Sứ điệp của cựu Chủ tịch Liên xô

ông Mikhail Gorbaciov

gửi các phái đoàn tham dự

Hội Nghị Thượng Ðỉnh Về Môi Sinh

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Sứ điệp của cựu Chủ tịch Liên xô, ông Mikhail Gorbaciov, gửi các phái đoàn tham dự Hội Nghị Thượng Ðỉnh Về Môi Sinh.

(Radio Veritas Asia - 26/08/2002) - Hội nghị thượng về Môi Sinh do Liên hiệp quốc tổ chức, sau 10 năm Hội nghị Thượng đỉnh tại Rio de Janeiro (Brazil),  với bốn mục tiêu chính, đã được khai mạc sáng thứ hai 26/08/2002 tại Johannesburg của Cộng hòa Nam phi; bốn mục tiêu chính đó là:  Giảm một nửa số người nghèo khổ trên thế giới - Cung cấp nước uống cho những ai không có - Tối tân  các dịch vụ về năng lượng (điện, khí đốt) - Cổ võ và canh tân nghề  nông tại Thế giới thứ ba.

Cựu Tổng thống Liên xô, ông Mikhail Gorbaciov, được mời tham dự Hội nghị, nhưng sức khỏe không cho phép ông đến dự. Ðể thay thế cho sự  vắng mặt  này, Ông gửi một sứ điệp cho Hội nghị. Ðây là một sứ điệp rất đáng suy tư và nhất là đem ra thực hành những điều ông nêu lên, nếu Hội nghị thượng đỉnh muốn thành công và không muốn để lại thất vọng cho thế giới như Hội nghị thượng đỉnh Rio de Janerio cách đây 10 năm (1992). Sứ điệp này được đăng trên nhật báo La Stampa, xuất bản tại Torino (Ý), số ra ngày 26/08/2002. như bài xã thuyết quan trọng. Chúng tôi xin được dịch lại để mọi người, cách riêng các vị trách nhiệm quốc gia, quốc tế và cả mỗi người dân trên trái đất này cùng suy tư và nhất là đem ra thực hiện, nếu muốn đạt tới bốn mục tiêu do Hội nghị đem ra bàn thảo trong 10 ngày tại Johannesburg, cộng hòa Nam Phi.

Cựu Tổng thống Liên xô viết: Hôm nay (thứ hai 26/08/2002) khai mạc Hội nghị thượng đỉnh thứ hai về Trái đất. Hơn 100 vị quốc trưởng và thủ tướng đã đến Johannesburg và sự kiện này có nghĩa là các vị lo lắng đến số phận nhân loại. Nhưng lo lắng thôi không đủ. Khoảng cách giữa lo lắng và những hành động cụ thể còn rất lớn lao.

Cách đây 10 năm, tại Rio de Janeiro, đã có những lo lắng khá nhiều rồi, nhưng chúng ta có thể nói gì về tình hình, trong đó chúng ta đang sống ngày nay? Nhìn lại những biến cố của 10 năm qua, tôi chỉ cảm thấy một sự thất vọng và một sự lo lắng lớn lao.

Nhiều người trong chúng ta có cảm giác này là, với việc chấm dứt chiến tranh lạnh, với việc sụp đổ của Bức tường Berlin, biểu hiệu hữu hình của chiến tranh lạnh, nhân loại có thể nhìn vào tương lai với niềm hy vọng. Lúc đó xem ra nhân loại bị đe dọa bởi chiến tranh nguyên tử, bởi những tranh chấp về ý thức hệ, nay xem ra có thể đồng hành tiến trên con đường phát triển bền bỉ, có thể đưa ra những biện pháp khẩn cấp,  để chiến đấu chống cảnh nghèo khổ và chống lại những hậu quả tai hại của việc ô nhiễm môi sinh, có thể thay đổi  tính cách hoàn cầu hóa, bằng việc đưa vào việc hoàn cầu hóa này những quan niệm cần thiết như tình liên đới, các quyền con người, sự tự do cá nhân.

Cựu Tổng thống viết tiếp: Nhưng tiếc thay những cơ hội này đã được xử dụng tối thiểu, không đủ. Nhân loại thụt lùi, sánh với thời gian đã qua. Việc mừng cái chết của Chế Ðộ cộng sản được kéo dài quá lâu, trong lúc chúng ta mất đi cái nhìn về tính cách phức tạp, về  các vấn đề và về những tương phản của thế giới. Cảnh nghèo khổ và chậm tiến bị quên lãng; các vấn đề của môi sinh bị đặt bên ngoài lương tâm tập thể...

Ngày 11 tháng 9 năm 2001 đã phơi bày cho ta thấy rằng không có một thế giới đồng nhất. Thậm chí Quốc gia hùng cường nhất trên thế giới đã  khám phá thấy mình dễ bị gây thương tích, cảm thấy bất lực trong việc đương đầu với những đe dọa của chính sách khủng bố quốc tế. Cần ước mong rằng: thời biểu nầy, tức ngày 11/09/2001,  ghi dấu việc chấm dứt những ảo tưởng phát sinh bởi lý luận sai lầm  trong thế giới Tây phương, rằng  sau thời chiến tranh lạnh và sau sự tan rã của Liên xô, thế giới sẽ là một thế giới cùng theo một hướng đi.

Nhà chính trị Liên xô viết thêm: Hội nghị thượng đỉnh Johannesburg phải đem lại một điểm ngoặc về chiều hướng này: thế giới cùng đi theo một lối đi, nghĩa là ngoài việc tố giác, cần phải đối phó với những bổn phận cụ thể và khẩn cấp về một cuộc phát triển có thể chịu đựng được, quân bình. Nếu các lãnh tụ không có khả năng làm như vậy, không qui định cho mình những bổn phận và những tài sản cần thiết để thực hiện, tôi sợ rằng chính tư tưởng về một Hội nghị như vậy, sẽ hoàn toàn bị mất tín nhiệm.

Khi chế độ cộng sản bị tan rã, một nhà hàng hải thời danh của Pháp, ông Cousteau, nói cách rất chí lý: "Cái gây hại lớn cho môi sinh, không do chế độ cộng sản, nhưng do chính sách kinh tế thị trường, bởi vì đối với nền kinh tế như vậy, mọi cái đều có giá của nó, không có gì là không có giá trị. Nói vậy, tôi không có ý mời gọi trở lại chế độ cộng sản, bởi vì tôi cho rằng: ảo tưởng cộng sản từ  nay  đã tận số; nhưng tôi có chiều hướng muốn nghĩ về ảo tưởng đó như ông Cousteau đã nghĩ. Các việc xẩy ra đang cho  chúng ta thấy rõ rằng: những tính toán hoàn toàn chỉ hướng về kinh tế mà thôi (tính cách lợi lộc tức khắc của số vốn bỏ ra) không thể cho phép chúng ta vượt qua được những thách đố về môi sinh. Thị trường không có khả năng tính toán về cái quí báu cho nhân loại, trong 100 năm nữa. Làm sao có thể đánh giá vẻ xinh đẹp của một cái hồ  hay một ngọn núi đầy tuyết trắng tinh? Ai  là người sẽ tính toán đến tính cách lợi hại về việc cứu vãn các thú rừng hoặc của từng trăm loại sâu bọ,  hiện không làm ích lợi gì cho ai  cả?

Chủ tịch Gorbaciov nhấn mạnh: Nhưng chúng ta hãy thành thực với chính mình: chờ đợi những thay đổi tận căn là điều vô ích, nếu chúng ta không thay đổi tâm trạng xã hội của tiêu thụ, tâm trạng này đã chiếm toàn địa cầu cùng với việc toàn cầu hóa. Ðiều quá rõ ràng là xã hội tiêu thụ không phù hợp với những quân bình thiên nhiên và nó đang làm hư con người.

Tôi còn nhớ một cuộc nói chuyện cách đây ít năm với cựu ngoại trưởng Hoa kỳ, ông George Schultz. Lúc đó là năm 1992. Chúng tôi trò chuyện với nhau suốt cả đêm. Tôi nói với ông: "Các ông người Hoa kỳ muốn xuất cảng nếp sống của các ông khắp nơi. Nhưng các ông tiêu thụ 44% tất cả điện năng trên thế giới. Nếu các quốc gia khác cũng bắt đầu sống theo mức sống của các ông, thì tất cả dự trữ của Trái đất này sẽ cạn đi trong vòng ít năm".

Chủ tịch Gorbaciov nhận xét: 10 năm qua đi rồi (từ Hội nghị Rio de Janeiro) và tình hình thực sự không khá hơn. Gần một tỉ người đang đói khổ và trong lúc đó tại Hoa kỳ, cứ bốn người, có một nguời  mắc chứng béo mập. Không ai nghĩ rằng: đây  là một tương phản nguy hiểm sao?  Chúng ta không ý thức được rằng đây không phải là dấu hiệu của tính cách bình thường, khi nhìn vào sự kiện này là trong 36 triệu người mắc chứng bệnh AIDS, có 23 triệu đang ở Châu phi?  Hay chúng ta không thấy rằng: chỉ thành phố Tokyo mà thôi (thủ đô Nhật) có các đường điện thoại bằng tất cả các đường điện thoại của Châu phi? Hoặc không ai nghĩ rằng: 130 triệu trẻ em không bao giờ được đến trường? Tại Botswana (Châu phi), mức sống trung bình chỉ tới 41 tuổi. Viện trợ của các quốc gia giầu có thay vì tăng lên lại giảm xuống....

Cựu chủ tịch Liên xô kể lại lời của một nhà chính trị lỗi lạc, suốt đời sống nghèo khổ, chỉ nghĩ đến dân, đến nước mình mà thôi, được cả thế giới cảm phục: Ông Mahatma Ghandi, đại  lãnh tụ và là người Cha của dân tộc Ấn độ. Bậc thánh hiền này liệt kê bẩy tội xã hội của nhân loại: một đường lối chính trị không có nguyên tắc - một nền thương mại không kể chi luân lý, đạo đức - một sự giầu có không do việc làm -  một nền giáo dục không có phẩm chất - một khoa học không đếm xỉa đến nhân loại - một thú vui không coi sao  lương tâm - một kỷ luật không có tinh thần hy sinh.

Rồi cựu chủ tịch Mikhail Gorbachiov thách thức: Ai nghĩ rằng mình vô tội, xin hãy ném đá vào tôi đi; nhưng xin các vị hãy làm bản thống kê về trách nhiệm các vị đang mang trên vai,  với tư  cách là những người lãnh đạo hiện nay.

Sau đó, ông nêu lên ba thách đố cần đối phó khẩn cấp, để thành công. Thách đố thứ nhất  trước mắt là bảo vệ hòa bình và tìm cách chấm dứt các vụ tranh chấp,  bằng cách ngăn cản để vết máu đừng lan rộng  đến các nơi khác trên địa cầu. Bởi vì trong các nước tham dự vào các cuộc tranh chấp này, có những nước đã có vũ khí nguyên tử và hóa chất. Cộng đồng thế giới phải đoàn kết với nhau trong chiến dịch chống chính sách khủng bố, bởi vì chính sách này không thể biện minh cho mình bằng bất cứ cách nào.

Thách đố thứ hai là chống lại cảnh nghèo khổ. Làm sao người tỉ phú trong số ít người may mắn, làm giầu trên đau khổ của nửa dân số thế giới? (trên 3 tỉ rưỡi).

Thách đố thứ ba: là chính vấn đề môi sinh thiên nhiên. Không cần phải đeo kính mới thấy những thay đổi của thời tiết, việc gia tăng những thiên tai, bão lụt, và phá rừng. Từng trăm loại cây, loại súc vật biến mất; băng tuyết tan, và biển cả trở nên nghèo nàn.

Ðây là ba thách đố liên kết mật thiết với nhau. Nếu chúng ta không đoàn kết chống lại chiến tranh, chúng ta không thể tìm thấy sự cứu vãn Trái đất này được.  Nếu chúng ta không chiến đấu chống cảnh nghèo khổ, lúc đó chúng ta không thể chiến đấu chống lại chủ nghĩa cuồng tín, tính cách tội ác và nạn a phiên được. Nếu chúng ta không chiến đấu để thoát khỏi cảnh nghèo khổ, thì tất cả những biện pháp về môi sinh đều vô ích. Làm sao có thể cấm các người nghèo ở miền Amazzonia (Brazil) chặt cây, đốt rừng để có đất canh tác?  Làm sao chúng ta có thể đòi hỏi một xứ sở sống trong cùng cực, thực hiện những biện pháp đắt đỏ của việc bảo vệ thiên nhiên?  Nhưng nếu chúng ta không lo lắng đến thiên nhiên, thì cả những nỗ lực của chúng ta để làm cho thế giới công bình hơn, đều trở nên vô ích và các thế hệ sau sẽ phải trả giá cho sự điên rồ của chúng ta đang làm hại  thiên nhiên. Và chính sụ sống trên Trái đất này, xét về lâu dài, có thể sẽ chỉ là một giai đoạn chóng qua.

Nhà chính trị Liên xô kết thúc sứ điệp như sau: Về tất cả những điều này chúng ta phải học hỏi và suy tư cách mới mẻ. Chúng ta cần đến một trật tự mới, được xây dựng trên công bình và trên sự bình đẳng về các quyền, chứ không phải trên việc tìm kiếm lợi lộc.

 


Back to Home Page