giúp đỡ người dân di tản khỏi các nơi bị bão lụt, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế cứu trợ các nạn nhân. Cho tới lúc này đã có 14 người thiệt mạng, không tính số người lâm cảnh màn trời chiếu đất.

Nạn bão lụt cũng lan tràn cả đến Lào quốc và Việt nam, cách  riêng miền  sông Cửu Long.

Một quốc gia khác , Myanmar (Miến điện)  thuộc bán đảo Ðông dương,  cũng bị nạn bão lụt. Chính phủ kêu gọi cộng đồng quốc tế cứu trợ, vì đây là một thiên tai chưa từng thấy từ 30 năm nay. Một triệu mẫu tây đất cầy cấy bị nước của nhiều con sông, trong đó có sông Ayeyatwady, sông lớn nhất của Miến điện, tràn bờ bao phủ.

Tình hình tại Nepal và Bangladesh cũng không kém bi đát. Tại Bangladesh hầu như nửa lãnh thổ quốc gia bị nước bao phủ. Tại Ấn độ, vào cuối tuần vừa qua, nạn bão lụt gây nên nhiều chết chóc và thiệt hại trong Bang Madhya Pradesh (miền trung Ấn độ). Số người di tản cho tới lúc này lên tới 12 ngàn; 25 người chết và 75 mất tích.

Bài thứ hai của  số báo "Quan Sát Viên Roma" phát hành ngày 27/08/2002, nói đến nạn bão lụt tại Cộng hòa Liên Bang Ðức, với tít đề: "Tại Thành phố Dresda, sinh hoạt bình thường đang từ từ trở lại. Tình hình vẫn  còn trong tình trạng khẩn trương, tuy mức nước của sông Elba đang giảm bớt".

Nạn lụt  cũng đã tàn phá Thành phố Praga, thủ đô của Cộng hòa Tchèque. Trong bài phỏng vấn dành cho nhật báo "Cộng Hòa" (La Repubblica), số ra ngày 28/08/2002, Tổng Thống Vaclav Havel tuyên bố: "Một tai hại như vậy tại Praga đã không bao giờ xẩy ra. Chúng tôi hiểu rằng: Thiên nhiên có thể báo oán". Ngoài Cộng hòa Tchèque, Áo quốc, Hungari cũng không thoát khỏi nạn lụt dữ dội của tháng tám năm 2002, do nước sông Danube tràn bờ.

Nhật báo L'Osservatore Romano số ra ngày 28/08/2002 nói đến nạn bão lụt tại Châu Phi và Châu Mỹ Latinh.

Sau khi nhắc đến những đe dọa vẫn còn đè nặng trên các miền bị bão lụt tại Trung quốc và Kampuchia, và tại Châu Âu do sông  Elba, Moldava và Danube tràn bờ, Cơ quan bán chính thức Tòa Thánh nói đến nạn bão lụt tại Tây ban nha, cách riêng miền Majorca. 11 địa điểm ở phía Ðông và phía Bắc được đặt trong tình trạng báo động. Tại Pháp, miền Côte d'Azur, thứ ba 27/08/2002, bị mưa bão lớn liên tiếp trong  5 tiếng đồng hồ. May thay, không có người nào bị thiệt  mạng. Trước đó, miền bắc đã bị nạn bão lụt, cách riêng thành phố Lille.

Châu phi và Châu Mỹ Latinh cũng không thoát khỏi thiên tai này. Trong những ngày này bão lụt đã tàn phá miền Ðông Algérie, gây thiệt mạng cho 30 người, trong đó có 10 trẻ em. Tại Châu Mỹ Latinh, trong miền trung-nam Chile,  nạn bão lụt gây nên do các con sông Biobio, Andalien, Teno, Lontué và Tinguiririca  tràn bờ. Khoảng 5 ngàn thổ dân bị cô lập tại Hualqui và Ralco. Trong miền Tonié và Concepción có 50 căn nhà bị nước bao phủ hoàn toàn.

Nhìn vào các thiên tai xẩy đến một lúc trên thế giới gây ra biết bao thiệt hại về sinh mạng và vật chất, Tổng Thống Vaclav Havel của Cộng hòa Tchèque, tuyên bố: "Cái đã xẩy ra tại miền Trung-Âu trong tháng 8 năm 2002, phải được dùng như bài học cho mọi người về biết bao đề tài thảo luận". Ông nói thêm:  "Trước hết, chúng ta phải tôn trọng môi sinh. Ðây là một suy tư tôi đã nói với nhiều chính phủ, các nhà chính trị và cả người dân nữa. Thế giới  đã huy động cấp tốc giúp đỡ chúng tôi, ngay đêm xẩy ra thiên tai và một cách nhanh chóng đáng ngạc nhiên. Tôi hiểu ngay rằng: không một người nào, không một quốc gia nào có thể nghĩ rằng: tự mình có thể làm được mọi sự, không cần đến ai. Chúng ta cần đến tình liên đới của nhau. Ðây là tính cách hoàn cầu hóa theo ý nghĩa tốt đẹp".

Ðây là một bài học cho mọi người, cách riêng cho các nhà cầm quyền các quốc gia và vận mệnh thế giới tham dự Hội nghị Thượng đỉnh tại Johannesburg. Các ngài bàn về việc cứu vớt môi sinh, về cảnh nghèo khổ, về sức khỏe, về nạn thất học, về phát triển toàn diện con người, nhưng trong lúc đó các ngài không từ bỏ lợi ích riêng của các ngài, thì làm sao các ngài có thể làm cho thế giới trở nên công bình hơn và tốt đẹp hơn? Tài sản trên thế giới này tập trung trong tay 20% người giầu có. Như vậy 80% dân số thế giới sống trong cảnh nghèo khổ, và hơn một tỉ người sống trong cảnh cùng cực dưới mức một Mỹ kim mỗi ngày. Theo Cựu Chủ tịch Nhà Nước Liên xô, ông Mikhail Gorbaciov, thì từ Hội nghị Summit ở Rio Janeiro, tình hình thế giới không khá hơn. Hố sâu giữa giầu và nghèo càng ngày càng thêm. Viện trợ của các nước giầu cho các nước nghèo, thay vì gia tăng,  lại giảm bớt. Thiên tai dồn dập xẩy đến khắp nơi trên thế giới trong tháng 8 năm 2002 này, cùng với vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 tại New York và Washsington,  đó là những tiếng cảnh cáo  từ Trên Cao gửi đến cho nhân loại.

Ðức Gioan Phaolô II trong bài kêu gọi các vị tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Johannesburg, nói rõ như sau: "Thiên Chúa trao cho con người quản trị và bảo tồn trái đất".Con người có trách nhiệm nặng nề trước mặt Ngài và cần  tránh những vụ khai thác bừa bãi thiên nhiên. Thiên nhiên phải được tôn trọng. Con người không thể hành động  theo tính ích kỷ của mình nữa.

 


Back to Home Page