Ðức Gioan Phaolô II kêu gọi

các vị Quốc trưởng, Thủ tướng

và Ðại diện các quốc gia

tham dự Hội nghị thượng đỉnh

về Môi Sinh, tại Johannesburg

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ðức Gioan Phaolô II kêu gọi các vị Quốc trưởng, Thủ tướng và Ðại diện các quốc gia tham dự Hội nghị thượng đỉnh về Môi Sinh, tại Johannesburg.

(Radio Veritas Asia - 27/08/2002) - Trưa Chúa nhật 25/08/2002, trước ngày khai mạc Hội nghị thượng đỉnh tại Johannesburg, trong giờ đọc kinh Truyền Tin tại Trại hè Castelgandolfo, ÐTC đã lên tiếng kêu gọi các Vị Quốc trưởng, Thủ tướng và Ðại diện các quốc gia trên thế giới tham dự Hội nghi,  một khi được thúc đẩy bởi một ơn gọi về môi sinh, hãy tìm ra những con đường mới cho việc phát triển phù hợp với môi sinh và với nhu cầu của con người.

Hội nghị nhằm đến những mục tiêu sau đây: Giảm một nửa số người nghèo trên thế giới -- Cung cấp nước uống cho những người không có - -Tân thời hóa các dịch vụ về năng lượng ----và cổ võ nền nông nghiệp của Thế giới thứ ba.

Ðức Gioan Phaolô II nói: "Con người được Thiên Chúa đặt làm kẻ quản trị Trái đất, để canh tác và bảo vệ. Và đây chính là ơn gọi môi sinh "vocazione ecologica". Ơn kêu gọi này rất khẩn cấp trong thời đại ta".

Ðây không phải là lần thứ nhất Ðức Gioan Phaolô II đề cập đến vấn đề môi sinh. Từ 10 năm nay ngài đã cố gắng hòa hợp và liên kết khoa Môi sinh và công bình xã hội với nhau.  Năm 1990, ÐTC đã nhắc: Thế giới Tây phương đừng khai thác bừa bãi các tài nguyên của Trái đất này. Vào tháng sáu năm 2002, ngài đã cùng với Ðức Bartolomeo đệ nhất, Giáo Chủ chính thống Constantinopoli,  ký một văn kiện, chống lại những khai thác bừa bãi các tài nguyên  thiên nhiên. Văn kiện này viết: "Việc hủy hoại của một số tài sản thiên nhiên căn bản cho sự sống con người, như nước, khí trời và đất  đai, gây nên nguy hiểm, do bởi một tiến bộ kỹ thuật và kinh tế không còn biết đến giới hạn nào cả".

Trong dịp Hội nghị thượng đỉnh tại Johannesburg, được trịệu tập  với sự tham dự thật đông đảo và hăng say của các phái đoàn trên thế giới, với hy vọng giải quyết được các vấn đề đem ra thảo luận;  nhưng bóng tối của một thất bại, như Hội nghị thượng đỉnh Rio de Janeiro, cách đây 10 năm, vẫn đè nặng trên Hội nghị. Ký giả Giovanni Sartori, viết trong bài bình luận đăng  trong nhật báo Corriere della sera (26/08/2002) như sau: "Mọi người đến Johannesburg, trừ có "lương tri" (bon sens). Ông thuật lại lời tuyên bố rất hay ho của một vài phái đoàn tham dự; rồi ông kết luận: "Không cần kể lại những lời tuyên bố khác nữa. Tất cả đều là một bài ca hơn kém giống nhau, được lặp đi lặp lại như một cuốn sách đầy những mơ ước tốt đẹp, nhưng toàn là những ảo tưởng, lường gạt mà thôi". Ông viết tiếp: "Tôi không cầu mong Hội nghi thất bại, nhưng tôi thấy thảm kịch này là nó đã chết ngay lúc sinh ra".

Chúng ta không ngạc nhiên về những bi quan của ký giả Giovanni Sartori, vì ông đã dựa theo kinh nghiệm Ông đã có về  Hội nghị Rio de Janeiro cách đây 10 năm. Chính Cựu chủ tịch Liên xô, ông Mikhail Gorbaciov cũng đặt câu hỏi trong sứ điệp  gửi cho Hội nghị Johannesburg: "Trong 10 năm qua các ngài đã làm những gì? Chúng ta hãy thành thực: Nếu tâm tình xã hội của chúng ta không thay đổi, thì chờ đợi những thay đổi tận gốc rễ khác, là điều vô ích". Ðúng như vậy, muốn thay đổi xã hội, trước hết con người phải thay dổi chính bản thân mình. Bao lâu người còn chỉ nghĩ đến mình, sống trong ích kỷ, thì lúc đó xã hội không bao giờ tốt đẹp hơn được.

Chúng ta thử nhìn vào các vấn đề được đem ra thảo luận: trước hết là việc cung cấp tài chánh cho việc phát triển - các nước nghèo được đến dễ  dàng các thị trường của các nước giầu - chiến đấu chống việc hủy hoại môi sinh - có nước dùng hằng ngày và các dịch vụ vệ sinh cho 2 tỉ rưỡi người hiện thiếu thốn - Chia sẻ năng lượng v.v... Làm sao  có thể tìm ra sự thỏa thuận của 104 phái đoàn - trong đó phái đoàn Nhật gồm 500 nhân viên, Pháp 200 và các phái đoàn khác cũng không thua kém - -- Vậy làm sao để gặp được sự thỏa thuận  của 104 phái đoàn về một văn kiện chung kết của Summit?  Hội nghị FAO cách đây 5 năm (cuối năm 1997) cùng nhau hô hào giảm nạn đói; nhung nạn đói vẫn gia tăng - Sau 5 năm, (tức  vào năm 2002 nầy) cũng Hội nghị Thượng đỉnh FAO ở Roma phàn nàn vì thiếu tài chánh, nên chương trình cứu đói bị chậm lại. Ðáng buồn thay!

Ðứng trước bóng tối này, ÐTC với hết nghị lực kêu gọi các Quốc trưởng, Thủ tướng và Ðại diện các quốc gia tham dự, hãy cố gắng tìm ra những con đường hiệu nghiệm để tiến đến một cuộc phát triển toàn diện con người, bằng việc quan tâm đến chiều kích kinh tế, xã hội và môi sinh. Lời kêu gọi nghĩ đến trách nhiệm, nhân danh Thiên Chúa, nhưng cũng nhân danh lương tri (Bon sens). Bởi vì -  ÐTC nói - trong một thế giới có nhiều điều luôn luôn lệ thuộc nhau, hòa bình, công lý và việc bảo vệ thiên nhiên chỉ có thể là thành quả của dấn thân liên đới của mọi người trong việc theo đuổi công ích". Lời lẽ thật rõ ràng và mạnh mẽ, được kèm theo với những hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh, cũng rỏ ràng và mạnh mẽ như vậy.

Tòa Thánh đã cử một phái đoàn cấp cao tham dự Hội nghị, do Ðức TGM Renato Martino, Quan sát viên tại Liên hiệp quốc từ nhiều năm nay, cầm đầu. Ðức TGM là một nhà ngoại giao kinh nghiệm và  đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh Rio de Janeiro cách đây 10 năm. Ngài biết rõ thế giới mà ngài sẽ gặp tại Johannesburg. Trước khi lên đường, trên đài phát thanh Vatican, Ðức TGM Martino tuyên bố lập trường của Tòa Thánh tại Hội nghị thượng đỉnh: điểm quan trọng hơn cả cần phải tranh đấu là vấn đề nước. Vấn đề này - theo Trưởng phái đoàn Tòa Thánh - còn quan trọng hơn cả vấn đề ô nhiễm môi sinh.

Hội Caritas và Văn phòng Hội đồng Giám mục Ý về các vấn đề xã hội, cảnh cáo rằng: "Nếu không thực hiện cấp tốc một đường lối chính trị về các tài nguyên nước, thì trong năm 2020, sẽ có ba tỉ người không có nước dùng". Ðể cụ thể hóa lời quả quyết trên đây, Ðức TGM Martino  loan báo là Phái đoàn Tòa Thánh sẽ ủng hộ lập dự án của  Ðảng Xanh và Greenpeace, về việc xử dụng tài nguyên nước. Chuơng trình của Wwf được nghiên cứu để điều hành một cách hợp lý các sông ngòi chảy qua nhiều nơi trên Trái đất này, bởi vì sự sống của 40% dân số trên thế giới ngày nay  tùy thuộc vào nước của các sông ngòi này.

Nhật báo Công giáo Ý Avvenire số ra ngày 27/08/2002 viết như sau: "Hội nghị Summit khai mạc trong hồ nghi và bấp bênh: 104 phái đoàn, đầy những chuyên viên thuộc nhiều quốc gia trên thế giới, sẽ vất vả  nhiều để tìm ra một thỏa hiệp, dù chỉ trên những nguyên tắc căn bản mà thôi". Báo này viết thêm: "Vì thế những cuộc gặp gỡ quan trọng hơn được diễn ra không có sự tham dự của mass-media. Mọi người đều làm việc để tránh thất bại. Trong bản văn chung kết, các xa cách nhau về từng trăm mục tiêu xem ra như không thể lại gần nhau được". Có lẽ cũng để tránh thất bại, Tổng thống Cộng hòa Nam phi, ông Thabo Mbeki, trong diễn văn khai mạc, đã kêu gọi: "Trong thế giới, ước chi luật của người mạnh,  đừng chiếm phần thắng". Nhưng các đề tài thảo luận luôn luôn vấp phải những tranh luận giữa các quốc gia chủ trương bênh vực quyền lợi kinh tế riêng của mình. Vậy ai là người nghĩ đến công ích nhân loại?

 


Back to Home Page